Kết quả bước đầu trong triển khai, thực hiện chủ trương “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ở TP Cần Thơ

Thứ năm - 02/05/2024 05:50 215 0
Ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 55-NQ/TW), Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 205-KH/TU ngày 16/4/2020 về tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị; kết quả, có trên 98% cán bộ, đảng viên được triển khai, quán triệt. Đến ngày 24/4/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ ban hành Chương trình số 57-CTr/TU thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW với các nội dung cụ thể bám sát quan điểm “phát triển đồng bộ, hợp lý và đa dạng hoá các loại hình năng lượng; ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới, năng lượng sạch” nhằm cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện chủ trương và các khâu đột phá mà Trung ương đề ra trong Nghị quyết số 55-NQ/TW, đã thể hiện tính quan trọng của “Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam” trong mọi hoàn cảnh đối với sự phát triển của quốc gia nói chung, mỗi tỉnh, thành nói riêng, trong đó có thành phố Cần Thơ. Bước đầu, thành phố có nhiều tín hiệu tích cực trong triển khai thực hiện gắn với quy hoạch tổng thể về phát triển năng lượng của Việt Nam.
2 5 congnhan
Ảnh minh họa: Trần Minh Lương.

Trước hết, Cần Thơ chủ động trong công tác thể chế hóa việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW

Nhằm thể chế hóa kịp thời việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Trung ương Đảng và Chương trình số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Kế hoạch số 121/KH-UBND thực hiện Chương trình số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW; cùng với đó, thời gian qua, TP Cần Thơ đã tham gia xây dựng, góp ý, triển khai xây dựng các Chương trình, đề án[1] và tham mưu triển khai đầy đủ, kịp thời theo các chủ trương, nghị quyết, định hướng, quy hoạch phát triển năng lượng trên địa bàn thành phố[2]; 100% các cấp ủy đảng, chính quyền và sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thành phố triển khai thực hiện đến cán bộ, đảng viên cấp cơ sở; đồng thời, tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo đặc thù của địa phương, ngành gắn liền với việc triển khai, thực hiện Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện thác, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (Điện gió, điện mặt trời), ứng dụng năng lượng sinh khối; ngoài ra, việc quy hoạch và phát triển năng lượng trên địa bàn thành phố phù hợp với quy hoạch tổng quan của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Triển khai định hướng và quy hoạch nêu trên, trong chức năng nhiệm vụ được giao, Ủy ban nhân dân thành phố đã kịp thời kiến nghị Bộ Công Thương phê duyệt, bổ sung quy hoạch kịp thời đáp ứng nhu cầu xây dựng đường dây và trạm biến áp 110kV tại địa phương, phê duyệt, bổ sung theo thẩm quyền quy hoạch xây dựng phát triển lưới điện trung và hạ áp sau các trạm 110kV nhằm phục vụ nhu cầu cấp điện cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn[3]. Có thể nói, việc ban hành các chương trình, kế hoạch, quyết định về phê duyệt quy hoạch và điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển điện lực kịp thời, đáp ứng nhu cầu cấp điện phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, đúng quy định pháp luật, đồng thời nhằm nâng cao độ ổn định, tin cậy trong cung cấp điện, giảm tổn thất điện năng và đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố Cần Thơ.

Hai là, nhiều mục tiêu theo lộ trình nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW được khởi động thực hiện
Căn cứ một số mục tiêu cụ thể được nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW và Chương trình số 57-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, các ngành chức năng thành phố đã triển khai thực hiện và đạt được kết quả bước đầu[4].


Cung cấp đủ nhu cầu năng lượng cho thành phố, đáp ứng các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (giai đoạn 2021 - 2030), cụ thể: Đến 2023 thành phố đã lắp đặt 747,5MW, đạt 20% (chỉ tiêu Nghị quyết về tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 3.900 MW; sản lượng điện đạt khoảng 5.960 - 6.500 GWh).

Tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo trong tổng cung năng lượng sơ cấp, tính đến tháng 7/2023 nguồn năng lượng tái tạo 87,5MW, đạt 2,02% (chỉ tiêu Nghị quyết đạt khoảng 7% vào năm 2030 và 10% vào năm 2045); đối với các nguồn năng lượng tái tạo mà thành phố có nhiều tiềm năng và lợi thế về phát triển như: Năng lượng từ chất thải rắn sinh hoạt; Điện sinh khối; Điện mặt trời đã được triển khai thực hiện bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan.

Xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, hiệu quả, có khả năng kết nối khu vực. Đồng thời, bảo đảm cung cấp điện an toàn, đáp ứng tiêu chí N-1 đối với vùng phụ tải quan trọng và N-2 đối với vùng phụ tải đặc biệt quan trọng, cụ thể: Đã xây dựng xong đề án lưới điện thông minh đang trình các cấp phê duyệt; đã đạt N-1 đối với 10 trạm 110kV, phần 220kV đang lập đề án; độ tin cậy cung cấp điện năng đạt kết quả khá.

Hiện nay, tổn thất điện năng của thành phố đạt tỷ lệ dưới 2,5% (dự kiến đến cuối năm 2023 đạt 03%); tỷ lệ tiết kiệm năng lượng trên tổng tiêu thụ năng lượng cuối cùng so với kịch bản phát triển bình thường qua một số năm, cụ thể như sau: Năm 2022, ngành điện lực thành phố đã vận động, tuyên truyền tiết kiệm điện được 63.095.580kWh, thực hiện đạt 02,1%; sản lượng điện thương phẩm là 58.031.526kWh, đạt tỉ lệ 108,73%; tính đến 7 tháng đầu năm 2023, sản lượng điện tiết kiệm điện của thành phố là 46.728.533kWh, tương ứng 3,03% sản lượng điện thương phẩm.

Với hệ thống lưới điện truyền tải và phân phối giai đoạn đến 2030 TP Cần Thơ luôn đảm bảo cung cấp đủ điện, an toàn, ổn định và liên tục cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân trên địa bàn thành phố, cụ thể: Lưới truyền tải (220kV, 500kV): Có 21 tuyến đường dây (gồm 04 tuyến đường dây 500kV, 17 tuyến đường dây 220kV), 05 trạm biến áp (01 trạm 500kV, 04 trạm 220kV), với dư địa khá cao so với nhu cầu phụ tại hiện nay chỉ mới khoảng 55% của tổng công suất lắp đặt 10 trạm biến áp 110kV trên địa bàn là 873 MVA; tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm toàn toàn TP Cần Thơ giai đoạn 2016 – 2020, tăng bình quân 6,13%/năm (thấp hơn so với Quy hoạch được duyệt là 9,4%/năm), điện thương phẩm năm 2022 đạt gần 2,8 tỷ kWh, tăng trưởng dương 9,9% so với năm 2021 (thực hiện 2,5 tỷ kWh).

Ba là, một số nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết số 55-NQ/TW và nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết số 140/NQ-CP ngày 20/10/2020 của Chính phủ về ban hành “Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW” được triển khai đồng bộ, hiệu quả.

Về phát triển các nguồn cung năng lượng sơ cấp theo hướng tăng cường khả năng tự chủ, đa dạng hóa, bảo đảm tính hiệu quả, tin cậy và bền vững, các Dự án điện trên địa bàn (như Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II, III, IV), thành phố luôn chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai; bên cạnh đó luôn tích cực tham gia xây dựng, góp ý, hoàn thiện các cơ chế, chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển các nguồn năng lượng tái tạo khi được lấy ý kiến; thông qua công tác quản lý nhà nước, thường xuyên tuyên truyền về việc chuyển đổi sang sử dụng nhiên liệu sạch, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường; thành phố chủ động cập nhật, điều chỉnh các quy hoạch liên quan của địa phương để đồng bộ với các quy hoạch phát triển phân ngành năng lượng hiện nay và trong thời gian tới nhằm đa dạng hóa nguồn cung năng lượng sơ cấp.

Phát triển nhanh và bền vững ngành điện đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thành phố luôn quan tâm chỉ đạo các quận, huyện, sở ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư các dự án điện kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng các dự án điện, đặc biệt là các đường dây và trạm biến áp đấu nối đồng bộ với các nhà máy điện, các dự án điện cấp bách; chỉ đạo Công an thành phố, các cơ quan liên quan tăng cường sự phối hợp trong việc thực hiện các phương án, giải pháp, biện pháp bảo vệ, đảm bảo an ninh, an toàn cho các công trình điện trên địa bàn, đặc biệt là các công trình truyền tải; về cơ chế giá điện, ngày 04/5/2023 Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 1062/QĐ-BCT quy định về giá bán điện thay thế Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019.

Cơ cấu lại các ngành và khu vực tiêu thụ năng lượng song song với thực hiện chính sách về sử dụng năng lượng sạch, tiết kiệm và hiệu quả, với việc bảo đảm yêu cầu sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường đối với các ngành, các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm trong các lĩnh vực như: sắt, thép, xi măng, thực phẩm, luôn được các doanh nghiệp quan tâm, vì sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả nhằm giảm chi phí sản xuất cũng quyết định đến sự sống còn của từng doanh nghiệp; việc rà soát, chỉ đạo thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030, được tập trung triển khai thông qua các hoạt động như: tuyên truyền bằng nhiều hình thức như trên báo, đài truyền hình thành phố, các lớp tập huấn; hội nghị, hội thảo chuyên đề cho các cơ quan, đơn vị và các cơ sở sử dụng năng lượng trên địa bàn thành phố nhằm hỗ trợ các đơn vị nắm bắt được các nội dung quy định; thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi sử dụng các dạng năng lượng sạch, ứng dụng năng lượng tái tạo; ứng dụng công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng đối với phương tiện, thiết bị giao thông vận tải; về quản lý nhu cầu điện năng, giai đoạn 2018 - 2020 có xét đến năm 2030, thành phố luôn đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định, liên tục; chú trọng đến công tác tiết kiệm năng lượng từ cuối năm 2018 đã triển khai Chương trình điều chỉnh phụ tải (DR) bằng việc vận động các doanh nghiệp có tiêu thụ điện lớn tham gia tự nguyện điều tiết phụ tải sản suất, chuyển hoạt động sử dụng điện sản xuất sang khung giờ thấp điểm, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu thụ nhiều năng lượng vào giờ cao điểm, sử dụng các thiết bị điện ít tiêu hao năng lượng nên tình trạng cắt điện giảm phụ tải được khắc phục; hàng năm, thành phố đều phê duyệt kế hoạch cung cấp điện, phương án đảm bảo cân đối cung - cầu trong trường hợp thiếu điện cục bộ và danh sách khách hàng quan trọng ưu tiên cung cấp điện trong trường hợp thiếu điện. Qua đó, nhằm theo dõi, đảm bảo chủ động, thích ứng linh hoạt trong quá trình cung ứng điện.

Phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực; nâng cao nội lực ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phục vụ ngành năng lượng. Cần Thơ tiếp tục triển khai, đôn đốc các đơn vị truyền tải, phân phối, bán lẻ điện thực hiện có hiệu quả lộ trình phát triển Lưới điện thông minh tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 08/11/2012 và các nhóm nội dung của Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 279/QĐ-TTg ngày 08/3/2018; tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; thực hiện việc phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (gọi tắt là Quy hoạch điện VII điều chỉnh); trong đó, Trung tâm điện lực Ô Môn được quy hoạch gồm 04 Nhà máy Nhiệt điện: I, II, III, IV, với tổng công suất 3.810MW ± 10%, sử dụng nhiên liệu khí từ mỏ khí lô B. Đến nay, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (có công suất 660MW, vốn đầu tư khoảng 750 triệu USD) đã được đầu tư và đi vào hoạt động cả 02 tổ máy từ năm 2015; còn lại 03 dự án (Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, III, IV) vẫn chưa triển khai xây dựng, chưa có dòng khí đầu tiên như mục tiêu Quy hoạch điện VII điều chỉnh đề ra và mục tiêu theo Quy hoạch điện VIII tiếp tục bị lùi lại đến cuối năm 2026… Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ có cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, việc sớm phát triển nguồn năng lượng trong nước như các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Ngoài ra, thành phố cũng tiến hành đẩy mạnh hợp tác quốc tế; tích cực, chủ động xây dựng các đối tác chiến lược để thực hiện mục tiêu nhập khẩu năng lượng trong dài hạn và đầu tư tài nguyên năng lượng ở nước ngoài, Cần Thơ đang tiếp tục định hướng đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng, phát triển năng lượng từ việc sử dụng năng lượng hóa thạch, chuyển dần sang sản xuất, sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, với các dự án: khu sản xuất hydrogen và kho cảng LNG dự kiến 150ha nhằm tận dụng nguồn năng lượng tái tạo của thành phố cũng như của toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch điện mặt trời diện tích từ 30-50ha. Bên cạnh đó, thành phố đang tiếp tục kêu gọi và phát triển các dự án điện mặt trời, điện từ rác thải sinh hoạt, điện sinh khối và điện gió. Đồng thời, thực thi chính sách bảo vệ môi trường ngành năng lượng gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững theo hướng khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn năng lượng tái tạo nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch, trong đó khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy điện sử dụng rác thải đô thị, sinh khối và chất thải rắn đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể, thành phố được Trung ương đầu tư xây dựng Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ; từ khi đi vào vận hành đến hết tháng 12/2022, nhà máy xử lý tổng lượng rác thải đạt trên 740.000 tấn, hòa vào lưới điện quốc gia hơn 219 triệu kWh điện. Với nỗ lực này, năm 2022, Nhà máy được nhận “Giải thưởng Doanh nghiệp vì sự nghiệp phát triển năng lượng Việt Nam bền vững năm 2022”; định hướng xây dựng các nhà máy điện sinh khối, chất thải rắn và năng lượng mặt trời trong tương lai sẽ góp phần vào việc trung hòa phát thải carbon, giải quyết bớt nguồn phế phẩm từ nông nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường gắn với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với chủ trương phát triển nguồn năng lượng bền vững trong tương lai, là một giải pháp không những góp phần đa dạng nguồn năng lượng sơ cấp, bổ sung thêm nguồn điện tại chỗ, giảm tổn thất do truyền tải điện đi xa, đồng thời phù hợp với chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển năng lượng sinh khối của Chính phủ, góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân thông qua việc thu mua các phụ phẩm, phế phẩm trong nông nghiệp.
2 5 nhamay
Ảnh minh họa: Minh Lương.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được, việc thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị trên địa bàn thành phố còn hạn chế và tồn tại như: Việc triển khai thực hiện các dự án năng lượng trọng điểm trên địa bàn thành phố (Nhiệt điện Ô Môn II, III, IV) chậm tiến độ; cơ chế để phát triển điện mặt trời còn chưa rõ ràng, còn nhiều ý kiến cho rằng bất cập. Hiện nay chưa có hướng dẫn kỹ thuật về điện trong đầu tư hệ thống điện mặt trời tự dùng; chưa xây dựng cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển điện mặt trời mái nhà tại nhà xưởng các doanh nghiệp; cơ chế khuyến khích về giá của Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg hết hiệu lực; mặt khác, hệ thống điện mặt trời và điện gió không lưu trữ sử dụng nguồn năng lượng sơ cấp, phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết (mưa bão, bức xạ nhiệt của mặt trời) nên nguồn điện phát ra từ các hệ thống này thiếu ổn định và thay đổi liên tục theo thời gian, từng ngày trong năm…

Do đó, trong thời gian tới cần chú trọng một số nội dung quan trọng trong phát triển bền vững năng lượng quốc gia, như sau: Nghiên cứu thể chế hóa nội dung về khuyến khích phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tạo hành lang pháp lý trong công tác quản lý như ban hành Luật năng lượng tái tạo nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển về năng lượng sạch nói chung, năng lượng mặt trời nói riêng, thể hiện rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc tiếp tục thu hút, đảm bảo đa dạng hóa các loại hình đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. Thực hiện việc phát triển hạ tầng năng lượng bền vững, kết nối khu vực theo Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia, trong đó, Trung tâm điện lực Ô Môn được quy hoạch gồm 04 Nhà máy Nhiệt điện: I, II, III, IV. Đến nay, Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn I (có công suất 660 MW) đã được đầu tư và đi vào hoạt động cả 02 tổ máy từ năm 2015; còn lại 03 dự án (Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn II, III, IV) đến nay vẫn chưa hoàn thành; do đó, đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành Trung ương liên quan sớm thực hiện hoàn thành việc xây dựng các nhà máy nhiệt điện tại Trung tâm điện lực Ô Môn. Chuỗi dự án điện - khí Lô B khi được triển khai thực hiện sẽ đóng góp quan trọng cho nguồn năng lượng phục vụ địa phương và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ nói riêng và cả nước nói chung.
ThS Nguyễn Ngọc Quy

[1] Như: Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện VIII) theo Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
[2] Như: Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 10/11/2022 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp chính quyền về đảm bảo nguồn cung xăng dầu trên địa bàn thành phố Cần Thơ các tháng cuối năm 2022 và trong thời gian tới; Kế hoạch số 66/KH-UBND ngày 22/3/2021 về việc thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn thành phố Cần Thơ giai đoạn 2021 – 2030, Kế hoạch số 200/KH-UBND 22/9/2022 về việc hành động về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 áp dụng trên địa bàn thành phố Cần Thơ, Kế hoạch số 120/KH-UBND ngày 01/10/2020 về triển khai thực hiện Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch số 149/UBND-KT ngày 10/7/2023 về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo trên địa bàn thành phố Cần Thơ.…
[3] Như các Quyết định bổ sung quy hoạch: Quyết định số 549/QĐ-UBND ngày 15/3/2021 (đối với hệ thống cấp điện của Công ty TNHH Thép Tây Đô), Quyết định số 959/QĐ-UBND ngày 07/5/2021 (đối với hệ thống cấp điện của Công ty CP Đầu tư Phát triển miền Nam), Quyết định số 2448/QĐ-UBND ngày 04/8/2022 (đối với hệ thống cấp điện của Công ty TNHH TKG Taekwang Cần Thơ; Ngày 17 tháng 10 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (giai đoạn 1), thành phố Cần Thơ. Thực hiện Quyết định số 1255/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND thành phố có Văn bản số 811/UBND-KT ngày 15/3/2023 về việc chấp thuận đầu tư xây dựng lưới điện, trạm điện 110kV, lưới điện phân phối và kinh doanh điện trong Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (gồm 04 trạm biến áp 110kV, 2x63MW/trạm), nhằm đảm bảo kịp thời cung ứng điện cho Khu công nghiệp Vĩnh Thạnh…
[4] Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ, Báo cáo số 418-BC/TU ngày 19/9/2023, Tình hình thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về “Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Cần Thơ, tr.3-4.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây