Ảnh minh họa: Lê Phú.
Căn cứ Quyết định số 88-QĐ/TW, ngày 01/12/2022 của Ban Chấp hành Trung ương về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Tuyên giáo Trung ương, căn cứ Chương trình công tác năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024 với những nội dung trọng tâm sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Giúp các địa phương, cơ quan, đơn vị xác định các nhiệm vụ trọng tâm của công tác văn hóa - văn nghệ triển khai trong năm 2024. Từ đó, xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể và tổ chức thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, tạo khí thế mới, động lực mới tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
2. Thông qua các hoạt động văn hóa - văn nghệ, góp phần tuyên truyền sâu rộng truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng của dân tộc; hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn mới; giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; phát huy cao độ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
3. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc và điều kiện thực tiễn của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
II. NỘI DUNG TRIỂN KHAI
1. Công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ
Các cấp ủy đảng tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng về công tác văn hóa - văn nghệ, nhất là các nội dung và giải pháp mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; nghiên cứu hình thức tổ chức Hội nghị văn hóa cấp tỉnh, thành phố hoặc cách thức khác phù hợp với điều kiện của từng địa phương, đơn vị. Chủ động xây dựng kế hoạch nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai chương trình hành động thực hiện nghị quyết của đảng bộ các cấp về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai thực hiện và tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn mới. Tham gia góp ý, hoàn thiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn mới, chú trọng các nội dung để xây dựng và phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
Chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh tuyên truyền nội dung Kế hoạch số 390-KH/BTGTW, ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025); tăng cường tối đa các tuyến tin, bài; tổ chức xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, chương trình; đăng, phát thường xuyên, liên tục với nội dung, hình thức phong phú, sinh động, đa dạng, chất lượng và hiện đại, phản ánh đậm nét về những giá trị văn hóa, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Phát huy mạnh mẽ vai trò của cơ quan báo chí trong nhiệm vụ xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Chú trọng việc phát hiện, tôn vinh, nhân rộng các giá trị nhân văn, biểu dương các tấm gương điển hình trong việc thực hiện hiệu quả nội dung xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới; kịp thời phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Đẩy mạnh việc tiếp tục bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ.
2. Công tác hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ
Các cấp ủy đảng chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Trung ương và địa phương trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ[1]; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động văn hóa - văn nghệ, nhất là các hoạt động quan trọng, được xã hội quan tâm.
Tăng cường chỉ đạo, đôn đốc ngành văn hóa, các cơ quan, đơn vị văn hóa, nghệ thuật, các hội văn học, nghệ thuật đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; tiếp tục phát động văn nghệ sĩ hưởng ứng sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật gắn với việc triển khai thực hiện Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
- Năm 2024, tiến hành Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương (có kế hoạch riêng) và tình hình thực tiễn tại địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch, tiến hành việc tổng kết bảo đảm thiết thực, hiệu quả, chất lượng, đúng tiến độ.
- Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành giao ban định kỳ về công tác văn hóa - văn nghệ. Nội dung và hình thức tổ chức giao ban phù hợp với đặc điểm từng địa phương. Mỗi kỳ giao ban, chọn các chủ đề đã được giám sát, các vấn đề bức xúc, được dư luận quan tâm trên địa bàn để trao đổi, kịp thời rút kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện. Sau mỗi kỳ giao ban, gửi báo cáo kết quả về Ban Tuyên giáo Trung ương (qua Vụ Văn hóa - Văn nghệ).
- Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục ban hành và triển khai kế hoạch kiểm tra, khảo sát việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, trọng tâm là việc triển khai thực hiện các nội dung, giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Căn cứ Kế hoạch của Ban Tuyên giáo Trung ương (có kế hoạch riêng), ban tuyên giáo các cấp chủ động tham mưu cấp ủy xây dựng báo cáo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị tốt nội dung, chương trình phục vụ các đoàn kiểm tra, khảo sát.
3. Công tác chỉ đạo, quản lý và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ
3.1. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ mừng Xuân Giáp Thìn 2024
Các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ Chỉ thị số 26-CT/TW, ngày 23/11/2023 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Giáp Thìn 2024, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương và điều kiện thực tiễn tại địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức có hiệu quả các hoạt động văn hóa - văn nghệ mừng Xuân Giáp Thìn 2024, gắn với đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Các hoạt động phải đảm bảo chất lượng, nội dung phong phú, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán của dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa tinh thần của Nhân dân. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong xây dựng, tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, chương trình nghệ thuật, sản phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng văn hóa số. Ưu tiên các hoạt động văn hóa vui Xuân, trải nghiệm, các chương trình biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ vùng biên giới, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng, chiến khu xưa, vùng sâu, vùng xa…; có chương trình chuyên biệt dành cho thiếu nhi. Tích cực thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo chu đáo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có điều kiện vui Xuân, đón Tết.
Tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý và tổ chức lễ hội theo quy định, bảo đảm các hoạt động văn hóa, thể thao trong lễ hội thiết thực, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với nếp sống văn hoá, truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Chú trọng các hình thức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về bản chất, mục đích, ý nghĩa của lễ hội; vận động người dân, du khách thực hiện tốt nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường nhắc nhở cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội.
Chủ động nắm bắt tình hình, hoạt động văn hóa - văn nghệ tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, có phương án xử lý hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tăng cường các biện pháp phòng, chống, xử lý vi phạm, lợi dụng dịp Tết để sản xuất, tuyên truyền các sản phẩm phản văn hóa, phi thẩm mỹ, gây hủy hoại đạo đức xã hội…
3.2. Các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị
Các địa phương, cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến cơ sở tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, cụ thể hóa ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, gắn với triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam bằng các hình thức sáng tạo, phù hợp điều kiện thực tiễn. Bên cạnh đó, cần bám sát các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước về việc tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng và Hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương về tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn và sự kiện lịch sử quan trọng trong năm 2024 (Kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024); Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)…), chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ phục vụ các ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, ngành, đảm bảo trang trọng, thiết thực, hiệu quả.
Ban Tuyên giáo Trung ương đã ban hành Kế hoạch số 350-KH/BTGTW, ngày 28/8/2023 về việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm về “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” tại một số vùng, miền, địa phương, cơ quan, đơn vị năm 2023-2024. Các địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp tục quan tâm, phối hợp, tổ chức tốt các hội thảo, tọa đàm; xác định rõ đây là nhiệm vụ trọng tâm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong giai đoạn mới.
Các địa phương, cơ quan, đơn vị căn cứ nội dung Kế hoạch số 390-KH/BTGTW, ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025) và điều kiện thực tiễn tại địa phương, cơ quan, đơn vị, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, tạo sự lan tỏa, thiết thực, hiệu quả trong từng hoạt động.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Để công tác văn hóa - văn nghệ trong năm 2024 được triển khai đạt kết quả tốt, đáp ứng yêu cầu đề ra, Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị:
1. Các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương bám sát các nội dung được nêu tại Hướng dẫn này, chủ động chỉ đạo xây dựng kế hoạch, tổ chức có hiệu quả công tác văn hóa - văn nghệ năm 2024. Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ Xuân Giáp Thìn 2024, gắn với các phong trào thi đua và các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương, ngành. Tăng cường công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Chỉ đạo tổ chức đấu tranh, ngăn chặn, phản bác kịp thời, có hiệu quả các thông tin, quan điểm, luận điệu sai trái, thù địch, lợi dụng các hoạt động văn hóa - văn nghệ để tuyên truyền, xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước.
2. Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn, quản lý các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương có liên quan trong việc thẩm định, chỉ đạo các hoạt động văn hóa - văn nghệ trong năm 2024.
3. Ban Cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông quan tâm chỉ đạo, tăng cường quản lý, hướng dẫn các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông của Trung ương và địa phương, các sở thông tin và truyền thông xây dựng kế hoạch, thường xuyên tuyên truyền các nội dung được nêu trong các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ; chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng tuyên truyền các sự kiện văn hóa - văn nghệ nổi bật trong năm 2024.
Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các ban, bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập của các sản phẩm phản văn hóa, phi thẩm mỹ trong đời sống xã hội, nhất là trên môi trường Internet, mạng xã hội.
4. Đảng đoàn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn trong hệ thống về công tác văn hóa - văn nghệ trong năm 2024. Cổ vũ, động viên cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các hoạt động văn hóa - văn nghệ quần chúng. Phối hợp chặt chẽ với các địa phương, cơ quan liên quan trong việc tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, việc thực hiện các Phong trào và trong các sự kiện chính trị, lễ kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước.
5. Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Đảng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam, các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và địa phương tăng cường quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản của Đảng trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Phát động, tổ chức trong các cấp hội và hội viên cả nước sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất. Phát huy mạnh mẽ vai trò phản biện xã hội, tư vấn cho các cơ quan quản lý về văn hóa đối với những vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của nền văn học, nghệ thuật Việt Nam. Chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ chào Xuân Giáp Thìn năm 2024 và các sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước trong năm 2024. Chú trọng nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên; động viên, khuyến khích văn nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo và quảng bá nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật.
6. Ban tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương tích cực tham mưu ban thường vụ cấp ủy tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng liên quan đến công tác văn hóa - văn nghệ. Chủ động tham mưu, hướng dẫn, chỉ đạo, phối hợp tổ chức tốt các hoạt động văn hóa - văn nghệ mừng Xuân, mừng Đảng và các sự kiện quan trọng diễn ra trong năm 2024 của đất nước, địa phương, ngành. Phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tăng cường nắm bắt thông tin, kịp thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, bảo vệ vững chắc đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng.
7. Các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương tiếp tục chủ động xây dựng các chương trình văn hóa - văn nghệ nhân dịp Tết Nguyên đán Xuân Giáp Thìn năm 2024 và các hoạt động phục vụ các ngày lễ kỷ niệm, ngày lễ lớn, các sự kiện văn hóa quan trọng của đất nước trong năm 2024; xây dựng các tuyến tin, bài, chuyên đề, chương trình sâu sắc, sinh động để đánh giá, nhìn lại kết quả thực hiện những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021; về các hệ giá trị quốc gia, văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trên các ấn phẩm số Tết, Xuân… Phân công trực, thẩm định chặt chẽ nội dung tin, bài, phóng sự, các chương trình văn hóa, nghệ thuật phát sóng, nhất là các chương trình có sức hút và tác động xã hội mạnh mẽ... Chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức nghiên cứu, biên soạn các ấn phẩm văn hóa theo các nội dung được nêu trong các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; tuyên tuyền, phản ánh đậm nét nội dung Kế hoạch số 390-KH/BTGTW, ngày 15/11/2023 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức các hoạt động Tổng kết 50 năm nền văn học, nghệ thuật Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975-30/4/2025), nhằm khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực văn hóa; khẳng định vị trí, vai trò của văn hóa, văn học, nghệ thuật, của con người trong sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững đất nước.
8. Vụ Văn hóa - Văn nghệ phối hợp với các vụ, đơn vị liên quan tham mưu Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện, tham mưu sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về lĩnh vực văn hóa - văn nghệ. Phát hiện kịp thời, khen thưởng, động viên, khích lệ các địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân - những nhân tố điển hình trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ. Phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương liên quan kịp thời xử lý những vấn đề quan trọng phát sinh; tổng hợp, xây dựng báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo quy định.
Đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện và có báo cáo kết quả hoạt động 06 tháng/lần về Ban Tuyên giáo Trung ương (qua Vụ Văn hóa - Văn nghệ) để tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư./.
BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
[1] Một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản cần tiếp tục triển khai giám sát trong năm 2024: Chỉ thị số 41-CT/TW, ngày 05/02/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về việc “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội”; Chỉ thị 46-CT/TW, ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”; Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới và chỉ đạo của Bộ Chính trị (khóa XIII) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết; Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Hướng dẫn số 159-HD/BTGTW, ngày 11/11/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương về triển khai Kết luận số 76-KL/TW, ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Kết luận số 51-KL/TW, ngày 22/7/2009 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc“Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”…