Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2021) và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2021)

Thứ tư - 15/12/2021 08:32 382 0
Thanh niên Cần Thơ hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc (năm 2021). Ảnh: Nguyễn Thắng.
Thanh niên Cần Thơ hăng hái lên đường bảo vệ Tổ quốc (năm 2021). Ảnh: Nguyễn Thắng.
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa Tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng trận Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944). Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước, thành lập Việt Nam Giải phóng quân (15/5/1945), đồng chí Võ Nguyên Giáp được phân công làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tháng 8/1945, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân, đến năm 1946, đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ khi được thành lập, Quân đội ta đã liên tiếp lập nên những chiến công hiển hách. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là thắng lợi đầu tiên của Quân đội một dân tộc thuộc địa đánh bại một Quân đội thực dân hùng mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, ở miền Nam, để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, ngày 15/02/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng toàn dân và toàn quân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975. 
Hòa bình lập lại, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và khôi phục đất nước từ hậu quả nặng nề của chiến tranh; đồng thời cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia… Bước vào thời kỳ đổi mới, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước…
Ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa VI) ban hành Chỉ thị số 381-CT/TW, lấy ngày 22/12 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân và ngày 22/12/1989 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân đầu tiên được tổ chức ở tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày 22/12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội. Việc lấy ngày 22/12/1989 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước, tiếp tục khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt. 
Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Để góp phần phát huy giá trị, truyền thống của Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân, thời gian tới, công tác tuyên truyền cần chú trọng một số nội dung sau:
Một là, thông tin, tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc, toàn diện về ý nghĩa, giá trị lịch sử của Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày Quốc phòng toàn dân; quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội và những thắng lợi vĩ đại của quân và dân ta; khơi dậy, củng cố niềm vinh dự, tự hào của dân tộc ta vì có một Quân đội nhân dân anh hùng. 
Hai là, tuyên truyền khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ kính yêu đối với việc thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân. Sự lãnh đạo tuyệt đối của Đảng đối với Quân đội là nhân tố quan trọng quyết định đến sự hình thành và lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ba là, tuyên truyền về Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và Ngày hội Quốc phòng toàn dân bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng gắn với các hoạt động thiết thực, cụ thể. Các nội dung tuyên truyền cần cổ vũ, động viên, nâng cao ý thức trách nhiệm của thế hệ trẻ hôm nay đối với việc tham gia xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nguồn tin: BTGTW

Liên kết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập96
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm95
  • Hôm nay22,691
  • Tháng hiện tại567,100
  • Tổng lượt truy cập5,596,244
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây