Đồng chí Võ Kim Thoa, Trưởng Ban Dân vận Thành uỷ tặng quà cho thiếu nhi người dân tộc Khmer trên địa bàn huyện Cờ Đỏ.
* Đầu tư nguồn lực, phát triển hài hòa
Trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá: “Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng, miền; quan tâm phát triển toàn diện khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giữ vững sự ổn định chính trị - xã hội”. Đối với đồng bào DTTS ở khu vực ĐBSCL cũng nằm trong xu thế đó, tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS ở khu vực ĐBSCL còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là tình hình kinh tế - xã hội còn hạn chế, một số mục tiêu chương trình, đề án liên quan đến chính sách cho đồng bào DTTS chưa đạt như kỳ vọng. Đơn cử như: công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, nhất là việc làm tại chỗ đạt hiệu quả thấp. Tỷ lệ lao động người DTTS thất nghiệp trong vùng cao nhất nước (2.2%). Số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc Khmer nhiều nơi còn hạn chế, chưa đáp ứng phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc. Nhiều địa phương chưa đạt tỷ lệ công chức người DTTS theo quy định tại Quyết định 402/QĐ- TTg. Những khó khăn này thường xuyên bị các thế lực thù địch xuyên tạc với luận điệu cho rằng Đảng, Nhà nước ta không quan tâm chăm lo đồng bào DTTS, không thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc. Một số bà con người dân tộc trình độ dân trí còn hạn chế nên dễ bị kẻ xấu lôi kéo, tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự xã hội.
Ở khu vực ĐBSCL, đồng bào người dân tộc Khmer chiếm số lượng đông nhất trong các DTTS, nhưng sống tập trung ở những địa bàn khó khăn. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tăng mức đầu tư đối với các chính sách hiện hành như: chương trình 134, 135, chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, định canh, định cư, vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất; đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, kịp thời bổ sung các chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn. Duy trì thực hiện các chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo như: chính sách dự bị đại học, cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cho học sinh là người DTTS; tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển văn hóa, thông tin trong vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, cần quan tâm đúng mức việc phát triển đảng viên là người DTTS; thực hiện tốt chính sách đối với người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, thông qua họ hoặc gia đình để tuyên truyền, vận động đồng bào tham gia đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch tuyên truyền xuyên tạc, chống phá sự nghiệp cách mạng của nước ta; góp phần giữ gìn an ninh trật tự và an toàn xã hội. Điển hình như anh Diệp Quang Bảo (người dân tộc Hoa), Bí thư Chi đoàn khu vực 1, phường An Phú (quận Ninh Kiều) được kết nạp Ðảng vào tháng 5-2023. Bảo là 1 trong 7 cá nhân được Ủy ban Hội LHTN quận Ninh Kiều tuyên dương danh hiệu “Thanh niên dân tộc, tôn giáo tiêu biểu” năm 2023. Tháng 3-2024, Bảo trúng tuyển kỳ thi tuyển dụng công chức và hiện đang công tác tại Quận đoàn Ninh Kiều. Bảo chia sẻ: “Mỗi dân tộc đều có nét đẹp văn hóa khác nhau, nhưng tự hào đều là người Việt Nam. Trong quá trình học tập, rèn luyện, tôi luôn được Chi bộ, các đoàn thể hướng dẫn, không phân biệt, đối xử, trái lại nhiều hoạt động do quận tổ chức đều giới thiệu phong tục, tập quán của cộng đồng dân tộc Hoa, làm tôi rất tự hào”. Từ sự quan tâm giáo dục, định hướng của tổ chức Đảng, Đoàn, người “thủ lĩnh” thanh niên này là hạt nhân trong các hoạt động tình nguyện tại địa phương như: các đợt ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, hay hỗ trợ người dân chuyển đổi số, chăm lo cho người nghèo...
* Nắm chắc tình hình, tập trung phát triển vùng DTTS
Một trong những nguyên nhân mà các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta đối với đồng bào DTTS là việc thực hiện các chương trình, chính sách còn tồn tại, hạn chế, thậm chí có tình trạng tiêu cực, trục lợi chính sách, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích chính đáng của đồng bào DTTS. Do đó, giải pháp cần được quan tâm là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đi đôi với công tác giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, để thúc đẩy tạo sinh kế bền vững cho vùng DTTS hiệu quả và thiết thực. Kinh nghiệm ở tỉnh An Giang, cho thấy sinh hoạt tôn giáo và các hoạt động lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS được tạo điều kiện. Nhiều cơ sở thờ tự được sửa chữa khang trang; các trường đặc thù đào tạo trí thức tôn giáo được quan tâm đầu tư, hỗ trợ. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, các tổ chức hội của người Hoa, Ban Đại diện cộng đồng Hồi giáo Chăm tích cực vận động chức sắc, đồng bào, tín đồ thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò cầu nối giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể với quần chúng nhân dân và người có uy tín trong đồng bào DTTS; tăng cường công tác phối hợp, kết hợp giữa các ngành, các cấp trong thực hiện chính sách dân tộc. Quán triệt nâng cao nhận thức về công tác dân tộc, đảm bảo vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của chính quyền các cấp. Người dân tộc thiểu số được ứng cử và đề cử vào các cơ quan hành chính theo luật định.
Nhằm đấu tranh góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trên những địa bàn nói trên, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền quan điểm, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Ra sức phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS. Chú ý bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào. Đề cao cảnh giác chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá của các thế lực thù địch.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo 35 các cấp, kịp thời nắm chắt tình hình ở vùng có đông đồng bào DTTS để có định hướng, tham mưu cấp ủy chỉ đạo đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Hệ thống Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đổi mới mạnh mẽ phương thức hoạt động, tăng cường vận động, tập hợp và đoàn kết đồng bào các DTTS, phát huy vai trò của các cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong đồng bào DTTS vận động nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giúp đỡ người nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, dân tộc. Kịp thời đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển vùng có đông đồng bào DTTS; tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách liên quan đến đồng bào DTTS, đảm bảo cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, nhằm đề cao cảnh giác, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc, kích động để chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Hệ thống chính trị cơ sở vùng có đông đồng bào DTTS, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ người DTTS cần được quan tâm củng cố và tăng cường hơn nữa. Việc xây dựng và củng cố tổ chức cơ sở đảng ở vùng đồng bào dân tộc, phát triển đảng viên trong đội ngũ cán bộ DTTS cần được chú trọng. Việc phát huy dân chủ ở cơ sở, xây dựng gia đình, xóm ấp văn hóa, tình làng nghĩa xóm, tương thân, tương ái và tinh thần đoàn kết các dân tộc cận được củng cố, mở rộng. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, chắc chắn rằng những luận điệu xuyên tạc về chính sách dân tộc sẽ bị vạch trần, góp phần bảo vệ vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc, giữ vững và ổn định tình hình an ninh, trật tự, góp phần phát triển nhanh, bền vững tại vùng đồng bào DTTS ở khu vực ĐBSCL.
“Trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu cao cả trên đây, cần phải khẩn trương, nghiêm túc xây dựng triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, chính sách, tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời kỳ mới; bổ sung, hoàn thiện luật pháp, chính sách sát hợp với tình hình mới để phát huy tốt hơn nữa sức mạnh của các tầng lớp nhân dân…”.
(Trích cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng).