Thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam - Trung Quốc

Thứ sáu - 15/09/2023 04:36 227 0
Năm 2023 đánh dấu tròn 15 năm thiết lập khuôn khổ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc. Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, quan hệ giữa hai nước duy trì xu thế phát triển hòa bình, ổn định, đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.

Quan hệ chính trị duy trì xu thế ổn định và tích cực

Lãnh đạo hai nước đã đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng, góp phần đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Năm 1999, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã xác định phương châm 16 chữ thúc đẩy quan hệ hai nước trong thế kỷ 21 là "láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".

Tháng 12/2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm Trung Quốc, hai bên đã ký Tuyên bố chung về hợp tác toàn diện trong thế kỷ mới. Sau đó, hai bên đã thoả thuận đưa hai nước trở thành “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (tinh thần “4 tốt”). Đặc biệt, trong chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh tháng 5/2008, hai bên nhất trí xác lập khuôn khổ quan hệ Việt - Trung là "đối tác hợp tác chiến lược toàn diện" theo phương châm “16 chữ” và tinh thần “4 tốt”. 


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, ngày 31/10/2022. (Ảnh: TTXVN) 


Phát huy tinh thần đó, vào tháng 10/2022, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hoạt động đối ngoại chính thức trực tiếp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của hai Đảng, hai nước sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sau Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo nước ngoài cao nhất đầu tiên mà Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đón tiếp ngay sau Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, công cuộc đổi mới, cải cách mở cửa và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước bước vào giai đoạn mới, chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có ý nghĩa hết sức quan trọng, tăng cường và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc trong giai đoạn mới; củng cố tin cậy chính trị, góp phần tạo nền tảng chính trị vững chắc và thúc đẩy hợp tác thực chất trên các lĩnh vực giữa hai nước; tăng cường tình cảm hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Hai nước duy trì hợp tác trên kênh Đảng với các hoạt động tiếp xúc cấp cao và thiết lập cơ chế hợp tác, giao lưu giữa các Ban Đảng ở Trung ương; thường xuyên phối hợp tổ chức Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, nhằm trao đổi kinh nghiệm và thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, quản lý đất nước. Hợp tác trên kênh Nhà nước tiếp tục được thúc đẩy hiệu quả, thực chất. Quan hệ giữa các ngành như ngoại giao, quốc phòng, an ninh tiếp tục được tăng cường,... Hợp tác về đối ngoại nhân dân, đặc biệt là giao lưu giữa thế hệ trẻ hai nước Việt Nam-Trung Quốc ngày càng đi vào thực chất, giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau, tăng cường tình hữu nghị giữa hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước. Trong khi đó, hợp tác giữa các địa phương và trên các diễn đàn đa phương tiếp tục được tăng cường, củng cố.

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư tăng trưởng mạnh

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc duy trì đà tăng trưởng tốt trong bối cảnh dịch bệnh tác động tiêu cực đến thương mại của hầu hết các quốc gia trên thế giới. Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN (từ 2016), nước đối tác thương mại lớn thứ 6 trên thế giới (từ 2020) của Trung Quốc.

Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại Việt Nam - Trung Quốc đạt 165,9 tỷ USD, tăng 24,6% so với năm 2020 (theo số liệu của Trung Quốc là 230,2 tỷ USD, tăng 19,7% và chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN).


Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Quốc Trung, cùng các đại biểu tham dự Diễn đàn hợp tác đầu tư và thương mại Việt Nam - Trung Quốc tại Bắc Kinh tháng 6/2023. (Ảnh: Nhật Bắc)


Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%), nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%).

Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).

Về đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 233 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Luỹ kế đến ngày 20/6, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu FDI vào Việt Nam với 3.791 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25 tỷ USD.

Hợp tác y tế, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh COVID-19 là một điểm sáng trong quan hệ hai nước thời gian qua. Về hợp tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vắc-xin nhiều và nhanh nhất cho Việt Nam; đến cuối năm 2021, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 7,3 triệu liều và cung cấp thương mại khoảng 45 triệu liều vắc-xin.

Quan hệ hai nước đóng góp cho hòa bình của khu vực và thế giới

Một trong những thành tựu đáng chú ý của mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam – Trung Quốc đó chính là vượt qua khuôn khổ song phương, hai nước đẩy mạnh điều phối, hợp tác trong các cơ chế đa phương ở khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ ASEAN, cùng với các nước tích cực tham gia đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới.


Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc lần thứ 26 trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 và các hội nghị liên quan tại Indonesia tháng 9/2023. (Ảnh: TTXVN)


Trong đó, hợp tác trong hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc (GGHB LHQ) giữa Việt Nam và Trung Quốc là một lĩnh vực hợp tác mới và đang mở ra những triển vọng tích cực. Tại các địa bàn phái bộ GGHB, các lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ của hai nước đang cùng nhau nỗ lực đóng góp cho sứ mệnh chung.

Trong thư gửi tới chỉ huy Đội Công binh số 1 Việt Nam trước khi kết thúc nhiệm kỳ tại Phái bộ An ninh lâm thời LHQ ở Abyei về nước, chỉ huy của đơn vị Trung Quốc tại phái bộ đã bày tỏ rằng “với tư cách là những người hàng xóm, bạn bè, đồng chí và đối tác tốt” mong muốn được tăng cường mối quan hệ hợp tác với đơn vị công binh Việt Nam, hỗ trợ lẫn nhau trong thực hiện các hoạt động GGHB, để “cùng nhau đưa Abyei trở thành một nơi tốt đẹp hơn”.

Có thể khẳng định, chính quyết tâm chính trị cao của các nhà lãnh đạo hai nước đã tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy hợp tác trên các diễn đàn hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì lợi ích của mỗi quốc gia, đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực cũng như thế giới. Trong các cuộc tiếp xúc cấp cao, các nhà lãnh đạo Việt Nam và Trung Quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hai nước tăng cường phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong khuôn khổ LHQ, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị hợp tác Á-Âu lần thứ nhất (ASEM), Mekong-Lan Thương...

Hai bên đã phối hợp, hợp tác chặt chẽ tại các cơ chế và diễn đàn đa phương này, góp phần thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới, chung tay ứng phó với những thách thức đang nổi lên đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực./.

 
Song Anh
(Theo https://dangcongsan.vn/)
Liên kết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập116
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm115
  • Hôm nay21,276
  • Tháng hiện tại379,020
  • Tổng lượt truy cập5,408,164
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây