Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển toàn diện trong công cuộc đổi mới hiện nay

Thứ hai - 19/06/2023 02:51 927 0
Ngay từ giữa thế kỷ XX, Hồ Chí Minh đã có cái nhìn khoa học và hiện đại về phát triển xã hội, trong đó có những vấn đề mà nhiều lý thuyết phát triển ngày nay đang đặt ra như phát triển toàn diện, phát triển bền vững, phát triển nhân văn. Những vấn đề về mối quan hệ biện chứng giữa kinh tế và xã hội, vật chất và tinh thần… đã được Hồ Chí Minh đề cập sâu sắc trong quan niệm và thể hiện sinh động trong thực tiễn Người lãnh đạo xây dựng xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.


Ảnh minh họa


TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CÁC LĨNH VỰC CỦA ĐỜI SỐNG XÃ HỘI

Hồ Chí Minh quan niệm xã hội là sự thống nhất biện chứng trong các lĩnh vực cơ bản, đó là kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Người cho rằng: “Trong công cuộc kiến thiết đất nước ta, có bốn vấn đề cùng phải chú ý, cùng phải coi là quan trọng ngang nhau, không được xem nhẹ mặt nào, đó là: Kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội”(1). Xã hội phát triển phải là xã hội với một thể chế chính trị dân chủ, một nền kinh tế có lực lượng sản xuất hiện đại tương ứng là quan hệ sản xuất phù hợp; một nền văn hóa dân tộc, khoa học và đại chúng; một xã hội bình đẳng, công bằng, nhân dân thoát nạn bần cùng, được sống đời hạnh phúc.

Chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội là những lĩnh vực, những thành tố thiết yếu tạo nên sự vận động và phát triển xã hội. Nhưng với Hồ Chí Minh, sự phát triển không chỉ cần đến các yếu tố tạo nên động lực phát triển; điều quan trọng là các thành tố đó phải tổ hợp thành một chỉnh thể thống nhất trong sự tác động nhiều chiều, đa dạng và thường xuyên. Trong triết lý phát triển xã hội của Hồ Chí Minh, phát triển kinh tế là điều kiện căn bản để cho xã hội phát triển bền vững. Người nói: “Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải phát triển kinh tế và văn hóa. Vì sao không nói phát triển văn hóa và kinh tế? Tục ngữ ta có câu: Có thực mới vực được đạo; vì thế kinh tế phải đi trước”(2). Đó là triết lý duy vật về sự phát triển toàn diện xã hội của Hồ Chí Minh. Việc xây dựng xã hội dân chủ, giàu mạnh, văn minh đòi hỏi phải xây dựng kinh tế là trung tâm, không ngừng giải phóng và phát triển sức sản xuất xã hội. Về nguyên lý, kinh tế là yếu tố quyết định tính chất và diện mạo của đời sống chính trị - xã hội. Xây dựng kinh tế làm cơ sở hạ tầng cho sự phát triển văn hóa, chính trị là điều kiện vật chất thực hiện các chính sách xã hội, liên quan mật thiết đến chất lượng dân sinh. Theo đó, mức sống với sản xuất được Hồ Chí Minh ví như thuyền với nước, “nước dâng thì thuyền lên. Sản xuất, kinh tế của chúng ta có phát triển thì đời sống mọi người mới cải thiện”(3).

Mặt khác, Người cũng chỉ ra tác động tích cực của chính trị với văn hóa và kinh tế. Muốn tiến bộ, xây dựng kinh tế cũng như mọi việc khác phải lấy chính trị làm đầu, tư tưởng phải thông suốt từ trên xuống dưới, từ trong Đảng ra nhân dân và “Để cải tạo xã hội, một mặt phải cải tạo vật chất như tăng gia sản xuất, một mặt phải cải tạo tư tưởng. Nếu không có tư tưởng xã hội chủ nghĩa thì không làm việc xã hội chủ nghĩa được”(4). Khi dân tộc và đất nước còn bị nô lệ thì văn hóa cùng chung số phận nô lệ đó, vì vậy, theo Hồ Chí Minh, phải tiến hành cách mạng chính trị trước để giải phóng chính trị, giải phóng xã hội, từ đó, giải phóng văn hóa, mở đường cho văn hóa phát triển. Người nhấn mạnh rằng, có chính trị mới có văn hóa, xưa kia, chính trị bị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế không nảy sinh được.

Văn hóa thuộc kiến trúc thượng tầng, gắn bó hữu cơ với cơ sở hạ tầng; vì thế, “văn hóa, nghệ thuật cũng như mọi hoạt động khác, không thể đứng ngoài, mà phải ở trong kinh tế và chính trị”(5). Văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế. Không những thế, tiếp cận theo triết lý phát triển, văn hóa có sứ mệnh to lớn, soi đường cho quốc dân đi, lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ. Văn hóa không phụ thuộc một cách máy móc vào điều kiện sinh hoạt vật chất, mức sống, mà có khi cách mạng tư tưởng - văn hóa phải đi trước một bước để dọn đường cho cách mạng công nghiệp. Với quan niệm xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam phải là một xã hội có văn hóa cao, Người nhấn mạnh: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa”(6). Bởi vậy, văn hóa có nhiệm vụ quan trọng góp phần tạo nên những con người mới có đạo đức, trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần và năng lực làm chủ, có kiến thức khoa học kỹ thuật, nhạy bén với cái mới, dám nghĩ dám làm, có tinh thần trách nhiệm vì nước vì dân, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Nền văn hóa Việt Nam, về mặt chính trị là đề cao nhân quyền và dân quyền, về mặt xã hội là quan tâm tới phúc lợi của tất cả các tầng lớp nhân dân mà trước hết là nhân dân lao động.

Theo Hồ Chí Minh, trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội nhưng những mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế. Người căn dặn: “Phải luôn luôn nhớ rằng: Điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện dần đời sống của nhân dân”(7) và nhấn mạnh “tất cả đường lối, phương châm, chính sách của Đảng chỉ nhằm nâng cao đời sống của nhân dân”(8). Khi các vấn đề xã hội được giải quyết mang tính hợp lý, công bằng, tiến bộ thông qua chính sách xã hội sẽ góp phần nâng cao đời sống nhân dân, khuyến khích người lao động sản xuất để thực hiện các mục tiêu kinh tế. Bên cạnh đó, giữa văn hóa và xã hội có sự gắn bó khăng khít với nhau, mục tiêu của sự phát triển xã hội cũng chính là mục tiêu văn hóa như: xóa đói, xóa nghèo, khuyến khích làm giàu hợp pháp, phổ cập giáo dục tiểu học, nam nữ bình đẳng và nâng cao vị thế cho phụ nữ, vấn đề chăm sóc sức khỏe, bảo đảm bền vững về môi trường... Hơn nữa, chính sách xã hội bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người và các quan hệ xã hội, nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho con người, từ đó, tạo động lực mạnh mẽ phát triển đến tất cả các lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Quan điểm về phát triển toàn diện của Người chính là nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng xã hội chủ nghĩa, trong đó sự phát triển hài hòa trong từng lĩnh vực và giữa các lĩnh vực là cơ sở cho sự phát triển bền vững, là điều kiện của sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân và cả cộng đồng. Phát hiện quan trọng nữa của Hồ Chí Minh về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở những nước chưa phát triển như Việt Nam, đó là không chỉ là vấn đề đấu tranh giai cấp mà trước hết và trên hết phải tạo ra công ăn việc làm cho người lao động, giải phóng họ khỏi nghèo nàn, dốt nát và lạc hậu. Phát triển xã hội nhằm mang lại tự do, hạnh phúc thực sự cho nhân dân, xứng đáng với một nước độc lập đi lên chủ nghĩa xã hội. Ðó là con đường phấn đấu lâu dài, gian khổ, liên tục trên mọi phương diện từ kinh tế, chính trị đến văn hóa và xã hội, y tế và giáo dục… Có thể nói, trong quá trình lãnh đạo xây dựng xã hội mới Việt Nam sau khi giành độc lập, Hồ Chí Minh không chỉ thành công trong việc vận dụng một học thuyết vốn có cơ sở thực tế từ xã hội phương Tây tư bản chủ nghĩa vào thực tiễn một nước phương Đông thuộc địa như Việt Nam mà còn bổ sung, phát triển học thuyết Mác, phù hợp với các nước chưa qua giai đoạn phát triển chủ nghĩa tư bản, mà Việt Nam là một minh chứng tiêu biểu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất (năm 1956)

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Nhà máy diêm Thống Nhất (năm 1956)

VẬN DỤNG TRONG CÔNG CUỘC ĐỔI MỚI HIỆN NAY

37 năm đổi mới vừa qua là một giai đoạn lịch sử ghi nhận những bước phát triển nhanh chóng và toàn diện của đất nước trên các lĩnh vực. Trong quá trình đổi mới, nhận thức về xã hội xã hội chủ nghĩa của Đảng, càng cần bổ sung, hoàn thiện theo định hướng về xã hội phát triển đầy đủ, toàn diện, xã hội phát triển nhân văn theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đại hội XIII của Đảng đã xác định giai đoạn hiện nay là giai đoạnNâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa(9)Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn trên tất cả các lĩnh vực, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên. Như vậy, đến đây Đảng ta nhận thức rõ hơn vấn đề không chỉ phát triển kinh tế là trung tâm mà cả phát triển xã hội là trung tâm; không chỉ xây dựng văn hóa làm nền tảng tinh thần mà cả xây dựng con người làm nền tảng tinh thần, trong đó “Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, có sức khỏe, năng lực, trình độ, có ý thức, trách nhiệm cao đối với bản thân, gia đình, xã hội và Tổ quốc”(10).

Đổi mới kinh tế và chính trị từ năm 1986 đã thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới trở thành quốc gia thu nhập trung bình thấp. Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên, Đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt về cả vật chất và tinh thần. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Những thành tựu to lớn trên khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn là phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn của Việt Nam. Tuy vậy, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau, mà chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan, nền kinh tế xã hội nước ta tồn tại không ít hạn chế, bất cập, phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, chưa nhận thức đầy đủ và xử lý tốt quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, xây dựng con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường”. Thiếu tư duy hệ thống, thiếu sự đồng bộtrong hoạch định chính sách vẫn đang là hạn chế lớn cản trở sự phát triển của đất nước. Từ đó, dẫn đến một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm 2011-2020 và việc tạo nền tảng để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu đề ra. Từ thực tiễn của công cuộc đổi mới ở Việt Nam cho thấy, việc tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với ổn định chính trị, tiến bộ và công bằng xã hội. Văn hoá đang trở thành một động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đang diễn ra trong bối cảnh đời sống quốc tế có nhiều biến đổi mạnh mẽ. Quá trình toàn cầu hoá có nhiều tác động tích cực như thúc đẩy nhanh và mạnh sự phát triển và xã hội hóa lực lượng sản xuất, đưa lại sự tăng trưởng cao, tạo ra các điều kiện vật chất cho sự phát triển của con người, của xã hội. Tuy nhiên, toàn cầu hóa có tác động tiêu cực mà ở những nước chậm và đang phát triển thì sự thách thức và tác động tiêu cực lại càng lớn hơn, trong đó có sự nhận thức sai lầm, phiến diện về phát triển “thuần túy kinh tế”, vấn đề môi trường sinh thái, vấn đề đạo đức, lối sống, văn hóa. Với Việt Nam, trong quá trình toàn cầu hóa, chúng ta vừa phải lo tránh tụt hậu xa về kinh tế so với các nước vừa phải lo chệch hướng về chính trị, suy thoái về đạo đức, lối sống.

Từ đòi hỏi đó, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển trong công cuộc đổi mới hiện nay, cần tiếp tục quán triệt những vấn đề sau:

Phát triển đồng bộ, toàn diện các mặt của đời sống xã hội chính là sự nhận thức một cách đúng đắn về chủ nghĩa xã hội; về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội bằng những hình thức, bước đi, biện pháp phù hợp và có hiệu quả hơn. Công cuộc đổi mới cần tiến hành một cách toàn diện, đồng bộ, từ nhận thức, tư duy đến hoạt động thực tiễn; phát triển mọi mặt của đời sống xã hội, trước hết là kinh tế; đổi mới chính trị từ hoạt động lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước đến hoạt động cụ thể trong từng bộ phận của hệ thống chính trị. Những sự đổi mới này phải có trọng tâm, trọng điểm, bước đi, có lộ trình, hình thức phù hợp, bảo đảm sự gắn kết chặt chẽ và đồng bộ giữa ba nhiệm vụ: phát triển kinh tế là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt và phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, bảo đảm  dân chủ công bằng, tiến bộ và văn minh của xã hội.

Phát triển toàn diện các mặt của đời sống xã hội phải luôn luôn quán triệt quan điểm “dân là gốc”, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của nhân dân theo tinh thần “đem tài dân, sức dân, của dân làm lợi cho dân”. Khái niệm nhân dân ở đây, không chỉ là nhân dân lao động với hai giai cấp cơ bản trong xã hội là công nhân và nông dân, mà là mọi người dân Việt Nam “không phân biệt nòi giống, già trẻ, gái trai, tôn giáo, thành phần, giàu nghèo, tôn giáo….”.

Các đại biểu dự phiên khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

Các đại biểu dự phiên khai mạc Đại hội lần thứ XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN)

Hơn 75 năm trước Hồ Chí Minh đã tổng kết: “Dân chúng đồng lòng, việc gì cũng làm được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”(11). Do đó, phát triển phải vì lợi ích của nhân dân, xa rời, đi ngược lại lợi ích của nhân dân thì sự nghiệp đổi mới sẽ thất bại. Đảng ta nhận định: “Từ trước đến nay, bất cứ việc gì đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, của toàn Đảng, được nhân dân và toàn đảng đồng lòng, góp sức thì nhất định thắng lợi”(12). Ý kiến, nguyện vọng, đòi hỏi, sáng kiến của nhân dân nảy sinh từ thực tiễn chính là nguồn gốc hình thành đường lối chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước. Dựa vào dân, qua thực tiễn phong phú của nhân dân để tiến hành tổng kết, đúc rút ra các vấn đề có tính quy luật, trên các lĩnh vực xã hội để tiếp tục đi lên, đó là chìa khóa của sự thành công.

Phải luôn coi trọng giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Do hoàn cảnh chiến tranh buộc phải dành nhiều tâm lực, trí lực lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, nhưng Hồ Chí Minh vẫn luôn nhấn mạnh đến yêu cầu phải có một nền kinh tế vững mạnh làm cơ sở cho giải quyết các vấn đề xã hội. Chỉ có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững thì mới có khả năng huy động các nguồn lực vật chất cho việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Không thể có một xã hội tiến bộ và công bằng trên cơ sở một nền kinh tế trì trệ, suy thoái, chỉ đủ cung cấp cho dân chúng một cuộc sống “giật gấu vá vai”. Ngược lại, cũng không thể có một nền kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả cao và bền vững trong một xã hội với đa số dân chúng thấp kém về trí tuệ, ốm yếu về thể chất, suy thoái về đạo đức và một bộ phận đáng kể lao động lâm vào cảnh thất nghiệp, nghèo đói, bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Do đó, tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát triển. Không chờ đợi đến khi đất nước đạt tới trình độ phát triển kinh tế cao rồi mới thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, mới phát triển văn hóa, càng không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần hay vì lợi ích của thiểu số. Muốn vậy, mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội; mỗi chính sách phát triển xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hướng tới sự phát triển văn hóa dù trực tiếp hay gián tiếp, trước mắt hoặc lâu dài và văn hóa thật sự thấm sâu vào tất cả lĩnh vực. Bên cạnh đó, một đường lối phát triển theo mô hình kinh tế thị trường nhưng không quản lý một cách dân chủ, khoa học thì không thể ngăn chặn được tham nhũng, không thể tạo được sự ổn định.

Xuất phát từ đặc điểm nước ta, từ nước nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn tư bản, Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh yêu cầu duy trì và phát triển kinh tế nhiều thành phần, thực hiện “công tư lưỡng lợi”. Người đã nhìn thấy vai trò, sức mạnh của các thành phần xã hội như tư sản, tiểu chủ đối với công cuộc phát triển kinh tế và góp phần phát triển xã hội. Vì vậy, phải có chính sách phát triển giai cấp đúng đắn, nhất là với những giai cấp, tầng lớp hữu sản, mới tạo ra động lực thúc đẩy xã hội phát triển. Tuy nhiên, “nhà tư bản thì không khỏi bóc lột. Nhưng Chính phủ ngăn cấm họ bóc lột công nhân quá tay. Chính phủ phải bảo vệ quyền của công nhân. Đồng thời, vì lợi ích lâu dài, anh chị em thợ cũng để cho chủ được một số lợi hợp lý, không yêu cầu quá mức”. Những quan điểm đó của Hồ Chí Minh vẫn nguyên giá trị thời sự đối với hôm nay khi đối diện với các vấn đề xã hội nảy sinh từ quan hệ kinh tế, đặc biệt là quan hệ bóc lột trong điều kiện chấp nhận kinh tế nhiều thành phần - một vấn đề xã hội lớn trong quản lý phát triển xã hội Việt Nam đương đại.

Xây dựng một cộng đồng xã hội đa dạng, phong phú, trong đó các giai cấp, các tầng lớp xã hội, các tầng lớp dân cư đều có nghĩa vụ, quyền lợi. Phải xây dựng những chính sách xã hội phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của từng giai tầng xã hội, từng giới, kết hợp hài hòa lợi ích của các nhóm dân sự với nhau để củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, nhằm giữ vững an ninh chính trị xã hội, tiếp tục tạo đà cho cho phát triển kinh tế xã hội bền vững. Công bằng xã hội, tiến bộ xã hội trong phân phối thể hiện trong việc thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, phân phối theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất kinh doanh, đồng thời chú ý phân phối theo phúc lợi xã hội; khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xóa đói giảm nghèo, giảm bớt sự phân hóa giàu nghèo bằng cách nâng cao mức sống của người nghèo.

Phát triển xã hội theo hướng nhân văn, lấy con người làm trung tâm, xem phát triển con người - cả cá nhân và cộng đồng - vừa là mục tiêu cao nhất vừa là động lực to lớn nhất của tiến trình đổi mới ở nước ta. Phát triển xã hội đòi hỏi phải đáp ứng ngày một tốt hơn những nhu cầu cơ bản trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người. Trước hết, đó là những nhu cầu về ăn, mặc, ở, đi lại, phòng chữa bệnh, xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái... bảo đảm cho con người có thể sống như những sinh thể cấu thành xã hội. Những nhu cầu nêu trên không thể tự thỏa mãn mà phải thông qua lao động sản xuất của chính con người để tạo ra của cải vật chất. Tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế do đó có vai trò cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển xã hội. Song, suy đến cùng, sản xuất kinh tế chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh, là mục đích tự thân của phát triển xã hội.

Có thể nói, những nội dung về phát triển theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Phát triển kinh tế lấy con người làm trung tâm cho sự phát triển, “dân làm chủ”, “mọi quyền hành, mọi lực lượng đều ở nơi dân”; phát triển kinh tế để bảo đảm cho mọi người dân đều được hưởng thụ các giá trị phúc lợi xã hội, xóa đói giảm nghèo: “Dân giàu nước mạnh”, từng bước xóa bỏ bất công, xóa bỏ bóc lột… trên cơ sở phát triển sản xuất, dần dần “biến nước ta từ một nước nông nghiệp lạc hậu thành một nước có công nghiệp hiện đại”, nông nghiệp hiện đại, khoa học tiên tiến; gắn phát triển kinh tế với chính sách xã hội, với công bằng xã hội, “các dân tộc miền núi tiến kịp các dân tộc miền xuôi”... cũng chính là những nội dung lớn và vẫn là mục tiêu cần đạt mà Việt Nam đang hướng tới trong chiến lược phát triển bền vững hiện nay./.

TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo https://www.tuyengiao.vn/)

---

(1) Hồ Chí Minh, Về văn hóa, Bảo tàng Hồ Chí Minh, H, 1997, tr.11.
(2) (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.12, tr.470, 222.
(3) (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.10, tr. 562, 314.
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.242.
(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.246.
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.164.
(9) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.111-112.
(10) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.9.
(11)  Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 333.
(12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ sáu (lần 2) Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 1999. tr. 61.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây