Tăng cường phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng

Thứ hai - 09/09/2024 11:27 387 0
UBND thành phố Cần Thơ vừa có văn bản chỉ đạo tăng cường phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, qua 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trên địa bàn thành phố Cần Thơ tiếp nhận 312 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị, khởi tố liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đã xác minh, giải quyết, ra quyết định khởi tố 146 vụ, 111 bị can, không khởi tố vụ án 33 tin, tạm đình chỉ giải quyết 76 tin, chuyển cơ quan khác giải quyết 3 tin, các tin còn lại đang tiếp tục xác minh, giải quyết; số vụ tiếp nhận tin báo tăng qua từng năm, tập trung vào thủ đoạn tuyển dụng việc làm, cộng tác viên bán hàng, làm nhiệm vụ qua mạng.

Công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhìn chung đã được triển khai thực hiện ở tất cả các cấp, các ngành, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị, nhất là công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến, giáo dục pháp luật được tăng cường với nhiều hình thức, nội dung đa dạng, phong phú, kịp thời phản ánh các phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giúp người dân nâng cao cảnh giác, phòng ngừa tội phạm; đấu tranh triệt phá nhiều chuyên án, vụ án được các cấp, các ngành ghi nhận, đánh giá cao và Nhân dân đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, cách thức tiếp cận nạn nhân ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp, kịch bản lừa đảo luôn đổi mới, phù hợp với nhu cầu của nạn nhân, đánh đúng vào tâm lý của bị hại, nổi lên với các phương thức, thủ đoạn như:

Thông qua phương thức gọi điện thoại, các đối tượng giả danh là cán bộ làm trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp (như: cơ quan Công an, Tòa án, Viện kiểm sát, giáo viên, nhân viên nhà mạng, bưu điện, điện lực, y tế, chuyển phát nhanh, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, lãnh đạo công ty nơi bị hại làm việc...) sử dụng nhiều kịch bản khác nhau để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đáng chú ý, các đối tượng thường sử dụng các phần mềm công nghệ (như: VoIP, GoIP...) có chức giả mạo đầu số, giả mạo số điện thoại gọi điện cho bị hại để lừa đảo.

Thông qua tin nhắn SMS, các đối tượng thiết lập trạm BTS viễn thông giả mạo để phát tán tin nhắn thương hiệu (SMS Brand-named) của các ngân hàng, nhãn hàng lớn; bên trong tin nhắn chứa các đường link giả mạo để đánh cắp thông tin, tài khoản ngân hàng sau đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Thông qua việc chiếm quyền điều khiển (hack) hoặc giả mạo tài khoản mạng xã hội (như: zalo, facebook, messenger, telegram, instagram, tiktok...) sau đó gọi điện, nhắn tin đến bạn bè, người thân của chủ tài khoản để vay tiền, nhờ chuyển hộ tiền, mua thẻ cào điện thoại...; đặc biệt, xuất hiện thủ đoạn mới là đối tượng sử dụng công nghệ “deepfake” để giả mạo âm thanh, video của chủ tài khoản, gọi “video call” để lừa đảo; sử dụng chức năng mở tài khoản ngân hàng online để tạo các tài khoản ngân hàng trùng tên với chủ tài khoản để lừa đảo.

Thông qua hoạt động đầu tư trên các sàn chứng khoán, sàn ngoại hối, tiền điện tử, các trang đánh bạc online, các đối tượng thường cử người đóng vai “chuyên gia tài chỉnh”, “chim mồi” để tạo lòng tin với bị hại, tư vấn để bị hại kiếm được lợi nhuận đối với những lần đầu tư ít, khi bị hại nạp nhiều tiền thì tạo các lý do để bị hại nạp thêm tiền rồi chiếm đoạt.

Thông qua hoạt động tuyển dụng việc làm online, tuyển cộng tác viên bán hàng online, làm nhiệm vụ kiếm tiền để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông qua việc mua, bán hàng online, các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn (như: rao bán đồ giả rẻ, chiếm tiền đặt cọc: giao sản phẩm giả, nhái có giá trị thấp, không đúng như quảng cáo; tạo lòng tin, sau đó đặt hàng với số lượng lớn rồi chiếm đoạt, thông qua tuyển cộng tác viên bán hàng...) để lừa đảo chiếm đoạt tiền, hàng hóa của người mua hàng và người bán hàng; thông qua hoạt động cho vay tiền online, chuyển nhầm tiền vào tài khoản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thông qua hoạt động kêu gọi làm từ thiện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thủ đoạn bẫy tình, tặng quà có giá trị để lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Ngoài phương thức, thủ đoạn yêu cầu bị hại chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng được chỉ định để chiếm đoạt, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn mới là chiếm đoạt quyền truy cập, quản lý và sử dụng tài khoản internet banking của bị hại thông qua các hình thức: Lừa đảo bị hại cung cấp thông tin tài khoản, mã OTP; lừa đảo bị hại truy cập vào các trang web giả mạo để đăng nhập tài khoản internet banking; lừa đảo cài đặt phần mềm, ứng dụng giả mạo có chức năng truy cập, theo dõi điện thoại, tin nhắn để lấy cắp tài khoản internet banking, mã OTP... Sau đó, đối tượng sử dụng các tài khoản trên chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng khác nhau để chiếm đoạt. Quá trình hoạt động phạm tội, các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản thường xuyên thay đổi thông tin điện thoại, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, sử dụng tài khoản ảo, sử dụng địa bàn tại nước ngoài hoặc thay đổi địa bàn hoạt động, nơi cư trú nhằm đối phó với công tác phòng ngừa, xử lý của cơ quan chức năng.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố; Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật và chế tài xử lý đối với tội phạm và các vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tuyên truyền, thông báo, phổ biến sâu rộng các hành vi, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến các ngành, các cấp, tổ chức, doanh nghiệp, người dân, gắn với các vụ việc, vụ án cụ thể mang tính điển hình để người dân chấp hành pháp luật, đề cao cảnh giác, tăng cường các biện pháp quản lý, tự phòng ngừa, bảo vệ tài sản.

Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nêu cao vai trò, trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng; các cơ quan, tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang gương mẫu nêu cao tinh thần cảnh giác, chấp hành pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Thanh Xuân
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây