Những năm gần đây, lĩnh vực VHNT Cần Thơ đã làm tốt vai trò xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa, phản ánh sinh động, kịp thời các vấn đề thời sự, được xã hội quan tâm. Đặc biệt, với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “hoa thơm lấn át cỏ dại”, các VNS đất Tây Đô đã sáng tạo những tác phẩm bổ ích, lan tỏa giá trị tư tưởng nhân văn, tích cực.
Trong đại dịch COVID-19 vào năm 2021, các VNS đã thể hiện rõ vai trò tiên phong trên mặt trận tuyên truyền. Họa sĩ Trần Quý Thuận (Hội Mỹ thuật TP Cần Thơ) đã vẽ hơn 30 bức tranh về chủ đề phòng, chống COVID-19 trong những ngày khốc liệt của dịch bệnh. Hình ảnh chân thật về đội ngũ y bác sĩ cứu dân mắc COVID-19 trong bệnh viện, bộ đội mang quà hỗ trợ người dân bị phong tỏa, hình ảnh các “chiến sĩ áo trắng”... được họa sĩ Thuận thể hiện sinh động, lan tỏa mạnh mẽ sau khi công bố. Họa sĩ Trần Quý Thuận nói: “Tôi cố gắng phác họa cuộc chiến chống COVID-19 đầy cam go nhưng cũng đầy tình người và sự đoàn kết dân tộc qua nét cọ của mình”.
Với tác giả Nguyễn Trung Nguyên, 30 bài ca cổ ra đời trong những ngày Cần Thơ chung lòng chống dịch thực sự là những tác phẩm đáng nhớ trong đời làm nghệ thuật của ông. Những câu chuyện xúc động từ đời thường qua ngôn ngữ cổ nhạc đã lan tỏa thông điệp nhân văn, tích cực. Rất nhiều tác phẩm trong số này đã đạt giải cao tại các cuộc vận động sáng tác cấp Trung ương, khu vực và TP Cần Thơ. Tác giả Nguyễn Trung Nguyên nói: “Giữa lúc đất nước khó khăn do dịch bệnh, ai trong chúng ta cũng xót xa. VNS chúng tôi càng không thể đứng ngoài cuộc”.
Từ năm 2013 đến nay, Hội Sân khấu TP Cần Thơ duy trì tổ chức cuộc thi sáng tác cổ nhạc với chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Ông Nguyễn Hoàng Dũ, Chủ tịch Hội Sân khấu thành phố, cho biết: Cuộc thi ngày càng có sức lan tỏa, trở thành sự kiện thường niên. Từ 20, 30 tác phẩm dự thi những năm đầu, đến nay có đến gần 100 tác phẩm dự thi mỗi năm. Các tác phẩm đi sâu vào những tấm gương, mô hình cụ thể trong học tập và làm theo gương Bác Hồ. “Qua các tác phẩm, những tấm gương ấy trở nên gần gũi, nhẹ nhàng. Với các tác giả, khi tiếp cận nhân vật, họ cũng học hỏi được nhiều, có nhận thức mới, nhận thức đúng về các vấn đề của xã hội” - ông Dũ nói.
Ông Nguyễn Thành Kiên, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP Cần Thơ, nhận xét: Các VNS Cần Thơ đã thâm nhập cuộc sống, đi tìm những câu chuyện hay, những hành động đẹp để chuyển tải qua ngôn ngữ nghệ thuật. Điều rõ thấy nhất là qua dịch COVID-19, có đến vài trăm tác phẩm do các VNS Cần Thơ sáng tác về chủ đề này, được công chúng đón nhận, đánh giá cao.
Quá trình phát triển đất nước nói chung, TP Cần Thơ nói riêng, đòi hỏi lĩnh vực VHNT thể hiện rõ nét vai trò khơi dậy tinh thần yêu nước, trách nhiệm vì cộng đồng, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội. Trong đó, việc nâng cao giá trị, chất lượng các tác phẩm VHNT là then chốt. Ông Nguyễn Thành Kiên cho biết: “Các hội chuyên ngành thường xuyên tổ chức trại sáng tác, sinh hoạt nghiệp vụ, thực tế sáng tác và hỗ trợ, động viên hội viên tham gia các cuộc thi VHNT các cấp. Từ đó, đảm bảo tác phẩm mới của VNS đạt giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, là điều kiện tốt lấn át những tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, hoặc tác phẩm có nội dung “độc, hại”, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội, nguy hiểm hơn là chệch hướng XHCN”.
Giữ vững sứ mệnh VHNT
Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải thiết thực phục vụ nhân dân, góp phần vào việc nâng cao đời sống vui tươi, lành mạnh của quần chúng. Vì vậy, nội dung văn hóa phải có ý nghĩa giáo dục...” (trích “Hồ Chí Minh toàn tập”, NXB Chính trị quốc gia Sự Thật, tập 12, trang 470), các VNS Cần Thơ không ngừng phấn đấu nâng cao giá trị tác phẩm, giữ vững sứ mệnh “văn hóa soi đường cho quốc dân đi” như lời Bác dạy.
Liên hiệp các Hội VHNT hiện có 9 hội chuyên ngành và chi hội VHNT các dân tộc thiểu số Việt Nam, với tổng số 665 hội viên, trong đó có 250 hội viên là đảng viên. Hội viên làm việc ở hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và là lực lượng chính của các đơn vị hoạt động nghệ thuật ở Cần Thơ như Nhà hát Tây Đô, Trung tâm Văn hóa thành phố và các quận, huyện, các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập... Liên hiệp các Hội VHNT thành phố rất quan tâm tạo điều kiện để VNS được học tập, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các văn bản liên quan đến VHNT.
Các hội chuyên ngành chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt hội, qua đó giữ mối quan hệ mật thiết giữa các hội viên. Đây cũng là cách để lãnh đạo hội nắm bắt tâm tư, tình cảm của hội viên, kịp thời hỗ trợ trong cuộc sống và sáng tác. Đồng thời quan tâm đến việc quảng bá tác phẩm VHNT, vừa tạo động lực cho VNS tiếp tục sáng tác, vừa phát huy hiện quả tuyên truyền của tác phẩm. Điển hình như giữa tháng 9 này, buổi ra mắt sách tập thể đặc biệt lên đến 33 tác phẩm do hội viên Hội Nhà văn thành phố sáng tác, kinh phí tự túc. Đây là những tác phẩm có giá trị tư tưởng, chất lượng nghệ thuật tốt, được công chúng đón nhận.
Thời đại 4.0, VHNT Cần Thơ đứng trước nhiều thời cơ nhưng cũng nhiều thách thức. Sự phát triển của các loại hình giải trí số, sự du nhập VHNT quốc tế, cơ chế thị trường, thị hiếu nghệ thuật tầm thường, lệch chuẩn... đòi hỏi bản lĩnh của VNS. Các sáng tác hấp dẫn, mang đậm hơi thở cuộc sống nhưng cũng phải là những tác phẩm nghệ thuật, nhân văn, “chân - thiện - mỹ”. Để được như vậy, các VNS phải dấn thân bằng nhiệt huyết, tài năng và bản lĩnh để chuyển thể thành tác phẩm nghệ thuật. Nói về vấn đề này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Tùng, Chi hội trưởng Chi hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam tại Cần Thơ, cho rằng: Người nghệ sĩ cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình với tác phẩm cũng như xã hội. Cũng cần tránh và chống chủ nghĩa cá nhân hoặc sự cục bộ trong sáng tác; lấy phê bình tác phẩm để đả kích, chê bai...
Để tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực VHNT, các cấp ủy đảng của thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác quán triệt, tuyên truyền, triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận và các văn bản của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ. Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 2-5-2019 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân đồng bộ, hài hòa với phát triển kinh tế và đô thị”, các nội dung như xây dựng người Cần Thơ phát triển toàn diện theo các tiêu chí “Trí tuệ - Năng động - Nhân ái - Hào hiệp - Thanh lịch”; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa... được thực hiện có hiệu quả. Cần Thơ cũng tích cực triển khai thực hiện Đề án phát triển năng lực cho các nghệ sĩ, diễn viên thành phố đến năm 2025 và đã đạt được hai mục tiêu lớn: tạo điều kiện cho nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp phát triển, đáp ứng yêu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân trong và ngoài thành phố; phát hiện, phát triển những nhân tố tiềm năng trong học đường và xã hội, đáp ứng yêu cầu phát triển nghệ thuật biểu diễn của thành phố.
Phát biểu trong làm việc với Thường trực Thành ủy Cần Thơ mới đây, đồng chí Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, bày tỏ ấn tượng với sự quan tâm sâu sát của Thành ủy Cần Thơ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo trên lĩnh vực VHNT cũng như công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của trên lĩnh vực VHNT. Đồng thời, đồng chí cũng biểu dương những cách làm hay trong quảng bá tác phẩm VHNT, gia tăng hiệu quả công tác tuyên truyền.
***
Thực tế thời gian qua, cũng có trường hợp VNS ở nước ta sáng tác các tác phẩm VHNT hoặc thông qua mạng xã hội thể hiện tư tưởng, quan điểm lệch lạc, cực đoan, thái độ chính trị mơ hồ, làm ảnh hưởng đến đội ngũ VNS nói chung. Điều đáng mừng là dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự quản lý và hỗ trợ tích cực của các hội VHNT chuyên ngành, đội ngũ VNS thành phố luôn ổn định tư tưởng; tham gia đấu tranh tích cực chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch trên mặt trận tư tưởng văn hóa; nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo nhiều tác phẩm đạt chất lượng cao. Đó là minh chứng về hiệu quả của việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực VHNT ở Cần Thơ.
Đặng Vĩnh Lộc