Đồng chí Lê Phước Thọ. Ảnh: DUY KHÔI.
Đây là điều anh Sáu Hậu nung nấu, ấp ủ từ lâu nhưng mãi lo việc Đảng, việc nước, việc dân nên lúc "thượng thọ cửu tuần", anh mới bắt đầu dồn tâm cho cuốn sách.
Tôi nhớ, ngày đầu khi trao đổi về cuốn sách, anh Sáu chỉ đặt vấn đề: Đây là tư liệu trong quá trình hoạt động cách mạng, muốn ghi chép lại để cho con cháu thế hệ sau biết ông cha mình đã trải qua những gì, chứ chưa có ý định in thành sách, phát hành rộng rãi. Anh Sáu nói: Thấy cô có tham gia viết sử cho Mỹ Tú, nay tôi phác thảo đề mục, muốn trao đổi để cô góp ý (xin được nói thêm, Mỹ Tú là địa bàn có căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Phước, nay thuộc tỉnh Sóc Trăng; là nơi anh Sáu cùng đồng đội nhiều năm hoạt động “vào sinh, ra tử” những năm chống đế quốc Mỹ cứu nước).
Qua gặp gỡ, trao đổi, được đọc nhiều tư liệu quý gắn liền với cuộc đời - sự nghiệp cách mạng của đồng chí Lê Phước Thọ và những cột mốc lịch sử của đất nước, của dân tộc khi đồng chí được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, anh chị em chúng tôi đề nghị nên hình thành một cuốn sách sẽ có giá trị không những cho hôm nay mà còn cho mai sau.
Trong quá trình soạn thảo, anh Sáu Hậu thường nhắc nhở: “Có thể cuốn sách viết chất lượng còn nhiều hạn chế, nhưng phải viết đúng, tránh đụng chạm cá nhân và đừng chỉ nói thành tích của cá nhân tôi”. Với bề dày hoạt động của đồng chí và thời gian diễn ra các sự kiện trải dài 9 thập kỷ, những phần dự thảo được bổ sung, sửa chữa liên tục, làm sao để cuốn sách có chất lượng, đòi hỏi sự kiên trì rất lớn.
Thật vui mừng, tháng 9-2020, cuốn sách “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” của đồng chí Lê Phước Thọ đã ra mắt bạn đọc. Cầm trên tay quyển sách còn thơm mùi giấy in, bìa cứng, trang trọng, tôi nhớ ngay đến hình ảnh những ngày vất vả, làm việc miệt mài của anh Sáu Hậu. Suốt 3 năm, có vài lần bị bệnh nặng phải điều trị ở bệnh viện Thống Nhất, còn đôi chân thì thường xuyên bị xuống máu sưng đau vì ngồi ở bàn viết quá nhiều, nhưng cũng không làm khó được anh Sáu Hậu! Anh viết rồi bổ sung, sửa chữa và lại viết tiếp (nghe anh nói đã tốn đến 2 gram giấy A4).
Một điều nữa rất ấn tượng là dù lớn tuổi nhưng anh có trí nhớ tuyệt vời. Chỉ cần thêm ý này ý khác theo chủ quan của người viết là anh phát hiện ra liền. Tôi còn rất thích phong cách làm việc chu đáo, tỉ mỉ của anh. Bao giờ cũng thế, những ý kiến sẽ phát biểu với mọi người - dù chỉ có 1 hoặc 2 người - anh vẫn viết ra giấy kỹ càng. Anh thường khơi gợi để anh chị em nói hết những suy nghĩ, bàn bạc dân chủ, cuối cùng mới “chốt” lại. Sự thật, ban đầu cũng có người cũng e dè, không biết khi phát biểu với một đồng chí từng là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương có bị đánh giá gì không! Nhưng sau biết phong cách làm việc của anh Sáu rồi, ai cũng bộc bạch hết cỡ. Khi nhóm biên soạn chậm tiến độ hoặc gặp vấn đề khó, anh Sáu Hậu đều “gỡ rối” một cách rất nhẹ nhàng, động viên kịp thời để mọi người vượt qua. Tôi nhớ, trong một lá thư gửi anh chị em, anh viết: “Tuy chúng ta có nhiều cố gắng, tâm huyết nhưng khi vào thực tế không đơn giản. Bởi hồi ký, tự truyện hoặc tập sách “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” có liên quan đến cấp vĩ mô, rất khó và phức tạp; tôi chưa nói đến đường lối, quan điểm; cái khó nhất, phức tạp nhất là tư duy “Đổi mới chỉnh đốn Đảng” của Đảng cầm quyền như thế nào? Hầu hết chúng ta chưa có ai chuyên sâu viết hồi ký. Vì vậy, cái khó này là tất yếu khách quan...”. Và sau đó anh lại gợi ý đặt ra hàng loạt vấn đề để mọi người suy nghĩ, bổ sung, hoàn thiện.
Trong cuốn sách mỗi phần có thuận lợi và khó khăn riêng, nhưng anh Sáu Hậu dụng công nhiều nhất là về “Công tác Đảng, công tác cán bộ” và “Những điều đọng lại” ở cuối cuốn sách đã xuất bản. Riêng về công tác Đảng, công tác cán bộ, từ tổng kết thực tiễn, soi rọi vào lý luận, nhất là thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ và các lãnh đạo tiền bối đi trước, anh rút tỉa ra những vấn đề cốt lõi, có giá trị về công tác đổi mới chỉnh đốn Đảng, công tác tổ chức cán bộ phục vụ cho công cuộc đổi mới đất nước hiện nay. Trong cuốn sách “Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước” đã thể hiện rõ vấn đề này. Ngoài ra, anh đã có hẳn một bài viết về “Đổi mới công tác cán bộ theo tư tưởng Bác Hồ” trong quá trình triển khai Nghị quyết Trung ương 3, khóa VII “Về đổi mới và chỉnh đốn Đảng”. Những bài học ấy bổ ích cho bất cứ ai đang làm công tác Đảng, công tác cán bộ. Trong quá trình làm việc, dù vấn đề có phức tạp đến đâu, anh Sáu Hậu đều gom lại, biểu đạt bằng một cách riêng, ngắn gọn, dễ hiểu và sâu sắc. Anh nhấn mạnh quy luật chuyển giai đoạn từ chiến tranh sang hòa bình, vấn đề “chiêu hiền đãi sĩ”, về “văn hóa từ chức”, về đổi mới tư duy trong đánh giá, chọn lựa, đề bạt cán bộ: “Người có tài, trung thành với Đảng thì cứ bố trí phân công, không phân biệt trong Đảng, ngoài Đảng, học hàm học vị”, “Muốn thay đổi cơ cấu kinh tế thì phải thay đổi cơ cấu về cán bộ” hoặc “Ai vì dân, làm cho dân có đủ cơm ăn áo mặc như Bác Hồ căn dặn, đó là cán bộ có năng lực, có tâm”...
Ngoài những mẩu chuyện về công việc, tôi còn rất nhớ và quý trọng sự giản dị, gần gũi của anh chị Sáu cùng gia đình đối với chúng tôi. Hầu như mỗi lần họp xong, anh chị em thường được anh chị Sáu mời ở lại dùng bữa cơm đậm đà chất Nam Bộ, thường có mắm kho, rau vườn, khô trộn gỏi xoài, cá lóc nướng cuốn bánh tráng chấm mắm nêm, canh chua cá lóc đồng... và bao giờ cũng có thêm cơm cháy nấu bằng bếp củi truyền thống đến giờ gia đình vẫn dùng. Cơm cháy giòn rụm chấm kho quẹt là món anh Sáu ưa thích. Đây là phút giây anh chị em, chú cháu chuyện trò rôm rả, thoải mái, chẳng phân biệt tuổi tác, chức tước cao thấp. Chị Sáu đã đi xa... và tôi vẫn mãi nhớ người phụ nữ Nam Bộ thủy chung, son sắt, là hậu phương vững chắc cùng anh Sáu đi trọn cuộc đời để anh yên tâm hết lòng phụng sự Tổ quốc và Nhân dân.
Về cái tình của anh Sáu đối với anh em, đồng chí cùng công tác; với bà con, cô bác đã nuôi chứa, bảo vệ anh và đồng đội trong kháng chiến - chắc chắn sẽ có nhiều bài viết nói tới. Riêng với tôi cũng có một kỷ niệm sâu sắc nằm lòng. Đó là vào một ngày cuối năm 2005 (Ất Dậu), chuẩn bị bước sang Tết Nguyên đán Bính Tuất (2006), tôi đang lúi húi lo dọn dẹp nhà cửa thì anh Sáu Hậu tới. Cùng đi, có anh Trần Thanh Nhã (Sáu Nhã), Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; nhà báo Xuân Thủy, Tổng biên tập Báo Cần Thơ. Các anh đến thăm gia đình, thắp nhang và động viên chia sẻ với mẹ con bà cháu tôi về sự ra đi của chồng tôi (anh Vũ Lân). Tôi nhớ, bữa tiễn biệt chồng tôi về cõi vĩnh hằng, anh chị em ở Cần Thơ rất chu đáo; nay các anh còn xuống tận nhà, tôi vô cùng xúc động, nói không nên lời...
Nhắc nhớ một số kỷ niệm về anh Sáu Hậu để thêm một lần trong tôi bày tỏ sự kính trọng, ngưỡng mộ. Giờ anh Sáu cũng đã đi xa. Nhưng tôi tin, những phẩm chất đạo đức cách mạng, những kinh nghiệm và cống hiến trọn đời cho Đảng, cho dân, cho nước của anh sẽ mãi là những bài học quý giá, là tấm gương sáng cho lớp người đi sau học tập, noi theo.
Đồng chí Lê Phước Thọ chụp ảnh lưu niệm cùng Nhóm biên tập - Tư vấn cuốn sách "Dấu chân in đậm trên quê hương, đất nước". Ảnh: Trần Anh Thắng.
Phạm Thị Phương Hạnh
(Nhà báo, nguyên Giám đốc Chi nhánh NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật tại Cần Thơ)