Cảnh đồng chí Châu Văn Liêm cùng đồng bào, học sinh Long Xuyên làm lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh.
Kịch bản vở cải lương "Sống mãi với non sông" của tác giả Phạm Văn Ðằng - Thịnh Bùi, bắt đầu bằng cảnh thầy giáo Châu Văn Liêm lúc này đang dạy học ở Chợ Mới - Long Xuyên về quê thăm cha mẹ và vợ ở Thới Thạnh - Ô Môn. Vốn đau đáu trước cảnh nước nhà bị xâm lược và đỉnh điểm là chứng kiến đôi vợ chồng trẻ bị bọn tay sai sát hại ngay tại nhà của mình, thầy giáo Châu Văn Liêm quyết tâm tham gia hoạt động cách mạng. Từ một nhà giáo yêu nước, đồng chí Châu Văn Liêm từng được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng như Bí thư Tỉnh Bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên, Bí thư Ban Lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Ðảng...
Vở diễn kết thúc với cảnh vào ngày 4-6-1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Châu Văn Liêm, gần 1.000 nông dân quận Ðức Hòa (Long An) kéo đến Dinh quận trưởng đưa yêu sách, đòi giảm thuế, không bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Trong lúc đối mặt với quân thù, đồng chí Châu Văn Liêm đã hy sinh dưới họng súng của tên cảnh sát thực dân Ðờ-Rơi (Dreuil) ở tuổi 28.
Vở diễn đã khắc họa khí chất của nhà cách mạng Châu Văn Liêm, một thầy giáo luôn đau đáu trước cảnh đồng bào lầm than, bị sát hại và không quản gian lao, nguy hiểm để thực hiện chí lớn. Ðặc biệt, hình ảnh đồng chí Châu Văn Liêm với gia đình, là một người con chí hiếu, một người chồng chí tình, cũng được thể hiện tốt.
Có thể nói, vai diễn đồng chí Châu Văn Liêm khá vừa vặn với nghệ sĩ Phương Anh. Sự nho nhã, từ tốn nhưng hiên ngang, ý chí của nhân vật lịch sử đất Cần Thơ được anh thể hiện trọn vẹn. Phương Anh ca diễn tốt, nhẹ nhàng và sâu lắng, không lên gân, ồn ào. Một điểm nhấn nữa của vở diễn là vai bà Các, vợ đồng chí Châu Văn Liêm, do nghệ sĩ Hồng Giang thủ vai. Có lẽ, đây là vai chính đầu tiên trong một vở diễn lớn mà nghệ sĩ Hồng Giang đảm trách. Cô vào vai ngọt ngào, tình cảm, làm nên hình tượng nhân vật ấn tượng.
Hai nghệ sĩ giỏi nghề của Nhà hát Tây Ðô là NSƯT Hoàng Khanh và Hồng Thủy cũng thể hiện tốt khi vào vai ông Châu Khắc Chấn và bà Tơ, là cha mẹ của đồng chí Châu Văn Liêm. Nét diễn có hồn, cảm xúc của đôi nghệ sĩ giúp làm tôn lên hình tượng nhân vật chính. Dù gian khổ, hiểm nguy, nhưng ông bà đồng tình ủng hộ con trai làm cách mạng, vì nước vì dân. Nghệ sĩ Lê Duy vào vai Sát, tên tay sai độc ác, cũng khá tròn vai.
Ðiểm đáng khen khác ở vở diễn là cảnh trí tốt, nhất là cảnh trí dừa nước, với sự di chuyển linh động, làm gia tăng hiệu ứng vở diễn. Một đột phá khác là kết hợp nghệ thuật múa trong cải lương ở phân cảnh đầu và cuối của vở. Những điều này làm cho "Sống mãi với non sông" thêm ấn tượng, nghệ thuật.
Bài, ảnh: Đặng Vĩnh Lộc