Là cơ quan ngôn luận của Ban Tuyên giáo Trung ương, Tạp chí Tuyên giáo (Tạp chí) luôn thực hiện đúng tôn chỉ mục đích, giữ vững vai trò là một trong những kênh thông tin - tuyên truyền quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về quan điểm, đường lối, chủ trương, lập trường của Đảng ta trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp cách mạng, tiến hành công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, trong đó có những nội dung gắn với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới (Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI).
MỘT SỐ NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN NỔI BẬT
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI (2013 - 2023), Tạp chí luôn bám sát và phản ánh sinh động những nội dung liên quan đến mục tiêu, quan điểm, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ và các giải pháp thực hiện bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh mới của tình hình thế giới, khu vực, hội nhập quốc tế. Đặc biệt là 6 nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đề ra.
Theo đó, Ban Biên tập Tạp chí tập trung xác định các mũi nhọn tuyên truyền cụ thể, sát hợp với chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ mục đích của Tạp chí. Cụ thể là:
Thứ nhất, Tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI và các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về bảo vệ Tổ quốc.
Tập trung luận giải những vấn đề lý luận và thực tiễn về bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh, tình hình hiện nay; kết quả và kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, quán triệt ở các ban, ngành Trung ương và địa phương cấp tỉnh, thành phố; công tuyên truyền bảo vệ an ninh biên giới và biển đảo Tổ quốc…
Thứ hai, tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Tập trung tuyên truyền giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính trị nội bộ, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt, chú trọng mảng nội dung phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch liên quan tới công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.
Thứ ba, tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tạp chí xác định, việc tập trung tuyên truyền những kết quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tiêu cực sẽ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước, từ đó nhân lên sức mạnh của sự đồng thuận, đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thứ tư, tuyên truyền về xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc.
Kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng là quan điểm cơ bản, chủ trương chiến lược nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước trong quá trình phát triển kinh tế, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Theo đó, đây cũng là khía cạnh trọng yếu nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; là nội dung được Tạp chí chú trọng đặt bài các chuyên gia kinh tế, các nhà nghiên cứu “gạo cội”; đăng tải với “mật độ” rộng, đều phủ sóng các chuyên mục của Tạp chí điện tử.
Nhiều bài viết của Tạp chí đi sâu nghiên cứu, phân tích và kiến giải sâu sắc về những khía cạnh: quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng đi đôi với bảo vệ Tổ; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh được thực hiện xuyên suốt chiều dài lịch sử; “Ngụ binh ư nông”, “Quốc phú binh cường”,“Tĩnh vi nông, động vi binh”.v.v..
Thứ năm, tuyên truyền xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tập trung vào việc nhấn mạnh, khẳng định và gắn nội dung xây dựng, phát triển văn hóa dân tộc góp phần củng cố “sức mạnh mềm” trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc; “giữ nước phải giữ từ thời bình”; “hòa nhập nhưng không hòa tan”; “gạn đục khơi trong”; xây dựng, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là góp phần phát huy sức mạnh tinh thần của nhân dân trong dựng nước và giữ nước…
Thứ sáu, tuyên truyền phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc.
Quán triệt chủ trương, phương châm: Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc là phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của đất nước, nhất là vai trò của nhân dân đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, Tạp chí thường xuyên quan tâm viết bài, đặt bài về nội dung này cho các chuyên mục, trong đó nhiều bài viết đi sâu luận giải, phân tích các khía cạnh: Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, để chống lại kẻ thù xâm lược lớn mạnh hơn ta gấp nhiều lần, chúng ta đã phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc. Kế thừa truyền thống đó, Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI tiếp tục nhấn mạnh phải “củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận”...
Thứ bảy, tuyên truyền củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, có sức chiến đấu cao.
Bên cạnh những tin, bài tuyên truyền về lực lượng vũ trang, mảng bài chính luận liên quan đến xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân được Tạp chí tăng cường đặt bài các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhất là các tác giả trong Quân đội. Theo đó, các phân tích, luận điểm đều khẳng định: Củng cố nền quốc phòng toàn dân là tổng thể các hoạt động về tổ chức, triển khai, bố trí lực lượng và tiềm lực quốc phòng của đất nước, theo kế hoạch thống nhất, phù hợp với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh từ sớm, từ xa, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Đây là một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, các cấp, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị tiến hành một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, nhưng chủ yếu tập trung biểu hiện ở một số nội dung: xây dựng thế trận chính trị, thế trận kinh tế, thế trận quân sự và thế trận đối ngoại.
Thứ tám, tuyên truyền các hoạt động triển khai đồng bộ, toàn diện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI, trên 2 ấn phẩm Tạp chí đã đăng trên 2.000 tin, bài về các hoạt động đối ngoại, trong đó có gần 400 bài viết chính luận, bình luận, phỏng vấn về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác đối ngoại - ngoại giao. tập trung đi sâu phân tích được những khía cạnh cơ bản như: Nâng cao hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược quốc phòng, Chiến lược quân sự là nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, kế sách giữ nước “từ sớm”, “từ xa”; bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi. Tăng cường vị thế quốc tế và độc lập, tự chủ của đất nước; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Đẩy mạnh hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng theo phương châm “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Thực hiện hội nhập quốc tế toàn diện, phát triển quan hệ đối ngoại cả chiều rộng và chiều sâu nhằm tạo thế chiến lược mới. Xây dựng lòng tin, tạo sự ủng hộ, giúp đỡ quốc tế để ngăn ngừa nguy cơ và đối phó với chiến tranh xâm lược…
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương làm việc với Tạp chí Tuyên giáo.
Nhìn chung, qua 10 năm thực hiện các nội dung tuyên truyền gắn với Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Tạp chí luôn bám sát chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về bảo vệ Tổ quốc; chỉ đạo, định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương; thực hiện đúng tôn chỉ mục đích… trong quá trình xây dựng đề cương tuyên truyền, viết bài, đặt bài, chuẩn bị ảnh, video clip liên quan đến những nội dung trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Trong tổng số 11.026 tin, bài tuyên truyền về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, có 6.670 bài viết chính luận đã đăng tải (trong giai đoạn 2013-2023) đề cập sâu sắc, toàn diện về những nội dung quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp quan trọng được đề ra trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI(1).
Các bài viết đăng tải tập trung trên một số chuyên mục “mũi nhọn” của Tạp chí như: Nghiên cứu Trao đổi; Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; Đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; Nhịp cầu Tuyên giáo… Các bài viết thực tiễn công tác triển khai Nghị quyết được đăng tải trên các chuyên mục Thực tiễn kinh nghiệm; Văn hóa - Xã hội; Khoa giáo… Nhiều bài viết của Tạp chí về một số nội dung liên quan tới Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI đã được bạn đọc đánh giá cao, tạo sức lan tỏa rộng rãi, đồng thời đã đạt được một số giải thưởng như: Giải C “Búa Liềm Vàng” - Giải báo chí toàn quốc viết về xây dựng Đảng lần thứ IV năm 2019 với loạt bài Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trước thềm Đại hội XIII; Giải Khuyến khích Giải Báo chí “Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc” lần thứ XIV, năm 2019-2020 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Giải C Giải thưởng toàn quốc về Thông tin đối ngoại năm 2020…
BÀI HỌC KINH NGHIỆM
Sự tham gia của các cộng tác viên là lãnh đạo, chuyên viên một số vụ, đơn vị trong Ban Tuyên giáo Trung ương; các chuyên gia, nhà nghiên cứu, lãnh đạo bộ, ngành có năng lực, uy tín trong và ngoài Quân đội... đã góp phần tạo nên những bài viết chất lượng, sâu sắc, được bạn đọc đón nhận và có sức lan tỏa rộng rãi. Nhiều bài viết của Tạp chí Tuyên giáo liên quan đến Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được một số cơ quan báo chí, nhất là báo và trang thông tin điện tử địa phương khai thác, sử dụng lại đã góp phần tạo hiệu ứng tuyền truyền - lan tỏa tích cực.
Bên cạnh thể loại Chính luận, Bình luận là chủ yếu, Tạp chí đã tận dụng thêm một số thể loại báo chí khác như Phỏng vấn, Ghi chép…; tạo đường link bài viết theo các nhóm chủ đề để bạn đọc có thể đón đọc một cách có hệ thống, nắm chắc nội dung được đề cập.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế. Mặc dù số lượng tin, bài tuyên truyền khá đầy đặn, nhưng còn không ít tin hoạt động mang tính lễ tân, hội nghị, sơ kết, tổng kết…; phần lý luận trong một số bài vẫn còn “nặng về kinh điển”, diễn giải thuật ngữ, trích dẫn số liệu mà chưa nêu được những ví dụ thực tiễn sinh động trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những vấn đề gắn với bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa được đề cập nhiều trong Chiến lược bảo bệ Tổ quốc hiện nay.
Đội ngũ tác giả viết bài ở Trung ương (trong và ngoài Quân đội) vẫn chủ yếu là những tên tuổi quen thuộc, vì thế nhiều bài viết tuyên truyền còn trùng lặp, các luận điểm mới đã được đề cập nhưng chưa nhiều. Các tác giả ở bộ, ngành, địa phương… phần lớn vẫn chỉ viết - đưa tin hoạt động; ít có bài viết phân tích sâu sắc, gắn lý luận với thực tiễn địa phương, đơn vị trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc.
Trong các nguyên nhân của những hạn chế, bất cập nêu trên, thì công tác cộng tác viên vẫn là vấn đề “trăn trở” nhất đối với Tạp chí hiện nay. Mặc dù đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng, mở rộng đội ngũ cộng tác viên có “tay nghề” cao, nhưng nhìn chung tình hình vẫn chưa được “nâng tầm” như mong muốn. Phần lớn các tác giả vẫn là những cây bút quen thuộc, ít tác giả mới. Một số cây viết trẻ đã xuất hiện, tuy nhiên, độ sắc sảo về tư duy lý luận còn hạn chế, cộng thêm việc thiếu thông tin, không được tiếp cận đầy đủ, trực tiếp với các nguồn tư liệu, tài liệu..., nên cách viết còn chung chung, thiếu độ “sắc” và chặt chẽ.
Đồng chí Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm và làm việc với Tạp chí Tuyên giáo.
NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Một là, trong thời gian tới, để công tác tuyên truyền Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới trên các ấn phẩm Tạp chí Tuyên giáo phát huy hiệu quả, tạo sức lan tỏa hơn, Tạp chí sẽ tiếp tục bám sát sự chỉ đạo của Lãnh đạo Ban, tranh thủ ý kiến góp ý của các vụ chức năng trong cơ quan; tăng cường trao đổi kinh nghiệm, cách thức tiến hành và công tác phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dài hạn, trung hạn và “phản ứng nhanh”; tổ chức viết bài, đặt bài; lựa chọn chủ đề, thể loại bài viết liên quan đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI; tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Hai là, bên cạnh những bài viết chính luận phân tích, lập luận, nêu giải pháp về những vấn đề cơ bản trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc, Tạp chí sẽ tiếp tục đẩy mạnh nội dung các bài viết phê phán, phản bác các loại quan điểm sai trái, thù địch làm ảnh hưởng đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Ba là, tận dụng tối đa ưu thế của mạng Internet và ấn phẩm Tuyên giáo điện tử để phát huy cao độ sức lan tỏa, tạo sự tương tác với bạn đọc trong truyên truyền, phản ánh về xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; phê phán, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch..
Bốn là, tăng cường tổ chức đội ngũ cộng tác viên tham gia viết bài về nội dung này, mở rộng mạng lưới tác giả mới, nhất là những cây bút trẻ có trình độ sắc sảo.
Năm là, trong thời gian tới, bên cạnh những bài viết mang “chất tạp chí” với văn phong chính luận, chân phương, khoa học... thì những dạng thức phiếm chỉ khác cũng “cân đối” sử dụng trên mục “Cùng suy ngẫm”, “Văn hóa - Xã hội”. Điều này không chỉ làm đa dạng, phong phú thêm các thể loại, kiểu dạng tác phẩm báo chí, mà còn góp phần tăng tính hấp dẫn, thu hút bạn đọc ngoài ngành tuyên giáo, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, bên cạnh đó phải hết sức chú ý đến chủ đề, chất lượng nội dung, có thể có những bài viết ngắn, bài phản ánh, có hình ảnh châm biếm… nhưng vẫn phải đảm báo tiêu chí “tạp chí”, tránh không để “sa” vào tình trạng “báo hóa tạp chí”./.
TG
(Theo https://www.tuyengiao.vn/)
____________________
(1) Một số bài viết tiêu biểu: Phát huy nguồn lực con người trong thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa (TCTG điện tử ngày 21/4/2023); Phát huy vai trò của công tác tư tưởng trong bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy (TCTG điện tử ngày 29/4/2022); Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa (TCTG điện tử 22/4/2022); Vị trí chiến lược quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (TCTG điện tử ngày 27/1/2021); Chiến thắng Việt Bắc-Thu Đông 1947 - Bài học cho chiến tranh Bảo vệ Tổ quốc (TCTG điện tử ngày 17/2/2017); Phát huy sức mạnh của ý chí thống nhất đất nước và khát vọng hòa bình trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (TCTG điện tử ngày 27/4/2017); “Quân đội chỉ bảo vệ Tổ quốc” - một sự tuyên truyền nguy hại (TCTG điện tử ngày 25/11/2018)…