Đoàn kết phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức trong thời kỳ mới

Thứ hai - 09/10/2023 22:32 139 0
Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trải qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.


Phòng nghiên cứu công nghệ nano hiện đại của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.


Đội ngũ trí thức Việt Nam không ngừng phát triển

Theo Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Hà Giang, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức nước nhà lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 06/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội… Trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Việc xây dựng, tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò, trí tuệ của đội ngũ trí thức đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước. Một dân tộc không biết phát huy đội ngũ trí thức là tự đánh mất đi nguồn lực văn hóa, nguồn lực phát triển, đánh mất đi một trụ cột nâng đỡ về tinh thần và vật chất; một dân tộc như vậy là không có khát vọng và tương lai. Bởi vì trí thức là “nguyên khí quốc gia” quyết định căn bản sự tồn vong, suy thịnh của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đội ngũ trí thức Việt Nam không ngừng phát triển cả về số lượng và nâng cao về chất lượng, có cơ cấu hợp lý, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tiến hành sơ kết 5 năm, 10 năm thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW và ban hành các Kết luận số 90-KL/TW ngày 04/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; và Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư “Về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Trong đó đã khẳng định rõ những đóng góp tích cực, quan trọng của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị, việc thể chế hóa, cụ thể hóa nghị quyết bằng các văn bản quy phạm pháp luật đã đạt được kết quả bước đầu, hoạt động của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nói chung và các Hội trí thức nói riêng tiếp tục có nhiều tiến bộ. Những đóng góp tích cực của đội ngũ trí thức được thể hiện thông qua chức năng: tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.

Các đội ngũ trí thức đóng góp trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng, phát triển, làm chủ công nghệ tiến tiến trong các lĩnh vực khoa học, đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực y học, khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ. Bằng việc tham gia thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam và các tổ chức Hội trí thức có điều kiện đã tăng cường thu hút, tập hợp, đoàn kết phát huy sức mạnh trí tuệ của đội ngũ trí thức khoa học công nghệ đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát huy sức sáng tạo và sự đóng góp của đội ngũ trí thức

Nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ trí thức nói chung và trí thức khoa học công nghệ nói riêng, đóng góp tích cực cho quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới, Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ cho rằng, các cấp, ngành ở Trung ương và ở tỉnh cần tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện một số giải pháp, rà soát lại các nhiệm vụ và giải pháp đã được nêu ra trong Nghị quyết số 27/NQ/TW và các Kết luận số 90-KL/TW, Kết luận số 52-KL/TW. Nội dung của Nghị quyết cần đẩy nhanh việc thể chế hóa, cụ thể hóa bằng những chính sách cụ thể như: Xây dựng, ban hành Chiến lược Quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 và đảm bảo ngân sách thực hiện; chính sách khuyến khích và đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm của trí thức tích cực tham gia các hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội đối với các chương trình, đề án, dự án, chính sách lớn về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng. Chính sách khuyến khích và đảm bảo về lợi ích vật chất và tinh thần để vận động, tập hợp được trí thức có trình độ cao, chuyên môn sâu, trí thức trẻ có năng lực và chuyên môn tham gia các hoạt động của Liên hiệp Hội.

Đảng, Nhà nước tiếp tục kiện toàn, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam nói chung và các Hội trí thức nói riêng. Nhà nước cần tạo điều kiện để các Hội trí thức thu hút, tập hợp được đội ngũ trí thức tham gia thực hiện các hoạt động dịch vụ công, tham gia cấp chứng chỉ hành nghề, giám sát hoạt động nghề nghiệp theo cơ chế thực hiện tự chủ về tài chính. Xây dựng ban hành các quy định đặt hàng công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội hàng năm với Liên hiệp Hội Khoa học và kỹ thuật ở Trung ương và địa phương. Đổi mới phương thức quản lý Hội trí thức hướng tới mục tiêu xây dựng các Hội trí thức trở thành một Hội nghề nghiệp vững mạnh, một tổ chức Hội quần chúng có sức hút mạnh mẽ đối với đội ngũ trí thức khoa học công nghệ, một địa chỉ tin cậy khi tham vấn và tư vấn phản biện chính sách, một nơi uy tín trong tổ chức triển khai nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam từ Trung ương tới cấp tỉnh như là một tổ chức chính trị - xã hội. Mô hình hoạt động của Hội trí thức là Hội nghề nghiệp nhằm vừa phát huy tốt trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chức năng nhiệm vụ của hệ thống Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật, Hội trí thức vừa phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của đội ngũ trí thức, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng của Hội, vừa đảm bảo được sự quản lý của nhà nước, kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động của đội ngũ trí thức.

Thạc sỹ Cao Hồng Kỳ kiến nghị, các cấp ủy Đảng, Chính quyền các cấp, trước hết là người đứng đầu có trách nhiệm tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 27-NQ/TW; Kết luận số 90-KL/TW và Kết luận số 52-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X “về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Phát huy sức sáng tạo và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nói chung và trí thức khoa học công nghệ nói riêng trong việc đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, sáng tạo, đưa tiến bộ khoa học công nghệ vào thực tiễn phục vụ sản xuất và đời sống. Tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ trí thức thực hiện tốt chức năng tư vấn phản biện và giám định xã hội đối với các chủ trương, chính sách, các chương trình, đề án, dự án trọng tâm, trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội và khoa học công nghệ triển khai ở Trung ương và tại các địa phương. Phê phán và xóa bỏ sự coi nhẹ, thành kiến đối với những ý kiến phản biện mang tính khoa học, thực tế khách quan, xây dựng của đội ngũ trí thức.

Để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển nền kinh tế tri thức đòi hỏi bản thân đội ngũ trí thức cần phải thực sự nỗ lực phấn đấu, nghiêm túc tiếp thu, nghiên cứu, học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao trình độ về mọi mặt, đặc biệt là chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc, trình độ khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, kiến thức về kinh tế số, những yêu cầu mới của Chính phủ điện tử, đô thị thông minh, nông nghiệp thông minh để có thể làm chủ trong mọi lĩnh vực; tăng cường đoàn kết, hợp tác, phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng và văn minh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Theo TTXVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây