Một góc đô thị Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Phú.
I. BỐI CẢNH CẦN THƠ TRỞ THÀNH THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XI (diễn ra từ ngày 21 tháng 10 đến ngày 26 tháng 11 năm 2003), Quốc hội đã thông qua và ban hành Nghị quyết số 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; trong đó, chia tách tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang.
Xuất phát từ vị thế của Cần Thơ - là trung tâm của vùng, đóng vai trò động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, Cần Thơ có vị trí quan trọng trong chiến lược quốc phòng, an ninh quốc gia; vì vậy, việc chia tách tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương và tỉnh Hậu Giang là yêu cầu khách quan cho sự phát triển của thời kỳ mới.
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2004, thành phố Cần Thơ chính thức đi vào hoạt động, trong điều kiện vị thế mới với những khó khăn cơ bản, tất yếu ở giai đoạn đầu khi mới chia tách thành phố: cơ sở vật chất, các phương tiện kỹ thuật phục vụ nhiệm vụ; nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu; điều kiện kinh phí, ngân sách còn nhiều khó khăn, trong khi yêu cầu đặt ra đối với một thành phố trực thuộc Trung ương là rất lớn và những áp lực phải giải quyết từ các vấn đề phát sinh trong tiến trình đô thị hóa…
Tiếp đó, những ảnh hưởng từ thực trạng suy thoái kinh tế toàn cầu, vấn đề nợ công ở các nước Châu Âu, bạo loạn chính trị thuộc khu vực Trung Đông, Bắc Phi…; tình hình sản xuất đình đốn, cầu nội địa sụt giảm, hàng tồn kho lớn; các mặt hàng thủy, hải sản (sản phẩm đặc trưng của vùng) ngày càng thu hẹp về diện tích nuôi, sức cạnh tranh chưa đủ mạnh; doanh nghiệp đa số quy mô vừa và nhỏ với năng lực cạnh tranh, hoạt động sản xuất kinh doanh kém. Bên cạnh đó, những khó khăn về tình hình thiên tai, dịch bệnh, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu cho việc phát triển… đã tác động không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của thành phố.
Song, với sự quan tâm của Trung ương cụ thể là sự ra đời của Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), ngày 17 tháng 02 năm 2005 “về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cùng với sự nỗ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, thách thức và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị; tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức chung lòng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố; sự ủng hộ nhiệt tình của các tỉnh bạn, thành phố từng bước vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Kết quả nổi bật sau 5 năm chia tách tỉnh, vào ngày 24 tháng 6 năm 2009, thành phố Cần Thơ đã được công nhận trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
II. NHỮNG KẾT QUẢ QUAN TRỌNG CỦA THÀNH PHỐ CẦN THƠ SAU GẦN 20 NĂM TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Ngày 01 tháng 01 năm 2024, thành phố Cần Thơ tròn 20 năm trực thuộc Trung ương, là bước ngoặt đánh dấu sự phát triển quan trọng của thành phố Cần Thơ sau 20 năm chia tách, xây dựng và phát triển.
1. Thành tựu thành phố Cần Thơ sau gần 20 năm xây dựng và phát triển (2004 - 2022)
1.1. Phát triển kinh tế
- Tăng trưởng kinh tế: duy trì tốc độ tăng trưởng ở mức khá, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2004 - 2010 tăng bình quân 15,18%/năm; GRDP giai đoạn 2011 - ước năm 2023 tăng bình quân 5,87% (trong đó, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011 - 2015 tăng bình quân 5,94%, giai đoạn 2016 - 2019 tăng bình quân 6,90%, riêng năm 2020, 2021 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực chủ yếu chậm lại, tăng trưởng kinh tế năm 2020 giảm (0,53%) và năm 2021 giảm (1,68%). Năm 2022, 2023 thành phố đã tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương, tình hình kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục phục hồi, khởi sắc, thúc đẩy tăng trưởng năm 2022 đạt mức tăng cao 12,38% so với năm 2021 và dự kiến tăng trưởng năm 2023 sẽ tăng 9,5% so với năm 2022.
Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đầu người (GRDP bình quân đầu người) năm 2022 đạt 86,063 triệu đồng, tăng hơn 8,5 lần so với năm 2004 - thu nhập bình quân đầu người đạt 10,023 triệu đồng).
- Về công nghiệp: tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp thành phố giai đoạn 2001 - 2005 đạt 17,57%; giai đoạn 2006 - 2010 đạt 18,53%; giai đoạn 2011 - 2015 đạt 6,32% và giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,07%. Giá trị sản xuất ngành công nghiệp (giá hiện hành) sơ bộ năm 2022 đạt 29.019 tỷ đồng, tăng gấp 2,34 lần so với năm 2004.
Về thương mại - dịch vụ: hoạt động thương mại được đầu tư phát triển đa dạng, theo hướng văn minh, hiện đại với các loại hình siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích, chợ truyền thống
[1]… tạo thị trường hàng hóa phong phú, bước đầu thể hiện vai trò tổng đại lý, phân phối hàng hóa cho vùng ở cả thành thị và nông thôn.
+ Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiếp tục duy trì ở mức cao; năm 2022 đạt 113.008 tỷ đồng (tăng gấp 14,27 lần so với năm 2004).
+ Xuất khẩu hàng hóa tăng bình quân 10,22%/năm.
+ Tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng qua từng giai đoạn: 2005 - 2010 đạt 4,3 tỷ USD; 2010 - 2015 đạt 8,1 tỷ USD; 2015 - 2020 đạt 10,9 tỷ USD (giai đoạn 2001 - 2005 đạt 1,29 tỷ USD). Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng; đến nay thành phố có quan hệ xuất khẩu với gần 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Riêng lĩnh vực dịch vụ, một số ngành dịch vụ đang trở thành trung tâm của vùng như:
Dịch vụ tài chính - ngân hàng: hiện nay trên địa bàn thành phố có 48 chi nhánh tổ chức tín dụng và 07 quỹ tín dụng nhân dân với tổng số 257 địa điểm giao dịch ngân hàng.
Tổng vốn huy động hằng năm đều tăng, từ 4.815 tỷ đồng năm 2005, tăng lên 25.383 tỷ đồng năm 2010, đạt 49.135 tỷ đồng năm 2015 và đạt 87.043 tỷ đồng năm 2020; riêng năm 2022, tổng vốn huy động đạt 105.490 tỷ đồng (tăng gấp 29 lần so với năm 2004).
Dịch vụ du lịch: công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là sau đại dịch Covid - 19, lượng khách du lịch đến với Cần Thơ năm sau cao hơn năm trước; năm 2022, thành phố đón trên 5,1 triệu lượt khách, tăng gấp 12,5 lần so với năm 2004 (407 ngàn lượt khách).
Các điểm tham quan, du lịch, vui chơi giải trí được quan tâm xây dựng, mở rộng liên kết với nhiều hình thức phong phú, đa dạng vừa mang nét đặc trưng sinh thái miền sông nước, vừa phát huy giá trị các di tích văn hóa, lịch sử, tâm linh… Nổi bật như: Nhà lồng chợ cổ Cần Thơ, chợ đêm Bến Ninh Kiều, cầu đi bộ, du thuyền trên sông, chợ nổi Cái Răng, khu du lịch Mỹ Khánh, Ông Đề, Cồn Sơn, Đền thờ các vua Hùng thành phố Cần Thơ…
Về nông nghiệp: phát triển theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp hữu cơ; chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp được nâng lên. Đến nay, thành phố có 173 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 41 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho 239 sản phẩm nông nghiệp.
Về kinh tế đối ngoại: đến nay, thành phố có 86 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,2 tỷ USD; tăng 52 dự án so với năm 2004 (năm 2004 có 34 dự án), tổng vốn đầu tư tăng gần 14 lần (năm 2004 tổng vốn đầu tư 157,43 triệu USD). Huy động các nguồn lực, đầu tư phát triển, chỉnh trang đô thị, nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, từng bước phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.
Công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả nổi bật; đời sống người dân nông thôn được nâng lên, các điều kiện về giao thông, giáo dục, y tế, văn hóa, nhà ở tiếp tục được cải thiện. Giai đoạn 2016 - 2019, thành phố đã đầu tư trên 5.715 tỷ đồng để xây dựng nông thôn mới (trong đó, nguồn vốn từ ngân sách chiếm 39,84%, tổng vốn và nguồn vốn huy động chiếm 60,16 % tổng vốn). Thành phố đã hoàn thành chỉ tiêu đạt chuẩn nông thôn mới (36/36 xã và 04/04 huyện) vào năm 2020, sớm hơn một năm so với kế hoạch đề ra. Đến nay, thành phố có 22/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”, đến nay thành phố có 92 sản phẩm OCOP, trong đó có 58 sản phẩm 4 sao và 34 sản phẩm 3 sao.
1.2. Công tác quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và thu ngân sách của thành phố
- Tổng vốn đầu tư toàn xã hội: năm 2022 đạt 27.352 tỷ đồng, tăng 6,68 lần so với năm 2004 (4.088 tỷ đồng); giai đoạn 2015 - 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 147.130 tỷ đồng, tăng 7,8 lần so với giai đoạn 2001 - 2005 (đạt 18.857 tỷ đồng).
- Công tác quản lý quy hoạch, xây dựng, đô thị: đạt nhiều kết quả tích cực; tập trung xây dựng Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố đã hoàn thành các công trình, dự án đưa vào sử dụng như: Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, Cảng Cái Cui, Cầu Cần Thơ, đường Võ Văn Kiệt, đường Bốn Tổng - Một Ngàn; Dự án kè sông Cần Thơ (quận Cái Răng); dự án Nâng cấp đô thị vùng đồng bằng sông Cửu Long - Tiểu dự án thành phố Cần Thơ; dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; cầu Quang Trung, cầu Trần Hoàng Na… và nhiều công trình khác như: Khách sạn Mường Thanh Cần Thơ; Khách sạn Ninh Kiều Riverside; Tổ hợp khách sạn 5 sao - Trung tâm thương mại và Shophouse Vincom Xuân Khánh… góp phần nâng chất và tạo điểm nhấn cho đô thị loại I trực thuộc Trung ương.
- Tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán giao: giai đoạn 2015 - 2020 đạt 63.714 tỷ đồng, tăng gấp 8,9 lần so với giai đoạn 2001 - 2005 (đạt 10.724 tỷ đồng). Riêng năm 2022, tổng thu ngân sách Nhà nước theo dự toán giao đạt 11.787 tỷ đồng, tăng gấp 6,7 lần năm 2004 (1.748 tỷ đồng).
1.3. Việc chăm lo phát triển con người
Về giáo dục - đào tạo: thành phố đã tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đầu tư phát triển hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn cả về quy mô, ngành nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đáp ứng khá tốt nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Mạng lưới trường lớp và quy mô học sinh ở các bậc học, cấp học ngày một nâng lên; đến cuối năm 2022, thành phố có tổng số 338/447 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 75,62%, tăng gấp 22 lần so với năm 2004 (15 trường đạt chuẩn quốc gia). Đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên các ngành học đạt chuẩn chiếm 98,39%. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học phát triển mạnh (90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, 05 trường đại học, 02 cơ sở đại học) và được mở rộng đa ngành, đa lĩnh vực, giữ vai trò quan trọng trong đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khoa học - công nghệ: Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ tiếp tục được quan tâm đầu tư, đẩy mạnh; tập trung nhiều trên các lĩnh vực như: công nghệ sinh học, công nghệ chế biến, công nghệ thông tin, y tế kỹ thuật cao, công nghệ cơ khí chế tạo máy, công nghệ tự động hóa,… Kết quả các nhiệm vụ KH&CN được nghiệm thu ngày càng đi vào chiều sâu giải quyết những vấn đề trọng điểm phục vụ cho sản xuất, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phát triển xã hội, đóng góp tích cực cho việc hoạch định các chủ trương, đường lối, định hướng phát triển thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đó, thành phố đã ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, thúc đẩy ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ; chú trọng đầu tư nâng cấp, xây dựng mới cơ sở vật chất kỹ thuật, phòng thí nghiệm đủ mạnh, phục vụ cho yêu cầu phát triển của thành phố và hỗ trợ cho cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Hoạt động hỗ trợ phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (HST KNĐMST) đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả và có tính lan tỏa, góp phần nâng cao vai trò, vị thế và sức hút của HST KNĐMST thành phố Cần Thơ trong vùng ĐBSCL và quốc gia.
Về y tế: Thành phố tiếp tục chủ động, phát huy toàn lực tập trung công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn, nhất là dịch bệnh Covid-19; thích ứng linh hoạt kiểm soát dịch bệnh, an toàn, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực y tế đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Hệ thống các bệnh viện chuyên sâu, đa khoa, trung tâm y tế được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp; áp dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao trong khám, chẩn đoán và điều trị bệnh; xã hội hóa hoạt động y tế ngày càng đa dạng, mở rộng nhiều loại hình, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến nay, tuyến thành phố có 02 bệnh viện đa khoa và 11 bệnh viện chuyên khoa; tuyến quận, huyện có 4 bệnh viện đa khoa và 4 trung tâm y tế; ngoài ra, có 05 đơn vị y tế cấp Trung ương trên địa bàn và 05 bệnh viện tư nhân quy mô từ 200 đến 300 giường. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân theo lộ trình đạt 90%. Nhân lực y tế được củng cố và tăng cường; tỷ lệ xã có bác sĩ làm việc đạt tỷ lệ 100%; bác sĩ trên vạn dân là 8,66; dược sĩ trên vạn dân là 2,34 (chưa tính các bệnh viện, hệ thống y tế ngoài công lập).
Về phát triển văn hóa - thể dục, thể thao: Lĩnh vực văn hóa có nhiều tiến bộ, quan tâm đầu tư các công trình công cộng phúc lợi phục vụ sinh hoạt và đời sống người dân; truyền thống văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy. Hệ thống thiết chế văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tính đến nay toàn thành phố có 691 trung tâm văn hóa thể thao các cấp (gồm: 9 Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh quận, huyện; 83 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, phường, thị trấn; 599 Nhà Văn hóa ấp, khu vực); có trên 96% hộ gia đình văn hóa; 599 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 599 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 599/599 ấp, khu vực văn hóa (đạt 100%); 83/83 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị”; nhiều công trình văn hóa - thể thao và thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được đầu tư, xây dựng, nâng cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị di tích lịch sử, di sản văn hóa được chú trọng; đến nay, xây dựng và tu bổ, tôn tạo 27 di tích lịch sử - văn hóa.
Quan tâm xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”, góp phần phát huy nhân tố con người trong xây dựng và phát triển thành phố; hiện nay, thành phố có hơn 400 đơn vị, đội, nhóm, Câu lạc bộ; 09 Hội chuyên ngành văn hóa nghệ thuật, với 644 hội viên cấp thành phố và Trung ương; khoảng 1.138 nghệ sĩ, diễn viên hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Hoạt động thể dục, thể thao quần chúng phát triển nhanh, số người tham gia tập luyện thể thao thường xuyên hàng năm đều tăng, số gia đình thể thao chiếm 26,8% số hộ; thể thao thành tích cao có nhiều tiến bộ, các đội tuyển tham dự giải đạt thành tích tốt trong thi đấu, đóng góp vào thành tích chung của đoàn thể thao Việt nam tại các giải quốc tế (thành phố có 326 huy chương, gồm: 80 HCV, 97 HCB, 149 HCĐ và 102 huy chương còn lại, tăng 153,4 % so với năm 2004). Việc xây dựng môi trường văn hóa đã phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân trên địa bàn.
Về thông tin - truyền thông: thành phố hiện có Trung tâm Truyền hình Việt Nam khu vực Tây Nam bộ, Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh - Truyền hình thành phố Cần Thơ và hơn 70 cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương có văn phòng đại diện, phóng viên thường trú tại Cần Thơ, tăng 2 lần so với năm 2004 (35 văn phòng đại diện, phóng viên thường trú). Hoạt động báo chí, phát thanh truyền hình và xuất bản ngày càng phong phú, đa dạng về hình thức, chất lượng phục vụ được nâng lên, góp phần tuyên truyền các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, các nhiệm vụ chính trị của địa phương và tăng mức hưởng thụ văn hóa thông tin cho nhân dân.
Hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố được đầu tư mở rộng, 100% cơ quan trên địa bàn có mạng cục bộ (LAN); 100% máy tính có kết nối Internet băng thông rộng. Hoàn thành việc triển khai mở rộng hệ thống truyền hình trực tuyến phục vụ hội nghị đến 132 điểm cầu cấp huyện và cấp xã. Hiện nay, Cổng thông tin điện tử của thành phố với 3 ngôn ngữ (Việt, Anh, Pháp) và 100% sở, ban, ngành, quận, huyện xây dựng cổng thành viên, hoạt động hiệu quả, cung cấp kịp thời thông tin về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Triển khai chính quyền điện tử và phát triển đô thị thông minh; Đề án xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016 – 2025. Công nghiệp công nghệ thông tin có bước phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng hàng năm trung bình 15 - 20%. Hoạt động bưu chính, viễn thông phát triển ổn định; đã phủ sóng 4G tại các khu vực trung tâm thành phố, quận, huyện, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, giải trí và các hoạt động kinh doanh của nhân dân.
Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế:
Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được thành phố quan tâm đẩy mạnh, triển khai đa dạng, chủ động, linh hoạt và đạt hiệu quả cao. Nổi bật, thành phố đã đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế; tổ chức thành công nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và tham gia trên 500 hội nghị, hội thảo, tọa đàm bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thành phố đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ ngành Trung ương tổ chức thành công hàng chục Hội nghị trên nhiều lĩnh vực, góp phần quảng bá hình ảnh, vị thế của thành phố Cần Thơ trên trường quốc tế.
Việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo: thành phố quan tâm huy động các nguồn lực cho mục tiêu giảm nghèo; thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, công nhân, người lao động mất việc làm sau đại dịch Covid-19; công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm đạt được kết quả tích cực. Hằng năm, giải quyết việc làm trên 50.000 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80,42% vào năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,56% theo chuẩn đa chiều quốc gia (tương đương 2.029 hộ).
Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện đúng, đủ, kịp thời theo quy định. Công tác đền ơn đáp nghĩa được thành phố quan tâm thực hiện tốt; từ năm 2004 đến nay, bình quân mỗi năm thành phố đã xây dựng 176 căn nhà tình nghĩa, 1.439 căn nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở; số lượng nhà được xây dựng năm sau cao hơn năm trước; thành phố đã hoàn thành cơ bản việc hỗ trợ nhà tình nghĩa cho các gia đình nghèo thuộc diện chính sách.
1.4. Công tác xây dựng địa bàn trọng điểm, giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước
Cần Thơ được Trung ương xác định là địa bàn chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Thời gian qua, thành phố tập trung xây dựng tốt nền quốc phòng toàn dân, gắn với an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc; sẵn sàng đối phó với các tình huống xảy ra. Lực lượng vũ trang thành phố thường xuyên được tập huấn, diễn tập, đào tạo, xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, từng bước trang bị hiện đại, đảm bảo yêu cầu sẵn sàng chiến đấu, kịp thời giúp dân phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu hộ cứu nạn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Công tác tuyển quân, tuyển sinh quân sự và giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh hằng năm đạt 100% chỉ tiêu trên giao. Phong trào toàn dân bảo vệ Tổ quốc, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng có nhiều tiến bộ; tổ chức diễn tập khu vực phòng thủ đạt kết quả tốt. Mô hình “Tết Quân Dân” được tổ chức hằng năm mang lại hiệu quả thiết thực, tạo được sự phấn khởi, tin tưởng trong nhân dân.
An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, bức xúc và tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân. Chủ động nắm chắc và xử lý hiệu quả tình hình an ninh chính trị, an ninh kinh tế, văn hóa tư tưởng, thông tin truyền thông...
1.5. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị
Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và tổ chức được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên; trọng tâm là xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Triển khai, quán triệt thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đạt được kết quả tích cực; nhiều gương điển hình tiên tiến được tuyên dương, khen thưởng (từ năm 2011 đến nay, toàn thành phố đã tuyên dương, khen thưởng 2.835 lượt tập thể, 8.542 lượt cá nhân), tạo sức lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân thành phố. Công tác quán triệt và sơ kết, tổng kết thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng được thực hiện kịp thời, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng được tăng cường, đổi mới về nội dung, ngày càng nâng lên về chất lượng. Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và thực hành tiết kiệm luôn được quan tâm chỉ đạo thường xuyên và đạt kết quả tích cực. Công tác dân vận được tăng cường và đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động; các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được nhân rộng và có sức lan tỏa. Hệ thống chính trị các cấp từ thành phố đến cơ sở được sắp xếp, kiện toàn theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Các tổ chức chính trị - xã hội từng bước đổi mới về tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động theo hướng tinh gọn, thiết thực, khắc phục dần tình trạng hành chính hóa; chú trọng ở cơ sở, quan tâm phát triển đoàn viên, hội viên mới, cơ bản đạt yêu cầu. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc của Đảng. Tiếp tục cụ thể hóa và thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội, các phong trào thi đua, vận động xã hội hóa và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; từ đó, củng cố và tăng cường lòng tin của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào Đảng; tạo sự đồng thuận trong xã hội, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.
*
* *
Tóm lại, qua gần 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, mặc dù phải trải qua những khó khăn ở giai đoạn đầu mới chia tách; cùng với đó là sự tác động từ tình hình kinh tế, chính trị thế giới và khu vực, đại dịch Covid-19… đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trong nước và thành phố. Song, được sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương và các Bộ, ngành trong việc ban hành và cụ thể hóa thực hiện các Nghị quyết về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
[2]; đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố, qua 20 năm trực thuộc Trung ương, thành phố đạt được những kết quả quan trọng như sau:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt mức khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ và công nghiệp là chủ đạo, chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh từng bước được cải thiện, thu nhập dân cư ngày càng tăng; việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tăng đáng kể.
- Công tác quy hoạch và phát triển đô thị được thực hiện tốt, trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương (năm 2009), với tiêu chí sáng, xanh, sạch, đẹp, hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông được cải thiện, kết nối mạng lưới đô thị vùng, góp phần giúp Cần Thơ thực hiện vai trò đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Cần Thơ là một trong các đô thị trọng điểm thực hiện Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Công tác khai thác, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu được tích cực triển khai, được vinh danh, nhận “Chứng chỉ ASEAN thành phố tiềm năng để trở thành thành phố bền vững về môi trường lần thứ 3 về không khí sạch”. Hợp tác quốc tế và liên kết vùng, đặc biệt là hợp tác phát triển vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long được thúc đẩy, bước đầu đạt được kết quả tích cực.
- Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, từng bước khẳng định vai trò trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long về văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, ở mức thấp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long và thấp hơn nhiều so với mức trung bình cả nước; nhiều việc làm mới được tạo ra, an sinh xã hội được bảo đảm. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị luôn được quan tâm, công tác dân tộc, tôn giáo được thực hiện tốt; hoạt động của bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc.
- Các mục tiêu, định hướng lớn của Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Chính phủ và Nghị quyết 45 của Quốc hội về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã được thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc, đồng bộ với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân thành phố, bước đầu đã mang lại kết quả nhất định, là tiền đề quan trọng tạo sức bật để thành phố Cần Thơ thể hiện vai trò trung tâm trên một số lĩnh vực: công nghiệp, thương mại, dịch vụ, giáo dục đào tạo, y tế, tài chính ngân hàng, giao thông, thông tin, báo chí…
Bên cạnh những thành tựu vượt bậc, trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố còn tồn tại những khó khăn, hạn chế như sau:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt mức cao, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhưng còn nhiều khó khăn, nhất là chịu tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19; tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp chậm, tỷ lệ vốn đầu tư cho phát triển công nghiệp trong tổng vốn đầu tư phát triển chung chưa cao, quy mô vốn của doanh nghiệp không lớn, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn; nông nghiệp chưa thể hiện rõ vai trò sản xuất nông nghiệp hiện đại. Hoạt động xuất khẩu tăng về giá trị, nhưng chưa ổn định; hàm lượng công nghệ cao trong sản phẩm hàng hóa, dịch vụ chưa nhiều; năng lực cạnh tranh chưa cao, thu hút đầu tư nước ngoài còn thấp. Dịch vụ logistics tuy có nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn yếu, quy mô nhỏ lẻ, thiếu đồng bộ.
- Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, chất lượng chưa cao, là điểm nghẽn đối với phát triển của thành phố và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự hợp tác, liên kết với các địa phương khác trong vùng còn mang tính đơn lẻ, chưa khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
- Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản còn hạn chế, chưa có sản phẩm du lịch đặc thù; nhiều dự án văn hóa, thể dục thể thao chậm triển khai. Hoạt động khoa học, công nghệ chưa tạo bước đột phá, chưa thể hiện vai trò, động lực của phát triển. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại các đơn vị công lập chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trong vùng đồng bằng sông Cửu Long (do ảnh hưởng từ tình hình chung của cả nước trong công tác mua sắm, đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế).
- Công tác xây dựng Đảng trên một số mặt còn những hạn chế. Tổ chức bộ máy hệ thống chính trị chưa thật tinh gọn; trình độ, năng lực đội ngũ đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức ở một số lĩnh vực chưa đồng đều. Hệ thống dân vận, mặt trận, đoàn thể từng lúc thiếu đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
III. NGUYÊN NHÂN THÀNH TỰU, HẠN CHẾ
1. Nguyên nhân thành tựu
- Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ ban hành như luồng sinh khí mới, trở thành động lực cho quyết tâm biến ý chí thành hành động từ trong nội bộ Đảng và các tầng lớp nhân dân. Hiệu quả của quá trình này là được việc, được tổ chức, được lòng dân phấn khởi.
- Thành phố Cần Thơ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự hỗ trợ của các Bộ, Ngành; tăng cường liên kết, hợp tác với thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố trong cả nước. Cùng với đó là sự chủ động, quyết tâm của Thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ, xác định những khâu đột phá, có bước đi thích hợp, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm; phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các ngành, các cấp trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết. Có bước đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, tập trung cho cơ sở, phát huy dân chủ từ cơ sở, tạo sự đồng thuận của cộng đồng doanh nghiệp và sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân thành phố. Thường xuyên kiểm tra, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
- Phát huy tinh thần đoàn kết, nhất trí, chung sức chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố vượt qua khó khăn, thách thức, nhất là những ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 làm suy giảm nghiêm trọng đối với sự phát triển chung của cả nước và thành phố. Nỗ lực, phấn đấu vì mục tiêu xây dựng Cần Thơ “là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc”.
2. Nguyên nhân hạn chế
- Một số cấp ủy đảng địa phương, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác quán triệt, nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thành phố trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ ban hành.
- Từng lúc, công tác phối hợp giữa thành phố với các Ban, Bộ Ngành Trung ương chưa thường xuyên, chặt chẽ; một số công trình trọng điểm còn bị động về nguồn lực, trong đó có các công trình, dự án có vai trò thúc đẩy sự phát triển của thành phố Cần Thơ và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Thành phố chưa tận dụng, khai thác đúng mức tiềm năng, nội lực của địa phương, hợp tác, liên kết vùng, nhất là khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, tài sản công theo quy định để tạo vốn đầu tư phát triển; nguồn lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chưa nhiều.
- Công tác xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp còn hạn chế; nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có quy mô nhỏ, chậm đổi mới công nghệ, thiếu liên kết trong sản xuất, kinh doanh, chậm nắm bắt cơ hội thị trường; số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn ít, chưa thu hút được các nhà đầu tư chiến lược đầu tư vào thành phố.
IV. NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THÀNH PHỐ CẦN THƠ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN TRONG THỜI GIAN TỚI
1. Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng về yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung, nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh tổng hợp của các tầng lớp nhân dân trong việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 98/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 45/2022/QH15 của Quốc hội về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long.
2. Thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị trên cơ sở phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế của thành phố và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Xây dựng quy hoạch thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với quy hoạch quốc gia; quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước, sinh thái, văn minh, hiện đại, đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái. Thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị ở một số quận trong giai đoạn 2020 - 2025, nhân rộng ra toàn thành phố sau năm 2025.
Phát triển công nghiệp, nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao thích ứng biến đổi khí hậu và thị trường tiêu thụ. Phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, giá trị gia tăng cao; trong đó du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn, dịch vụ hỗ trợ cho phát triển công nghiệp và nông nghiệp của thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
3. Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để thành phố phát huy vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.
Tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội; phát triển hạ tầng kinh tế số, công nghệ thông tin, viễn thông, các dạng năng lượng điện mới, năng lượng tái tạo. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thương mại; thu hút đầu tư, xây dựng các trung tâm logictics hiện đại; phát triển cảng Cái Cui thành cảng biển quốc tế. Hoàn thành các dự án trọng điểm cấp quốc gia được triển khai thực hiện trên địa bàn thành phố như: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, các dự án thành phần của dự án kết nối trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, dự án phát triển các hành lang đường thủy và logictics khu vực phía Nam.
4. Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế.
Tập trung nguồn vốn từ ngân sách nhà nước cho các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, thiết yếu về giao thông, viễn thông, điện năng, hệ thống cấp thoát nước, xử lý rác thải…Xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài, đảm bảo quốc phòng - an ninh, môi trường sinh thái. Chủ động triển khai và khai thác có hiệu quả các thỏa thuận tại các hiệp định thương mại tự do (FTA), nhất là các FTA thế hệ mới và các FTA của ASEAN với các đối tác tiềm năng. Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, viễn thông; phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao.
5. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố và vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Tập trung rà soát, sắp xếp lại mạng lưới cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học. Đẩy mạnh đào tạo theo nhu cầu xã hội, chú trọng đào tạo các nghề trọng điểm. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố. Tăng cường tự chủ và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đại học. Đầu tư hỗ trợ thành lập các trung tâm ươm tạo công nghệ, nâng cao năng lực các trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn do lường chất lượng; phát triển các nhóm nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao. Hoàn thiện hệ thống y tế từ thành phố đến cơ sở, hiện đại hóa thiết bị các bệnh viện đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân thành phố và các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long.
6. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân, xây dựng người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”.
Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, gắn với phát triển du lịch. Triển khai xây dựng và hoàn thành Dự án khu hành chính cấp tỉnh, trung tâm văn hóa Tây Đô của thành phố. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ. Thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, trọng tâm là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội theo quy định.
7. Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường; hướng tới là trung tâm ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, nhất là tài nguyên nước; hạn chế tối đa việc khai thác nước ngầm; kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước thải, rác thải, khí thải tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư. Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, chất thải độc hại. Phối hợp xây dựng Cần Thơ trở thành trung tâm ứng phó với biến đổi khí hậu của vùng.
8. Tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ thành phố Cần Thơ ngày càng vững chắc.
Tăng cường công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong hệ thống chính trị và toàn dân. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động phòng ngừa, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
V. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN VÀ NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐỐI VỚI VIỆC KỶ NIỆM 20 NĂM THÀNH LẬP THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố cần nhận thức rõ, đúng mức ý nghĩa của việc kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương - đây chính là dịp để thành phố nhìn lại chặng đường đã qua, trân trọng và ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân thành phố. Xác định đây không chỉ là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị mà còn là trách nhiệm của mỗi người con quê hương Cần Thơ. Phát huy truyền thống tự lực, tự cường, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
- Tích cực học tập, rèn luyện, giữ gìn đạo đức, phẩm chất của người cán bộ, đảng viên và mỗi công dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy tính năng động, sáng tạo, không ngừng tìm tòi học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực công tác, sản xuất, góp phần xây dựng thành phố ngày càng văn minh, hiện đại.
- Sẵn sàng tham gia các phong trào, cuộc vận động thiết thực của các cấp, các ngành, địa phương hướng tới kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương; các phong trào thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động xã hội mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Xây dựng cho mình và cộng đồng lối sống hài hòa, gần gũi, thân thiện với môi trường, chấp hành tốt quy định về trật tự, kỷ cương đô thị; phát huy nét đẹp vốn có của mỗi người, phấn đấu mỗi công dân thành phố là thể hiện của đặc trưng về tính cách của người Cần Thơ “Trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch”.
- Nâng cao ý thức chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương; thực hiện tốt quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của công dân theo quy định. Mỗi người sẽ là một tấm gương sáng, xứng đáng với niềm tin yêu, mong mỏi của mọi người.
- Xung kích đi đầu trong mọi hoạt động, mọi nhiệm vụ; tích cực phòng chống các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; luôn đề cao cảnh giác với các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc và âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch hòng gây chia rẽ nội bộ Đảng, phá vỡ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương, lập thành tích xuất sắc chào mừng kỷ niệm 20 năm thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương.
---HẾT---
----------------------------------------
[1] Thành phố hiện có: 11 siêu thị, 06 Trung tâm thương mại, 107 chợ (có 02 chợ đặc thù là chợ nổi Cái Răng, Phong Điền và 137 cửa hàng tiện ích).
[2] Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị Quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ; Nghị quyết số 98/NQ-CP ngày 30 tháng 08 năm 2021 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
---------------------------------------------------------
Tải Hướng dẫn số 41-HD/BTGTU tại đây