Ảnh minh họa.
|
Chưa bao giờ tinh thần làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức lại được Quốc hội quan tâm nhiều như kỳ họp này. Là người đầu tiên phát biểu liên quan đến nội dung cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội vừa qua của Quốc hội, đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đặt vấn đề, tại sao trước đây không xuất hiện cán bộ sợ trách nhiệm mà đến nay mới xuất hiện; không những vậy, còn lan rộng từ trung ương xuống đến địa phương, tiếp tục lan rộng từ khu vực công đến khu vực tư?
Còn đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng hiện tượng cán bộ né tránh trách nhiệm đã có từ lâu, nhưng dường như gần đây nặng hơn, phức tạp hơn. Vị đại biểu này còn nuối tiếc khi nguồn cảm hứng sáng tạo, phá rào khoán sản phẩm nông nghiệp cuối những năm 70 hay tinh thần tự cởi trói trước đổi mới đến nay đã không còn.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn Quảng Bình) lại lưu ý “Nếu không giải quyết dứt điểm điểm nghẽn trong vấn đề sợ trách nhiệm, e rằng dù có đầy đủ hệ thống quy định vẫn không thể thúc đẩy tăng trưởng".
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) thừa nhận thực trạng rất đáng báo động này bằng câu thơ lục bát không hề vui: "Bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài lo âu". Đại biểu cũng đề nghị các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của cơ quan, đơn vị mình phụ trách. Như vậy mới có sự hỗ trợ, giúp đỡ để có điều chỉnh cần thiết...
Đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hòa) nhấn mạnh: "Sự trì trệ trong hoạt động điều hành của bộ máy nhà nước làm cho doanh nghiệp và người dân đã khó khăn lại càng khó khăn hơn".
Nhiều người cho rằng, tất cả các phát biểu của các đại biểu Quốc hội thật sự như một hồi chuông báo động dài và cần phải được hành động ngay để ngăn chặn kịp thời, không thể để chậm trễ, không thể kéo dài tư tưởng "thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn phải đứng trước tòa"...
Từ những tranh luận của mình, các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất các giải pháp triển khai các biện pháp thực hiện trong thực tế. Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, cần phân hóa, phân định một bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm là những ai, nguyên nhân nào dẫn đến sự tồn tại của những cán bộ này để từ đó tìm ra giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả. Theo đại biểu, trong bộ phận cán bộ sợ trách nhiệm có hai nhóm: Suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì không có lợi ích riêng; sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm.
Với nhóm cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, không muốn làm vì không có lợi ích riêng, đại biểu Đoàn Trà Vinh cho rằng có thể khắc phục được ngay, ưu tiên thay thế bằng những cán bộ tốt, có đủ tâm huyết và trách nhiệm giống như trong môn bóng đá, huấn luyện viên trưởng vì màu cờ sắc áo sẽ thay thế cầu thủ ngay trên sân khi thi đấu kém hiệu quả.
Riêng nhóm cán bộ sợ vi phạm pháp luật nên không dám làm, Quốc hội, Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến công chức, viên chức để bảo đảm tính đồng nhất, không chồng chéo, mâu thuẫn. Trên cơ sở đó, hệ thống pháp luật đồng nhất sẽ bảo vệ, khuyến khích cán bộ, công chức năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến thảo luận và tranh luận cho rằng, làm sao phải bắt cho “đúng bệnh” thì mới giải quyết triệt để được tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm. Theo đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Long An), cần làm sao để cán bộ các cấp không phải "dám nghĩ, dám làm", mà chỉ cần tập trung công sức và trí tuệ để "năng động, sáng tạo", thực hiện công việc của mình hiệu quả nhất trong khuôn khổ của pháp luật.
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) lại nhấn mạnh, cần có liệu pháp đủ mạnh để sốc lại tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ cũng như có liều thuốc đặc trị hiệu quả căn bệnh đùn đẩy, né trách, sợ trách nhiệm, sợ sai... để không làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển của mỗi địa phương và sự phát triển chung của đất. Đại biều Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) phát biểu: "Trong điều kiện hiện nay, rất cần cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung"....
Một số đại biểu đề nghị đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa để giảm bớt áp lực, gánh nặng cho các cơ quan cấp trên và tăng cường trách nhiệm cho các địa phương và cơ quan cấp dưới. Muốn vậy, cần xác định việc nào thuộc trách nhiệm của địa phương, mạnh dạn phân quyền cho địa phương làm, địa phương sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tất nhiên, trong quá trình đó cần tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát để hướng dẫn, nhắc nhở, đôn đốc...
Quyết tâm công phá tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà khẳng định khi giải trình làm rõ ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Một giải pháp quan trọng mà nữ Bộ trưởng nhắc đến là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; biểu dương nơi làm tốt, xử lý nghiêm cán bộ không làm tròn trách nhiệm, sợ sai. Đáng chú ý, phải kịp thời thay thế, điều chuyển cán bộ năng lực hạn chế, nhất là cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ…
Bên cạnh việc báo cáo Quốc hội có nghị quyết thí điểm để khuyến khích, bảo vệ cán bộ "6 dám", Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đề nghị cơ quan kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử tiếp tục nghiên cứu, phân loại vụ việc vi phạm. Trong đó, nếu không có yếu tố vụ lợi cán nhân, không tham ô, tham nhũng, đề nghị có cơ chế khoan dung cho cán bộ, khuyến khích, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ diễn ra đầu tháng 5, Thủ tướng Phạm Minh Chính một lần nữa nhấn mạnh phải kiên quyết khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy công việc, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc. Từ đó, rút ngắn thời gian xử lý và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành. Thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Trên thực tế, có những chính sách bất cập, được Nhân dân góp ý, chuyên gia phản biện, cơ quan ban hành biết sai nhưng chậm sửa dẫn đến khó khăn trong giải quyết công việc. Có những việc đã có quy định rõ ràng nhưng cơ quan chức năng vẫn chậm giải quyết, thực thi; hoặc có những việc dù biết làm sẽ mang lại lợi ích chung nhưng một số người không làm vì cho rằng “ôm rơm dặm bụng” nên ”né tránh, ngồi yên”… Trong khi đó, tiến độ là một trong những yếu tố quyết định hiệu quả công việc. Phải chờ đợi đến lỡ thời cơ, hỏng việc thì vừa gây thiệt hại trực tiếp, vừa khiến người dân, doanh nghiệp, nhất là đối tác nước ngoài chán nản, bức xúc thì... hậu quả khôn lường!
Điều đáng nói là tình trạng một số cán bộ chỉ lo giữ cái ghế của mình, tránh trách nhiệm đối với việc chung đã được các đại biểu Quốc hội đề cập nhiều lần và đề nghị nên cho những cán bộ đó nghỉ việc, bãi chức, cách chức, thậm chí xử lý nghiêm. Nhưng điều đáng buồn là sau những đề xuất việc này không giảm mà càng ngày càng tăng, càng phức tạp và ngầy càng "nóng" từ nghị trường Quốc hội đến bàn trà đá người dân. Vì vậy, đã đến lúc tinh thần "xử lý nghiêm, không có vùng cấm" trong công cuộc phòng, chống tham nhũng cần được áp dụng với cả những cán bộ, công chức vô cảm để giữ “cái ghế” của mình.
Thận trọng để tránh sai sót là việc cần thiết nhưng sợ đến mức không dám làm gì là không thể chấp nhận được. “Sợ không làm gì” tuy không trực tiếp vi phạm pháp luật, nhưng kéo lùi sự phát triển của địa phương, của đất nước thì cũng cần “đứng sáng một bên” để người khác làm. Đây cũng là cơ sở, là động lực để nâng cao đạo đức công vụ, tinh thần trách nhiệm cá nhân, đặt lợi ích của dân của nước lên trước hết, trên hết. Do đó, “công phá” bức tường “ sợ trách nhiệm” trong thực thi công vụ cũng là một việc làm không thể chậm trễ hơn…/..