Chúng tôi đã có hơn 20 ngày hành trình rất ấn tượng cùng Tàu buồm 286 cùng với nhiều bài học quý. Đặc biệt hơn là các thành viên được trải nghiệm những buổi huấn luyện thao tác buồm, một nội dung rất riêng chỉ có ở tàu buồm. Hôm đó, mặc dù gió chếch ngang nhưng đủ cấp để căng buồm nên đoàn công tác đã quyết định huấn luyện thao tác và cơ động bằng buồm. Khi mọi công tác chuẩn bị đã xong, từng người về vị trí để chờ khẩu lệnh báo động thao tác buồm của thuyền trưởng.
“All hands on deck! All hands on sail manoeuvre!”-Khẩu lệnh của Đại úy Nguyễn Trọng Hiếu, Thuyền trưởng phát ra từ đài chỉ huy tàu. Các thủy thủ nhanh chóng cơ động mang theo trang bị, áo phao, dây và khóa bảo hiểm về vị trí đã được phân công. Để thực hiện thao tác buồm, thủy thủ tàu được lập thành 2 tổ Foremast và Mainmast, tại vị trí quy định ở hai bên mạn tàu. Các tổ trưởng mang mặc áo bảo hiểm và kiểm tra công tác chuẩn bị của tổ mình báo cáo về đài chỉ huy.
Quán triệt nhiệm vụ trong huấn luyện đi biển ở Tàu 286
Đại úy Đoàn Tử Nguyên Ngọc, Phó Thuyền trưởng, Tổ trưởng Tổ Foremast cho biết: Các thành viên ở mỗi tổ phải thực hiện nhiều thao tác ở độ cao cột buồm lên đến 41,5m so với mặt nước biển. Thao tác trong điều kiện gió cấp 5 đến cấp 6 và độ nghiêng của tàu trên 15 độ tạo ra biên độ lắc lớn khi thao tác trên cao. Việc quan sát, chỉ huy điều chỉnh buồm phù hợp với hướng đón gió để đẩy tàu theo đúng hướng đi, tốc độ đòi hỏi kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm cao. Người chỉ huy phải liên tục quan sát, phát khẩu lệnh để điều chỉnh buồm theo đúng hướng gió cần thiết để tàu đạt đủ tốc độ và hướng đi thuận lợi.
Chúng tôi thắc mắc tại sao khẩu lệnh không dịch ra tiếng Việt để dễ chỉ huy và người tham quan dễ hiểu. Phó Thuyền trưởng Đoàn Tử Nguyên Ngọc chia sẻ thêm: Đầu tiên, có thể nói tàu buồm là một trong những phương tiện cổ điển nhất để hành trình trên đại dương. Trải qua nhiều thế kỷ phát triển thì văn hóa tàu buồm cũng như những truyền thống của nó được lưu truyền đến ngày hôm nay nên Tàu 286-Lê Quý Đôn muốn gìn giữ phát triển cái văn hóa truyền thống đó.
Và những khẩu lệnh mà chúng tôi đang dùng hôm nay chính là nét văn hóa riêng của tàu buồm. Trong khẩu lệnh có những từ chuyên dùng cho tàu buồm nên dịch nghĩa tiếng Việt sẽ khó hiểu và dài, không phù hợp với cường độ thao tác khẩn trương trên tàu. Hơn nữa với mục đích mở rộng, giao lưu với quốc tế nên đòi hỏi thủy thủ trên tàu phải thành thạo khẩu lệnh bằng tiếng Anh, để có thể cùng tham gia huấn luyện và giao lưu với hải quân các nước trong khu vực.
Các thủy thủ Tàu 286 thao tác dây buồm
Sau thời gian ngắn, các thành viên của hai tổ đã làm xong mọi công tác chuẩn bị và báo về đài chỉ huy. Cán bộ, thủy thủ sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh để căng, kéo, điều chỉnh buồm tùy theo cấp độ gió làm cho không khí buổi huấn luyện sổi nổi. Việc sử dụng thành thạo tiếng Anh trong thao tác buồm càng chứng tỏ thủy thủ tàu buồm không chỉ có sức khỏe dẻo dai mà còn có trình độ ngoại ngữ tốt. Huấn luyện buồm cũng là buổi học thêm tiếng Anh đối với những học viên tham gia chuyến đối ngoại lần này.
Đại úy QNCN Đỗ Văn Quyền, Trưởng ngành Tổng hợp, Tổ trưởng Tổ Mainmast cho biết: Quá trình thao tác buồm phải dùng hoàn toàn bằng sức kéo tay do đó đòi hỏi thủy thủ phải có sức khỏe tốt, kỹ năng động tác nhanh nhẹn thì mới đáp ứng yêu cầu trong thao tác. Chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ rất dễ mất an toàn vì phải thực hiện trong điều kiện thời tiết xấu, sóng gió lớn. Mỗi thủy thủ tàu buồm phải có sức khỏe tốt, chịu được sóng gió và lên độ cao giỏi, linh hoạt khi leo cột buồm và thao tác dây…
Khi các tổ, các vị trí hoàn thành thao tác căng buồm thì cũng là lúc con tàu “no” gió lướt đi trên sóng với góc nghiêng khoảng 19 độ. Với chúng tôi thì đây là một cảm giác rất lạ và lãng mạn khi được tận hưởng một hải trình “nghiêng” theo ngọn sóng.
Bài, ảnh: Quang Tiến
Theo Báo Hải quân Việt Nam