QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC
Xây dựng Đảng về đạo đức là gốc trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng Đảng
Đảng ta xác định vai trò của những nhiệm vụ chiến lược như sau: (1) Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; (2) Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt (Tại Đại hội XIII của Đảng, phạm vi rộng hơn, không chỉ là xây dựng Đảng, mà còn là xây dựng hệ thống chính trị); (3) Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; (4) Quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của Đảng và Nhà nước.
Riêng về nhiệm vụ xây dựng Đảng, việc Đảng coi đó là nhiệm vụ then chốt là hoàn toàn chính xác, bởi xét trên chỗ dựa của chế độ chính trị xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay, chúng ta thấy có 3 trụ cột: Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; Xã hội xã hội chủ nghĩa; Đảng Cộng sản Việt Nam. Ba trụ cột này đều rất quan trọng, như thế chân vạc, “kiềng ba chân”. Nếu một trong ba trụ cột này yếu thì chế độ chính trị ở Việt Nam sẽ bị yếu; nếu hai hoặc ba trụ cột này yếu hoặc bị đổ thì chế độ chính trị ở Việt Nam cũng bị yếu và bị sụp đổ. Nói nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt hoàn toàn có căn cứ lý luận và thực tế. Kinh nghiệm, bài học từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô cũng như các đảng cộng sản Đông Âu những năm 80 - 90 của thế kỷ trước cho thấy rõ điều đó. Và, không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dặn dò trong Di chúc thiêng liêng: “Trước hết nói về Đảng”(1); “việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”(2).
Về nhiệm vụ “gốc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm: Đạo đức cách mạng như nguồn của sông, như gốc của cây, là điều căn bản của con người; rằng, yêu cầu người cách mạng phải là người có trọn vẹn đủ đức và tài, trong đó đức là gốc. Chính vì thế, trong buổi Lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng (đầu năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(3). Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng năm 2016 đã bổ sung nhiệm vụ (hoặc coi như một modul) là xây dựng Đảng về đạo đức trong tổng thể các mặt như từ nhiều năm trước Đảng đã xác định: xây dựng Đảng về ba mặt: chính trị, tư tưởng, tổ chức. Việc nêu bổ sung xây dựng Đảng về đạo đức đã đánh dấu tư duy mới của Đảng về việc nhìn nhận về tầm quan trọng đặc biệt về xây dựng đạo đức cách mạng cho tổ chức Đảng và đảng viên. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021 khẳng định lại: “Phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(4). Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức đóng vai trò gốc. Chính vì thấy rõ vai trò rất quan trọng của nhiệm vụ xây dựng Đảng về đạo đức, cho nên trong Mục XIV “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Tập trung xây dựng Đảng về đạo đức”(5). Một khía cạnh nữa phải coi xây dựng Đảng về đạo đức là nhiệm vụ gốc là bởi vì thực tế trong những năm qua, kinh tế đất nước phát triển nhưng đạo đức của cán bộ, đảng viên chưa tương xứng, môi trường đạo đức có nơi, có lúc bị ô nhiễm. Một trong những biểu hiện của tình hình đó là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ chủ chốt, cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đại hội XIII của Đảng nhận định: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””(6).
Đạo đức cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng là đạo đức dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển giá trị truyền thống quý báu của dân tộc và tinh hoa văn hóa đạo đức nhân loại.
Không có đạo đức chung chung. Không phải là đạo đức cũ, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Có người cho rằng đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau. Nói như vậy là lầm to, đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều. Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”(7); “Đạo đức đó không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”(8).
Chuẩn mực đạo đức cách mạng của tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên mà Đảng ta xây dựng phải là sự tổng hợp từ các yếu tố đó, nếu không, rất có thể sẽ là những nội dung, chuẩn mực đạo đức cũ, mặc dù tên (hay mệnh đề) biểu đạt giống nhau. Đạo đức cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là sự thể hiện tư duy và hành động thống nhất giữa các giải phóng: Giải phóng dân tộc - Giải phóng giai cấp - Giải phóng xã hội - Giải phóng con người. Các “giải phóng đó” là sự kết tinh những gì tinh túy của nhân loại với cái đích cuối cùng, cao đẹp nhất là con người được giải phóng khỏi mọi sự chế định, áp bức bất công của tự nhiên và trong xã hội; con người tiến tới sự tự do như C.Mác và Ph.Ăngghen viết trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (1848): “Thay cho xã hội tư sản cũ, với những giai cấp và đối kháng giai cấp của nó, sẽ xuất hiện một liên hợp, trong đó sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người”(9). Trong giá trị đạo đức cách mạng trên đây, có những quan điểm và gương sáng thực hành đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà Đảng ta trong những năm gần đây triển khai việc học tập và làm theo.
Đạo đức cách mạng ở đây còn là sự kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, nhất là trong ứng xử của con người với người (với xã hội) và với giới tự nhiên, hay như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quy vào ba mối quan hệ cơ bản nhất: đối với tự mình, đối với người, đối với việc. Trong các giá trị này, còn chắt lọc, tiếp thụ và phát huy những yếu tố phù hợp của các tôn giáo vào trong đời sống xã hội hiện đại, vì những giá trị đó cũng là những biểu hiện của các học thuyết giải phóng và phát triển, nhất là đối với con người.
Lấy cá nhân đảng viên làm trung tâm trong xây dựng đạo đức cách mạng
Trong xây dựng đạo đức cách mạng, có thể phân chia thành hai phương diện: tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên. Xét riêng về phương diện nào cũng quan trọng. Nhưng, xét về cá nhân đảng viên có vai trò rất quan trọng. Đảng là do nhiều cá nhân ưu tú trong xã hội hợp thành. Do vậy, trong xây dựng đạo đức cách mạng, bên cạnh việc xây dựng đạo đức chung cho các tổ chức Đảng, thì xây dựng đạo đức cho cá nhân đảng viên có vai trò đặc biệt quan trọng. Những chuẩn mực đạo đức cách mạng đối với đảng viên phản ánh chính xác nhất đạo đức cách mạng của toàn Đảng.
Đạo đức cách mạng mà Đảng Cộng sản Việt Nam xây dựng là đạo đức dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển giá trị truyền thống quý báu của dân tộc và tinh hoa văn hóa đạo đức nhân loại. |
NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC
Bảo đảm nhận thức luôn đi đôi với hành động; nói đi đôi với làm
Nói đến đạo đức là nói đến thành tố ý thức đạo đức, hành vi đạo đức, hệ thống thiết chế truyền bá và giáo dục đạo đức, v.v.. Khi đã xây dựng được chuẩn mực đạo đức cách mạng rồi thì phải có những điều kiện bảo đảm thực hành có kết quả, nếu không thì sẽ trở thành lý thuyết suông. Phải thực hành đạo đức hằng ngày, tránh tình trạng nói không đi đôi với làm mà hiện nay không ít tổ chức Đảng và đảng viên mắc phải. Cần học theo nguyên tắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay như ở những bài học đầu tiên đào tạo, huấn luyện cho thanh niên Việt Nam yêu nước tại các lớp của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, phần nhập môn, Hồ Chí Minh nêu lên Tư cách của một người cách mệnh gồm 23 điều, trong đó có điều: “Nói thì phải làm”(10). Hoặc như trong Bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa khi Người đến thăm tháng 2/1947 trong chặng đường Người trở lại Việt Bắc lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; khi kết luận, Người kêu gọi đồng bào trong tỉnh: Hãy “xắn tay áo làm đi”(11).
Cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu
Xây dựng Đảng về đạo đức phải đi vào cụ thể, không chung chung, không trừu tượng, không kinh viện, để dễ nhớ, hiểu, được thực hành thường xuyên trong mỗi đảng viên và trong mỗi tổ chức Đảng. Bảo đảm tính thiết thực, mang lại kết quả rõ rệt. Nêu lên những chuẩn mực hoặc tiêu chí đạo đức cho cán bộ, đảng viên, ngoài những điều phổ quát, phải có những chuẩn mực cụ thể cho từng lĩnh vực, cho từng loại tổ chức Đảng, cho từng khối cán bộ, đảng viên.
Xây dựng Đảng về đạo đức phải bảo đảm tính nêu gương trong chuẩn mực
Gương sáng về đạo đức có tác dụng như bài học trong xây dựng Đảng về đạo đức cho con người, đặc biệt đối với cán bộ, đảng viên. Thường làm gương nói chung và nêu gương về đạo đức diễn ra theo “đường một chiều” (không có chiều ngược lại), nghĩa là: 1) Người lớn tuổi hơn làm gương cho người nhỏ tuổi hơn; 2) Thầy cô giáo làm gương cho học sinh; 3) Cấp trên làm gương cho cấp dưới, kể cả tổ chức Đảng cấp trên và những đảng viên giữ chức vụ cao hơn làm gương cho những đảng viên giữ chức vụ thấp hơn hoặc không giữ chức vụ gì (như Đại hội XIII của Đảng nêu: “Theo phương châm chức vụ càng cao càng phải phải gương mẫu”(12)); 4) Đảng viên làm gương cho người ngoài Đảng. Nếu làm khác “đường dẫn một chiều” đó và người lớn tuổi, cấp trên…không nêu gương sáng thì lúc đó thành “gương xấu”, như thế thì không thể nào xây dựng Đảng về đạo đức có kết quả tốt được.
Các chuẩn mực đạo đức trong xây dựng Đảng phải luôn luôn phù hợp với từng lúc, từng nơi
Cuộc sống biến đổi không ngừng, do đó không có sự vật nào bất biến. Lúc này, vấn đề này là chuẩn, nhưng lúc khác, nó không còn là chuẩn nữa mà thay thế vào đó là vấn đề khác chuẩn hơn. Điều đó cho chúng ta thấy rằng, phải luôn luôn xem xét lại để điều chỉnh cho phù hợp với từng lúc, từng nơi. Mỗi một lĩnh vực, mỗi một cấp bộ Đảng, thậm chí mỗi một vùng miền, thời kỳ, giai đoạn đều có những yêu cầu khác nhau về đạo đức. Nói như vậy không có nghĩa là không cần một chuẩn mực chung, mà là những cái chung đó là những điều bền vững nhất, có tính chất chỉ dẫn cho những chuẩn mực cụ thể cho từng lúc, từng nơi, từng lĩnh vực, từng địa bàn. Ví dụ: đức tính giản dị, lành mạnh, tiết kiệm của đạo đức đảng viên thì thời nào cũng cần, cái này thuộc về bản chất; nhưng đối với từng thời kỳ thì có thể biểu hiện khác nhau về hành vi: ăn, ở, mặc, đi lại… về cách quan hệ ứng xử cụ thể với con người, nhất là đối với dân.
Rèn luyện đạo đức suốt đời, coi trọng tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức
Đạo đức cách mạng của người cộng sản có suốt cuộc đời, như lời thề của mỗi người đứng dưới lá cờ Đảng, Tổ quốc. Muốn thế, đảng viên phải luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng.
Đạo đức cách mạng của đảng viên không phải cứ tự nhiên mà có, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nó không phải từ trên trời rơi xuống, mà do tu dưỡng bền bỉ hằng ngày để phát triển, củng cố, như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong. Sự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức là tùy thuộc tinh thần tự giác của con người. Mà tinh thần tự giác đòi hỏi đạo làm người phải được thực hành liên tục. Nó là năng lượng của cuộc sống, thậm chí năng lượng đó có thể chuyển hoá sang người khác để bảo tồn và phát huy.
Tư cách của cán bộ, đảng viên được hình thành, luôn luôn được nâng cao, ngoài tác động của chung quanh, còn chủ yếu là do tự tu dưỡng rèn luyện, trong đó có tu dưỡng rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời.
Đạo đức cách mạng của người cộng sản có suốt cuộc đời, như lời thề của mỗi người đứng dưới lá cờ Đảng, Tổ quốc. Muốn thế, đảng viên phải luôn luôn tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. |
GS. TS. NGƯT. Mạch Quang Thắng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo https://www.tuyengiao.vn/)
-----------------------------
(1) (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.15, tr.611, 616.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.12, tr.403.
(4) (5) (6) (12) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.180, 183, 92, 27.
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.220.
(8) (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr.292, 77.
(9) Karl Marx, Fridrich Engels: Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản (Song ngữ Anh - Việt), Nxb. Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2018, tr.129. Tiếng Anh: “In place of the old bourgeois society, with its classes and class antagonisms, we shall have an assoociation, in which the free development of each is the condition for the free development of all”.
(10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.2, tr.280.