Đình thần Nhơn Ái

Chủ nhật - 20/02/2022 05:03 4.004 0
Đình thần Nhơn Ái là một trong những ngôi đình có lịch sử lâu đời của Cần Thơ. Hiện nay, ngôi đình tọa lạc tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, giữa nơi dân cư đông đúc. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đình tuy không còn dáng vẻ cổ kính rêu phong, nhưng vẫn là một trong những minh chứng lịch sử về quá trình khai phá vùng đất Cần Thơ, cũng như lưu giữ những giá trị văn hóa cổ truyền đến ngày nay.
Đình thần Nhơn Ái.
Đình thần Nhơn Ái.
Lược sử vùng đất Nhơn Ái
Nhơn Ái là đơn vị hành chính cơ sở được hình thành đầu thời vua Minh Mạng (khoảng từ năm 1820-1830). Lúc mới lập, thôn Nhơn Ái thuộc tổng Định Bảo, phủ Ba Xuyên, tỉnh An Giang. Trải qua triều Thiệu Trị và Tự Đức, Nhơn Ái thuộc huyện Phong Phú, đến đầu thời Pháp đặt ách đô hộ thì thuộc hạt thanh tra Ba Xuyên rồi Sóc Trăng, Trà Ôn. Từ ngày 5-1-1876, Pháp lập hạt tham biện Cần Thơ, Nhơn Ái được đổi gọi là làng. Từ 1-1-1900, làng Nhơn Ái thuộc tỉnh Cần Thơ, vẫn tổng cũ. Trước đó, ngày 11-5-1889, làng Nhơn Ái cùng với làng Nhơn Nghĩa tách ra hai khoảnh đất để lập mới làng Nhơn Ái Tây, sau đó đổi tên thành Trường Long. Năm 1913, Nhơn Ái thuộc quận Châu Thành vừa thành lập, cùng tỉnh. Từ sau năm 1956, Nhơn Ái được gọi là xã, đổi thuộc tỉnh Phong Dinh. Ngày 30-3-1962, tách một phần đất phía Đông nhập vào xã Nhơn Nghĩa. Từ ngày 25-5-1966, xã Nhơn Ái thuộc quận Phong Điền, tỉnh Cần Thơ cho đến ngày 30-4-1975.
Trong suốt hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa giới xã Nhơn Ái giữ nguyên, chỉ có một số điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kháng chiến: Nhơn Ái thuộc huyện Châu Thành (mới) rồi huyện Vòng Cung vào năm 1971. Đến năm 1974, nhập lại huyện Châu Thành A. Sau ngày giải phóng, thống nhất đất nước năm 1975, xã Nhơn Ái thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ngày 16-12-1991, đổi thuộc tỉnh Cần Thơ (do tỉnh Hậu Giang chia tách thành hai tỉnh Cần Thơ, Sóc Trăng). Ngày 6-1-2000, Nhơn Ái thuộc huyện Châu Thành A, cùng tỉnh. Từ ngày 2-1-2004, sau khi tỉnh Cần Thơ chia tách thành TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương và thành lập tỉnh mới Hậu Giang, huyện Phong Điền ra đời thuộc TP Cần Thơ, bao gồm xã Nhơn Ái. 
Nhơn Ái là trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Phong Điền gần 200 năm qua. Đây là quê quán và nơi hội tụ của nhiều văn nhân hào kiệt(1), đồng thời cũng là nơi tọa lạc của ngôi đình Nhơn Ái hàng trăm năm qua.
Chính điện Đình thần Nhơn Ái.
Đình thần Nhơn Ái
Quá trình hình thành đình thần Nhơn Ái gắn với lịch sử khai phá làng Nhơn Ái, huyện Phong Phú ngày xưa, nay là huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Vào năm 1850, sau khi Tiền hiền Bùi Văn Lý đến khai khẩn, Hậu hiền Nguyễn Thừa Võng khai cơ nghiệp lập thôn; nhân dân tri ân lập ngôi đình để cúng bái Thần Hoàng được an lạc tâm linh. Đến năm 1852 Vua Tự Đức phong sắc thần về làng Nhơn Ái.
Trải qua bao thăng trầm cùng lịch sử, đình thần Nhơn Ái xuống cấp và diện tích nhỏ so với nhu cầu chiêm bái, sinh hoạt tâm linh của bà con địa phương. UBND huyện Phong Điền thống nhất xây mới ngôi đình với diện tích trên 110m2, cao 9m, mái ngói, chạm trổ hết sức trang nghiêm theo kiến trúc truyền thống Việt Nam(2).
Mặc dù được xây mới, nhưng cách trang trí và màu nước sơn của đình cũng như những chi tiết khác vẫn giữ dáng vẻ đình  thiêng liêng, là nơi sinh hoạt tâm linh truyền thống của cư dân địa phương. Đình có một khoảng sân rộng ở phía trước. Cổng đình được xây dạng tam quan, với cổng lớn ở giữa và hai cổng nhỏ ở hai bên. Cổng chính chỉ mở vào dịp lễ hội, ngày thường khách hành hương đi bằng cổng phụ hai bên. Ở hai hàng cột của cổng chính có hai câu đối: “Mưa thuận gió hòa - Quốc thới dân an”. Trên hai trụ cột này là tấm biển được sơn nền đỏ, viền vàng, đặt nằm ngang, với hình dạng cuốn thư. Trên đó có dòng chữ “Đình thần Nhơn Ái”, phía dưới là dòng chữ Hán có nghĩa “Nhơn Ái thần miếu”. Hai bên của tấm biển này có mô hình trụ tháp. Phía trên là tượng lưỡng long tranh châu.
Phía sau cổng là những ngôi miếu nhỏ được đặt ở hai bên. Bên trái nhìn từ ngoài vào là nơi thờ Ông Hổ và Thần Nông, bên phải là miếu thờ Thần Tài và Thổ Địa. Mái đình được lợp ngói hình vảy cá, gồm hai lớp mái, nhỏ dần lên trên. Ở mỗi góc mái đều có tượng hình rồng uốn lượn. Ở mái nóc trên cùng cũng có tượng lưỡng long tranh châu. Dưới lớp mái trên cũng có tấm biển nền đỏ chữ vàng, ghi “Đình thần Nhơn Ái”. Bên trong đình, bàn thờ Thành Hoàng được đặt ngay chính điện, hai bên là bàn thờ của Tiền hiền, Hậu hiền, cùng nhiều hoành phi câu đối khác. 
Cũng như các ngôi đình khác ở Cần Thơ, đình thần Nhơn Ái hằng năm có hai kỳ lễ lớn. Lễ Kỳ yên Hạ điền diễn ra vào các ngày 15, 16 tháng 4 âm lịch. Lễ Kỳ yên Thượng điền được tổ chức vào các ngày 15, 16 tháng 11 âm lịch. Chương trình tế lễ của hai kỳ như nhau. Sau đây là các hoạt động trong lễ Kỳ yên ở đình Nhơn Ái ngày xưa:
Đầu tiên có lễ rước Sắc thần, vì sắc do ông Cả hay hương chức làng cất, không để thường xuyên tại đình. Mỗi khi cúng đình phải rước sắc thần về đình. Kế đến là lễ cúng Thần, khởi đầu là lễ cầu an, rồi lễ cúng linh Thần và các vị Tiền hiền, Hậu hiền là những người có công khai phá và xây dựng làng. Ban đêm có hát bội, đờn ca, ban ngày có múa lân, múa võ…
Sau cùng có lệ thi nữ công gia chánh, cụ thể như làm bánh khéo, trước để dâng cúng, sau có giải thưởng. Tham gia làm bánh khéo hầu hết là các cô tiểu thư con nhà khá giả. Đây là dịp để trai tài gái sắc trong làng gặp nhau, tìm bạn lứa đôi, cũng là dịp xài tiền của những nhà giàu có. Còn với đa số dân chúng thì đó là dịp gặp gỡ hàn huyên tâm sự, ăn uống vui chơi(3).
Trong các ngày lễ hội kỳ yên, dân làng đến tham dự rất đông. Họ đến để cúng Thần, cùng đi thỉnh sắc, xem hát bội… Dù với nhiều mục đích khác nhau nhưng tất cả những người đến tham dự cúng đình đều có chung một sở cầu, đó là cầu cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình, mùa màng bội thu.
Tính đến nay, đình thần Nhơn Ái đã có lịch sử hình thành trên 170 năm. Trong suốt thời gian đó, ngôi đình đã trải qua đổi thay của thời cuộc, cũng như là minh chứng cho thấy gian lao vất vả của những thế hệ người Việt mở đất lập làng, hình thành cộng đồng xóm ấp, ngõ hầu mong muốn có được cuộc sống bình an. Về lịch sử, đình thần Nhơn Ái là dấu tích của tiền nhân trong buổi đầu vào khai khẩn vùng đất này. Về văn hóa, ngôi đình đến nay vẫn giữ được nghi thức sinh hoạt tâm linh ở hai kỳ lễ hội Kỳ yên hằng năm, cũng chính là góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đó là đạo lý uống nhớ nguồn, sống hòa hợp với tự nhiên và tôn trọng tự nhiên. Về mặt xã hội, lễ hội ở đình hằng năm thu hút đông đảo người dân đến cúng bái đã góp phần vào việc đoàn kết xã hội, khi họ chung tay, chung sức, chung lòng lo cho cuộc lễ. Người dân đến cúng đình không chỉ là cầu mong cho sự bình an trong tâm hồn và còn giúp cân bằng tâm lý, vững tin vào cuộc sống. Đây cũng chính là giá trị tâm linh của sinh hoạt tín ngưỡng ở đình thần nói chung, đình Nhơn Ái nói riêng.
Bài, ảnh: Trần Phỏng Diều
Theo Báo Cần Thơ
(1) Nhâm Hùng (Biên soạn)  (2013), Phong Điền địa linh nhân  kiệt, Nxb Trẻ, tr.20-22.
(2) https://canthotv.vn/phong-dien-khanh-thanh-dinh-than-nhon-ai-va-le-hoi-ky-yen-thuong-dien-2012/. Ngày truy cập 14-1-2021.
(3) Lê Hữu Uy, Làng Nhơn Ái hai trăm năm khai khẩn, http://catbuicarolineth.blogspot.com/2014/04/lang-nhon-ai-hai-tram-nam-khai-khan-tac.html. Ngày truy cập 22-10-2021.
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây