I. KHÁI LƯỢC TIỂU SỬ VÀ QUÁ TRÌNH HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG CỦA ĐỒNG CHÍ ĐÀO DUY TÙNG
Đồng chí Đào Duy Tùng sinh ngày 20/5/1924 tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội trong một gia đình nhà nho yêu nước. Sinh ra và lớn lên ở một vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa, yêu nước và cách mạng, Đồng chí đã sớm nuôi trong mình tư tưởng yêu nước và ý chí làm cách mạng. Trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, Đồng chí đã tham gia lãnh đạo phong trào Việt Minh ở xã từ tháng 4/1945. Trong tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, Đồng chí tham gia lãnh đạo Nhân dân giành chính quyền tại địa phương, làm cán bộ huyện, xây dựng chính quyền cách mạng và các đoàn thể quần chúng ở các xã trong huyện. Tháng 9/1945, Đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và cuối năm 1945 khi Chi bộ xã Cổ Loa được thành lập, Đồng chí được giao làm Bí thư Chi bộ xã.
Tháng 6/1946, Đồng chí là Thường vụ Huyện ủy, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Kim Anh, tỉnh Phúc Yên. Tháng 2/1947, Đồng chí là Tỉnh ủy viên kiêm Bí thư huyện ủy Kim Anh, sau đó được giao phụ trách Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Phúc Yên. Tháng 9/1948, Đồng chí là Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Tỉnh bộ Việt Minh tỉnh Phúc Yên. Tháng 7/1949, là Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên.
Tháng 2/1950, Đồng chí được điều về công tác ở Khu ủy, tham gia Thường vụ Tỉnh ủy Cao Bằng. Trong chiến dịch Biên giới 1950, Đồng chí là Phó Chỉ huy Ban huy động dân công. Tháng 9/1951, Đồng chí là Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Tháng 01/1953, sau lớp chỉnh huấn ở Khu ủy Việt Bắc, Đồng chí là một trong số cán bộ đầu tiên được Trung ương cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc, sau đó làm công tác hướng dẫn học tập của nhà trường.
Tháng 5/1955, Đồng chí về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng. Trong hơn 30 năm hoạt động trên lĩnh vực công tác tư tưởng, Đồng chí đã lần lượt giữ các cương vị: Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng Vụ Huấn học (1956 - 1962), Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng (tháng 12/1962) kiêm Tổng biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản) - cơ quan lý luận chính trị của Trung ương Đảng (1965 - 1982).
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1976), Đồng chí được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 11/1980, Đồng chí là Viện trưởng Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin. Tháng 11/1981, Đồng chí được bầu là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (tháng 3/1982), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, giữ chức Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986), Đồng chí tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương và được Ban Chấp hành Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, phụ trách công tác tư tưởng và khoa giáo. Tháng 5/1988, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), Đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư và Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư cho đến tháng 6/1996.
Do công lao và thành tích đối với cách mạng, Đồng chí đã được Đảng và Nhà nước ta tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.
II. ĐỒNG CHÍ ĐÀO DUY TÙNG VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ DÂN TỘC
1. Đồng chí Đào Duy Tùng - nhà lãnh đạo cấp cao có tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao của Đảng
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng trải qua nhiều vị trí công tác, dù ở vị trí công tác nào, đồng chí Đào Duy Tùng luôn thể hiện là một người cộng sản hết mực trung thành, tận tụy, một nhà lãnh đạo cấp cao với tư duy đổi mới và tầm trí tuệ cao, có những đóng góp lớn lao cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, từ cán bộ Mặt trận Việt Minh ở cơ sở, Đồng chí nhanh chóng trưởng thành trên các cương vị là Bí thư Huyện ủy, Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Phúc Yên, Phó Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng. Những năm tháng ở cơ sở là thời gian Đồng chí làm tham gia công tác lãnh đạo Đảng toàn diện trên nhiều lĩnh vực, gắn chặt lý luận với thực tiễn cách mạng và phong trào cách mạng của quần chúng.
Tháng 01/1953, sau khi kết thúc lớp chỉnh huấn ở Khu ủy Việt Bắc, Đồng chí được cử đi học tại Trường lý luận Mác - Lênin ở Trung Quốc. Ở đây, Đồng chí được học các môn triết học, kinh tế, phong trào cộng sản quốc tế và chủ nghĩa xã hội khoa học, lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc,... Kết thúc lớp học, Đồng chí được giữ lại làm công tác hướng dẫn học tập của nhà trường. Khi Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc mở lớp học lý luận dài hạn đầu tiên, Đồng chí tiếp tục tham gia học lớp nghiên cứu sinh kinh tế cùng các đồng chí Trần Xuân Trường, Trần Dương, Trần Danh Tuyên, Đậu Ngọc Xuân... do Giáo sư Ápxênhép hướng dẫn. Qua quá trình đào tạo có hệ thống về lý luận, cùng với sự phát triển từ phong trào quần chúng, đặc biệt là tinh thần tự học tập, tự rèn luyện, sự nhiệt huyết, tận tụy, trách nhiệm cao với công việc, đồng chí Đào Duy Tùng đã trưởng thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng tin cậy giao phó, trở thành nhà lãnh đạo cao cấp, tài năng của Đảng.
Nhiều năm liền trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Đồng chí đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, xây dựng các luận cứ khoa học để góp phần hình thành Cương lĩnh, đường lối của Đảng; vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin phù hợp với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Những cuốn sách có giá trị lý luận sâu sắc của Đồng chí như Bản chất cách mạng và khoa học của Đảng ta, Một số vấn đề công tác tư tưởng của Đảng, Sự lãnh đạo của Đảng trong lĩnh vực kinh tế,... đã thể hiện tầm tư duy đúng đắn, khoa học và sáng tạo đối với việc nhận thức chủ nghĩa Mác - Lênin trong điều kiện mới.
Bước vào thời kỳ đổi mới và trong suốt thập niên đầu đất nước tiến hành công cuộc đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng đã cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu thực tiễn, tìm tòi, phát hiện cái mới để xây dựng đường lối, chính sách của Đảng, đặc biệt là đóng góp vào việc hình thành lý luận đường lối đổi mới của Đảng. Trước Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (năm 1986), Đồng chí với vai trò là Tổ phó Tổ biên tập Báo cáo Chính trị đã dày công xây dựng bản Kết luận của Bộ Chính trị (khóa V) đối với một số vấn đề quan điểm kinh tế. Nội dung của bản Kết luận này được đưa vào Báo cáo Chính trị và thông qua tại Đại hội VI, đánh dấu sự đổi mới rất cơ bản về tư duy kinh tế của Đảng ta. Sau Đại hội VI, trên cương vị Ủy viên dự khuyết, rồi Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng, lý luận và khoa giáo, Đồng chí được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ Thường trực Ban Soạn thảo Cương lĩnh chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bám sát thực tiễn cách mạng trong nước và thế giới, Đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị ngày đêm trăn trở, tập hợp trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, tổng kết lý luận, tổng kết thực tiễn xây dựng dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội được Đại hội VII thông qua.
Từ Đại hội VI đến Đại hội VII và trong giai đoạn chuẩn bị Đại hội VIII, nhất là khi được giao nhiệm vụ giữ chức Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, Đồng chí đã tập trung trí tuệ, tâm huyết tổng kết sự phát triển đổi mới tư duy của Đảng, vừa góp phần xây dựng văn kiện, vừa góp phần truyền đạt tư tưởng đổi mới của Đảng cho cán bộ, đảng viên. Với tư duy đổi mới và sắc sảo, Đồng chí chỉ rõ, để đổi mới tư duy thì đổi mới công tác thông tin là điều kiện quan trọng; do đó, công tác cải tiến hoạt động thông tin của Đảng được Đồng chí chỉ đạo quyết liệt, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu của cách mạng đang đặt ra, theo các hướng toàn diện: đa dạng hóa thông tin và tăng lượng tin hữu ích; mở rộng tính công khai trong hoạt động thông tin; thông tin phải chân thực, góp phần xây dựng tư duy mới, khắc phục tư duy lạc hậu; đưa được tiếng nói của Nhân dân tới những cơ quan lãnh đạo Đảng và Nhà nước các cấp; nâng cao tính phê bình, tự phê bình trên các phương tiện thông tin đại chúng, biểu dương nhân tố tích cực và đấu tranh, phản biện những vấn đề, nhân tố tiêu cực; thông tin đến được đúng đối tượng, đến tận những người lao động[1].
Đồng chí Đào Duy Tùng là nhà lãnh đạo có tư tưởng đổi mới, luôn tìm tòi, sáng tạo những vấn đề mới để vượt lên. Đồng chí là một trong những người tham gia đổi mới từ những năm 1980, cùng với các lần "khoán thử" ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, "khoán 100" rồi "khoán 10" đến Cương lĩnh đổi mới đất nước. Trong những bước ngoặt của cách mạng, đặc biệt là trước những khó khăn, thử thách lớn của đất nước thời kỳ bước vào đổi mới, Đồng chí đã cùng tập thể Bộ Chính trị, các Đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, dành nhiều thời gian xuống cơ sở, tiếp xúc với Nhân dân, học hỏi kinh nghiệm gần xa, lắng nghe, trân trọng mọi ý kiến đóng góp để chắt lọc cái đúng, cái hay, góp sức vào việc xây dựng và phát triển đường lối, chủ trương của Đảng. Có thể nói, "ba quan điểm kinh tế", "bốn nguy cơ" và "hai điều đánh giá tổng quát" về 10 năm đổi mới là công trình tập thể của Đảng ta nhưng mang dấu ấn của đồng chí Đào Duy Tùng về mặt khái quát lý luận.
2. Đồng chí Đào Duy Tùng - Nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, lý luận xuất sắc của Đảng
Đồng chí Đào Duy Tùng đã dành nhiều công sức cho công tác lý luận, tư tưởng của Đảng. Trong lĩnh vực công tác này, Đồng chí đã có những cống hiến to lớn trên nhiều mặt, từ hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn góp phần hình thành các quyết định quan trọng của Đảng đến tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết, văn kiện của Đảng; từ công tác giáo dục lý luận chính trị đến công tác báo chí của Đảng.
Khi về công tác tại Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (tháng 5/1955) và trải qua hơn 30 năm hoạt động trên lĩnh vực công tác tư tưởng, từ cương vị Phó Vụ trưởng, Vụ trưởng huấn học, Phó Trưởng ban và Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương; Đồng chí luôn được tín nhiệm giao trình bày các quan điểm cơ bản của Nghị quyết các hội nghị Trung ương và Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng. Trong mỗi nghị quyết, Đồng chí nêu rõ yêu cầu khách quan, đặt ra cần giải quyết, những căn cứ, cơ sở lý luận, thực tiễn của những quan điểm, chủ trương, giải pháp; phê phán chính xác những ý kiến, quan điểm, tư tưởng lệch lạc, sai trái. Các bản báo cáo của Đồng chí giàu sức thuyết phục bởi tính khoa học và tính thực tiễn, cách lập luận chặt chẽ, sắc sảo, ngôn ngữ giản dị, trở thành định hướng cho công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến quan điểm, đường lối của Đảng.
Là nhà lãnh đạo công tác tư tưởng, báo chí, tuyên truyền của Đảng, đồng chí Đào Duy Tùng nhiều lần khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn coi báo chí là một binh chủng rất quan trọng, cách mạng và trong bất kỳ giai đoạn nào, báo chí cũng thể hiện rõ vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng của Đảng. Đồng chí nêu rõ, trải qua các giai đoạn cách mạng, Đảng ta rất coi trọng báo chí và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà báo hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang của mình; yêu cầu cấp ủy đảng và chính quyền các cấp thấy rõ trách nhiệm đối với báo chí, tăng cường trao đổi thông tin, mở rộng bàn bạc nhằm kịp thời bổ sung và hoàn thiện chính sách về thông tin cũng như các chế độ đãi ngộ về vật chất, tinh thần đối với các nhà báo, tạo điều kiện cho cơ quan báo chí và các nhà báo thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và các tổ chức các hội, là diễn đàn của Nhân dân. Báo chí cần phản ánh sinh động hơn nữa các phong trào cách mạng của mọi tầng lớp Nhân dân hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Một trong những nội dung quan trọng của báo chí là cổ vũ phong trào toàn dân đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm; phát hiện và biểu dương kịp thời những sáng kiến hay, những việc làm tốt trong quá trình chuyển đổi cơ cấu và cơ chế quản lý kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc và bồi dưỡng con người Việt Nam cả về trí lực, thể lực, về phẩm chất và trí tuệ[2].
Trong 17 năm (1965 - 1982) làm Tổng Biên tập Tạp chí Học tập (nay là Tạp chí Cộng sản), đồng chí Đào Duy Tùng đã góp phần quyết định đưa Tạp chí - cơ quan lý luận chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng có những bước phát triển vượt bậc và toàn diện. Trước hết, trong công tác xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ, Đồng chí yêu cầu: cán bộ biên tập tạp chí lý luận và chính trị của Đảng không thể chỉ nắm vững những nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác - Lênin mà còn phải biết vận dụng các nguyên lý đó; không những phải nắm vững đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng mà còn phải hiểu rõ cơ sở lý luận, cơ sở khoa học của đường lối, chính sách, quan điểm; từ đó, khi viết bài hoặc biên tập bài mới có sự sáng tạo, tránh được lối viết sách vở làm cho người đọc nhàm chán; đồng thời kết hợp chặt chẽ lý luận với thực tiễn, vận động không ngừng. Đồng chí luôn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc chỉ đạo đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện về nội dung và hình thức, thực hiện nhiều bài viết sâu sắc về lý luận và thực tiễn, góp phần trực tiếp giải quyết những vấn đề bức thiết cho thực tiễn công cuộc đổi mới đang đặt ra, như những bài viết về lợi ích kinh tế, về khoán sản phẩm trong nông nghiệp ở tỉnh Vĩnh Phú, Hải Hưng, về năng suất lúa ở Thái Bình, về đánh giá mô hình kém hiệu quả ở Quỳnh Lưu, về những sai lầm hữu khuynh ở Lạng Sơn[3],....
Đồng chí Đào Duy Tùng là một nhà báo lớn của Đảng. Tác phẩm báo chí của Đồng chí chủ yếu là những bài chính luận với nét nổi bật chứa đựng nội dung sâu sắc, lập luận chặt chẽ, văn phong trong sáng, khúc chiết, giàu sức thuyết phục. Viết báo đối với Đồng chí chính là sự thể hiện những tư tưởng, lý luận, quan điểm, đường lối của Đảng đến mọi tầng lớp cán bộ, đảng viên và Nhân dân, do đó các bài viết của Đồng chí luôn thấm đượm hơi thở đời sống xã hội, có nhiều sáng tạo, đổi mới trong phương pháp tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng. Nổi bật nhất là việc tuyên truyền, phát hiện, lựa chọn nhân tố điển hình để lan tỏa, nhân rộng thành phong trào cách mạng, rồi từ phong trào cách mạng tiếp tục chọn ra nhân tố điển hình. Bên cạnh việc lấy nhân tố điển hình làm trung tâm tuyên truyền, khuynh hướng phê phán qua tác phẩm báo chí cũng được đồng chí Đào Duy Tùng hết sức quan tâm. Đồng chí viết: Bản chất tuyên truyền là chân thật, không tô hồng, không bôi đen. Việc đấu tranh chống tham ô, tiêu cực trên báo là biểu hiện sự đổi mới trong hoạt động tư tưởng của Đảng, đáp ứng yêu cầu bức thiết của công tác xây dựng Đảng ngăn chặn sự thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Từ năm 1992 - 1995, với cương vị Chủ tịch Hội đồng chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đồng chí đã cùng tập thể Hội đồng Trung ương chỉ đạo và tổ chức hoàn thành biên soạn các bộ giáo trình triết học Mác - Lênin, kinh tế - chính trị Mác - Lênin, chủ nghĩa xã hội khoa học, tư tưởng Hồ Chí Minh, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Dưới sự chỉ đạo sâu sát của Đồng chí, công tác giáo dục lý luận chính trị được tiến hành bài bản, chặt chẽ, bảo đảm chất lượng về nội dung và hình thức; chương trình giảng dạy, sách giáo khoa được biên soạn có hệ thống; đội ngũ giáo viên, báo cáo viên được đào tạo với chất lượng chuyên môn cao; phương pháp học tập đổi mới; cách thức tổ chức được thay đổi tích cực. Với kiến thức uyên bác, sự tận tâm đối với công tác giáo dục lý luận chính trị, đồng chí Đào Duy Tùng đã viết nhiều tác phẩm lý luận và trực tiếp tham gia giảng dạy tại các lớp nghiên cứu chính trị, bồi dưỡng cán bộ.
3. Đồng chí Đào Duy Tùng - tấm gương đạo đức cách mạng cao đẹp, phong cách làm việc dân chủ, khoa học
Cả cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Đào Duy Tùng gắn liền với chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đầy gian khổ, hy sinh nhưng rất vẻ vang, hào hùng của Đảng ta, Nhân dân ta. Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi của Đồng chí từ khi là cán bộ cơ sở đến khi giữ cương vị cao trong Đảng, dù ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cương vị nào, Đồng chí luôn tỏ rõ là một con người trung thực, khiêm nhường, làm hết mình, sống giản dị, nghĩa tình và gần gũi mọi người.
Ở đồng chí Đào Duy Tùng luôn tỏ rõ phẩm chất cao quý của người chiến sỹ cộng sản đó là sự trung thành tuyệt đối với Đảng, với cách mạng có bản lĩnh chính trị và năng lực chỉ đạo thực tiễn, đổi mới, trung thực, liêm khiết và ý thức tổ chức kỷ luật cao. Với cương vị là Thường trực Bộ Chính trị - Ban Bí thư, xử lý các văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Đồng chí đã trung thực chắt lọc, ghi nhận những ý kiến thống nhất hình thành quan điểm của Đảng, không lồng ý kiến cá nhân của mình vào nghị quyết của Đảng, làm ảnh hưởng đến tính tập thể và chân thực của nghị quyết. Vì thế, Đồng chí luôn được các Đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng tin tưởng, đánh giá cao.
Với quá trình hoạt động cách mạng, công tác trải dài qua các thời kỳ, giai đoạn đã giúp hình thành nên ở đồng chí Đào Duy Tùng phong cách làm việc dân chủ, tư duy khoa học, biện chứng, độc lập, sáng tạo và sâu sát thực tiễn; lấy lý luận soi sáng thực tiễn, đồng thời lấy thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận. Trong những tổng kết lý luận của Đảng đặc biệt là giai đoạn đổi mới, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp vô cùng quan trọng trong phương pháp, cách làm: tập hợp, so sánh, đối chiếu giữa cái cũ và cái mới, giữa những quan điểm, ý kiến khác nhau; khảo sát, đánh giá, tổng kết thực tiễn, sau đó thảo luận, tranh luận để góp phần đề ra những nguyên tắc đổi mới hay đổi mới có nguyên tắc. Đồng chí luôn tìm tòi cái mới, lắng nghe, tôn trọng mọi ý kiến, đặc biệt là những ý kiến độc đáo, những ý kiến phản biện và khuyến khích cán bộ mạnh dạn phát biểu ý kiến, tranh luận. Theo Đồng chí, "Trong quá trình hình thành các quan điểm mới phải phát hiện được các vấn đề quan trọng có những nhận thức không thống nhất, thẳng thắn vạch ra các quan điểm khác nhau, nêu một cách khách quan lập luận của mỗi quan điểm để thảo luận. Trong sinh hoạt của một cấp ủy, một tập thể cán bộ lý luận,... phải phát huy tự do tư tưởng, thảo luận dân chủ, nói thẳng, nói thật, không định kiến. Phải lắng nghe những ý kiến khác mình. Ngay những ý kiến cho là sai cũng gợi ý cho mình nhiều suy nghĩ, hoặc ngay những ý kiến mình cho là không đúng cũng cần bình tĩnh xem có nhân tố gì hợp lý. Đó là sinh hoạt bình thường trong Đảng"[4]. Chính vì vậy, Đồng chí đã tập hợp được đội ngũ cán bộ có năng lực, phát huy trí tuệ của tập thể góp sức cho sự nghiệp chung.
Đồng chí Đào Duy Tùng là một tấm gương sáng về tinh thần tự học, tự rèn luyện. Với nhận thức sâu sắc rằng, làm cán bộ tư tưởng, lý luận phải có trình độ văn hóa tổng hợp nên ngay từ năm 1955, sau khi được đào tạo lý luận cơ bản ở nước ngoài, vừa công tác đồng chí Đào Duy Tùng vừa theo học lớp đại học tại chức của Trường Đại học Bách khoa. Đồng chí đã tự đặt cho mình mục tiêu phải đọc hết những tác phẩm kinh điển của Mác - Lênin. Đồng chí tự học tiếng Pháp để đọc các tác phẩm kinh điển của Mác chưa dịch ra tiếng Việt. Tài năng công tác tư tưởng, lý luận của Đồng chí chủ yếu là thành quả của một ý chí tự học: "Học nữa, học mãi; học trong nhà trường, học trong sách, học trong thực tiễn".
Trong quá trình hoạt động cách mạng, đồng chí Đào Duy Tùng luôn tỏ rõ đức tính khiêm nhường, trung thực, giàu lòng vị tha, nhân hậu, đức độ, gắn bó mật thiết với Nhân dân, sống giản dị, nghĩa tình, gần gũi với mọi người và tinh thần hăng hái làm việc tới hơi thở cuối cùng. Trong công việc, Đồng chí luôn phát huy dân chủ, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của mọi người, đặt niềm tin vào đồng chí, đồng nghiệp, đã giao việc cho ai thì tin tưởng, động viên, tạo điều kiện và sâu sát đôn đốc, kiểm tra kết quả công việc.
Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi, ở bất cứ đâu, trong bất cứ hoàn cảnh, cương vị nào, đồng chí Đào Duy Tùng luôn thể hiện tinh thần trung kiên, suốt đời phấn đấu hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
* * *
Bảy mươi tư năm tuổi đời, hơn năm mươi năm hoạt động cách mạng liên tục; bằng tầm nhìn chiến lược, bản lĩnh chính trị và kinh nghiệm hoạt động cách mạng phong phú, dạn dày, đồng chí Đào Duy Tùng đã có những đóng góp lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí đã nêu gương sáng về người chiến sỹ cộng sản kiên trung, một nhà lãnh đạo cao cấp tài năng, đổi mới, của Đảng, có nhiều cống hiến xuất sắc trên mặt trận tư tưởng, lý luận; một tấm gương về đạo đức cách mạng cao đẹp. Ở đồng chí Đào Duy Tùng, niềm tin lý tưởng cách mạng luôn dựa trên nền gốc đạo đức vững chắc và một tầm trí tuệ cao, suốt đời phấn đấu không mệt mỏi cho mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Đào Duy Tùng, là dịp để chúng ta tôn vinh những cống hiến, đóng góp của Đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc; qua đó giáo dục chủ nghĩa yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường, lòng tự hào dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang; cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân tích cực thi đua hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.
Ban Tuyên giáo Trung ương
----------------
[1] Tuyển tập Đào Duy Tùng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II, tr.452-253
[2] Tuyển tập Đào Duy Tùng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập II, tr105.
[3] Bài xã luận Đẩy mạnh công tác lý luận của Đảng (Tạp chí số 9/1966), bài viết Bài học Quỳnh Lưu (Tạp chí số 10/1977), bài viết Khoán màu ở Vĩnh Phú (Tạp chí số 7/1980), bài viết Khoán trồng đay ở Hải Hưng (Tạp chí số 10/1980), bài viết Khoán lúa (Tạp chí số 12/1980), bài viết Tính khoa học của hình thức khoán mới trong hợp tác xã nông nghiệp (Tạp chí số 8/1981),...
[4] Tuyển tập Đào Duy Tùng, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tập I, tr.374