Đại đoàn kết toàn dân tộc, “lá chắn” bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng - nhìn từ thực tiễn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. BÀI 2: Giữ vững niềm tin của Nhân dân với Đảng

Thứ hai - 16/12/2024 03:07 102 0
Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tập trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS. Bên cạnh chương trình mục tiêu quốc gia “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”, tại khu vực ĐBSCL, đối với từng dân tộc, Đảng và Nhà nước ta đều có những chính sách riêng. Đối với từng dân tộc, Đảng và Nhà nước đều có những chính sách riêng nhằm chăm lo, phát triển đời sống và phát huy các giá trị văn hóa của các DTTS gắn với phát triển sinh kế, đến nay đã có bước phát triển mới về quy mô cũng như chiều sâu. Niềm tin của đồng bao DTTS đối với Đảng ngày càng được giữ vững, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
16 12 dt
Đồng bào dân tộc thiểu số được tạo điều kiện giữ gìn, bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hoá dân tộc. Trong ảnh: Các bạn trẻ tham gia hội thi biểu diễn trang phục truyền thống dân tộc do Quận đoàn Ninh Kiều tổ chức.

* Phát triển bền vững, bình đẳng

Khu vực ĐBSCL có đông đồng bào DTTS, trong đó nhiều nhất người dân tộc Khmer, Chăm, Hoa… Với những đặc điểm của cộng đồng tộc người như trên, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ đã có Thông tri, Chỉ thị riêng cho từng dân tộc. Đối với dân tộc Khmer, ngày 18-4-1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI ban hành Chỉ thị số 68-CT/TW về công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer (nay được thay thế Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10-01-2018. Đối với dân tộc Chăm, năm 1991, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa VI) ban hành Thông tri số 03-TTr/TW về công tác trong vùng đồng bào dân tộc Chăm; ngày 18-02-2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 06/2004/CT-TTg về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - trật tự đối với đồng bào Chăm trong tình hình mới. Đối với dân tộc Hoa, ngày 8-11-1995, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 62-CT/TW về tăng cường công tác đối với người Hoa trong tình hình mới (Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) Kết luận 07-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 62- CT/TW); ngày 03-8-1996, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 501/1996/CT- TTg về thực hiện một số chính sách đối với người Hoa. Ngày 31-7-1998, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTG phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn miền núi và vùng sâu, vùng xa. Nội dung thông tri, chỉ thị nêu trên đã và đang đi vào cuộc sống; góp phần đưa bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện và nâng lên

Thực hiện Chương trình 135, các mục tiêu về y tế, văn hóa, xã hội được triển khai hiệu quả, thiết thực. Chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, cho vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS được quan tâm triển khai. Kết quả, tỷ lệ hộ có phương tiện nghe nhìn trên 98%, tỷ lệ có điện sử dụng đạt trên 97%, sử dụng nước hợp vệ sinh trên 93,9%; có trên 25.156 hộ được hỗ trợ đất ở, 120.000 hộ được hỗ trợ nhà ở, 9.728 hộ được hỗ trợ đất sản xuất, 73.107 hộ được hỗ trợ giải quyết việc làm; chuyển đổi nghề, đào tạo nghề cho hơn 11.380 lao động; cho vay vốn ưu đãi hơn 105.800 hộ; có 229 công trình nước được xây dựng và hơn 68.900 hộ được hỗ trợ dụng cụ chứa nước... góp phần đưa bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện và nâng lên; tỷ lệ hộ DTTS nghèo so với tổng số DTTS toàn vùng giảm bình quân trên 4% (vượt mục tiêu và chỉ tiêu chung giai đoạn 2016-2020 là giảm bình quân từ 1-1,5%).

Nhiều địa phương đã cụ thể hóa chủ trương của Đảng, triển khai nhiều chương trình, dự án sinh kế cho đồng bào DTTS. Tại TP Cần Thơ, thời gian qua, Ban Dân tộc thành phố thực hiện dự án “Dạy nghề và chữ viết Khmer cho người dân tộc Khmer tại huyện Cờ Đỏ”, “Dạy nghề trồng lúa năng suất cao”; “Dạy nghề đan lục bình cho đồng bào Khmer” (mỗi nội dung học được tổ chức 2 lớp). Điển hình như chị Sơn Thị Lang (dân tộc Khmer) ở thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ). Năm 2006, chị Lang học nghề đan do Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Cờ Đỏ tổ chức cho chị em đồng bào dân tộc. Sau 6 tháng, chị Lang thạo nghề đan đát các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ lục bình. Năm 2007, chị Lang mở tổ hợp tác sản xuất 3 sản phẩm chính: cơm rượu, dưa muối chua và hàng thủ công mỹ nghệ đan từ lục bình. Trong đó, nghề đan lục bình là mô hình được chị vô cùng tâm huyết với 20 chị em tham gia. Theo lời chị Lang, ấp chị ở có hơn 80% là người dân tộc Khmer, thu nhập chính là làm nông hoặc làm thuê. Từ lúc nghề đan lục bình được giới thiệu, người này truyền tai người kia nên lớp dạy nghề mới ngày một đông lên. Năm 2020, chị Lang thành lập HTX Làng Nghề với 38 thành viên tham gia mô hình đan lục bình. HTX đã liên kết được trên 100 chị em phụ nữ khắp huyện, cung ứng khoảng 3.000 sản phẩm/tháng cho doanh nghiệp. Đặc biệt, đầu năm 2023, chị Lang đón nhận tin vui khi sản phẩm đan từ lục bình đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4, giúp mặt hàng thủ công mỹ nghệ của HTX có vị thế trên thị trường.
         
 * Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS

Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang, trên địa bàn tỉnh, cộng đồng người dân tộc Khmer có 75.878 người (chiếm 3,98%); dân tộc Chăm có 11.171 người (chiếm 0,59%), dân tộc Hoa có 5.233 người (chiếm 0,27%), phần còn lại là dân tộc khác. Cộng đồng Hồi giáo tỉnh An Giang có khoảng 2.819 hộ, với 11.171 người, sinh sống tại 9 xóm Chăm ở 5/11 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã có nhiều chủ trương phát triển kinh tế - xã hội và khai thác những tiềm năng, lợi thế của địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của dân tộc Chăm ở An Giang được Đảng, Nhà nước quan tâm, chăm lo về vật chất lẫn tinh thần. Bên cạnh hoàn thiện hệ thống “điện, đường, trường, trạm”, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy văn hóa của đồng bào dân tộc Chăm là tỉnh quan tâm thực hiện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 trường trung học cơ sở, 13 trường tiểu học (có 2 trường tiểu học dạy song ngữ Chăm-Việt), 2.302 học sinh và sinh viên, 12 đội văn nghệ, thể thao. Các ấp có tín đồ Hồi giáo đều được công nhận ấp văn hóa. Các tập tục lạc hậu được loại dần, phụ nữ Chăm ngày được giao lưu sinh hoạt với cộng đồng, được biểu diễn văn nghệ; mỗi xã đều có đội văn nghệ. Hằng năm, Mặt trận và các đoàn thể tỉnh kết hợp Mặt trận, chính quyền địa phương tham dự các ngày lễ hội truyền thống và tổ chức “Lễ hội văn hóa - thể thao - du lịch của dân tộc Chăm” với những nội dung, chương trình phong phú và đa dạng, đã thu hút hàng chục nghìn lượt người đến xem. Sinh hoạt đạo thông qua Ban đại diện, nhân dịp lễ hội (tháng Ramadan) các cuộc thi xướng kinh Cô-ran, nuôi dạy trẻ mồ côi, xây dựng sửa chữa cơ sở thờ tự… Tết RoYaHaji bà con Chăm nghèo được hưởng tết vui vẻ.

Tại Cần Thơ, với vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hoá - xã hội, quốc phòng, an ninh của khu vực. Các DTTS chiếm 2,53% tổng dân số thành phố, sống đan xen với dân tộc Kinh trên địa bàn của 9 quận, huyện. Hoạt động tôn giáo khá đa dạng với nhiều tôn giáo như: Phật giáo, Công giáo, Hòa hảo, Cao đài, Tin lành và hai cơ sở đào tạo lớn đó là: Đại Chủng viện Thánh quý là nơi đào tạo các ứng sinh Linh mục cho 3 giáo phận của 11 tỉnh thành thuộc vùng ĐBSCL và Học viện Phật giáo Nam tông Khmer là nơi đào tạo chức sắc của Phật giáo Nam tông Khmer. Vì vậy, để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm thất bại âm mưu chiến lược diễn biến hòa bình, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, cần phải củng cố, xây dựng vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa hết sức quan trọng. Quán triệt sâu sắc ý nghĩa đó, những năm qua Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự TP Cần Thơ tích cực tham mưu Thành ủy, UBND thành phố xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc. Trong các giải pháp thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, thành phố xác định củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc là yếu tố cơ bản, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2021 - đánh dấu bước ngoặt trong thực hiện công tác dân vận của Lực lượng vũ trang thành phố với mô hình dân vận khéo Tết quân dân mừng Chol Chnam Thmay cùng đồng bào dân tộc Khmer (sau 15 năm tổ chức với người Kinh). Với đồng bào dân tộc, tôn giáo nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, Tết quân dân thắt chặt hơn nữa mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt quân - dân. Từng bước nâng cao nhận thức về xây dựng nếp sống mới văn minh đô thị, nếp sống nông thôn mới; xóa bỏ các hủ tục; tôn tạo, bảo vệ và duy trì, phát triển các giá trị văn hóa tốt đẹp vùng miền. Đối với các vị chức sắc, góp phần xây dựng lòng tin, sự đồng thuận giữa đạo và đời, luôn vững tin vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phát huy tốt sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
 
Bài, ảnh: Tú Anh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây