Báo chí thành phố Cần Thơ nỗ lực đổi mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển

Thứ tư - 21/06/2023 00:31 138 0
Xuyên suốt 98 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam luôn tiên phong trên mặt trận lý luận, chính trị, tư tưởng, văn hóa, là vũ khí sắc bén góp phần quan trọng vào thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, báo chí cách mạng Việt Nam nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, tiếp tục khẳng định là lực lượng quan trọng trong công tác thông tin, tuyên truyền, xứng đáng là cơ quan ngôn luận chính xác, đáng tin cậy, luôn kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Ðảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời là tiếng nói, diễn đàn của Nhân dân.
21 6 bao
Các phóng viên, nhà báo không ngại khó khăn dấn thân vào mọi lĩnh vực để tác nghiệp. Ảnh minh học: CTV.

Xây dựng đội ngũ nhà báo giỏi chuyên môn

Các phóng viên, nhà báo của Thông tấn xã Việt Nam đều thực hiện các loại hình báo chí là tin văn bản, tin ảnh và truyền hình. Trước đây, phóng viên đưa các tin bài của 3 loại hình lên cùng một hệ thống, nhưng giờ chia ra làm hai đường truyền khác nhau. Cơ quan chuyển đổi số nên nhà báo Nguyễn Thanh Liêm (cơ quan thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại TP Cần Thơ) học tập thêm các kỹ năng xử lý hình ảnh, âm thanh cũng như thành thạo phần mềm tác nghiệp… để tạo ra những sản phẩm sinh động, rút ngắn thời gian xuất bản tác phẩm.

Trong thời kỳ hội nhập và chuyển đổi số, người làm báo cần trui rèn các kỹ năng số. Nhà báo phải cập nhật những thao tác để đưa tác phẩm đến với người đọc nhanh, chính xác, đảm bảo các yếu tố thu hút người xem, chia sẻ nhằm tạo thêm nguồn thu cho đơn vị. Vì vậy, mỗi nhà báo cũng thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, thường xuyên tự học tập các kỹ năng số để phục vụ tốt công việc. Nhà báo Thanh Liêm chia sẻ: “Tôi nghĩ, Hội Nhà báo (HNB) TP Cần Thơ, Sở Thông tin và Truyền thông thành phố cần có thêm các lớp tập huấn về chuyển đổi số dành cho nhà báo, phóng viên. Qua đó, giúp mỗi cá nhân, đơn vị hiểu chức năng, vai trò của báo chí trong hệ sinh thái số đang được triển khai ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực”.

TP Cần Thơ là trung tâm của vùng ÐBSCL, vì vậy Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, tổ chức phi chính phủ thường chọn thành phố tổ chức các hội thảo, hội nghị và triển khai các chương trình, dự án cấp vùng liên quan đến nông nghiệp, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực... Tác nghiệp báo chí trong điều kiện gặp gỡ nhiều chuyên gia, nhà khoa học người nước ngoài nên nhà báo Ðặng Thị Mỹ Thanh (Báo Cần Thơ) luôn có ý thức trau dồi tiếng Anh để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chị Mỹ Thanh cho biết: “Trong các hội nghị, hội thảo có nhiều từ vựng chuyên ngành, tôi bỡ ngỡ trong những ngày đầu tiếp cận. Tôi đã tự học tiếng Anh chuyên ngành và tìm sự hỗ trợ từ các chuyên gia đầu ngành để có thể nghe diễn giả trình bày, nắm chắc vấn đề”.

Theo nhà báo Mỹ Thanh, hiện nay, nhà báo có thể khai thác, tìm hiểu nguồn thông tin, tư liệu đáng tin cậy từ các trang mạng, mạng xã hội của các tổ chức, đơn vị để nắm rõ nội dung chương trình, dự án hoặc những hoạt động trước và sau hội nghị. Nhà báo cần lựa chọn những thông tin đầu nguồn cần thiết, đắt giá để đặt câu phỏng vấn với chuyên gia nước ngoài. Ðồng thời, cần nắm các chương trình, dự án; kết nối chặt chẽ với nguồn tin để có những bài viết phản ánh chân thực, sâu sắc…

Nhà báo Trần Thị Ái Lê (Ðài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) TP Cần Thơ, phụ trách mảng văn hóa - nghệ thuật của Ðài 11 năm nay. Bên cạnh tích cực tham gia các lớp tập huấn do cơ quan tổ chức, nhà báo Ái Lê tự trang bị các kiến thức về kỹ năng số, ứng dụng các phần mềm trong tác nghiệp; tận dụng các tính năng của mạng xã hội để khai thác, truyền tải thông tin. “Tôi nghĩ, nhà báo không chỉ ứng dụng đa phương tiện trong các sản phẩm báo chí mà còn đón đầu được những xu hướng trong cộng đồng. Ðồng thời, đa dạng trong cách sản xuất các chương trình, tiết mục để thu hút, tạo sự đồng cảm đối với người nghe, người xem” - nhà báo Ái Lê chia sẻ.

Hướng đến nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại

Nhà báo Phạm Tấn Hùng, Phó Phòng Thời sự, Liên Chi hội phó Liên Chi hội HNB Ðài PT&TH TP Cần Thơ, cho rằng: Hiện nay, các nhà báo sử dụng nhiều thiết bị, phương tiện hỗ trợ hoạt động báo chí, giúp quá trình sản xuất sản phẩm báo chí ngày càng chất lượng, nhanh hơn. Các phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên của Ðài luôn chú trọng ứng dụng mạng xã hội, các phần mềm nghiệp vụ trong công tác, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí. Liên Chi HNB đã tham mưu Ban Giám đốc Ðài tổ chức và cử các phóng viên, nhà báo dự các lớp tập huấn nghiệp vụ; định hướng, phát triển các mô hình, phương thức sản xuất chương trình mới; phát động hội viên tham gia các cuộc thi báo chí ở Trung ương và địa phương… Ðồng thời, vận động hội viên đổi mới phương thức sản xuất các chương trình; tích hợp đa phương tiện để thực hiện các tiết mục, chương trình mới đáp ứng yêu cầu của khán giả.

Năm 2022, Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Vĩnh Thạnh lập trang xã hội Facebook “Vĩnh Thạnh FM 89,2MHz” đăng tải những thông tin tuyên truyền về chủ trương của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền các ngày lễ, kỷ niệm, sự kiện trọng đại của đất nước và địa phương; thông tin hoạt động của huyện trên các lĩnh vực… Song song đó, Trung tâm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất sản phẩm phát thanh - truyền hình, thu - phát sóng các chương trình thời sự; lắp đặt bộ điều khiển thiết bị bằng điện thoại thông minh, vận hành hệ thống phát sóng bằng phần mềm trên điện thoại. “Trước đây, cán bộ kỹ thuật phải trực tiếp có mặt tại phòng máy để thao tác, vận hành hệ thống. Bây giờ, cán bộ kỹ thuật có thể điều khiển hệ thống ở bất cứ nơi đâu. Việc lắp đặt bộ điều khiển đã giảm bớt nguồn lực phục vụ cho công việc phát sóng tại đơn vị” - nhà báo Lê Minh Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Vĩnh Thạnh, cho biết.

Theo nhà báo Trương Văn Chuyển, Ủy viên Ban Thường vụ HNB Việt Nam, Chủ tịch HNB TP Cần Thơ, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, Ðảng ủy, Ban Biên tập Báo Cần Thơ luôn chú trọng bồi dưỡng về chính trị, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên; triển khai và thực hiện tốt Quy định về đạo đức người làm báo Việt Nam và gần đây nhất là triển khai xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí, xây dựng văn hóa của người làm báo. Ban Biên tập Báo Cần Thơ xây dựng Ðề án “Chiến lược phát triển Báo Cần Thơ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” và kế hoạch thực hiện đề án. Trong đó, xác định mục tiêu đến năm 2030, Báo Cần Thơ là một trong những đơn vị của TP Cần Thơ thực hiện tốt kế hoạch chuyển đổi số; tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành; sáng tạo các sản phẩm báo chí mới, nâng cao chất lượng nội dung, cải thiện chất lượng trải nghiệm của người dùng; tận dụng các nền tảng số phát triển trong nước để quản lý tốt nội dung báo chí, đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội của báo chí cách mạng Việt Nam; khai thác các mô hình liên kết giữa báo chí với các chủ thể kinh tế khác, đa dạng hóa nguồn thu báo chí, phát triển kinh tế số, làm tròn sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Ðảng, sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước trong xu thế công nghệ mới.
 
21 6 bct
Đoàn đại biểu Hội Nhà báo Thái Lan, Hội Nhà báo Việt Nam và Hội Nhà báo TP Cần Thơ trao đổi nghiệp vụ tại Báo Cần Thơ. Ảnh: Chung Cường.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chuyển đổi số sẽ giúp các cơ quan báo chí thay đổi toàn diện phương thức vận hành, quản lý, áp dụng công nghệ trong quy trình sản xuất và phân phối nội dung, phát triển nền báo chí dữ liệu, có chất lượng. Ðiều này đòi hỏi công tác đào tạo và đào tạo lại để đội ngũ làm báo có đầy đủ kiến thức, phương pháp, kỹ năng làm việc ở bất cứ loại hình nào. Bên cạnh nỗ lực tự học của phóng viên, nhà báo, HNB TP Cần Thơ tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ hội viên trong nghiệp vụ, như: tổ chức đi thực tế sáng tạo báo chí chất lượng cao; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ báo chí làm báo hiện đại… Ðặc biệt, tháng 5-2023, HNB thành phố tổ chức buổi trao đổi nghiệp vụ với đoàn đại biểu HNB Thái Lan do ông AMNAT JONGYOTYING, Chủ tịch Hiệp hội Báo chí tỉnh Chiang Mai làm Trưởng đoàn, tại Báo Cần Thơ. Ðoàn đại biểu HNB Thái Lan, HNB Việt Nam và HNB thành phố đã trao đổi các nội dung: công tác quản lý báo chí, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, nhà báo; quản lý nhân sự, tổ chức sản xuất sản phẩm báo chí tại Báo Cần Thơ...

Theo nhà báo Trương Văn Chuyển, các tòa soạn đã dần chuyển đổi hoạt động từ môi trường thực lên môi trường số thông qua những ứng dụng, nền tảng số. Do vậy, các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phải đổi mới nội dung để đáp ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Những khóa học cần phải đa dạng hơn, với nhiều chủ đề khác nhau, từ kỹ năng đến thực hành, dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Hệ thống báo chí cách mạng nước ta đang phấn đấu phát triển theo xu hướng báo chí hiện đại, theo định hướng Ðại hội XIII của Ðảng là “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Muốn làm được điều đó, trước hết từng nhà báo phải vươn lên, từng cơ quan báo chí phải xây dựng lại hệ thống để trở nên chuyên nghiệp hơn, hiệu năng hơn. Các cơ quan báo chí cũng chủ động đổi mới phương thức tác nghiệp, nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí, phục vụ tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, thông tin hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương… Ðồng thời, đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.
Chung Cường

 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây