Đại đoàn kết toàn dân tộc, “lá chắn” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - nhìn từ thực tiễn vùng Đồng bằng sông Cửu Long: BÀI 1: Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc, “chia rẽ” chính sách đại đoàn kết đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ bảy - 14/12/2024 04:42 54 0
Xuyên suốt trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn chủ trương thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, xem đó là nhân tố ý nghĩa quyết định bảo đảm thắng lợi bền vững của sự nghiệp cách mạng. Vì vậy, các thế lực thù địch tập trung phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nhất là vùng tôn giáo, dân tộc thiểu số. Do đó, chúng ta cần nhận diện đúng âm mưu phá hoại để cảnh giác, có giải pháp đấu tranh hiệu quả. Trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đúc kết: “Nền tảng vững chắc của đại đoàn kết toàn dân tộc là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức do Đảng lãnh đạo; là mối quan hệ “máu thịt” giữa Đảng và Nhân dân, là niềm tin giữa nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ ta; là sự đoàn kết giữa các giai cấp, tầng lớp xã hội; giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài…”.
14 12 khambenh
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ khám bệnh miễn phí cho bà con người dân tộc Khmer ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Trong thời gian dài, các thế lực thù địch có những luận điệu xuyên tạc các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, nhằm chia rẽ chính sách đại đoàn kết đối với đồng bào dân tộc Khmer và Hoa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tuy không mới, nhưng trong bối cảnh Internet, mạng xã hội ngày càng “nở rộ”, những thông tin sai sự thật càng có điều kiện lan rộng, ảnh hưởng xấu đến một bộ phận người trẻ, gây mất đoàn kết dân tộc.

* Cảnh giác trước thủ đoạn xuyên tạc của các thế lực thù địch

Khu vực ĐBSCL có diện tích tự nhiên 40.816,4 km2, với bờ biển dài 750km và có đường biên giới với nước bạn Campuchia dài 330 km. Có 12 tỉnh và 01 thành phố trực thuộc Trung ương với 132 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.531 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số 17,3 triệu người với 44 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 43 dân tộc thiểu số (DTTS) với hơn 1,3 triệu người, chiếm 7,58% dân số toàn vùng; chủ yếu là dân tộc Khmer 1.141.241 người, dân tộc Hoa 149.449 người, dân tộc Chăm 13.170 người, các dân tộc khác: 6.147 người.

Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo giữa người DTTS so với mặt bằng chung trong vùng còn lớn và tiếp tục tăng. Hiện còn nhiều hộ DTTS nghèo, hộ nghèo tại các xã và thôn đặc biệt khó khăn. Chất lượng giáo dục đào tạo còn thấp, tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng chưa khắc phục được. Nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ công chức người DTTS theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. An ninh - chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng ĐBSCL vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn, một số nơi phát triển đạo không bình thường, đồng bào bỏ tôn giáo truyền thống để theo tôn giáo khác. Các thế lực thù địch, bọn phản động lưu vong không ngừng tuyên truyền, xuyên tạc, lôi kéo, kích động, gây chia rẽ dân tộc trên các trạng mạng xã hội, trang web nhằm tuyên truyền, xuyên tạc về lịch sử vùng đất Nam bộ Việt Nam, về vấn đề biên giới...

Lợi dụng những đặc điểm trên, các thế lực thù địch, phản động xuyên tạc, thông tin sai sự thật trên không gian mạng, tập trung vào những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS; “thổi phồng” thiếu sót trong việc thực hiện đường lối phát triển kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa trong thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ở các địa phương. Các thế lực thù địch còn xuyên tạc Đảng và Nhà nước cấm đồng bào Khmer thực hành các nghi lễ tôn giáo, lễ hội truyền thống, xâm phạm di sản văn hóa của người Khmer; chính quyền không quan tâm đến đời sống của đồng bào Khmer, không đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào Khmer; chính quyền phân biệt đối xử với đồng bào dân tộc Khmer, không cho họ tham gia các hoạt động chính trị, xã hội... Đây là thông tin không đúng sự thật bởi thực tế Đảng và Nhà nước ta thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách, chương trình, đề án phát triển vùng đồng bào DTTS, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer. Theo kết quả thống kê, riêng năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trong DTTS (giảm từ 2-3% so với năm 2021). Đến nay, vùng ĐBSCL có 34 trường phổ thông dân tộc nội trú, với quy mô hơn 11.600 học sinh, chiếm 12% số học sinh DTTS; có16/34 trường đạt chuẩn quốc gia. Các lễ hội truyền thống, chữ viết của đồng bào Khmer đều được bảo tồn và phát triển. Bên cạnh các lễ, Tết lớn như: Ok-Om-Bok, Chôl Chnăm Thmây, hệ thống chùa chiền, chữ viết, ấn phẩm thông tin bằng chữ Khmer cũng được đầu tư phát triển.

Một trong thủ đoạn nữa là các thế lực thù địch, phản ánh đưa thông tin sai sự thật, kích động đối với một bộ phận đồng bào DTTS ở vùng tôn giáo, vùng biên giới - nơi có đông đồng bào DTTS sinh sống, nhưng điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Theo Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh An Giang, các thế lực thù địch tìm cách móc nối, mua chuộc, lôi kéo những người có uy tín; tài trợ cho sư sãi, tăng sinh Khmer ra nước ngoài tu học với ý đồ chống phá lâu dài. Thời gian qua, các phần tử tổ chức phản động lưu vong “KKK cực đoan” bên ngoài tài trợ kinh phí, móc nối xây dựng “ngọn cờ” nhằm lôi kéo, tập hợp sư sãi, phật tử Khmer kích động biểu tình, gây rối, phản đối chủ trương giải quyết của nhiều địa phương.     

* Triệt để lợi dụng mạng xã hội, kích động chia rẽ các dân tộc

Với hơn 72 triệu người sử dụng mạng xã hội ở nước ta, theo thống kê của We are social, có hơn phân nửa người dùng Internet tìm kiếm thông tin, vì thế các thế lực thù địch khai thác triệt để không gian mạng để đưa thông tin sai sự thật, kích động nhằm xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, môi trường mạng đặc biệt tác động lớn đến người trẻ - vốn ham thích tò mò, một số bạn trẻ còn thiếu kiến thức, bản lĩnh chính trị chưa vững vàng, vì thế dễ bị tác động bởi thông tin xấu, độc. Chúng ta có thể nhận diện: các thế lực thù địch, phản động sử dụng nhiều chiêu trò, luận điệu xuyên tạc gây “chia rẽ” khối đại đoàn kết toàn dân tộc ở các lĩnh vực. Đó là sử dụng không gian mạng để tuyên truyền quan điểm sai trái, thù địch; phát tán các tài liệu chứa thông tin xuyên tạc, quan điểm sai trái, thù địch hoặc lợi dụng các ấn phẩm văn hóa, mang màu sắc tôn giáo, tác động đến tâm lý, tư tưởng; lợi dụng, lồng ghép với hoạt động của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, dân chủ, nhân quyền, thông qua các hoạt động của các tổ chức này để phát tán các ấn phẩm có nội dung, quan điểm sai trái, thù địch; các hộ gia đình người DTTS có hoàn cảnh khó khăn hoặc các đối tượng có quan điểm cực đoan về dân tộc; tài trợ tiền, hàng dưới các danh nghĩa khác nhau để móc nối, lôi kéo người DTTS phục vụ hoạt động tuyên truyền các quan điểm sai trái, thù địch.

Các thế lực thù địch lợi dụng một số vụ việc được nhiều người quan tâm, nhất là tình hình thời sự để xuyên tạc, gây hoang mang dư luận. Điển hình như thông tin Campuchia chuẩn bị xây kênh đào Phù Nam - Techo. Trong khi, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam trong cuộc họp báo thường kỳ (11-4), đã “đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, Ủy hội sông Mekong trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực ĐBSCL, đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực”. Trong khi sự việc này vẫn còn đang giai đoạn trao đổi thông tin, thì các thế lực thù địch đã đăng tải nhiều thông tin gây “chia rẽ” đại đoàn kết dân tộc, cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia.

Kiên quyết đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc và để đạt được mục tiêu trên, chúng ta cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động đồng bào DTTS, nhất là giới trẻ hiểu rõ về chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước.
 
Bài, ảnh: Tú Anh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây