Vận dụng một số luận điểm trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch

Thứ ba - 20/12/2022 11:47 671 0
Bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tầm khái quát cao về lý luận và tổng kết thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội qua hơn 35 năm đổi mới ở nước ta. Bên cạnh đó, bài viết còn cung cấp nhiều luận cứ khoa học để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch trong giai đoạn hiện nay.
20 12 tbt
Lựa chọn con đường lên chủ nghĩa xã hội là tất yếu khách quan, là giải pháp đúng đắn để mang lại độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. (Trong ảnh: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với Nhân dân tại Lễ hội Đền Hùng). Ảnh : TTXVN.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiện quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” [1, tr.183] là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tình hình mới. Hiện nay các thế lực thù địch, phản động không từ bỏ thủ đoạn nào để chống phá Đảng, Nhà nước trên nhiều phương diện. Chúng tiến hành chiến lược “diễn biến hòa bình”, với nhiều thủ đoạn chống phá hết sức tinh vi, thâm độc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực tư tưởng, lý luận, với mục tiêu nhằm phủ nhận bản chất khoa học, cách mạng nền tảng tư tưởng của Đảng, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng và thành tựu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của Việt Nam trong công cuộc đổi mới. Trước tình hình trên, nâng cao nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam có giá trị tư tưởng quan trọng, là cơ sở phản bác một cách thuyết phục, đanh thép các luận điệu sai trái, thù địch; củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, bài viết của Tổng Bí thư không chỉ trả lời những vấn đề được mọi người quan tâm mà qua đó làm thất bại những âm mưu thâm độc của các thế lực phản động, thù địch.

Nhận diện một số luận điểm sai trái, âm mưu của các thế lực thù địch chống phá chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Lợi dụng sức lan tỏa và sự bùng nổ của internet, mạng xã hội… các thế lực thù địch tung ra những thông tin xấu, độc, đưa tin và hình ảnh kích thích sự nghi ngờ hoặc phủ định sạch trơn những giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Chúng cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh đã lạc hậu, lỗi thời không còn phù hợp. Các thế lực thù địch, phản động còn kêu gọi không nhất thiết phải xây dựng chủ nghĩa xã hội, con đường nào cũng được miễn sao giàu mạnh. Họ luận chứng thô kệt rằng: Sự hùng mạnh của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, từng là thành trì của chủ nghĩa xã hội cuối cùng cũng từ bỏ ngọn cờ để đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. Do đó, một nước như Việt Nam không nên tiếp tục đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, mà nên rẽ theo một hướng khác, con đường khác để mở đường phát triển…

Những luận điệu “đánh tráo khái niệm”cho rằng: nền kinh tế thị trường là đi theo chủ nghĩa tư bản; định hướng xã hội chủ nghĩa sẽ ngăn cản và xâm phạm tới các quy luật của thị trường, làm cho nền kinh tế không thể phát triển. Nhà nước không cần can thiệp vào kinh tế thị trường, để thị trường phát triển tự do như các nước tư bản.

Trên mặt trận văn hóa, các thế lực thù địch tập trung tấn công vào nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc bằng cách làm phai mờ những giá trị văn hóa truyền thống cách mạng của chúng ta, kết hợp với việc gieo rắc lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, thích hưởng lạc, sa đọa dẫn đến nhiều cái xấu, cái ác, phi nhân tính xuất hiện... Môi trường đạo đức và văn hóa lành mạnh bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng, mất phương hướng lựa chọn các giá trị, lối sống và niềm tin của một bộ phận công chúng.

Ngoài ra, các thế lực thù địch tìm mọi cách lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo. Đồng thời, lợi dụng vào những hạn chế trong quá trình phát triển như sự chênh lệch về mức sống và thu nhập giữa các vùng dân tộc, trình độ dân trí của một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thấp để xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; kích động, cấu kết với các phần tử phản động gây bạo loạn chống đối chính quyền; thực hiện nhiều thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc….

Vận dụng các luận điểm trong bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp tục khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là phù hợp với xu thế của thời đại hiện nay. Bằng lý luận sắc sảo, bài viết nhận định cả về lý luận và thực tiễn đều cho thấy, chủ nghĩa tư bản không phải là nấc thang phát triển cao nhất của xã hội loài người. Bài viết phân tích cụ thể về chủ nghĩa tư bản toàn cầu hóa, tuy có nhiều thành tựu trong giải phóng, phát triển lực lượng sản xuất, phát triển khoa học và công nghệ, nên đã đạt được năng suất lao động cao. Song, chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn cơ bản vốn có của nó; các cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, các tệ nạn xã hội, nhất là khi đại dịch COVID-19 diễn ra lại càng làm bộc lộ rõ bản chất chế độ chính trị - xã hội của các nước này không vì sức khỏe, hạnh phúc của đại đa số Nhân dân lao động. Các phong trào đấu tranh phản kháng xã hội đã bùng nổ mạnh mẽ, với những nội dung và hình thức mới ở nhiều nước tư bản phát triển trong thời gian qua, càng làm bộc lộ rõ sự thật về những mâu thuẫn mang tính bản chất không thể hóa giải của chế độ tư bản chủ nghĩa. Đây mới chính là luận điểm quan trọng của bài viết để chứng minh rằng chủ nghĩa tư bản không phải là hình thái kinh tế - xã hội cuối cùng trong lịch sử loài người, cũng như nó cũng không phải là mô hình có thể giải quyết được tất cả những vấn đề to lớn đang đặt ra cho xã hội loài người trong giai đoạn hiện nay.

Bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thể hiện sự nhất quán, khẳng định xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam là đem lại tự do, hạnh phúc của Nhân dân: “Chúng ta cần một xã hội mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người, chứ không phải vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người. Chúng ta cần sự phát triển về kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, chứ không phải gia tăng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. Chúng ta cần một xã hội nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn, chứ không phải cạnh tranh bất công, “cá lớn nuốt cá bé” vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm. Chúng ta cần sự phát triển bền vững, hài hòa với thiên nhiên để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai, chứ không phải để khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường” [2, tr.21]. “Và chúng ta cần một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân, chứ không phải chỉ cho một thiểu số giàu có. Phải chăng những mong ước tốt đẹp đó chính là những giá trị đích thực của chủ nghĩa xã hội và cũng chính là mục tiêu, là con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta và Nhân dân ta đã lựa chọn và đang kiên định, kiên trì theo đuổi” [2, tr.21-tr.22]. 

Bài viết thêm một lần nữa khẳng định tính ưu việt và phản bản các các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Khẳng định kinh tế thị trường không phải là của riêng chủ nghĩa tư bản, không phải là sản phẩm riêng của chủ nghĩa tư bản bởi nó là thành quả phát triển lâu dài của nhân loại, vì vậy, Đảng ta hoàn toàn có quyền sử dụng thể chế kinh tế ấy phục vụ cho mục tiêu của xã hội chủ nghĩa, từ đó sáng tạo ra được mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tổng Bí thư đã khẳng định: “Đưa ra quan niệm phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một đột phá lý luận rất cơ bản và sáng tạo của Đảng ta, là thành quả lý luận quan trọng qua 35 năm thực hiện đường lối đổi mới, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới”[2, tr.25]. Đây là kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế. Qua đó khẳng định tính ưu việt của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa “Đó là một kiểu kinh tế thị trường mới trong lịch sử phát triển của kinh tế thị trường; một kiểu tổ chức kinh tế vừa tuân theo những quy luật của kinh tế thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội, thể hiện trên cả ba mặt: sở hữu, tổ chức quản lý và phân phối. Đây không phải là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa và cũng chưa phải là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa đầy đủ (vì nước ta còn đang trong thời kỳ quá độ)” [2, tr.26].

Về văn hóa, trong bài viết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ “Chúng ta coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ, công bằng xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” [2, tr.27]. Tổng Bí thư xác định: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao” [2, tr.27]. Qua đó khẳng định vai trò của văn hóa trong sự phát triển, xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Cuối cùng, bài viết khẳng định “phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin - học thuyết khoa học và cách mạng của giai cấp công nhân và quần chúng lao động. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học” [2, tr.37]. Tổng Bí thư yêu cầu: “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống” [2, tr.37-tr.38].

Bài viết“Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập vấn đề rất rộng lớn, rất cơ bản và sâu sắc ở tầm tư tưởng - lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Nghiên cứu và quán triệt sẽ góp phần giúp mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài viết đã cung cấp nhiều luận giải khoa học góp phần củng cố niềm tin và phản bác lại những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Bài viết còn có giá trị truyền cảm hứng, động lực đến đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc trong bối cảnh mới./.
Nguyễn Minh Trí
                                                          Trường Chính trị thành phố Cần Thơ
---------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
2. Nguyễn Phú Trọng (2022), Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây