Hàng vạn liệt sĩ vẫn nằm đâu đó nơi rừng xanh, núi thẳm. Có cả những người hy sinh trên đất bạn, khắc ghi một tấm tình dân tộc vô tư cứu bạn cũng là nghĩa vụ thiêng liêng.
Tôi đã nhiều lần đến Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Những ngôi mộ liệt sĩ xếp hàng bên nhau theo địa danh tỉnh cũ. Những dòng chữ mờ theo thời gian đọc lại vẫn thân thương. Những chàng trai trẻ tuổi 20, từ làng quê ra thẳng chiến trường. Những sinh viên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Có cả những người gấp lại tờ giấy báo đi nước ngoài nhập học và ra trận. "Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến chống quân thù". Bình dị viết nên những dòng lịch sử. Bình dị như hy sinh vì Tổ quốc là lẽ sống.
Viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Ảnh: qdnd.vn
Tôi đã đến nghĩa trang ở Ngã ba Đồng Lộc-nơi 10 cô gái thanh niên xung phong hy sinh. Tên tuổi các chị đã khắc sâu trong tâm trí bao thế hệ. Câu chuyện cuộc đời và tình yêu của các chị mãi mãi được lưu truyền. Đất nước có giặc, không ai có thể ngồi yên. Tuổi thanh xuân cống hiến cho đất nước là tuổi thanh xuân vĩnh cửu.
Những nghĩa trang cũng trải dài dọc đường biên giới phía Bắc. Những anh hùng kiên cường trên đá, hy sinh trên vách đá Hà Giang. Bức tường thép ngăn bước quân thù, giữ vững biên cương. Một dân tộc hiền hậu, bao dung nhưng không bao giờ khuất phục. Những kẻ nuôi mộng xâm lăng, lấn chiếm, muốn đè bẹp dân tộc ấy chắc cũng đã rút ra được những bài học thấm thía trong lịch sử.
Cũng có những nghĩa trang mà rất nhiều dòng tên liệt sĩ chưa xác định được danh tính. Nghĩa trang liệt sĩ ở Điện Biên có tấm bảng vàng ghi danh những người đã ngã xuống. Em ruột của bà nội tôi có tên trên đó, nhưng nghĩa trang không có mộ ông. Ngôi mộ của ông ở quê cũng chỉ là nấm mộ không, vọng tưởng. Tuổi 20 ra đi không vướng bận, thế hệ ấy đã thanh thản về với đất mẹ như làn khói sương ôm ấp mảnh đất thân yêu, hòa một chí khí quyết tử cho Tổ quốc. Nhưng nỗi đau, nỗi day dứt của người ở lại thì còn mãi.
Mãi mãi trên đất nước này, dấu ấn những người con hy sinh cho Tổ quốc. Mãi mãi trong lòng người sự biết ơn, trân trọng. Bình yên của Tổ quốc được đổi bằng bao xương máu, hy sinh. Giữ bình yên ấy hôm nay vẫn là thách thức, gian lao. Chỉ có dựng xây đất nước hùng cường mới mong tránh nạn binh đao. Tham vọng chiếm đất đai, nô dịch dân tộc khác vẫn còn trong máu những kẻ tham lam. Bom đạn vẫn nổ, máu vẫn chảy ở Ukraine, ở Trung Đông. Lời nhà báo Tiệp Khắc J.Fucik từ gần 100 năm trước vẫn như văng vẳng: Hỡi loài người, hãy cảnh giác!
Phải tự lớn dậy, vững vàng trên mảnh đất bao hy sinh, vất vả. Xứng với cha ông, phải dựng xây đất nước mạnh giàu. Cha ông xưa buông giáo gươm là xốc lấy tay cày, tay cuốc. Mùa vàng từ bàn tay chăm chỉ. Những triều đại thịnh trị nhất là triều đại biết chăm dân; biết khoan dung, đoàn kết; biết mở rộng giao thương. Nhiều triều đại nối nhau mở mang sự học, coi tri thức sâu như biển, cao như núi mới là tầm cao dân tộc; biết "tích cốc phòng cơ", lấy dân làm gốc sâu bền rễ...
Nhìn sâu về quá khứ, hướng đến tương lai, hiểu rõ mạnh-yếu để từng bước đi vững chãi. "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế quốc tế như ngày nay". Nhưng so với các nước phát triển thì vẫn còn khoảng cách rất xa. Ngay ở gần ta, không kể Singapore, Malaysia đã phát triển từ trước, nay Indonesia, Philippines cũng đang nỗ lực vươn lên ngoạn mục. Thời của chuyển đổi số, của trí tuệ nhân tạo, bao nhiêu tiềm năng mới được khai phá. Nếu không chớp được thời cơ, thỏa mãn với cái đã có, nguy cơ tụt hậu xa hơn nữa là hiện hữu.
Thế nên, đất nước cũng đang chứng kiến những bước chuyển mình chưa từng có. 63 tỉnh, thành phố nay thu gọn còn 34. Hơn 600 huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố không còn nữa. Một cuộc chuyển dời lịch sử mà như Tổng Bí thư Tô Lâm gọi là “sắp xếp lại giang sơn” diễn ra với một tốc độ nhanh đến khó hình dung. Bộ máy gọn nhẹ để đất nước bay cao vào kỷ nguyên mới. Thước đo cao nhất là phục vụ nhân dân. Chính quyền địa phương hai cấp, 4-5 xã gộp lại làm một xã, trên nữa là cấp tỉnh. Giao cho xã đủ thẩm quyền giải quyết các thủ tục hành chính, tỉnh hướng dẫn, giám sát và hỗ trợ giải quyết những tình huống khó. Tối đa hóa các tỉnh, thành phố có biển để hiện thực tầm nhìn vươn ra biển lớn. Gia Lai có biển Quy Nhơn, Đắk Lắk có biển Tuy Hòa, còn Lâm Đồng thì vừa có Đà Lạt ngàn hoa lại có Mũi Né trữ tình, rộng tay phát triển du lịch. Hải Phòng giờ bao trọn cả đặc sản bánh gai Ninh Giang lẫn vải thiều Thanh Hà. Đại đô thị TP Hồ Chí Minh vươn tận giàn khoan Vũng Tàu và các khu công nghiệp Bình Dương. Thành phố lớn nhất nước giờ có hai sân bay Tân Sơn Nhất và Côn Đảo, sải cánh cho giấc mơ một thành phố phát triển hàng đầu khu vực và châu Á trong tương lai không xa!
Một cuộc đổi thay cũng có những trăn trở, nhưng là trăn trở để phát triển. Có những cán bộ còn năm công tác vẫn tự giác làm đơn nghỉ sớm, nhường vị trí cho người trẻ hơn gánh vác, cũng là để bộ máy gọn ghẽ hơn. Có anh cười bảo xưa nay cứ nghĩ mình quan trọng, mình kinh nghiệm, cơ quan không thể thiếu mình. Liệu có lúc nào đó mình là gánh nặng của tổ chức mà không biết? Hay chí ít do quan niệm và cách kết cấu bộ máy mà mình cứ nghĩ mình không ai thay được? Có sở ngành ì ạch, nặng nề vì cơ chế thủ trưởng không bảo được quân. Ông chuyên viên ở dưới đã “bác” đi thì sếp cũng đành chịu. Mỗi khâu rề rà một chút là người dân, doanh nghiệp lãnh đủ. Nay có chuyển đổi số, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tất cả lưu trên hệ thống. Ai giải quyết thế nào, đúng-sai rõ hết. Xã này với xã kia, phường mình với phường bạn, tại sao họ làm được mà mình thì tắc? Chắc không ông cán bộ lãnh đạo cấp xã, cấp tỉnh nào ngủ ngon khi việc dân, việc nước còn gặp khó vì nhận thức của cán bộ còn chưa tới hay guồng máy nơi này, nơi kia còn chưa nhuyễn.
Cuộc cách mạng đặt ra rất nhiều việc, giải quyết rất căn cơ cả những vấn đề tồn đọng nhiều năm. Cứ như từng đường cày rành rẽ, mạch lạc, tưởng không liên quan mà lại rất đồng bộ, nhịp nhàng.
Lại nhớ câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Dẫu là Chúa cũng sinh từ ruột máu/ Ta đẻ ra đời, sao khỏi những cơn đau”. Để đi đến thành tựu phải qua bao gian lao, thử thách. Để quyết sách đúng đi vào cuộc sống cần sự đồng lòng, chung chí hướng. Khát vọng đưa dân tộc vượt lên, kinh tế năm nay tăng trưởng 8% trở lên, tạo đà cho từ sang năm sẽ là tăng trưởng hai con số. Làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa. Hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát. Quyết liệt chống hàng giả, hàng nhái, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe nhân dân. Rồi miễn học phí phổ thông, mầm non, phổ cập giáo dục trẻ 3-5 tuổi. Hướng tới miễn viện phí toàn dân. Đề ra chiến lược mới về đầu tư cho giáo dục, về chăm sóc giống nòi và sức khỏe nhân dân... Phải vượt lên chính mình mới có tương lai tươi sáng, bền lâu!
Những đoàn quân ra trận năm xưa cũng một ý chí vì sự trường tồn của dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nỗ lực của thế hệ hôm nay là làm cho đất nước hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Cả nước một lòng đoàn kết, đại đoàn kết thì mới có thành công. Cuộc "sắp xếp lại giang sơn" lần này được nhân dân ủng hộ, hưởng ứng bởi cũng hướng đến mục tiêu xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của bao thế hệ đi trước đã không tiếc máu xương vì Tổ quốc!
ĐỖ CHÍ NGHĨA
ST theo qdnd.vn