Theo thống kê, địa bàn quận Cái Răng có 1 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, 3 di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố. Ngoài ra, theo số liệu kiểm kê của Bảo tàng TP Cần Thơ, tính đến cuối năm 2020, quận Cái Răng còn có 23 di tích phổ thông chưa xếp hạng, chủ yếu thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật: cơ sở thờ tự, cơ sở tín ngưỡng...
Quận Cái Răng còn có Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Văn hóa Chợ nổi Cái Răng, được du khách trong và ngoài nước biết đến, là niềm tự hào của xứ sở “gạo trắng nước trong”. Cũng ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, quận Cái Răng còn có các làng nghề truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất, tiềm năng trong phát triển du lịch như làng nghề dệt chiếu Cái Chanh, làng nghề đươn thúng Yên Hạ, các xóm nghề: làm hủ tiếu, làm tương, đươn thảm lục bình...
Những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể này đã góp phần định vị bản sắc văn hóa của vùng đất Cái Răng xưa và nay. Điển hình như di tích quốc gia Hiệp Thiên Cung, được xây dựng từ năm 1856, đến năm 1904 được tu bổ kiến trúc như ngày nay. Di tích này có kiến trúc độc đáo, nội thất có nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ, hoành phi, liễn đối... giá trị.
Hay Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp thành phố Đình Thường Thạnh, từ lâu không chỉ là chốn thiêng liêng của người dân địa phương mà còn được du khách trong và ngoài nước biết đến bởi kiến trúc cổ kính, văn hóa tín ngưỡng đặc sắc. Hằng năm, Đình Thường Thạnh diễn ra lễ Kỳ yên Hạ điền (ngày 10 và 11-5 âm lịch), lễ Kỳ yên Thượng điền (ngày 15 và 16-11 âm lịch). Ngoài ra, nơi đây còn có nghi thức cúng Bà Chúa Xứ Nguyên Nhung và hát múa bóng rỗi. Ông Trần Văn Đức, người dân phường Thường Thạnh, cho biết: “Những năm chưa có dịch COVID-19, mỗi lần đáo lệ Kỳ yên thực sự là ngày hội của người dân Thường Thạnh. Phần lễ, phần hội rất trang trọng và rôm rả, náo nhiệt. Người dân chúng tôi rất tự hào, chung tay giữ gìn lệ xưa”.
Ở lĩnh vực di tích lịch sử, nếu như Di tích Trận Lê Bình ghi dấu chiến công của Đội Cảm tử - Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Cần Thơ vào năm 1945, thời kháng chiến chống Pháp thì Di tích Chiến thắng Ông Cửu vào năm 1968 lại là dấu son chói lọi của Tiểu đoàn Tây Đô anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin quận Cái Răng, cho biết: Hằng năm, quận đều có kế hoạch cụ thể trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể, làng nghề, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch. Tuy nhiên, năm 2021, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên công tác bảo tồn di sản là chủ yếu. Cụ thể, quận đã kiện toàn, tăng cường hoạt động của Ban Quản lý di tích “Địa điểm chiến thắng của Tiểu đoàn Tây Đô tại rạch Ông Cửu năm 1968”, các Ban Trung đình. Đội ngũ cán bộ chuyên môn về di sản, thuyết minh viên di tích cũng thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Công tác đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường tại các điểm di tích cũng được tăng cường. Bên cạnh đó, quận Cái Răng cũng tập trung đầu tư phát triển các làng nghề tiêu biểu trên địa bàn quận Cái Răng thành điểm đến trong các tour, tuyến du lịch.
Thời gian qua, các di tích ở quận Cái Răng thực hiện rất tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo an toàn cho khách tham quan (khi còn mở cửa hoạt động). Các di tích cũng tổ chức nhiều hoạt động từ thiện, góp phần cùng địa phương thực hiện chính sách an sinh xã hội. Đơn cử như hằng năm, Di tích Hiệp Thiên Cung tổ chức định kỳ các hoạt động thiện nguyện vào dịp Lễ Vu Lan, Tết Nguyên Tiêu, Tết Nguyên đán, Vía Quan Thánh Đế Quân, Vía Thiên Hậu Thánh Mẫu... với trị giá hàng tỉ đồng. “Để đảm bảo phòng COVID-19, Ban Quản trị Hiệp Thiên Cung đã chủ động ngưng đón khách từ rất sớm. Tuy nhiên, với mong muốn giúp đỡ bà con, Hiệp Thiên Cung đã tổ chức phát quà, gạo... giúp bà con vượt qua khó khăn trong thời gian dịch bệnh”, ông Đỗ Khén, Phó Ban Quản trị Hiệp Thiên Cung, nói.
Ông Lê Văn Hoàng cho biết thêm: Thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thời gian tới, căn cứ vào diễn biến tình hình dịch bệnh, quận Cái Răng sẽ có những kế hoạch cụ thể trong việc mở cửa di tích đón khách tham quan, tổ chức các lễ hội, nghi thức tín ngưỡng truyền thống. Đây cũng là biện pháp để góp phần vực dậy ngành Văn hóa, Du lịch quận Cái Răng.
Bài, ảnh: Đăng Huỳnh