Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ

Thứ sáu - 16/05/2025 11:49 6 0
Đó là chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy tại Chỉ thị số 43-CT/TU phát hành ngày 14 tháng 5 năm 2025.
Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Một là, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý điều hành của các cấp chính quyền, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của Nhân dân.

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền phổ biến, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của toàn xã hội về bảo vệ môi trường, chủ động phòng ngừa, ứng phó biến đổi khí hậu, sự cố môi trường. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện đối với công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm. Chủ động rà soát, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, phân công rõ nhiệm vụ cho từng cơ quan, đơn vị để tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Hai là, Đảng ủy Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương:

(1) Tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của cán bộ, công chức và Nhân dân; tích cực tham gia hưởng ứng cuộc vận động “Người dân để rác đúng nơi quy định, vì thành phố Cần Thơ Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn”. Chú trọng công tác bảo vệ môi trường tại khu vực đô thị, nông thôn, khu dân cư tập trung, các khu công nghiệp, làng nghề, các cơ sở y tế, các điểm tham quan, du lịch…; phối hợp xử lý triệt để các khu vực, địa điểm gây ô nhiễm môi trường, các cơ sở kinh doanh không đảm bảo an toàn thực phẩm.

(2) Thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường trong chấp thuận chủ trương đầu tư đối các dự án, không thu hút đầu tư các dự án có công nghệ lạc hậu... Làm tốt công tác quản lý Nhà nước về môi trường, thẩm định cấp giấy phép môi trường; phòng ngừa, ứng phó biến đổi khí hậu, sự cố môi trường; đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tổ chức quản lý, kiểm soát nguồn thải, nguồn ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn...; khi xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới phải có khu vực thu gom rác và hệ thống thu gom, xử lý nước thải theo đúng quy định.

(3) Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, hậu kiểm việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường nhất là đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh có nguồn thải lớn, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, các dự án khai thác khoáng sản...; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm (nếu có). Thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý, nguyên nhân, điều kiện phát sinh các sơ hở, thiếu sót trong văn bản pháp luật, công tác quản lý Nhà nước; đề xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền, sửa đổi, bổ sung chấn chỉnh, khắc phục, góp phần bảo vệ môi trường.

(4) Tổ chức thực hiện thường xuyên, đồng bộ các giải pháp thu gom, phân loại, vận chuyển, xử lý các loại rác thải, nước thải. Thực hiện phân loại rác tại nguồn, lựa chọn cơ sở có đủ năng lực, có công nghệ hiện đại trong thu gom, vận chuyển, xử lý rác; có chính sách khuyến khích tái sử dụng, tái chế rác thải, hạn chế tối đa việc chôn lấp rác thải. Trước mắt có giải pháp xử lý triệt để lượng rác còn tồn đọng tại bãi rác trên địa bàn các quận, huyện... Khẩn trương xây dựng các trạm thu gom rác và các điểm tập kết rác đảm bảo đúng quy định, không để xảy ra các sự cố về môi trường hay ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố.

(5) Phối hợp rà soát, xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm, tăng cường kiểm soát không để phát sinh cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng mới trên địa bàn thành phố. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, khu vực khai thác mỏ, hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp và trong nuôi trồng thủy sản; hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng hóa chất, đặc biệt là hóa chất nguy hiểm, độc hại (nhất là Xyanua) trên địa bàn thành phố.

Ba là, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, thanh niên, sinh viên, học sinh, các tầng lớp Nhân dân và du khách thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; chủ động phát hiện, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng trái phép hóa chất nguy hiểm, độc hại. Tổ chức các phong trào thi đua toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, hình thành ý thức, thay đổi hành vi, thói quen của từng người dân và toàn xã hội; xây dựng, tạo lập lối sống văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường, phát triển bền vững; tiếp phát huy vai trò của các tổ chức tôn giáo trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố.

Bốn là, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và Nhân dân đối với công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm; tiếp tục tham mưu tổ chức tuyên truyền, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến công tác bảo vệ môi trường.

Năm là, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, Công an thành phố phối hợp chặt chẽ, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh tội phạm về môi trường và an toàn thực phẩm, bảo đảm đúng pháp luật; thống nhất xác định các vụ án trọng điểm hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm để đưa ra xét xử kịp thời, tạo sức ảnh hưởng răn đe (nếu có).

Sáu là, Ủy ban kiểm tra Thành ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Chương trình kiểm tra, giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Chỉ thị này.

Bảy là, Giao Đảng ủy Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Đảng ủy Ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan có liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn việc thực hiện Chỉ thị này; đồng thời, định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết và báo cáo kết quả về Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, chỉ đạo.
 
PV
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây