Khoảng trống thông tin ở cơ sở - mối nguy của Đảng - Bài 2: Hệ lụy từ việc tiếp nhận thông tin sai lệch

Thứ ba - 16/05/2023 23:41 275 0
Tiếp nhận thông tin sai lệch trên mạng xã hội dù vô tình hay có chủ đích cũng gây ra những hậu quả khó lường, làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, gây khó khăn đối với công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Những “độc tố” từ mạng xã hội

Nhìn anh Lê Văn Trung ở xã Hoằng Trường (Hoằng Hóa, Thanh Hóa) với khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu vì thiếu ngủ lâu ngày, ít ai nghĩ rằng anh mới gần 40 tuổi. Là ngư dân, công việc thường ngày của anh là làm bạn với sóng biển. Quãng thời gian 2 năm trở lại đây, con trai lớn của anh Trung bắt đầu sử dụng điện thoại thông minh và chẳng biết từ bao giờ, cậu học đâu kiểu ăn nói hỗn hào, hành xử không coi ai ra gì; thách thức nhau trên mạng, đánh nhau ngoài đời thực và bị công an xử lý theo quy định. Tìm hiểu, anh Trung mới biết, con trai anh thường vào các trang mạng xã hội, xem những phần tử giang hồ, xăm trổ đầy mình, nói năng tục tĩu, thách thức trên mạng... “Đau lắm! Những thứ tốt đẹp nó không học mà những thói hư, tật xấu nó lại học nhanh thế. Giờ tôi nói, nó có nghe đâu?”-anh Trung nói mà nước mắt rịn ra nơi khóe mắt. 

Bi kịch do ảnh hưởng bởi “giang hồ mạng” như gia đình anh Lê Văn Trung là một hệ lụy đáng buồn từ việc tiếp nhận thông tin thiếu chuẩn mực của giới trẻ trên các nền tảng mạng xã hội. Có thể thấy, thời gian qua, hiện tượng “giang hồ mạng” mọc lên như nấm, các tài khoản thường đăng những clip hoặc livestream với số đông thanh niên xăm trổ đầy mình, chửi thề, hành động bạo lực, thể hiện lối sống bất cần đời, khoe khoang giàu có, kiếm tiền dễ dàng... tạo cho không ít người trẻ ngộ nhận những việc làm này được khuyến khích nên tích cực bình luận, chia sẻ. Từ đó, ảnh hưởng tiêu cực đến thái độ, hành vi của giới trẻ khi giải quyết các vấn đề trong cuộc sống, đặc biệt là lối suy nghĩ sẵn sàng dùng bạo lực, bất chấp tất cả để giải quyết mâu thuẫn, hệ lụy cho xã hội thật khó lường hết!

Những thông tin độc hại, kích động tràn ngập trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình 
Những thông tin độc hại, kích động tràn ngập trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình 
 

Cho đến bây giờ, ông Nguyễn Doãn Minh (72 tuổi), ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội vẫn chưa hết bàng hoàng vì nghe theo những lời quảng cáo trên mạng xã hội để tự mua thuốc về điều trị bệnh đái tháo đường với giá gần 5 triệu đồng. Ông Minh bộc bạch: “Có bệnh thì vái tứ phương, tôi ở nhà, xem trên mạng xã hội thấy quảng cáo thuốc cam kết giảm đường huyết sau một liệu trình điều trị. Tôi thêm tin tưởng vì xem trên mạng thấy có bác sĩ ở bệnh viện uy tín tư vấn, người sử dụng thuốc trước đó khỏi bệnh, có địa chỉ rõ ràng nên đồng ý mua. Nào ngờ, đó chỉ là thông tin giả mạo, sau một tuần dùng thuốc, bệnh tình tôi không thuyên giảm mà đường huyết tăng lên, cơ thể mệt mỏi, cảm giác khó thở về đêm và sáng sớm. May mà người thân đưa tôi vào viện cấp cứu kịp thời, nếu chậm thì hậu quả khó lường”.

Gần đây, Công an tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định xử phạt hành chính số tiền 5 triệu đồng/trường hợp đối với TNTA và NTHA, đều trú tại phường Bắc Lý, TP Đồng Hới vì có hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt. Tại cơ quan chức năng, TNTA thừa nhận, trước đó, trong quá trình tham gia từ thiện ở vùng lũ huyện Lệ Thủy, tuy tiếp nhận thông tin không đầy đủ nhưng vẫn đăng tải thông tin có cả trăm người chết do lũ lụt. Thông tin bịa đặt trên nhanh chóng được lan truyền trên không gian mạng khiến người dân hết sức hoang mang, lo lắng... Đó không chỉ là bài học cho những đối tượng trên mà đau xót hơn là các giá trị xây dựng cộng đồng văn minh bị xô đổ, khiến chuyện sinh-tử của hàng trăm người dân trong lũ lụt trở thành một trò đùa!

Còn nhiều “độc tố” tràn lan trên các nền tảng xuyên biên giới như: Khiêu dâm, mại dâm trá hình; hướng dẫn những trò chơi mạo hiểm; hướng dẫn cách tự tử; lừa đảo việc nhẹ lương cao; đầu tư online; mua-bán thuốc chữa bệnh... khiến bao người tin theo và bao cảnh đời điêu đứng vì nạn tin giả, tin độc hại.

Điểm một vài hệ lụy trên để thấy rằng: Bên cạnh những mặt tích cực mà “mặt trận thông tin” mạng xã hội đem lại giúp gắn kết, chia sẻ thông tin; tạo nhiều cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong đời sống thì còn muôn nẻo hệ lụy từ việc tiếp nhận thông tin sai lệch trên “thế giới thực-ảo” với người dân. Có thể nói, từ sự lệch lạc trong nhận thức về các vấn đề chính trị-xã hội được đưa lên mạng xã hội, dẫn đến nhiều sai lầm trong hành vi của một bộ phận người dân, tạo nên những mối nguy về bất ổn xã hội trên tất cả các lĩnh vực. Những “cơn bão mạng” có thể khiến một cá nhân phải tìm đến cái chết để giải thoát, một doanh nghiệp phải phá sản và nguy hại hơn, nó khiến một quốc gia rơi vào bất ổn...

Nguy hại là giảm niềm tin vào Đảng

Năm 2018, khi Quốc hội bàn thảo về Dự luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và Dự luật An ninh mạng, lợi dụng khi các cơ quan chức năng chưa cung cấp đầy đủ thông tin chính thống về hai dự luật trên đến với người dân thì trên mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng: Đây là những dự luật “bán nước”, “bịt miệng nhân dân”... từ đó, kêu gọi nhân dân thể hiện “lòng yêu nước” bằng việc hưởng ứng xuống đường biểu tình, tuần hành phản đối với những chiêu trò mới như gây kẹt xe ở các đô thị, biểu tình trên mạng, hô hào các tổ chức phản động tổ chức biểu tình ở nước ngoài... Những lời kêu gọi trên được tán phát một cách nhanh chóng trên các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới, một bộ phận người dân nhẹ dạ cả tin, a dua theo trào lưu, xuống đường biểu tình, tụ tập quấy rối, làm mất an ninh trật tự xã hội ở Bình Thuận và một số địa phương. Trong rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự việc trên, thẳng thắn thừa nhận rằng: Có một bộ phận nhân dân đã suy giảm niềm tin vào chính quyền, đội ngũ cán bộ ở cơ sở, rộng hơn là giảm niềm tin vào những chủ trương, quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước nên khi các phần tử xấu kích động, lôi kéo thì dễ dàng tin, nghe theo. 

Những thông tin độc hại, kích động tràn ngập trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình  
Những thông tin độc hại, kích động tràn ngập trên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình  
 

Thời gian gần đây, lợi dụng công nghệ cao, các đối tượng giả danh cán bộ thực thi pháp luật để gọi điện, nhắn tin lừa đảo người dân. Nhiều người sợ bị liên lụy đến pháp luật nên đã làm theo hướng dẫn của những kẻ lừa đảo, đến khi tiền mất mới trình báo cơ quan chức năng thì mọi việc đã muộn. “Điều đáng nói ở đây, không chỉ có các nhóm tội phạm lợi dụng công nghệ cao lừa đảo nhân dân mà đằng sau thủ đoạn này là mục đích nhằm hạ bệ hình ảnh cán bộ ở các cơ quan thực thi pháp luật ở nước ta; làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ của Đảng”, đồng chí Lê Thị Kim Hằng, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Nghi Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ.

Khi Đảng ta đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều cán bộ, nhiều vụ việc tham nhũng, hối lộ, lợi dụng chính sách để trục lợi có quy mô lớn bị xử lý theo pháp luật thì trên các nền tảng xuyên biên giới, các thế lực thù địch tuyên truyền, cho rằng: Đây thực chất là "thanh trừng nội bộ", là "cuộc đấu đá phe phái, triệt hạ lẫn nhau"... Từ đó kêu gọi "muốn chống tham nhũng thực chất phải thay đổi chế độ, thực hiện đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập"...

Tranh của Mạnh Tiến 
Tranh của Mạnh Tiến 
 

Câu chuyện không dừng lại ở các trang mạng, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “nói mãi những điều sai, khoét sâu vào khuyết điểm” để người dân tưởng đó là đúng. Hậu quả, nhiều cán bộ, đảng viên của Đảng ở cơ sở cứ hằng ngày thẩm thấu những thông tin xấu độc khiến tâm trí hoang mang. Cán bộ, đảng viên còn vậy, nói gì đến người dân. Đây là điều đáng suy ngẫm. Rõ ràng, trong tư tưởng của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã có phần “lung lay” dù “gốc” chưa bật! Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Phạm Ngọc Cảnh, Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An cho rằng: “Tác động xấu từ những thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc... có thể dẫn đến những hậu quả trực tiếp, tức thì, nhưng cũng có những hậu quả lâu dài tích tụ vào ứng xử, lối sống, dần dần phá vỡ những hệ giá trị văn hóa và đạo đức tốt đẹp trong xã hội ở Việt Nam, sâu xa hơn là làm giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, để đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Từ việc mất niềm tin đến hành động trở cờ, chuyển hóa chế độ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn”.

Như vậy, hệ lụy từ việc tiếp nhận thông tin sai lệch sẽ khó lường nếu tổ chức đảng, chính quyền các cấp không kịp thời lấp những khoảng trống thông tin ở cơ sở. Đó cũng là nội dung cốt lõi chúng tôi sẽ bàn trong bài viết tiếp theo.

 "Từ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, cơ hội, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc". (Tổng Bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG)

(còn nữa)

KHÁNH TRÌNH - MINH TÚ - DUY THÀNH
(Theo https://www.qdnd.vn/)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây