Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới

Chủ nhật - 04/05/2025 05:42 10 0
Qua 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới (viết tắt là Nghị quyết số 10-NQ/TU), ngành du lịch thành phố Cần Thơ đã tập trung phát huy tốt các lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch. Nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của du lịch trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố ngày càng được nâng cao và có nhiều chuyển biến tích cực. Giai đoạn 2022 - 2024, du lịch thành phố Cần Thơ đã đạt được một số kết quả nổi bật.
4 5 banhdangian
Lễ hội Bánh dân gian hàng năm đã góp phần thêm đa dạng loại hình du lịch thu hút du khách đến với Cần Thơ. Ảnh: Lê Phú.

Thực hiện các mục tiêu tổng quát và cụ thể theo Nghị quyết số 10-NQ/TU


Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền thành phố quan tâm đẩy mạnh phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội chất lượng cao; thu hút các nhà đầu tư chiến lược, phát triển các khu dịch vụ cao cấp, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đã đầu tư tại thành phố Cần Thơ như: Tập đoàn Novaland, Vingroup, Mường Thanh, Tập đoàn Indochina Kajima tại Việt Nam là chủ đầu tư của Khách sạn Wink Cần Thơ, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) và Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Sài Gòn Co.op (SCID) là chủ đầu tư khách sạn Charmant Suites Cần Thơ... Thành phố phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Cần Thơ trở thành trung tâm du lịch và điều phối khách cho toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long và là một trong những trung tâm phát triển du lịch của cả nước, khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, khu vui chơi giải trí phức hợp chất lượng quốc tế. Qua đó, thành phố đang tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù như du lịch sinh thái sông nước, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch văn hóa - tham quan các di tích lịch sử - văn hóa...; hệ thống hạ tầng du lịch được đầu tư phát triển theo hướng mở rộng, đang dạng sản phẩm, nâng cao chất lượng phục vụ theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Công tác quản lý nhà nước về du lịch được quan tâm, chất lượng hoạt động của các điểm, các tour, tuyến du lịch ngày càng thu hút nhiều lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, từng bước tạo dựng thương hiệu du lịch Cần Thơ thật sự là “Điểm đến du lịch lý tưởng - an toàn - thân thiện - chất lượng”, nơi hội tụ của “Văn minh sông nước Mekong”.

Tổng lượt khách tham quan, du lịch năm 2024 là 6.366.000 lượt. Khách du lịch lưu trú cả năm 2024 đạt 3.141.000 lượt; trong đó, khách quốc tế lưu trú đạt 181.000 lượt (chiếm 5,7%). Thành phố có 638 cơ sở lưu trú, với tổng số gần 11.000 phòng; trong đó, số phòng đạt chuẩn từ 3 sao và tương đương trở lên đạt khoảng 23%. Thu hút khoảng 10.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch; trong đó, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ đạt 75%. Theo đánh giá của các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và cơ sở lưu trú phục vụ khách quốc tế, chi tiêu bình quân của khách du lịch quốc tế lưu trú tại thành phố Cần Thơ khoảng từ 200 - 250 USD/khách. Tính đến hết năm 2024, số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch tại thành phố Cần Thơ là 1,8 ngày.

Kết quả thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết số 10-NQ /TU

Công tác tuyên truyền về phát triển du lịch được các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố quan tâm thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thông qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng về hoạt động du lịch, lồng ghép trong các sự kiện, hội nghị lớn, quảng bá về hình ảnh, vùng đất và con người Cần Thơ trên báo, đài, Cổng thông tin điện tử thành phố, thực hiện các pa-nô, băng-rôn, màn hình Led... đặt tại trung tâm các quận, huyện, sân bay, các tuyến đường chính vào trung tâm thành phố góp phần đa dạng điểm đến, giới thiệu, quảng bá hình ảnh thành phố Cần Thơ đến với du khách trong và ngoài nước.

Nhiều văn bản, danh mục dự án thu hút đầu tư vào thành phố giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030 được ban hành, trong đó, mời gọi dự án phát triển du lịch gồm Khu đất Khu du lịch sông Hậu, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (7,83 ha), Khu đất vòng xoay khu vực cồn Cái Khế (2,3 ha), Khu đất công viên nước khu vực cồn Cái Khế (4,61 ha); Khu vui chơi giải trí tại quận Ô Môn (47 ha). Đối với thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào lĩnh vực du lịch: Ủy ban nhân dân thành phố quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư 02 dự án gồm Dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ để hoạt động du lịch, kinh doanh văn phòng Aeon Mall Cần Thơ với tổng vốn đăng ký đầu tư 5.400 tỷ đồng; Dự án Khu nghỉ dưỡng sinh thái Cần Thơ (Cantho Eco resort) với tổng vốn đăng ký đầu tư 150 tỷ đồng; thành phố tạo môi trường du lịch thông thoáng nhằm thu hút đầu tư: hình thành các khu du lịch quy mô, các khu phức hợp vui chơi giải trí, thương mại - dịch vụ hiện đại…; về xây dựng chính sách hỗ trợ, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó, có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; triển khai chương trình cho vay vốn làm du lịch từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Cần Thơ; giai đoạn 2022 - 2024, đã giải ngân cho hơn 34 dự án với số tiền 2 tỷ 410 triệu đồng. Cũng trong thời gian này, thành phố đã tổ chức 35 lớp bồi dưỡng, tập huấn cho 1.517 lao động trong ngành du lịch; 07 khóa đào tạo du lịch bền vững miễn phí cho nhân viên, người lao động đến từ các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

Nhằm tăng cường các hoạt động liên kết, mở rộng đầu tư phát triển du lịch thành phố ký kết các chương trình, biên bản về hợp tác, liên kết phát triển du lịch với 19 tỉnh, thành phố trong nước, nội dung tập trung vào các giải pháp hình thành tuyến du lịch liên vùng. Bên cạnh đó, khuyến khích, tạo điều kiện mở các tuyến đường bay mới kết nối với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài như Cảnh hàng không Quốc tế Cần Thơ, các tuyến hành không nội địa. Từ năm 2022 - 2024, thành phố đã tổ chức các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch như: vớt rác trên sông hưởng ứng Ngày Du lịch Việt Nam (09/7) lần thứ I, II, III; tổ chức Ngày hội xe đạp thể thao “nối vòng tay lớn Bắc - Trung - Nam”, lần thứ IV năm 2022...; tổ chức các đoàn xúc tiến, quảng bá du lịch, kết nối giao thương, nhằm tăng cường hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ, xúc tiến đầu tư mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến thành phố đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, du lịch tại các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Hoa Kỳ, Anh... Đồng thời, tham dự các sự kiện, hội nghị, hội thảo về xúc tiến thương mại, cung cấp cho các doanh nghiệp tham dự các sự kiện trong và ngoài nước nhằm hỗ trợ mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác như: năm 2022 tham gia đoàn công tác của Tổng cục Du lịch dự hội nghị hợp tác du lịch Việt Nam - Đài Loan lần thứ 9 tại Đài Loan (Trung Quốc), tham gia gian hàng quảng bá du lịch thành phố Cần Thơ tại Lễ hội Biển Campuchia lần thứ 9...

Thực hiện các hình thức quảng bá du lịch như: video clip giới thiệu tổng quan về du lịch thành phố Cần Thơ; lắp đặt các pa-nô quảng bá du lịch; xây dựng ứng dụng sách, sổ tay, tờ rơi điện tử; ấn phẩm du lịch bằng các ngôn ngữ Việt - Anh, Việt - Hàn, Việt Nhật để giới thiệu đến du khách thông qua các kênh lữ hành, khách sạn, lễ hội, sự kiện... trong và ngoài nước; đồng thời, cập nhật thông tin, giới thiệu qua báo, đài và các website; đến nay, đã kết nối với 54 Cổng thông tin điện tử ở các vùng trọng điểm về du lịch. Thành phố đầu tư và hoàn thành nhiều công trình quan trọng, thúc đẩy du lịch phát triển như: Cảng hành không Quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, thành phố hiện có 03 cảng du lịch, 76 bến đưa khách ngang sông, 163 phương tiện tàu du lịch, 03 du thuyền, 09 tàu ngủ đêm, 11 tàu cao tốc, vận tải hành khách công cộng bằng xe điện có 02 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động góp phần đa dạng các loại hình dịch vụ, thu hút du khách đến tham quan.

Công tác quy hoạch và xây dựng đô thị được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến 2030 để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, cụ thể: tập trung hoàn thành và phê duyệt 04 đồ án quy hoạch phân khu đô thị của các quận Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và Thốt Nốt; đầu tư, khai thác các công trình, di tích lịch sử văn hóa gắn với phát triển du lịch; triển khai thực hiện đầu tư dự án và kêu gọi đầu tư các công trình văn hóa lịch sử như Khu di tích lịch sử lộ Vòng Cung, Đền thờ Vua Hùng, Cầu đi bộ Ninh Kiều, Công viên Lưu Hữu Phước.... Bên cạnh đó, các dự án do thành phố chủ trì thực hiện triển khai đầu tư: Tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (khởi công năm 2023); Đường tỉnh 923, Đường tỉnh 917; Đường tỉnh 918; Đường tỉnh 921 (04 dự án này khởi công năm 2022); Đường vành đai phía Tây thành phố Cần Thơ đoạn nối Quốc lộ 91 và Quốc lộ 61C (khởi công năm 2022);...

Giải pháp phát triển du lịch Cần thơ trong thời gian tới

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch của thành phố trong thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế như: quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng, bến bãi kết nối với các điểm du lịch đường sông còn hạn chế; nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch còn thấp, chưa có các khu vui chơi, giải trí phức hợp quy mô lớn, các đường bay quốc tế tại Sân bay Cần Thơ dừng khai thác ảnh hưởng đến lượng du khách du lịch đến Cần Thơ.

Trong thời gian tới, để ngành du lịch thành phố tiếp tục đạt hiệu quả cao, cấp ủy các cấp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Một là, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 10-NQ/TU cảu Thành ủy Cần Thơ và Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”, xác định phát triển du lịch là trọng tâm, lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và của toàn xã hội.

Hai là, đổi mới tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, chương trình hành động và có thể chế, chính sách đột phá, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư; tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Ba là, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch, phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; tạo điều kiện người dân trực tiếp tham gia kinh doanh và hưởng lợi từ du lịch; có chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái; phát triển sản phẩm du lịch từ mô hình nông nghiệp.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực du lịch có chất lượng cao, tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý du lịch các cấp; bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng tay nghề, ngoại ngữ cho lao động du lịch trực tiếp.

Năm là, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch đặc trưng, khác biệt nhằm phát huy hiệu quả tài nguyên du lịch địa phương. Khuyến khích, tạo điều kiện mở các tuyến đường bay mới kết hợp với các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài; tập trung xây dựng chương trình và khai thác các chương trình tham quan, tuyến du lịch liên vùng có trọng tâm, trọng điểm.

Sáu là, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư duy về phát triển du lịch ở các cấp quản lý, đặc biệt là trong cộng đồng. Đổi mới hình thức, nội dung, tăng cường đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, bảo đảm thực hiện thống nhất chuyên nghiệp và nâng cao hiệu quả quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước. Phát huy vai trò của truyền thông, tạo đột phá trong hoạt động xúc tiến quảng bá thị trường trong nước, kết hợp với nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí ngành du lịch thành phố.

Bảy là, đa dạng hóa sản phẩm du lịch thành phố dựa trên khai thác các thế mạnh của du lịch sinh thái sông nước; du lịch MICE và các loại hình du lịch phụ trợ khác như: du lịch văn hóa di tích lịch sử, du lịch cộng đồng… Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm, dịch vụ du lịch, khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược, đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn… Xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch, kiểm soát chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông cho khách du lịch. Xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án phát triển kinh tế đêm của thành phố; tiếp tục đầu tư và phát huy Đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”, xây dựng đề án khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố.

Tám là, tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch. Tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành hoạt động du lịch; chủ động, sáng tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi cách thức hoạt động và phát triển các sản phẩm mới, tận dụng cơ hội chuyển đổi số một cách hiệu quả; xây dựng quy chế quản lý tài nguyên du lịch; thực hiện tốt và hiệu quả công tác quy hoạch phát triển du lịch; phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tài nguyên đặc trưng của các địa phương để phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kiểm soát chất lượng dịch vụ hệ thống cơ sở lưu trú, các doanh nghiệp lữ hành, đội ngũ hướng dẫn viên và các cơ sở dịch vụ du lịch.
 Tiến Hưng
----------------------
Tài liệu tham khảo
1. Bộ Chính trị (2017). Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”.
2. Thành ủy Cần Thơ (2021). Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới.
3. Thành ủy Cần Thơ (2025). Báo cáo số 640-BC/TU ngày 18/3/2025 của Thành ủy Cần Thơ về sơ kết 03 năm thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 29/12/2021 của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây