Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kiểm tra thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại TP Cần Thơ. Ảnh: PV.
Nhằm tiếp tục truyên truyền, vận động sâu rộng đến cán bộ và các tầng lớp Nhân dân phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường để xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam, nâng cao nhận thức và hành vi tiêu dùng hàng ngày thành thói quen khi mua sắm, tiêu dùng, ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm dịch vụ của các doanh nghiệp, nhà sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam chất lượng cao. Công tác thông tin, tuyên truyền của thành phố về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tiếp tục được phát huy, qua đó ý thức sử dụng hàng Việt được nâng lên trong Nhân dân và đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức. Một số doanh nghiệp đã nâng cao ý thức trách nhiệm đối với người tiêu dùng, quan tâm cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng hàng hóa, hạ giá thành, xây dựng thương hiệu, phát triển mạng lưới bán lẻ, đưa hàng Việt về nông thôn.
Đẩy mạnh tuyên truyền “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”
Để thực hiện hiệu quả Cuộc vận động, thành phố tiếp tục tuyên truyền mục đích, ý nghĩa Cuộc vận động tại từng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cộng đồng doanh nghiệp, người dân nhằm hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong thực hiện Cuộc vận động, các hoạt động tuyên truyền được thực hiện đa dạng, phong phú bằng nhiều hình thức. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành, địa phương được tăng cường, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất trong tỉnh đầu tư phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Các kênh phân phối hàng Việt Nam được mở rộng và phát triển với các điểm bán hàng Việt, các siêu thị, chợ và hoạt động đưa hàng Việt về vùng nông thôn của doanh nghiệp.
Các cơ quan thông tấn, báo chí của thành phố tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, trong đó Báo Cần Thơ tập trung tuyên truyền trên các chuyên mục trên báo, trong đó trang Mua sắm cuối tuần. Báo Cần Thơ cũng ưu tiên quảng bá cho hàng Việt thông qua bài viết đăng tải hình ảnh, giới thiệu ngắn gọn về chủng loại, công dụng, đơn vị sản xuất của các sản phẩm; cảnh báo, phản ánh tình trạng gian lận thương mại, hàng giả... để định hướng người tiêu dùng. Chuyên mục Ý kiến và Câu chuyện tiêu dùng trên trang Mua sắm cuối tuần ghi nhận những ý kiến, câu chuyện của bạn đọc trong quá trình sử dụng hàng Việt. Ngoài ra, Báo Cần Thơ còn thực hiện các bài viết chuyên đề phản ánh mức độ bao phủ của hàng Việt Nam tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, vùng nông thôn.
Hệ thống Đài truyền thanh các địa phương tăng cường tuyên truyền về các mô hình, điển hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương để tuyên truyền đến các tầng lớp Nhân dân. Đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình, điển hình sản xuất kinh doanh giỏi, các sản phẩm do đoàn viên, hội viên sản xuất trên các diễn đàn và phương tiện truyền thông.
Bên cạnh đó, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố duy trì các chuyên đề chuyên mục có liên quan quan đến cuộc vận động, đã truyền tải được 195 lượt tin và 68 lượt bài. Chuyển ngữ sang tiếng Anh là 145 tin và 20 bài; phản ánh kịp thời những hoạt động của ngành chức năng trong kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá; đấu tranh gian lận thương mại, hàng gian, hàng giả… cũng kiểm soát thị trường đảm bảo nguồn cung cầu hàng hóa trên địa bàn, đồng thời tuyên truyền các hoạt động phòng chống gian lận thương mại, hàng gian hàng giả. Tiếp tục duy trì chuyên đề Khoa học và cuộc sống số, Chính sách xã hội, Bảo hiểm y tế - Bảo hiểm xã hội, Tình cây và đất, Chính sách pháp luật, tiêu dùng thông minh... mỗi chuyên đề, chuyên mục từ 5 đến 10 phút, phát định kỳ vào các ngày trong tuần. Riêng sóng phát thanh tiếp tục phát huy các chương trình Du lịch qua Radio phát sóng 2 kỳ/tháng, với thời lượng 15 phút/kỳ vào chủ nhật cách tuần; Chương trình Thông tin kinh tế, Tiêu dùng và Cuộc sống phát định kỳ mỗi ngày 30 phút ở 3 khung giờ: 8h30 và 19h5; Giá cả thị trường phát định kỳ mỗi sáng hàng ngày với thời lượng 5 phút; Người thành phố cần biết phát định kỳ mỗi sáng hàng ngày với thời lượng 5 phút. Từ đó, góp phần cùng thành phố tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân ý thức hơn trong mua sắm, tiêu dùng sử dụng hàng hóa do Việt Nam sản xuất cũng như đạo đức kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong sản xuất.
Công tác thông tin tuyên truyền của các sở, ban ngành thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố.
Công tác tuyên truyền của các cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động thành phố đã chỉ đạo, hướng dẫn công tác tuyên truyền về Cuộc vận động được nhiều kết quả tích cực, cụ thể: Ban Dân vận Thành ủy chỉ đạo ban dân vận các huyện, thành ủy xây dựng chương trình phối hợp tuyên truyền gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”; Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức triển khai điều tra dư luận xã hội về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động gắn với tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch, biên soạn, xuất bản, in ấn, phát hành tờ rơi, ấn phẩm quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa của thành phố,….
Cùng với đó, các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố ban hành các văn bản nhằm cụ thể hóa các cơ chế, chính sách bảo vệ, hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tìm kiếm mở rộng thị trường, liên kết đầu tư, nhằm kích cầu người tiêu dùng của thành phố. Sở Thông tin và Truyền thông thành phố định hướng, chỉ đạo các cơ quan báo chí có văn phòng đại diện trên địa bàn thành phố đưa tin bài, phóng sự phản ánh tình hình kết quả thực hiện Cuộc vận động trên địa bàn thành phố; cổ vũ, động viên, biểu dương nhân rộng các điển hình tiêu biểu trong thực hiện Cuộc vận động; đấu tranh, phê phán các hành vi buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; tâm lý chuộng hàng ngoại trong xã hội, những hành vi tiêu cực trong sản xuất gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Điểm nổi bật là Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, các ngành, các cấp trong thành phố đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về Cuộc vận động gắn với triển khai lồng ghép thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa - xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị”, các phong trào thi đua yêu nước của thành phố với nhiều hình thức phong phú, thiết thực. Nội dung tuyên truyền tập trung về chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2023, các phiên chợ hàng Việt về vùng ngoại thành, khu dân cư, khu công nghiệp, các kỳ Hội chợ triển lãm quốc tế, Hội chợ triển lãm trái cây của các địa phương... để người dân được tiếp cận trực tiếp với sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao, góp phần động viên các doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như khả năng cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao nhận thức người dân về ý nghĩa của Cuộc vận động, từ đó quyết định mua sắm và sử dụng hàng hóa có xuất xứ Việt Nam. Thông qua việc tuyên truyền đã giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nêu cao tính gương mẫu đi đầu trong thực hiện chủ trương “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, từng bước xây dựng được văn hóa tiêu dùng của người Việt. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp được triển khai thực hiện đồng bộ, từng bước tạo uy tín, khẳng định thương hiệu, nâng cao trách nhiệm đối với người tiêu dùng, góp phần mở rộng thị trường nội địa, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Trong thời gian tới, để công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động đạt hiệu quả cao hơn nữa, thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong tình hình mới, Hướng dẫn số 49-HD/BTGTW ngày 20/4/2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương về đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai thực hiện.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai công tác tuyên truyền thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong các cấp, các ngành, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Tăng cường công tác vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong hệ thống chính trị gương mẫu, tự giác thay đổi nhận thức và hành vi trong mua sắm tài sản công, sinh hoạt và tiêu dùng hàng ngày, tạo thói quen khi mua sắm, tiêu dùng; ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các doanh nghiệp, nhà sản xuất tại địa phương làm ra, góp phần làm cho Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thật sự thiết thực và hiệu quả.
Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện 04 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện cuộc vận động theo tinh thần Thông báo Kết luận số 264-TB/TW ngày 31/7/2009 của Bộ chính trị. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan đơn vị, mặt trận, các đoàn thể, các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong thực hiện cuộc vận động.
Thứ ba, tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra thực hiện cuộc vận động ở cấp cơ sở, đồng thời đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo tiêu chuẩn.
Thứ tư, phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp trong việc tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị và cả tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng và góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động.