Xu thế cải cách hành chính trên thế giới trong bối cảnh chuyển đổi số và phát triển bền vững

Thứ tư - 13/09/2023 03:22 155 0
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy mạnh hơn quá trình số hóa nền kinh tế cả trên bình diện quốc gia và quốc tế. Các nước trên thế giới đều có những hoạch định chính sách nhằm thúc đẩy cải cách hành chính theo hướng số hóa để tận dụng tối đa các cơ hội mới cho phát triển bền vững trong kỷ nguyên toàn cầu hóa số.
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang thúc đẩy mạnh hơn quá trình số hóa nền kinh tế cả trên bình diện quốc gia và quốc tế. (Nguồn: shutterstock.com)
HIỆN ĐẠI HÓA QUẢN TRỊ CÔNG

Xu thế hiện đại hóa quản trị công (quản lý nhà nước) được hình thành và phát triển trong quá trình chuyển đổi từ xã hội truyền thống sang xã hội hiện đại do tác động tích hợp của cách mạng công nghiệp, cạnh tranh kinh tế quốc tế, cách mạng khoa học - công nghệ và xu thế dân chủ hóa. Qua các thời kỳ lịch sử, hiện đại hóa quản trị công dần được hoàn thiện, đạt hiệu suất và hiệu quả cao hơn theo hướng chuyển đổi từ “quản trị cai trị - ban phát” sang “quản trị phục vụ - phát triển”. Hiện đại hóa quản trị công nhằm hình thành các cơ quan hành chính - công vụ hiện đại, chuyên nghiệp và vận hành độc lập theo khuôn khổ pháp quyền phân cấp, phân quyền minh bạch, phù hợp với chức năng hoạt động nhằm đạt hiệu suất và hiệu quả quản lý tối ưu.

Từ đầu những năm 70 của thế kỷ XX, trên thế giới đã hình thành ba trung tâm kinh tế cạnh tranh là Mỹ, Tây Âu và Nhật Bản. Đây cũng là thời điểm mà cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ ba (hay còn gọi là Cách mạng kỹ thuật số) phát triển mạnh mẽ, được bắt đầu từ giữa những năm 50 với sự áp dụng phổ biến của máy tính kỹ thuật số và lưu giữ hồ sơ kỹ thuật số, đánh dấu sự khởi đầu của kỷ nguyên thông tin  - tạo động lực mới cho hiện đại hóa quản trị công. Từ năm 1980, Anh triển khai dự án Quản lý công mới (NPM), trong đó áp dụng mô hình Khung năng lực (CF) và Hồ sơ thành công (CF) để đánh giá trình độ và kết quả làm việc của công chức. Cũng trong giai đoạn này, tại Nhật Bản, do sự điều chỉnh chiến lược kinh tế lấy nhu cầu trong nước làm động lực tăng trưởng, Chính phủ Nhật Bản đã chủ trương đưa cải cách hành chính đi vào chiều sâu. Chương trình cải cách hành chính của Nhật Bản được thực hiện với ba trọng tâm ưu tiên: 1) Cắt giảm chi phí hành chính để hạn chế thâm hụt ngân sách (thực hiện nguyên tắc “mức tối đa bằng 0” - tức là mức tăng của ngân sách chi cho hoạt động hành chính so với năm trước phải bằng 0); 2) Cắt giảm biên chế viên chức hành chính đi đôi với cải cách lương hưu; 3) Giảm thiểu số lượng tổ chức kinh tế nhà nước và hợp lý hóa công tác quản lý, tập trung đơn giản hóa thủ tục hành chính(1).

Quản trị công ở Mỹ cũng đứng trước những thách thức mới phải cải cách. Trong cuốn sách “Tái sáng tạo Chính phủ” (Reinventing Government) xuất bản năm 1991, tác giả Đa-vít Ô-xbon (David Osborne) và Tét Gây-blơ (Ted Gaebler) đã luận chứng cho sự cần thiết chuyển đổi từ mô hình các cơ quan hành chính tập quyền, thứ bậc sang mô hình các tổ chức phân quyền, hoạt động theo chức năng thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và mang tinh thần doanh nghiệp, đáp ứng các yêu cầu của cách mạng khoa học - công nghệ với mũi nhọn là công nghệ thông tin. Bộ máy hành chính cồng kềnh với các thủ tục quan liêu, chồng chéo trước đây đã cản trở sự phát triển kinh tế, không khuyến khích doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế. Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần tái tạo để “chính phủ mang tinh thần doanh nghiệp” với mười nguyên tắc: 1) Chính phủ đóng vai trò “chất xúc tác”: chú trọng vào việc “định hướng” thay vì “thực hiện”; 2) Chính phủ dựa trên cộng đồng: tăng cường quyền hạn thay vì trực tiếp phục vụ; 3) Chính phủ có tính cạnh tranh: tạo cạnh tranh trong các quá trình sử dụng dịch vụ công; 4) Chính phủ hoạt động dựa trên thực tiễn: thay đổi những tổ chức nặng về quy chế, thủ tục hành chính; 5) Chính phủ hoạt động theo định hướng kết quả: không cấp kinh phí trên cơ sở yếu tố đầu vào mà căn cứ vào kết quả đầu ra; 6) Chính phủ quan tâm tới khách hàng: đáp ứng các nhu cầu của mọi công dân chứ không phải yêu cầu từ nội tại của bộ máy hành chính; 7) Chính phủ dám mạo hiểm: đầu tư để tăng thêm nguồn thu; 8) Chính phủ có tầm nhìn: phòng ngừa hơn là chữa trị; 9) Chính phủ phân quyền: chuyển từ thứ bậc hành chính sang tăng cường sự tham gia và cách thức làm việc nhóm; 10) Chính phủ hoạt động theo định hướng thị trường: vận dụng cơ chế thị trường để tạo động lực thay đổi(2).

Mười nguyên tắc trên đặt ra yêu cầu đổi mới cơ bản hệ thống - cấu trúc của các cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước tại Mỹ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, bảo đảm minh bạch, trách nhiệm giải trình đối với kết quả cuối cùng cũng như huy động tối đa sự chung tay, góp sức của cộng đồng và xã hội. Định hướng này giúp chính quyền Mỹ tạo nên những bước đột phá trong hiện đại hóa quản trị công nói chung và cải cách hành chính nói riêng. Đồng thời, các nguyên tắc này cũng có ý nghĩa phương pháp luận quan trọng trong quá trình hoạch định chương trình hiện đại hóa quản trị công của các quốc gia khác trên thế giới.

TỪ ĐIỆN TỬ HÓA ĐẾN SỐ HÓA

 

 

Năm 1991, mạng lưới thông tin toàn cầu ra đời. Ngày 3/12/1992, giao thức viễn thông dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS) lần đầu tiên xuất hiện. Sự phát triển của công nghệ thông tin và internet trên thế giới đã thúc đẩy xu hướng xây dựng chính phủ điện tử và Mỹ là quốc gia đi tiên phong trong lĩnh vực này. Trong Thông điệp Liên bang Mỹ năm 1996, Tổng thống Mỹ B. Clin-tơn đã nhấn mạnh: “Kỷ nguyên của chính phủ lớn đã qua”. Có thể thấy, xây dựng “chính phủ nhỏ nhưng mạnh” trở thành nhu cầu tất yếu khách quan và có khả năng trở thành hiện thực nhờ áp dụng các thành tựu mới nhất của cách mạng khoa học - công nghệ với mũi nhọn là công nghệ thông tin.

Ngay sau khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư xuất hiện ở Đức năm 2011, đến tháng 5-2012, Mỹ công bố “Chiến lược Chính phủ số” (DGS) nhằm “xây dựng Chính phủ số trong thế kỷ XXI - bảo đảm các dịch vụ số mang lại sự phục vụ tốt hơn cho người dân”(3), trong đó đề cập đến xây dựng thành phố thông minh - lĩnh vực mà Mỹ đang đi đầu. Năm 2014, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lần đầu tiên đưa ra khuyến nghị về các chiến lược chính phủ số. Khác với Chính phủ điện tử (E-Government) sử dụng các công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đặc biệt là internet như một công cụ để đạt được hiệu quả quản lý tốt hơn, Chính phủ số (D-Government) sử dụng các công nghệ số như một phần thiết yếu trong các chiến lược hiện đại hóa chính phủ để tạo ra các giá trị công tốt nhất. Quá trình này dựa trên một hệ sinh thái chính phủ số, bao gồm các tác nhân liên quan đến chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và người dân, tạo ra dữ liệu, thúc đẩy truy cập dữ liệu, dịch vụ và các nội dung thông qua tương tác đa chiều với chính phủ(5).

Năm 2018, Liên hợp quốc đưa ra một khung phương pháp luận mới để đánh giá chính phủ điện tử của các quốc gia, yêu cầu các nước cần ưu tiên Chương trình chuyển đổi số (DA) và các nguyên tắc về Chính phủ số (DGP). Khung phương pháp luận mới này gắn liền với các mục tiêu trong Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Đồng thời, trong khung phương pháp luận này cũng đưa ra khái niệm khung Chính phủ số (DGF) nhằm bao quát các vấn đề và lĩnh vực khác nhau liên quan đến việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Tháng 3-2018, bộ phận chịu trách nhiệm đánh giá và xuất bản báo cáo về Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc cũng được đổi tên từ Ban Quản trị công và Quản lý phát triển (DPADM) thành Ban các Tổ chức công và Chính phủ số (DPIDG), trong đó thành lập riêng một Nhóm phụ trách về Chính phủ số. Sự thay đổi tên gọi mới phản ánh sự sắp xếp, cơ cấu lại các bộ phận chức năng để phù hợp với Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững. Sự thay đổi này nằm trong kế hoạch cải tổ của Ủy ban các vấn đề kinh tế - xã hội của Liên hợp quốc (UNDESA) nhằm hỗ trợ tốt hơn các nước thành viên thực hiện Chương trình 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)(5).

Theo Công ty tư vấn và nghiên cứu công nghệ Gartner (Mỹ), Chính phủ số (DGM) có năm mức độ phát triển, trong đó mức độ đầu tiên là Chính phủ điện tử, mức độ 2 là phát triển mở, mức độ 3 là lấy dữ liệu làm trung tâm, mức độ 4 là quản lý bằng số hóa hoàn toàn và mức độ 5 là tối ưu hóa(6). Chính phủ số theo mức độ 4 tập trung vào việc cải cách và chuyển đổi mô hình dựa trên thông tin, trong đó các dịch vụ công được gắn kết chặt chẽ với những thao tác dịch vụ hằng ngày của công dân dựa trên nền tảng vạn vật kết nối (IoT) phục vụ cho việc tăng cường gắn kết giữa chính phủ và người dân; được thực hiện trên nền tảng xử lý thông tin và hiệu quả được đánh giá bằng số lượng dịch vụ được tạo mới, loại bỏ hoặc được thay thế bằng hình thức tốt hơn. Chính phủ số tập trung vào chia sẻ khai thác dữ liệu để phục vụ người dùng tốt hơn, trong đó chủ động phục vụ công dân, doanh nghiệp theo nhu cầu (từ một cửa thành không cửa), phục vụ công chức và nhà quản lý tốt hơn dựa trên kinh doanh thông minh (BI) và trí tuệ nhân tạo (AI).

Năm 2014, Anh đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh lần thứ nhất nhóm Chính phủ số hàng đầu (Digital 5 - D5). Nhóm gồm năm nước thành viên là Anh, Hàn Quốc, E-xtô-ni-a, Niu Di-lân và I-xra-en cùng chung mục tiêu hợp tác tăng cường phát triển kinh tế số. Điểm thống nhất của các thành viên D5 là nguyên tắc về tính mở, tập trung vào việc thay đổi thái độ của chính phủ đối với công nghệ bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn mở và phần mềm nguồn mở, góp phần làm cho Chính phủ số hoạt động hiệu quả hơn. Các nước thành viên D5 đã ký một điều lệ chung, cam kết chia sẻ và cải thiện hoạt động của các nước thành viên trong phát triển dịch vụ số và nền kinh tế số. Trong đó, nhóm D5 tuyên bố mục tiêu chung là “khai thác sức mạnh, tiềm năng toàn cầu của công nghệ số, giúp mỗi thành viên trở thành một chính phủ số tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn thông qua chia sẻ và học tập lẫn nhau”. Để đạt được điều này, nhóm D5 chú trọng xây dựng các kỹ năng số từ trong nội bộ và khuyến khích ký kết các hợp đồng ngắn hạn với nhà cung cấp là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Từ năm 2018, nhóm đã đổi tên thành D7 do kết nạp hai thành viên mới là Ca-na-đa và U-ru-goay. Nhóm D7 duy trì tổ chức các cuộc họp thường niên để tăng cường hiệu quả và tốc độ điều hành của Chính phủ số. Với các chương trình cải cách hành chính khác nhau, trong giai đoạn 40 năm (từ năm 1979 đến năm 2019), Anh đã cắt giảm 253.000 người trong hệ thống công vụ (từ 700.000 xuống còn 447.000 người)(7).

Ở Nhật Bản, từ năm 2017, báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử hằng năm của Đại học Waseda cũng đã đổi tên là Bảng xếp hạng Chính phủ số quốc tế. Lý do của sự thay đổi này là nhu cầu chuyển đổi từ Chính phủ điện tử sang Chính phủ số, bởi nội hàm của Chính phủ số bao quát nhiều hoạt động toàn diện hơn. Trong đó, các chỉ tiêu về sáng tạo số và nền kinh tế số đều đóng vai trò then chốt để giải quyết các thách thức, nhằm tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế. Tháng 1/2018, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành Kế hoạch hành động Chính phủ số 2018 nhằm số hóa mọi dịch vụ hành chính công để người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện các thủ tục hành chính hoàn toàn qua internet.

Tại Hàn Quốc, tháng 6/2016, một nhóm nhà nghiên cứu trong lĩnh vực chính phủ điện tử, chính sách công và hành chính công đã công bố nghiên cứu: “Tại sao là Chính phủ số mà không phải Chính phủ điện tử? Sự thay đổi mô hình kiểu mẫu của Chính phủ số ở Hàn Quốc”. Mục đích của nghiên cứu này là xây dựng một mô hình mới vượt lên trên mô hình Chính phủ điện tử ở Hàn Quốc vốn đã được xếp hạng đầu bảng trong báo cáo đánh giá Chính phủ điện tử của Liên hợp quốc ba kỳ liên tiếp (các năm 2010, 2012, 2014). Mặc dù Hàn Quốc đạt được nhiều thành tựu lớn về các sáng kiến thực thi Chính phủ điện tử, nhưng những thay đổi nhanh chóng về bối cảnh công nghệ, kinh tế, xã hội cũng như môi trường khiến năng lực điều hành của Chính phủ Hàn Quốc hiện nay và trong tương lai gần chưa được bảo đảm và chưa mang lại hiệu quả cao. Do đó, nhóm nghiên cứu về Chính phủ số của Hàn Quốc đã được thành lập dưới sự lãnh đạo của Nhóm quy hoạch Chính phủ điện tử, Ban Chính phủ điện tử, Cục Xã hội thông tin quốc gia (NIA) - cơ quan thường trực về Chính phủ điện tử của Hàn Quốc. Nghiên cứu này cũng đề xuất một mô hình tương lai của Chính phủ số. Đây là mô hình kiểu mới và sẽ dần thay thế mô hình Chính phủ điện tử, với tầm nhìn mới và các chiến lược đối phó với những thách thức mới. Trong đó, mô hình Chính phủ số tập trung vào việc tạo ra và sử dụng dữ liệu trong thời đại xã hội số để hướng tới phát triển bền vững. Chiến lược hành động là chuyển đổi từ 3E của Chính phủ điện tử (Efficient work process - quy trình làm việc hiệu quả, Evolutionary strategy - chiến lược tiến hóa, Each silo service - dịch vụ đơn lẻ tách biệt) sang 3D của Chính phủ số (Desirable value creation - sáng tạo ra giá trị mong muốn, Disruptive innovation - đổi mới đột phá, Direct engagement service - dịch vụ tương tác trực tiếp).

Năm 2004, Trung Quốc bắt đầu xây dựng Chính phủ điện tử. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính để Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010. Năm 2012, Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, số hóa và thành phố thông minh. Năm 2020, Trung Quốc đứng thứ 45 trên tổng số 193 quốc gia trong khảo sát về chính phủ điện tử của Liên hợp quốc, tăng 20 bậc so với năm 2018. Theo Báo cáo kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020, Trung Quốc xếp thứ 31 trên toàn cầu về mức độ dễ dàng kinh doanh, một sự cải thiện đáng kể so với thứ hạng 91 vào năm 2012(8).

MỘT SỐ VẤN ĐỀ ĐẶT RA

Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019, của Bộ Chính trị về "Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đã xác định phát triển chính phủ số là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025. Tháng 6/2022, Chính phủ đã phê duyệt Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo 5 cấp, gồm 1) Công khai, minh bạch; 2) Tiến độ, kết quả giải quyết; 3) Số hóa hồ sơ; 4) Cung cấp dịch vụ trực tuyến; 5) Mức độ hài lòng(9). Đây là một bước tiến quan trọng trong khuôn khổ chính phủ điện tử, góp phần tạo ra hệ giá trị công tốt nhất nhằm thúc đẩy phát triển bền vững. Qua đó, từ xu thế và kinh nghiệm quốc tế về hiện đại hóa quản trị công cũng như từ thực tiễn đất nước, có một số vấn đề cần chú trọng:

Một là, bảo đảm chủ quyền kỹ thuật số với hàm ý là người dùng (các cơ quan nhà nước, công dân, doanh nghiệp...) có quyền kiểm soát dữ liệu của họ.

Xu hướng số hóa làm cho cạnh tranh địa - chính trị số (DG) diễn ra ngày càng sôi động. Các quốc gia đều ưu tiên bảo đảm chủ quyền kỹ thuật số - một nội hàm mới của độc lập, tự chủ và chủ quyền quốc gia. Hiện nay, 90% dữ liệu của Liên minh châu Âu (EU) là do các doanh nghiệp công nghệ của Mỹ quản lý và các giá trị của nó cũng được trích xuất ở bên ngoài EU. Đây là một thách thức rất lớn đối với EU trong vấn đề bảo đảm chủ quyền kỹ thuật số. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng thay vì tìm cách xây dựng những “gã khổng lồ” công nghệ mới để tự chủ dữ liệu, EU cần đổi mới các quy định và đầu tư để giảm thiểu sự phụ thuộc vào công nghệ bên ngoài. Dự luật Thị trường kỹ thuật số của EU đang được hoàn thiện. Theo hướng này, EU đưa ra một số mục tiêu đến năm 2030 nhằm giảm thiểu rủi ro liên quan đến việc nước thứ ba sở hữu dữ liệu của EU, bao gồm lập một danh sách các quy định về kỹ thuật số của EU nhằm bảo vệ và trao quyền tự chủ cho người dùng; thiết kế một “la bàn kỹ thuật số” với những mục tiêu chung giám sát và theo dõi các tiến triển.

Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra kế hoạch vào năm 2030 sẽ triển khai 10.000 “nút biên” trên toàn EU để bảo đảm quyền truy cập các dịch vụ dữ liệu với độ trễ thấp (chỉ vài mi-li giây) của mọi người dân và không phụ thuộc vào vị trí của các doanh nghiệp chủ; đồng thời, phải đạt được kết nối tốc độ cao (Gigabit) vào năm 2030 với việc tập trung triển khai các công nghệ di động và cố định, bao gồm 5G và 6G. EU mong muốn tăng cường sự hợp tác quốc tế trong các mục tiêu kết nối của khối, trong đó chú trọng sáng kiến của các đối tác Ấn Độ, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Mỹ La-tinh và Ca-ri-bê. Để tự chủ về công nghệ, EU đặt mục tiêu vào năm 2030, việc sản xuất các thiết bị bán dẫn tiên tiến và bền vững, bao gồm các bộ vi xử lý (chip cao cấp), sẽ chiếm ít nhất 20% giá trị sản lượng trên toàn thế giới. Trên cơ sở kinh nghiệm của EU và một số đối tác khác, Việt Nam cần sớm nghiên cứu để hoạch định chiến lược bảo vệ chủ quyền kỹ thuật số tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chủ quyền số gồm chủ quyền dữ liệu và chủ quyền công nghệ. Một trong các ưu tiên là sớm xây dựng dự luật liên quan tới thị trường kỹ thuật số, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số hiện đại từng bước đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền số và đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật số.

Hai là, chính phủ số công bộc và phát triển bền vững.

Trong thiết kế nhà nước kiểu mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân”(11). Quan điểm này của Người là kim chỉ nam cho việc xây dựng chính phủ số ở Việt Nam hiện nay với mục tiêu phục vụ nhân dân tốt nhất và hiệu quả nhất với thước đo cuối cùng là nhân dân có thực sự hài lòng và hạnh phúc hay không. Do đó, chính phủ số ở Việt Nam trước hết phải là chính phủ số công bộc.

Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ba loại giặc, đó là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, đồng thời Người khẳng định: “nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(12) và nêu chủ trương “Kháng chiến phải đi đôi với kiến quốc”(13). Vì vậy, chính phủ số mà Việt Nam hướng tới xây dựng phải là chính phủ số công bộc và thúc đẩy phát triển bền vững.

Thực tế cho thấy, những nhiên liệu, thực phẩm, như dầu lửa, khí đốt, ngũ cốc... vẫn là những mặt hàng thiết yếu mà cách mạng công nghệ chưa thể chế tạo ra. Vì vậy, cần nghiên cứu mở rộng nội hàm của phát triển bền vững, không chỉ bảo đảm sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường tự nhiên và thực thi công bằng xã hội, mà còn phải duy trì được sự cân đối cần thiết giữa công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ, trong đó có sản xuất lương thực, thực phẩm và cung cấp năng lượng cho sản xuất và phục vụ đời sống của nhân dân. Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp dầu khí và công nghiệp dược phẩm, đồng thời có thể phấn đấu trở thành cường quốc nông nghiệp hữu cơ an toàn. Đó cũng là những mục tiêu phát triển bền vững mà chính phủ số cần hướng tới.

Để xây dựng chính phủ số công bộc và phát triển bền vững đòi hỏi trước hết phải có đội ngũ công chức “3C”: chuyên nghiệpcông bộc và công nghệ số; đồng thời, cần tiếp tục đổi mới cách thi tuyển công chức ở Việt Nam hiện nay để tuyển chọn được nhân tài tinh hoa. Ở Anh và một số nước phát triển khác, truyền thông xã hội, như các trang mạng Sky, Twister... được coi là phương tiện hiệu quả để ứng dụng các kỹ thuật tuyển dụng hướng tới thế hệ trẻ, thế hệ chủ chốt trong lực lượng lao động toàn cầu. Qua tương tác trên không gian mạng, nhà quản lý nhân sự nắm bắt được số lượng người tìm việc trong từng lĩnh vực để phỏng vấn, sàng lọc, tuyển dụng thông qua ứng dụng công nghệ số hiện đại, bảo đảm tiêu chí đúng người, đúng việc, đúng năng lực, đúng thời điểm, đúng địa điểm và đúng chi phí.

Có thể thấy rằng, cải cách hành chính góp phần quan trọng nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, duy trì sự phát triển của đất nước. Nhận thức rõ tầm quan trọng này, các quốc gia trên thế giới không ngừng cải cách bộ máy hành chính của mình. Do vậy, kết hợp cải cách hành chính trong bối cảnh chuyển đổi số một cách hợp lý sẽ góp phần xây dựng chính phủ số Việt Nam hoạt động hiệu quả và thiết thực hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2022 theo phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thông qua các cơ chế giám sát, trao đổi, kiến nghị bằng  phương tiện kỹ thuật số, người dân có thể thể hiện trực tiếp nguyện vọng và ý kiến với các cơ quan công quyền, vừa giảm thiểu chi phí, thời gian, vừa có thể đối thoại trực tiếp với những công chức và lãnh đạo có trách nhiệm, phát huy tối đa năng lực sáng tạo và trách nhiệm công dân.

Ba là, tiến hành đồng bộ xây dựng chính phủ số với phát triển kinh tế số và xã hội số, đồng thời có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực số thiết thực và hiệu quả.

Việc xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số và kiến tạo xã hội số phải được tiến hành đồng bộ, phù hợp với quy luật về mối quan hệ hữu cơ giữa kinh tế, chính trị và xã hội. Sự phát triển kinh tế số đòi hỏi các cơ quan công quyền phải số hóa, đồng thời việc thúc đẩy xây dựng chính phủ số nhanh và hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế số và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược này đòi hỏi có nguồn nhân lực số tương thích theo chuẩn mực quốc tế. Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ, về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhấn mạnh: “Thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, cung cấp các khóa học đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn trên thế giới để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số, hình thành văn hóa số. Chuẩn bị nguồn nhân lực cho chuyển đổi số để phát triển xã hội số, không ai bị bỏ lại phía sau”. Ngoài các tiêu chuẩn công nghệ, quá trình đào tạo nguồn nhân lực số đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế đòi hỏi nghiên cứu một số vấn đề mới, như công dân số và văn hóa số... để cập nhật vào các chương trình giảng dạy trong các cấp học phổ thông, đào tạo nghề và giáo dục đại học. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, chín yếu tố cấu thành công dân số là: 1) Khả năng truy cập các nguồn thông tin số, 2) Khả năng giao tiếp trong môi trường số, 3) Kỹ năng số cơ bản, 4) Mua bán hàng hóa trên mạng, 5) Chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, 6) Bảo vệ thể chất và tâm lý trước ảnh hưởng từ môi trường số, 7) Quyền và trách nhiệm trong môi trường số, 8) Định danh và xác thực dữ liệu cá nhân, 9) Quyền riêng tư trong môi trường số. Văn hóa Việt Nam đã được hình thành và hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, còn xã hội số mới chỉ hình thành trong vài chục năm trở lại đây với các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số. Đây đều là những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu để khái quát thành cơ sở lý luận khoa học, góp phần định hướng cho việc hoàn thiện và triển khai chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045./.

TS. NGUYỄN ĐÌNH LUÂN
Học viện Ngoại giao

______________________  

(1) Quốc Đạt: Nền hành chính công Nhật Bản: Cải cách hành chính - Tự chủ là chìa khóa”,https://tcnn.vn/news/detail/38893/Nen_hanh_chinh_cong_Nhat_Ban_Cai_cach_hanh_chinh_Tu_chu_la_chia_khoaall.html, ngày 27/12/2017.
(2) David Osborne & Ted Gaebler: Reinventing Government: How the Entrepreneurial Spirit is Transforming the Public Sector (Tạm dịch: Đổi mới chính phủ: Tinh thần kinh doanh đang chuyển đổi khu vực công như thế nào), A Plume Book, New York, 1993.
(3) Digital Government Strategy (Tạm dịch: Chiến lược Chính phủ số), U.S. Department of State,  https://www.state.gov/digital-government-strategy/.
(4) Public Governance and Territorial Development Directorat: Recommendation of the Council on Digital Government Strategies (Tạm dịch: Khuyến nghị của Hội đồng về Chiến lược Chính phủ số), https://www.oecd.org/gov/digital-government/Recommendation-digital-government-strategies.pdf.
(5) United Nations: Roadmap for Digital Cooperation (Tạm dịch: Lộ trình hợp tác kỹ thuật số), https://www.un.org/en/content/digital-cooperation-roadmap/assets/pdf/Roadmap_for_Digital_Cooperation_EN.pdf.
(6) 5 Levels of Digital Government Maturity (Tạm dịch: 5 mức độ phát triển của chính phủ kỹ thuật số), https://www.gartner.com/smarterwithgartner/5-levels-of-digital-government-maturity, ngày 6/11/2017.
(7) Phạm Đức Toàn: Kinh nghiệm quản lý nguồn nhân lực trong nền công vụ Vương quốc Anh, https://moha.gov.vn/tin-tuc-su-kien/diem-tin/kinh-nghiem-quan-ly-nguon-nhan-luc-trong-nen-cong-vu-vuong-quoc-anh-41758.html, ngày 15/1/2020.
(8) Phạm Đi: Mô hình Chính phủ phục vụ của Trung Quốc và gợi ý đối với Việt Nam về xây dựng Chính phủ kiến tạo, vì nhân dân phục vụ, https://vass.gov.vn/nghien-cuu-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van/Mo-hinh-Chinh-phu-phuc-vu-cua-Trung-Quoc-va-goi-y-doi-voi-Viet-Nam-ve-xay-dung-Chinh-phu-kien-tao-vi-nhan-dan-phuc-vu-148, ngày 6-5-2021.
(9) Chí Kiên: 5 nhóm chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, https://baochinhphu.vn/5-nhom-chi-so-danh-gia-chat-luong-phuc-vu-nguoi-dan-trong-thuc-hien-tthc-dich-vu-cong, ngày 24/6/2022.
(11) (12) (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.4, tr.64, 64, 114.

(Nguồn: TC Cộng sản)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây