Nhiệm vụ và giải pháp phát triển quận Ninh Kiều trở thành “đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu”

Thứ bảy - 28/09/2024 11:33 114 0
Với vị trí vai trò trung tâm của thành phố Cần Thơ, trong nhiều năm qua Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các sở ban, ngành trên địa bàn thành phố luôn quan tâm đến sự phát triển của quận Ninh Kiều, từ công tác phát triển kinh tế - xã hội đến vấn đề quy hoạch tổng thể quận Ninh Kiều theo hướng văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Riêng quận Ninh Kiều cũng nỗ lực triển khai thực hiện nhiều biện pháp và đạt được các kết quả quan trọng. Xong vẫn còn một số hạn chế nhất định; do đó, cần có những giải pháp đồng bộ trong quy hoạch phát triển quận Ninh Kiều nói riêng và thành phố Cần Thơ nói chung trở thành “đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu” đã được Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị xác định.
28 9 nk
Xây dựng Ninh Kiều văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Phú.

Kết quả quy hoạch tổng thể quận Ninh Kiều theo hướng văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu

Với vị trí vai trò quận trung tâm, trong nhiều năm qua Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các sở ban, ngành trên địa bàn thành phố luôn quan tâm đến sự phát triển của quận Ninh Kiều, từ công tác phát triển kinh tế - xã hội đến vấn đề quy hoạch tổng thể quận Ninh Kiều theo hướng văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong nhiều năm qua, quận Ninh Kiều đã nỗ lực triển khai thực hiện nhiều biện pháp và đạt được các kết quả quan trọng:

Một là, các ngành chức năng thành phố và quận Ninh Kiều đã tập trung rà soát, điều chỉnh 03 quy hoạch chủ yếu, gắn với quy hoạch chung của thành phố, tạo điều kiện cho quận Ninh Kiều phát triển nhanh và bền vững, theo hướng văn minh, hiện đại. Hoàn thành phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội quận Ninh Kiều đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; kế hoạch sử dụng đất quận Ninh Kiều đến năm 2021, hoàn thành quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000, tổ chức rà soát, điều chỉnh các đồ án quy hoạch chi tiết nhằm phù hợp với tình hình thực tế phát triển cũng như đảm bảo lợi ích của người dân trên địa bàn; đồng thời, phối hợp với các sở, ngành thành phố triển khai các dự án thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu; xây dựng quy hoạch và triển khai các dự án phát triển mạnh các lĩnh vực thương mại - dịch vụ, văn hóa, y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, các công trình công cộng..., tạo điều kiện cho quận Ninh Kiều phát triển và phát huy vị trí, vai trò quận trung tâm của thành phố. Cụ thể, giai đoạn 2012 - 2020, quận Ninh Kiều quản lý, thực hiện 49 đồ án quy hoạch xây dựng gồm: 09 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000, 40 đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Sau khi Đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 quận Ninh Kiều đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, đã rà soát và điều chỉnh, bãi bỏ 12 đồ án quy hoạch (trong đó có 06 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/2000 và 06 đồ án quy hoạch tỷ lệ 1/500) không còn phù hợp với tình hình phát triển quận Ninh Kiều. Hiện, quận đang quản lý tổng cộng 51 đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 và Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị tại 05 khu[1].

Hai là, công tác quản lý đô thị, cảnh quan, môi trường có bước phát triển. Đã có nhiều công trình trọng điểm, kiến trúc đẹp, đặc trưng, tạo được điểm nhấn của quận trung tâm, như: công trình Cầu đi bộ, cầu Quang Trung, cầu Trần Hoàng Na, cải tạo và nâng cấp tuyến đường 3/2, đường Mậu Thân, đường 30/4 và Đại Lộ Hòa Bình, các tuyến đường, tuyến hẻm...; định hướng tổ chức lập thiết kế đô thị riêng cho các trục đường chính trên địa bàn quận Ninh Kiều (dự án “Thiết kế đô thị mẫu khu vực trung tâm quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ” đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu), góp phần phát triển cảnh quan đô thị, môi trường ngày càng khang trang, sáng, xanh, sạch, đẹp, diện mạo đô thị ngày càng khởi sắc, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững.

Ba là, hệ thống cấp nước, thoát nước được quan tâm đầu tư, đảm bảo cung cấp nước sạch đến người dân và tiêu thoát nước thải; hệ thống thu gom nước thải cơ bản bao phủ trên địa bàn đã kết nối với nhà máy xử lý từ tháng 7/2017, năm 2021, tỷ lệ thu gom đạt 99%[2]; hàng năm, mạng lưới cung cấp điện được triển khai đầu tư theo quy hoạch, cung cấp điện chất lượng, an toàn, đảm bảo nhu cầu điện, phục vụ cho tăng trưởng và phát triển.

Bốn là, các công trình, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển văn hóa, thể dục - thể thao được nâng cấp, tôn tạo, đầu tư mới, như: đầu tư mới hệ thống chiếu sáng Mỹ Thuật tượng đài Bác Hồ; công trình đình thần Tân An, đền thờ Hải Thượng Lãn Ông được công nhận là Di tích lịch sử cấp thành phố; trùng tu tôn tạo 04 di tích (đình thần Thới Bình, Khám lớn Cần Thơ, Chùa Ông, Nhà lồng chợ Cần Thơ); xây dựng mới 06 Trung tâm Văn hóa - Thể thao phường (An Cư, Xuân Khánh, An Lạc, An Hội, An Phú, Hưng Lợi); nâng cấp trụ sở Thư viện quận và các Nhà thông tin khu vực; xây dựng khán đài A và trang thiết bị phục vụ sân vận động Cần Thơ; cải tạo nâng cấp thiết bị nhà thi đấu đa năng, 03 nhà tập Khu liên hợp, chỉnh lý trưng bày Bảo tàng thành phố, hồ bơi Trung tâm thành phố[3]... Đồng thời, đa dạng hóa phương thức đầu tư khu dân cư, khu đô thị mới phát triển nhà ở, thu hút 25 dự án vốn ngoài ngân sách (bao gồm: 17 dự án khu dân cư và 08 dự án tái định cư), nâng cao tỷ lệ nhà kiên cố, giải tỏa nhà tạm trên và ven sông, rạch, vừa góp phần chỉnh trang đô thị, cải thiện và ổn định đời sống dân cư.

Năm là, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị thường xuyên được duy tu, sửa chữa, nâng cao chất lượng quản lý, khai thác; cải tạo, nâng cấp, phát huy hiệu quả hệ thống công viên, vườn hoa và chỉnh trang cây xanh, tạo không gian đô thị xanh mát, đảm bảo an toàn, là điểm đến vui chơi, giải trí của Nhân dân, tỷ lệ đất cây xanh công cộng đạt từ 4 - 6m2/người (Cụ thể, giai đoạn năm 2012 - 2021, cải tạo 06 công viên: Lưu Hữu Phước, Ninh Kiều, Sông Hậu, Đồ Chiểu, khu dân cư An Khánh, khu dân cư 178 Hưng Lợi; đầu tư mới 05 công viên Hùng Vương, công viên cặp rạch Khai Luông (cầu Nguyễn Trãi - cầu đi bộ, phường Cái Khế), cải tạo công viên Sông Hậu (đoạn tiếp giáp cầu đi bộ), công viên hạ tầng xanh khu dân cư Thới Nhựt 2, phường An Khánh, quận Ninh Kiều, tiếp nhận công viên khu dân cư Hồng Phát 718,6m2)[4]; tỷ lệ chiếu sáng đường phố, các hẻm đạt tỷ lệ 100%; xây dựng Đề án thí điểm khai thác quảng cáo ngoài trời một số tuyến đường trên địa bàn quận Ninh Kiều (triển khai thí điểm tuyến phố chuyên doanh hàng thời trang đường Nguyễn Trãi); cùng với các công trình “Đường đèn nghệ thuật”, “Đường hoa nghệ thuật”, đèn trang trí các tuyến đường nhân dịp lễ, Tết... đã tạo nên điểm nhấn đô thị “sáng, xanh, sạch, đẹp”, thu hút, phục vụ đông đảo du khách và Nhân dân.

Vẫn còn một số khó khăn, hạn chế

Bên cạnh những kết quả nêu trên về quy hoạch tổng thể quận Ninh Kiều theo hướng văn minh, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:

- Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý trật tự xây dựng được tăng cường, tuy có chuyển biến ở một số địa phương nhưng còn chậm, công tác quản lý địa bàn cơ sở còn hạn chế, một số vụ việc vi phạm chưa xử lý triệt để.

- Ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường của một bộ phận người dân, hộ kinh doanh chưa thật tốt; đơn vị thu gom chưa tổ chức quản lý, bảo vệ các nơi tập kết xe thu gom rác, các điểm tập kết rác tạm chưa đảm bảo vệ sinh, hình thành các bãi rác nhỏ trong đô thị; chưa có giải pháp căn cơ về xử lý thu gom rác trên sông và ven sông rạch để bảo vệ cảnh quan, tiềm năng du lịch sông nước.

- Nhiều công trình đã xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng trong thời gian dài, nhưng chưa bàn giao về địa phương để quản lý duy tu, sửa chữa, đảm bảo an toàn và mỹ quan, đến nay hư hỏng, xuống cấp, cử tri đã nhiều lần phản ánh.

Một số nhiệm vụ và giải pháp triển quận Ninh Kiều trở thành đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu

Để định hướng phát triển quận Ninh Kiều trở thành đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, cần triển khai thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm như:

Trước hết, quận Ninh Kiều cần quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy như Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11/4/2017 của Thành ủy “Về xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 - 2025”; Chương trình số 27-CTr/TU ngày 31/12/2021 của Thành ủy về Bảo vệ môi trường “Cần Thơ xanh và Sạch” phòng, chống ô nhiễm môi trường và ngập nghẹt thành phố giai đoạn 2022 - 2025 và Chương trình số 37-CTr/TU của Thành ủy Cần Thơ thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII... nhằm từng bước bố trí và thu hút nguồn lực thực hiện; thông qua cách cải thiện về quản trị địa phương, sự tham gia của nhiều bên, lấy áp dụng công nghệ mới làm cốt lõi, xây dựng Ninh Kiều là đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Đến nay, đã có những kết quả bước đầu khả quan trong vận hành thử nghiệm, là cơ sở quan trọng để thành phố mở rộng thực hiện trong thời gian tới. Đây có thể xem là một phần của công tác hoàn thiện thể chế cho thành phố, để đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh – Trong đó, không thể thiếu vai trò của quận Ninh Kiều.

Hai là, nâng chất lượng công tác quy hoạch, trước hết làm tốt Quy hoạch quận Ninh Kiều trong tổng thể quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quy hoạch này là văn bản quan trọng nhất, là cơ sở để quận Ninh Kiều định hướng phát triển mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới. Phương pháp tiếp cận toàn diện, tích hợp mang đến khả năng đặt ra các vấn đề phát triển đảm bảo yêu cầu sự bền vững. Đặc biệt quy hoạch này nhấn mạnh tầm quan trọng trong gìn giữ, đầu tư và khai thác kết cấu của hệ thống sông nước cũng như hệ thống cảnh quan - sản xuất nông nghiệp đan xen trong không gian đô thị của thành phố Cần Thơ. Với bộ khung này, thành phố định hình được đặc trưng sông nước, sinh thái của mình - cũng như đảm bảo yếu tố là đô thị xanh đúng nghĩa trong quá trình phát triển. Đồng thời, hệ thống khung này chính là cấu trúc đảm bảo cho thành phố ứng phó, thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu. Các cấu trúc chức năng về đô thị và sản xuất phân bổ ở phạm vi xoay quanh bộ khung sinh thái này. Có thể nói, với nhận thức về vốn tài sản của mình, không những quận Ninh Kiều mà thành phố Cần Thơ đang rất nỗ lực thể chế hóa thông qua công tác cụ thể như công tác quy hoạch theo pháp luật về quy hoạch thời gian qua. Quy hoạch đô thị của thành phố Cần Thơ sẽ là công cụ triển khai những nội dung đã được định hình tại Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ở đó cụ thể hóa những vấn đề trong phát triển về kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Ba là, thông qua nỗ lực xây dựng đô thị thông minh, bên cạnh mục tiêu nhằm phát triển thành phố hiệu quả hơn còn có nhiệm vụ tạo công cụ để giảm nhẹ thiệt hại cũng như vượt qua các cú sốc mà thiên tai, dịch bệnh có thể gây ra trong ngắn hạn và dài hạn. Về phía quận Ninh kiều cũng đã được thành phố bố trí nguồn lực thời gian qua để xây dựng hệ thống giao thông, công trình kiến trúc quan trọng, cũng như điều khiển vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các tình huống khẩn cấp đã được dự báo (Như kè sông Cần Thơ; các cống ngăn triều ở Rạch Khai Luông, Rạch Đầu Sấu, Rạch Cái Sơn…; cải tạo Hồ Sáng thổi, Hồ Bún sáng và các con rạch khác trên địa bàn quận). Có thể nói, thành phố đặt vấn đề thích ứng vào yêu cầu của tất cả các công tác vì một đô thị sông nước như Cần Thơ chính là nơi chịu tác động sớm nhất, nhạy cảm nhất và ảnh hưởng rộng nhất đến đời sống của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long – Trực tiếp là người dân đang sinh sống trên địa bàn quận Ninh Kiều.

Bốn là, xây dựng cơ chế tốt để có thể huy động đầy đủ nguồn lực. Trong đó, xác định nguồn lực về tri thức sẽ là khâu đột phá; huy động nguồn lực về công nghệ để tiệm cận nhanh nhất trình độ khoa học công nghệ trong nước và trên thế giới; đồng thời, huy động nguồn lực về tài chính để thu hút nguồn vốn lớn từ xã hội trong đầu tư, xây dựng và phát triển quận Ninh kiều trong tổng thể phát triển của thành phố Cần Thơ. Qua việc huy động nguồn lực đầy đủ để thực hiện phát triển đúng định hướng quy hoạch, những mục tiêu về “phát triển đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh” mới đạt được trong thực tiễn cuộc sống.

Năm là, xây dựng công cụ để theo dõi, giám sát, đánh giá, hoàn thiện chính sách qua thực tiễn triển khai. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng để đảm bảo việc sử dụng nguồn lực là hiệu quả và đúng định hướng. Là cơ sở đảm bảo tính công khai, minh bạch và tuân thủ pháp luật cho các bên tham gia phát triển đô thị.
Sáu là, tích cực xây dựng liên kết các địa phương trong nội bộ thành phố nói riêng và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung trong lĩnh vực phát triển xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh. Thực hiện tất cả những nhiệm vụ với tư duy liên kết vùng, theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị “Về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đưa ra.

Để cụ thể hóa quan điểm “Phát triển đô thị có chức năng tổng hợp với quy mô và dân số ở mức hợp lý theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu”[5], Cần Thơ nên thống nhất thực hiện quy hoạch theo hướng đô thị thông minh ở tất cả các quận, huyện; đi đôi với việc xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp các nguồn lực đảm bảo công tác quản lý, vận hành trung tâm phục vụ việc chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo; phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định…nhằm hoàn thành mục tiêu đến năm 2045 xây dựng “Quận Ninh Kiều là đô thị văn minh, hiện đại, đô thị thông minh, mang đặc trưng vùng sông nước của thành phố Cần Thơ, là một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước”[6].
ThS Nguyễn Ngọc Quy
Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ
TS Nguyễn Tiến Dũng
Học viện Chính trị khu vực IV

[1], [2], [3], [4] Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ: Báo cáo số 176-BC/TU ngày 11/02/2022 “Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 30/12/2011 của Thành ủy về xây dựng và phát triển quận Ninh Kiều thành đô thị trung tâm của thành phố Cần Thơ”, Cần Thơ, 2022, tr.2, tr.4, tr.5, tr.6.
[5] Bộ Chính trị: Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 “Về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Hà Nội, 2022, tr.3.
[6] Thành ủy Cần Thơ: Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 14/3/2023 “Về xây dựng và phát triển quận Ninh Kiều đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xứng tầm là đô thị hạt nhân, văn minh, hiện đại”, Cần Thơ, 2023, tr.4.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây