Quan Đế võ miếu ở Bình Thủy

Thứ hai - 19/09/2022 11:06 342 0
Quan Đế võ miếu hiện tọa lạc tại số 179, khu vực I, phường An Thới, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Đây là một trong những công trình được xây cất từ rất lâu đời trên vùng đất Bình Thủy - Long Tuyền xưa và minh chứng cho quá trình cộng cư cùng phát triển của các dân tộc trên đất này từ xưa đến nay.
19 9 mieu

Quan Đế Võ Miếu.

Bình Thủy - Long Tuyền là một trong những làng được khai mở sớm nhất ở Cần Thơ. Ngay từ thời khẩn hoang, đây đã là vùng đất hội tụ của nhiều cư dân tứ xứ, với nhiều sắc tộc khác nhau đến khai hoang lập nghiệp. Trải qua năm tháng lao động cần cù, người dân nơi đây đã biến vùng đất hoang vu, đầm lầy ngày xưa thành vùng đất cây trái xum xuê, trù phú. Đời sống dân làng ngày được nâng cao làm hấp dẫn người dân từ các nơi khác kéo đến cùng sinh cơ lập nghiệp. Lâu dần hình thành những khu định cư được sắp xếp có tổ chức, có nề nếp. Hiện nay những dấu xưa còn lại tại làng cổ Long Tuyền bên cạnh Đình Bình Thủy, Chùa Nam Nhã... còn có Quan Đế võ miếu - trong dân gian cũng gọi chùa Ông Bình Thủy hay chùa Ông An Thới. Ngôi miếu này tồn tại đến nay đã minh chứng cho quá trình cộng cư của cộng đồng người Hoa trên vùng đất này từ những buổi đầu khai phá cũng như quá trình phát triển.

Quan Đế võ miếu vẫn còn mang nhiều dáng dấp cổ kính, thể hiện nét văn hóa của người Hoa còn lưu dấu nơi đây. Mặt chính của ngôi chùa hướng ra dòng sông Bình Thủy. Theo nhiều nguồn tài liệu và tài liệu điền dã, có ý kiến cho rằng Quan Đế võ miếu được xây cất vào khoảng 1910, với quy mô lúc đầu còn nhỏ, kiến trúc đơn sơ. Sau nhiều lần trùng tu, công trình mới được hình thành như ngày nay. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng Quan Đế võ miếu có niên đại xây dựng trước cả chùa Ông ở Bến Ninh Kiều, tức Quảng Triệu hội quán (bắt đầu xây dựng năm 1894 hoàn thành năm 1896).

Quan Đế võ miếu tọa lạc trong một không gian thoáng đãng, xung quanh có nhiều cây xanh, tạo thêm vẻ trang nghiêm và hoài cổ của công trình. Khoảng sân trước ngôi miếu rộng, thoáng đãng, không khí trong lành, bốn bề tĩnh lặng. Trước sân là một cánh cổng được xây bằng xi măng, trên đó có dòng chữ Quan Thánh Đế Quân. Hai cột dọc cũng có hai câu đối ở hai bên. Cột bên trái có câu “Nghĩa đảm anh dũng tỏa sơn hà”, bên phải có câu “Trung can uy võ định càn khôn” (nghĩa là “Lòng trung oai võ như trời đất/Nghĩa khí anh hùng tựa núi sông”). Vào bên trong, phía trước là gian thờ Phật, phía sau là gian thờ Quan Công theo dạng thức tiền Phật hậu Thánh. Hai nơi này đều rộng rãi và thoáng mát. Phía sau này còn có một nhà khách kiêm nhà khói có không gian mở rộng, thoáng đãng.

Trong đó, gian thờ Quan Công được bày trí trang nghiêm. Phía trước là bức tượng xích thố rất to - có lẽ là to nhất trong số các ngôi chùa của cộng đồng người Hoa ở Cần Thơ, được làm bằng danh mộc. Kế đến là tượng hai ông Thiện và Ác đứng ở hai bên. Phía sau nữa là ngai thờ đặt các bộ pháp khí, lư hương, đỉnh đồng... Gian trong cùng là gian thờ Quan Công. Tượng Quan Công được đắp cao to, đặt trong khánh thờ. Kế bên là tượng của Quan Bình và Châu Xương và phía trước khánh thờ này cũng có một con xích thố, nhưng kích thước nhỏ hơn con ở tiền điện. Gian bên phải (nhìn từ ngoài vào) là gian thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu. Bên trái là gian thờ ông Bổn. Các vị thần này cũng được đặt trong khánh thờ. Các khánh thờ được chạm khắc lộng lẫy với nhiều hoa văn, họa tiết độc đáo. Và đặc biệt nhất là chạm nổi hình lưỡng long tranh châu trên từng khánh thờ. Nét chạm khắc vô cùng tinh xảo, thể hiện được sự tài hoa và khéo léo của các nghệ nhân.

Quan Đế võ miếu có những hàng cột gỗ tròn, to, đen bóng, tất cả đều bằng gỗ quý, chịu được áp lực của thời gian nên càng làm cho công trình mang dáng vẻ cổ kính hơn. Bên trong còn có rất nhiều hoành phi, câu đối, họa tiết, võng lọng... được trang trí một cách hợp lý và bố trí hài hòa, nên ngoài việc tạo được yếu tố thẩm mỹ, còn tạo ra sức mạnh nơi đời sống tâm linh. Đặc biệt, ở Quan Đế võ miếu, ngoài các câu đối, hoành phi được chạm khắc trên khánh thờ, trên cột gỗ, còn có câu đối treo. Theo đó, người ta khắc câu đối lên những miếng gỗ hình chữ nhật, rất dài, rồi móc treo lên trần. Mỗi bên một tấm. Nội dung của các câu đối này thường là ca ngợi công đức của Quan Công.

Trái ngược với sự trang trí phong phú bên trong, bên ngoài công trình khá đơn giản. Mái Quan Đế võ miếu lợp ngói vảy cá màu đỏ nhưng đã phủ màu rêu xanh. Đầu mái nóc không lợp ngói ống thanh lưu ly mà gắn võng gỗ buông xuống. Trên mái nóc có tượng lưỡng long tranh châu. Xung quanh có một vài gờ bó mái và tượng cá hóa long.

Hằng năm Quan Đế võ miếu có nhiều lễ hội. Ngoài các ngày lễ, Tết, Vu Lan... tại đây có các ngày lễ chính: ngày 13 tháng 5 vía Quan Bình, ngày 24 tháng 6 vía Quan Công, ngày 30 tháng 10 vía Châu Xương. Trong đó, lớn nhất là ngày vía Quan Công. Đây thật sự là một ngày hội lớn của cư dân làng Bình Thủy - Long Tuyền xưa và nay, cũng như của cư dân các vùng phụ cận.

Tuy kiến trúc bên ngoài không có nhiều chi tiết cổ kính, tráng lệ, nhưng Quan Đế võ miếu đã bảo lưu được nhiều giá trị văn hóa, thật sự là một công trình kiến trúc có giá trị về mặt văn hóa và nghệ thuật, rất cần được nghiên cứu sâu rộng và bảo lưu gìn giữ. Vì ngoài việc công trình thể hiện dấu ấn văn hóa của người Hoa trong quá trình cộng cư với người Việt ở làng cổ Long Tuyền, Quan Đế võ miếu còn góp phần cho thế hệ sau biết thêm về lịch sử của một vùng đất, các cộng đồng dân tộc và mở ra một điểm tham quan du lịch tâm linh cho du khách gần xa.

Bài, ảnh: Trần Kiều Quang
Theo Báo Cần Thơ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây