Hiện nay, các nền tảng xã hội được người dân Việt Nam quan tâm và sử dụng một cách phổ biến; chỉ tính riêng nền tảng TikTok, sau 4 năm ra mắt trên toàn cầu, nền tảng mạng xã hội này của “Trung Quốc này đã thu hút 1 tỷ người dùng”
[1]. Theo thống kê của
https://rentracks.com.vn/, tại Việt Nam, tính từ tháng 4/2019 đến đầu năm 2024, có khoảng “67,72 triệu người sử dụng mạng xã hội TikTok”
[2].
Bên cạnh những thông tin giải trí, kênh bán hàng, chia sẻ quan điểm sống lành mạnh và các kiến thức xã hội… thì còn có những thông tin xấu độc, “thông tin bẩn” được nhiều kẻ cơ hội, bất mãn với chế độ, đặc biệt là thế lực thù địch xây dựng, phát tán trên nền tảng TikTok. Những thông tin đó là gì? Làm gì để không bị dẫn dắt bởi những thông tin xấu độc này? Dưới góc nhìn của những người đảng viên, người dân đang sinh sống và tham gia xây dựng quê hương giàu đẹp, chúng tôi sẽ đưa ra nội dung chủ yếu để người đọc có thể nhận diện thông tin xấu độc trên nền tảng TikTok và nêu lên một số kiến thức căn bản để người dùng TikTok đề cao cảnh giác và không bị dẫn dắt bởi những thông tin xấu độc này.
Nhận diện các thông tin xấu độc trên nền tảng TikTok
Có thể nói, trên nền tảng TikTok, có rất nhiều luồng thông tin phản ánh các mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, chen vào đó là những thông tin xấu độc do các thế lực thù địch, chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, có thể nhận diện dưới một số hình thức sau:
Thứ nhất, thông tin xấu độc kiểu lồng ghép nội dung thật – giả, bóp méo sự thật gây tổn hại đến hình ảnh của cá nhân hay tổ chức. Đây là kiểu thông tin không chỉ được các thế lực thù địch lợi dụng triệt để nhằm tung tin, “nhào nặn” các sự việc đi theo hướng đả kích, xuyên tạc cá nhân, tổ chức mà còn cả người dùng nền tảng TikTok trong nước sử dụng. Điển hình là chúng lấy các thông tin được đăng trên phương tiện thông tin đại chúng chính thống trong nước, sau đó cắt ghép, thêm thắt các nội dung không đúng sự thật… Ví dụ như việc xuất hiện ngày càng nhiều các video có nội dung xuyên tạc về lịch sử văn hóa Việt Nam, làm cho giới trẻ không phân biệt được đâu là sự kiện, nhân vật thật, có công hay có tội; đặc biệt, nhiều người dùng TikTok làm giả các Video gây dư luận xấu cho tổ chức hoặc cá nhân. Trường hợp tài khoản TikTok “V.P” đăng tải clip và đặt tiêu đề có nội dung xúc phạm đến lực lượng Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Quảng Ngãi khi đang tuần tra ban đêm, gây ra dư luận xấu trong Nhân dân, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng Công an là một trường hợp như vậy. Theo đó, vào ngày 28/02/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Quảng Ngãi cho biết, đơn vị vừa quyết định xử phạt 5 triệu đồng đối với TikToker “V.P” về hành vi đăng tải thông tin có nội dung xúc phạm uy tín, danh dự của lực lượng Cảnh sát cơ động”
[3].
Thứ hai, thông tin xấu độc kiểu tung tin đồn thất thiệt nhằm dẫn dắt dư luận xã hội, như tài khoản TikTok “Nguyen Hong Phuc” đưa tin thất thiệt về việc sắp xảy ra chiến tranh thế giới thứ 3, với các nội dung “thật – giả” đan xen nhằm tạo sự chú ý của người dùng TikTok và dẫn dắt tâm lý lo ngại của những người ít hiểu biết.
Từ việc TikTok tại Việt Nam đã tạo môi trường thuận lợi cho tin giả phát tán, gây thiệt hại về kinh tế và gây bất ổn cho xã hội, ngày càng nhiều Video “bẩn” trên TikTok như việc “dư luận bức xúc trước hành vi làm clip bẩn của Tiktoker Nờ Ô Nô - đăng các video có nội dung miệt thị người khác, rất phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục”. Trường hợp này, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền 7,5 triệu đồng; hay cuối tháng 8/2022, TikToker “H.M” (SN 1999, tạm trú phường 4, TP Đà Lạt) bị phạt 10 triệu đồng vì đã đăng tải nội dung nói xấu người miền Trung
[4]… Điều này đã dấy lên hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng các “trang TikTok bẩn” có nội dung độc hại.
Thứ ba, thông tin xấu độc mang tính bôi nhọ chế độ, cán bộ chủ chốt. Thực tế sự phát triển nóng của các nền tảng mạng xã hội đã tạo ra một “kẻ ngáo quyền lực”, khi tự cho mình là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội và tự đưa ra những quan điểm, phát ngôn gây sốc, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm đến danh dự, uy tín của nhiều lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, như trường hợp sau: “Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 10 triệu đồng đối với nữ streamer Nguyễn Thị Thanh L., có liên quan phát ngôn, bình luận sai sự thật về lãnh đạo cấp cao”
[5].
Thứ tư, thông tin xấu độc từ những phần tử phản động bên ngoài dưới dạng giả mạo, hoàn toàn không có thật, suy diễn, ngụy tạo hết sức tinh vi. Đây là những tin giả do một số thành phần phản động sống lưu vong tưởng tượng ra những kịch bản “như thật” để lừa phỉnh người nghe, dẫn dắt những người nhẹ dạ cả tin, từ đó kích động, hạ bệ hình tượng các lãnh đạo cao cấp Việt Nam, dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” lúc nào không hay. Như tài khoản “Nua Vong Trai Dat TV” ngày 31/3/2024, chúng tung ra video khi Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ nhiệm, chúng đưa ra những phân tích, lí lẽ tưởng như rất thật nhưng lại dẫn dắt sang luận điểm hạ bệ hình tượng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bằng việc đưa ra dẫn chứng là một đoạn tin trên “Reuters” để từ đó đặt ra câu hỏi lớn “TBT Nguyễn Phú Trọng thất bại trong việc chọn nhân sự?”… nếu ai không tinh ý sẽ dễ bị dẫn dắt bởi thông tin này. Do vậy, có kiến thức và phân biệt được những tin tức “giả mạo”, “suy diễn” này sẽ tránh bị các thế lực thù địch “dắt mũi”, đưa đến tự diễn biến về tư tưởng, mất niềm tin với quá trình xây dựng đất nước hiện nay.
Thứ năm, ngày càng nhiều thông tin “xấu bẩn” được đăng tải trên nền tảng TikTok. Cũng từ việc TikTok không kiểm duyệt nội dung, hoặc lỏng lẻo trong khâu quản lý, đã có nhiều “TikToker” ở Việt Nam xây dựng nội dung phản cảm, trang 18+, các nhóm chat sex (với hình ảnh các cô gái sexy) hay các ứng dụng xem video “người lớn” để dẫn tới các “App” để xem các em show, xem chỗ kín miễn phí… như nhiều video trên trang Linh Mean (cô nàng quay cảnh mặc váy ngủ nằm trên giường khách sạn, cũng đã thu hút được 500.000 lượt thích, hơn 4.000 bình luận
[6]), rồi có hẳn “dịch vụ Sugar Baby” được trang có tên Sugar Baby trên TikTok dẫn dụ người xem đến các website chuyên cung cấp dịch vụ Sugar Baby tại Việt Nam; cũng không ít tài khoản TikTok dẫn dụ, lừa người dùng nạp tiền, sau đó “lặn mất tăm”, đã có không ít người “nhẹ dạ, cả tin” trở thành nạn nhân của trò lừa đảo, bịp bợm này; hay việc quảng cáo dịch vụ “nhạy cảm” này được sử dụng bằng phương thức lập các “tài khoản TikTok ảo” rối nhắn tin đến mọi người dùng TikTok, ví dụ như “tài khoản TikTok User7491409099771”… Có thể nói, các trường hợp này vi phạm chuẩn mực đạo đức, gây hại và ảnh hưởng rất lớn tới giới trẻ hoặc có tác dụng tiêu cực đến người xem, mà mục đích cuối cùng là tăng tương tác, lượt xem, kiếm lợi bất chính.
Không để bị dẫn dắt trước những thông tin xấu độc trên nền tảng TikTok
TikTok hoàn toàn do thuật toán phân phối nội dung; nghĩa là, bất kể đó là thông tin tốt hay xấu độc đều có thể tạo thành xu hướng, tự động giới thiệu đến mọi người dùng TikTok. Do đó, làm gì để không bị dẫn dắt trước những thông tin xấu độc này? Theo chúng tôi, người dùng TikTok có thể trang bị một số kiến thức căn bản sau:
Một là, nâng cao nhận thức trong nhận diện các sai phạm của nền tảng xã hội TikTok Việt Nam:
“Thứ nhất, nền tảng này không có biện pháp kiểm soát hiệu quả những nội dung vi phạm liên quan đến chính trị, chống phá Đảng, Nhà nước; tin giả; nội dung độc hại, nhảm nhí, có khả năng gây nguy hiểm với trẻ em.
Thứ hai, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động để tạo xu hướng, từ đó phát tán những nội dung giật tít, câu view mặc cho chúng phản cảm, độc hại, gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng, giới trẻ.
Thứ ba, TikTok không có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhái, thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, thuốc kích dục…
Thứ tư, TikTok không quản lý hoạt động của các idol (thần tượng) dẫn đến nhiều người sản xuất nội dung nhảm nhí, thiếu văn hóa, nhắm vào sự hiếu kỳ của người xem, tạo xu hướng thu lợi nhuận từ những nội dung này. Cụ thể là việc cho phép thách đấu trực tuyến, idol TikTok có thể được người xem tặng quà, càng sốc, hở, phản cảm càng được tặng nhiều quà và có khả năng quy đổi ra tiền. Điều đáng nói là TikTok sẽ nhận được 70% từ số tiền thu được.
Thứ năm, TikTok không có biện pháp quản lý các nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt các nội dung trích từ phim ảnh.
Thứ sáu, không có biện pháp quản lý để người dùng tự ý sử dụng hình ảnh riêng tư, cá nhân của người khác để tung tin giả, xúc phạm, bôi nhọ”
[7]. Với những kiến thức cơ bản này, chắc chắn người dùng sẽ tránh được những thông tin xấu độc, tránh được việc sử dụng các “xu hướng bẩn” trên nền tảng TikTok trong các thông tin do mình tạo ra; tránh các hệ lụy không đáng có khi dùng nền tảng TikTok như sự tác động xấu đến tâm trạng, tư tưởng sai trái trên không gian mạng, không vô cảm trước các vấn đề của xã hội; không bị dẫn dắt trước những thông tin giả, độc hại…
Hai là, đa dạng các hình thức tuyên truyền về “thông tin xấu độc trên nền tảng TikTok” đến đội ngũ cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân; đặc biệt, cần quan tâm đến giới trẻ - đây là đối tượng dễ bị tác động nhất, nhiều trẻ nhỏ dưới 13 tuổi cũng tham gia TikTok, trong khi chưa có kiến thức xã hội, dễ chia sẻ, sử dụng các thông tin xấu độc mà không hề hay biết. Từ đó, cũng cần nâng cao vai trò của gia đình, nhà trường và xã hội trong quản lý giới trẻ dùng các nền tảng mạng xã hội.
Ba là, phát huy tối đa vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội và thanh thiếu niên:
Đối với các tổ chức chính trị - xã hội trong nhân rộng và phát huy các mô hình hay, cách làm hiệu quả nhằm nhận diện và đấu tranh với các thông tin xấu độc, như: Tổ chức các lớp bồi dưỡng khả năng viết bài phản bác trên các nền tảng xã hội; tuyên truyền và nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, nhận thức về “xu hướng bẩn” trên các nền tảng mạng xã hội… đến mọi đoàn viên, hội viên, thành viên và người dân nhằm cảnh giác trước mọi chiêu trò “bẩn” mà thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn đang hàng ngày “dải” trên các trang mạng xã hội.
Đối với thanh thiếu niên cần lan tỏa mạnh mẽ “hành động đẹp”, “chia sẻ thông tin hay, gương người tốt, việc tốt” với phương châm “mỗi ngày một tin tốt”, “mỗi người là một tấm gương sáng, có ích”; đảng viên trẻ tích cực tham gia học tập lý luận online do Ban Tuyên giáo Trung ương thí điểm ở website
https://lyluanchinhtri.dcs.vn/ … Từ đó, nâng cao tính cảnh giác và dần thay thế, xóa bỏ các thông tin xấu độc; tham gia học tập lý luận online giúp bản thân có thêm những cơ sở lý luận vững chắc, tạo thói quen tư duy nhanh nhạy để nhận diện, phân biệt và phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng hiện nay.
Bốn là, đẩy mạnh hoạt động phối hợp trong công tác đấu tranh, phản bác thông tin xấu độc trên không gian mạng, như: ký kết các văn bản liên tịch phối hợp tổ chức các hoạt động để lan tỏa các thông tin hay, gương người tốt và việc tốt… đặc biệt, đối với các cơ quan quản lý nhà nước cần mạnh tay xử lý nghiêm, có hiệu quả những vi phạm, các thông tin có “xu hướng bẩn” trên các nền tảng xã hội như Youtube, Facebook, Instagram, TikTok…
Tóm lại, mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và người dân cần tự trang bị cho mình những hành trang kiến thức và xây dựng cho mình văn hóa trên không gian mạng, để từ đó tạo ra “sức đề kháng” mạnh mẽ trước các thông tin xấu độc đang “hiện hữu” hoặc “lẩn khuất” đâu đó trong nội dung các bài đăng, những video trên các nền tảng mạng xã hội; bên cạnh đó, cơ quan chức năng quản lý nhà nước cần mạnh tay hơn nữa trong việc kiểm duyệt nội dung trên các trang mạng xã hội nhằm làm “sạch xã hội mạng”, tẩy đi những “vết dơ”, xóa đi những thông tin “xấu độc”, góp phần phòng chống hiệu quả những quan điểm sai trái, thù địch nhằm vào đất nước Việt Nam hiện nay.