Đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam

Thứ sáu - 30/09/2022 02:47 9.062 0
Đó là khẳng định của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” vào tháng 5/2021 nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đọc và suy ngẫm lại bài viết của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nhận thức đầy đủ, toàn diện và sâu sắc hơn về chủ nghĩa xã hội, thực tiễn và tính tất yếu, khách quan của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đồng thời, trang bị thêm cho mình những luận cứ khoa học cần thiết, góp phần đấu tranh phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phủ nhận con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam
Thời gian qua, với âm mưu phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi chế độ ta, các thế lực thù địch chống phá đã đưa ra các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Chúng cho rằng chủ nghĩa xã hội đã lỗi thời lạc hậu, thế giới đương đại là thế giới của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Việt Nam đi lên chủ nghĩa xã hội là lạc đường, đi ngược lại sự phát triển của nhân loại, rằng Việt Nam muốn thịnh vượng thì phải dũng cảm từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa. Đó là những luận điệu sai trái, thiếu tính khoa học lẫn thực tiễn, cần phê phán, bác bỏ.

Với lập luận chặt chẽ, lý lẽ xác đáng, dẫn chứng cụ thể, sinh động, giàu sức thuyết phục, bài viết của đồng chí Tổng Bí thư đã làm sáng tỏ bốn vấn đề quan trọng đó là: Chủ nghĩa xã hội là gì? Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa? Làm thế nào và bằng cách nào để từng bước xây dựng được chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam? Thực tiễn công cuộc đổi mới, đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong thời gian qua có ý nghĩa gì và đặt ra vấn đề gì? trong đó, có những vấn đề rất mới về mặt lý luận. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi tập trung phân tích những luận điểm mà đồng chí Tổng Bí thư đã đề cập đến trong bài viết để trả lời cho câu hỏi câu hỏi “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?” hay nói cách khác là vì sao đi lên chủ nghĩa xã hội là yêu cầu khách quan, là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam?

Trong bài viết của mình, Tổng Bí thư không chỉ làm sáng tỏ nhận thức cơ bản về chủ nghĩa xã hội, thực tiễn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, mà qua bài viết, Tổng Bí thư còn đặt ra một vấn đề có ý nghĩa to lớn đối với Đảng ta, Nhân dân ta đó là “Vì sao Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa?”. Bằng những phân tích xác đáng từ lý luận đến thực tiễn cụ thể ở các nước và Việt Nam, người đứng đầu Đảng ta khẳng định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nhân dân ta lựa chọn là đúng đắn. Tính đúng đắn đó thể hiện ở các phương diện sau:

Thứ nhất: Xã hội mà chúng ta xây dựng là một xã hội ưu việt, thật sự “vì lợi ích của Nhân dân, lấy hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.

Xã hội xã hội chủ nghĩa mà Nhân dân Việt Nam đang phấn đấu xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do Nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới. Đó chính là ước mơ, khát vọng cháy bổng của Đảng ta, Nhân dân ta về một xã hội công bằng, công lý, tự do, bình đẳng, hạnh phúc.  Dẫn lại những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư đã làm bật lên những tư tưởng, quan điểm tích cực, tiến bộ của Đảng ta, Nhân dân ta trong nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam. Và đó cũng là tính ưu việt của xã hội xã hội chủ nghĩa mà không một xã hội nào trong lịch sử trước đó có được.

Thứ hai: Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của Nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử”.

Đây là một luận điểm hết sức khoa học mà Tổng Bí thư đã nêu ra trong bài viết. Luận điểm này không chỉ dựa trên lý luận về hình thái kinh tế - xã hội, một trong những nội dung quan trọng nhất của chủ nghĩa duy vật về lịch sử, mà thực tiễn cách mạng của Việt Nam đã chứng minh rằng chỉ có con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mới đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử. Tính khoa học của luận điểm đó biểu hiện qua những nội dung sau:

Một là, từ lý luận cho thấy, chủ nghĩa xã hội có mục tiêu cao cả là giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tạo điều kiện để con người phát triển toàn diện; là một chế độ xã hội mà con người được tự do, sống hòa bình và hữu ái giữa các cộng đồng, không còn áp bức, bóc lột, bất công, một xã hội thực sự vì con người. Xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội“phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội…, nhân ái, đoàn kết, tương trợ lẫn nhau, hướng tới các giá trị tiến bộ, nhân văn…, phát triển bền vững, hài hòa để bảo đảm môi trường sống trong lành cho các thế hệ hiện tại và tương lai… một hệ thống chính trị mà quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân và phục vụ lợi ích của Nhân dân”. Đây không chỉ là khát vọng của người dân Việt Nam mà còn là khát vọng của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

Hai là, bài viết chỉ rõ, thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng ra đời, đường lối cơ bản xuyên suốt cách mạng Việt Nam và cũng là điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là “độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Bằng thực tiễn, Bác Hồ kính yêu của chúng ta cũng đã chỉ ra: “chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới có thể giải quyết triệt để vấn đề độc lập cho dân tộc, mới có thể đem lại cuộc sống tự do, ấm no và hạnh phúc thực sự cho tất cả mọi người, cho các dân tộc”. Từ khi mới ra đời, Đảng ta đã xác định chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, là lý tưởng của Đảng cộng sản và Nhân dân Việt Nam. Ngay trong Cương lĩnh chính trị năm 1930, Đảng đã chủ trương “tiến lên chủ nghĩa xã hội”, từ đó đến nay, dù có lúc phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức (nhất là những năm cuối thế kỷ XX khi chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ) nhưng Đảng ta vẫn luôn khẳng định: “Đảng và Nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”. Chính nhờ sự kiên định đó mà dân tộc ta làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại vào đầu thế kỷ XX, mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta - thời đại độc lập dân tộc gắn liền với chế độ xã hội do Nhân dân làm chủ, xây dựng Nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng nhờ sự kiên định đó mà dân tộc ta lại tiếp tục giành được những thắng lợi vẻ vang trong hai cuộc trường chinh ở thế kỷ XX. Và cũng từ sự kiên định đó, một lần nữa chúng ta lại tiếp tục có được những “chuyển biến rõ rệt, hết sức sâu sắc và tích cực” sau hơn 35 năm đổi mới, “xét trên nhiều phương diện, người dân Việt Nam ngày nay có các điều kiện sống tốt hơn so với bất cứ thời kỳ nào trước đây”. Rõ ràng “phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa không những có hiệu quả tích cực về kinh tế mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội tốt hơn nhiều so với các nước tư bản có cùng mức phát triển kinh tế”. Lịch sử dân tộc ta từ năm 1930 đến nay là minh chứng hùng hồn nhất cho sự đúng đắn của việc lựa chọn đi theo con đường xã hội chủ nghĩa mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân ta đã lựa chọn.

Ba là, chủ nghĩa tư bản ngày càng “phơi bày những sự thật bất công” ngay trong chính nội tại của nó, chủ nghĩa tư bản “không hề đảm bảo để quyền lực thực sự thuộc về Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân – yếu tố cơ bản nhất của dân chủ” như cách mà các nước phương Tây đang ra sức quảng bá, rao giảng. Nhìn vào các nước tư bản, chúng ta không khó bắt gặp tình trạng các nhà tư bản “vì lợi nhuận mà bóc lột và chà đạp lên phẩm giá con người”; tại các nước tư bản“khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội” ngày cảng gia tăng, không hiếm tình trạng cạnh tranh thiếu công bằng, "cá lớn nuốt cá bé" chỉ vì lợi ích vị kỷ của một số ít cá nhân và các phe nhóm”. Vì lợi nhuận, quyền lực mà họ đối xử thô bạo với thiên nhiên, họ “khai thác, chiếm đoạt tài nguyên, tiêu dùng vật chất vô hạn độ và hủy hoại môi trường sống” của nhân loại.

Rất khách quan, trong bài viết của mình, Tổng Bí thư vẫn thừa nhận những điểm tích cực của chủ nghĩa tư bản như “chưa bao giờ chủ nghĩa tư bản mang tính toàn cầu như ngày nay và cũng đã đạt được những thành tựu to lớn, nhất là trong lĩnh vực giải phóng và phát triển sức sản xuất, phát triển khoa học - công nghệ. Nhiều nước tư bản phát triển trên cơ sở các điều kiện kinh tế cao… đã điều chỉnh, hình thành không ít các chế độ phúc lợi xã hội tiến bộ hơn so với trước… chủ nghĩa tư bản đã tự điều chỉnh… và nhờ đó vẫn còn tiềm năng phát triển”. Nhưng cũng rất khoa học, đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ ra rằng “chủ nghĩa tư bản vẫn không thể khắc phục được những mâu thuẫn vốn có của nó”, khủng hoảng vẫn tiếp tục diễn ra. Khủng hoảng trong việc giải quyết dịch bệnh COVID -19 vừa qua đang làm trầm trọng thêm các mâu thuẫn, xung đột, bạo lực dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, biểu tình, bãi công, khủng hoảng năng lượng, lương thực, cạn kiệt tài nguyên, sự suy thoái môi trường sinh thái… không chỉ ở thế giới tư bản, mà còn đặt ra nhiều thách thức vô cùng to lớn cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đều có chung nhận xét rằng “các cuộc khủng hoảng hiện nay không thể giải quyết được một cách triệt để trong khuôn khổ của chế độ tư bản chủ nghĩa”.

Trong thực tế không ít người từng say sưa với chủ nghĩa tự do, “các thế lực chống cộng xuyên tạc, chống phá nhà nước. Trong hàng ngũ cách mạng cũng có người bi quan, dao động, nghi ngờ tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa xã hội, thậm chí cho rằng chúng ta đã chọn đường sai, cần phải đi con đường khác. Có người còn phụ họa với các luận điệu thù địch, công kích, bài bác chủ nghĩa xã hội, ca ngợi một chiều chủ nghĩa tư bản. Thậm chí có người còn sám hối về một thời đã tin theo chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường xã hội chủ nghĩa”, bài viết của Tổng Bí thư bằng những dẫn chứng cụ thể, xác đáng, lý lẽ hùng hồn đã vạch trần sự dối trá của chủ nghĩa tư bản. Chủ nghĩa tư bản rêu rao về dân chủ nhưng sự thật thì quyền lực lại không thuộc về Nhân dân mà “chủ yếu thuộc về thiểu số giàu có và phục vụ cho lợi ích của các tập đoàn tư bản lớn”, “một bộ phận rất nhỏ, thậm chí chỉ là 1% dân số nhưng lại kiểm soát tới ¾ nguồn tài chính”. Họ “rêu rao bình đẳng về quyền nhưng không kèm theo sự bình đẳng về điều kiện để thực hiện các quyền dẫn đến dân chủ vẫn chỉ là hình thức, trống rỗng mà không thực chất”. Cuộc khủng hoảng COVID – 19 vừa qua hay các cuộc bầu cử gây chia rẻ xã hội ở các nước được mệnh danh là xứ sở tự do, tự nó đã vạch trần sự thật trần trụi đằng sau “chiếc mặt nạ dân chủ” mà chủ nghĩa tư bản luôn dùng làm chiêu bài để gây sức ép với các nước.

Từ việc chỉ ra những mặt tích cực và hạn chế của chủ nghĩa tư bản, Tổng Bí thư muốn khẳng định rằng, chủ nghĩa tư bản tự bản thân nó không thể giải quyết được các vấn nạn, các khuyết tật nêu trên. Và đây chắc chắn không phải là chế độ xã hội mà nhân dân tiến bộ trên thế giới nói chung và Nhân dân Việt Nam nói riêng mong đợi, càng không phải là tương lai của nhân loại. Nhân dân Việt Nam cần một xã hội “mà trong đó sự phát triển là thực sự vì con người…”. Đó chính là xã hội xã hội chủ nghĩa.

Với tầm nhìn khách quan và tư duy khoa học, bài viết của Tổng Bí thư không chỉ xác định mục tiêu và phân tích làm rõ con đường để thực hiện mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta mà bài viết còn làm rõ nhiều vấn đề cơ bản về công cuộc xây dựng phát triển đất nước ta hiện nay. Bằng lý luận sắc bén và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, với văn phong trong sáng, gần gũi, giản dị, dẫn chứng sinh động bài viết đã giúp cho đảng viên, quần chúng Nhân dân tiếp cận những vấn đề lớn, mang tầm tư tưởng một cách dễ dàng, ấn tượng. Bài viết không chỉ củng cố thêm niềm tin sắc son, mãnh liệt vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam mà đọc lại bài viết của người đứng đầu Đảng ta trong những ngày thu với đầy ắp những sự kiện lịch sử, chúng ta như được trang bị thêm cho mình “liều thuốc kháng sinh hữu hiệu” để “miễn dịch” trước những luận điệu xuyên tạc xảo trá của các thế lực thù địch. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”“làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Lâm Quý Thơ








 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây