Một số kết quả trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em ở thành phố Cần Thơ

Chủ nhật - 05/06/2022 02:15 409 0
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới” (Chỉ thị số 20-CT/TW), công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố Cần Thơ được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm thực hiện, có bước chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em.
Đoàn kiểm tra trao đổi việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị tại Huyện ủy Thới Lai. Ảnh: NQ.
Đoàn kiểm tra trao đổi việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW của Bộ Chính trị tại Huyện ủy Thới Lai. Ảnh: NQ.

Nhiều hoạt động thiết thực

Trong thời gian qua công tác lãnh đạo, chỉ đạo, cũng như việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết công tác thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW được các địa phương quán triệt nghiêm túc, thường xuyên, có hiệu quả; như huyện Vĩnh Thạnh, 10 năm qua đã tổ chức được 12 cuộc kiểm tra, giám sát liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, cùng với mục đích này Thành ủy Cần Thơ cũng ủy quyền cho Ban Tuyên giáo Thành ủy tiến hành kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ở một số địa phương. Qua đó, tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về nhận thức; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp về tăng cường vai trò lãnh đạo đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; xem đây là nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Các tổ chức đoàn thể luôn quan tâm theo dõi, phối hợp, tạo các sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các em nhân dịp hè, lễ, tết; vận động tặng quà, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chăm lo để các em được phát triển toàn diện. Cụ thể như huyện Thới Lai, qua 10 năm, các cấp, các ngành của huyện đã hỗ trợ nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với 10.000 phần quà, 2.560 suất học bổng, 200 xe đạp, 20 tủ sách, 10 căn nhà khăn quàng đỏ, hỗ trợ học phí, ăn trưa cho trẻ với tổng số tiền trên 6 tỷ đồng; thực hiện việc khám sức khỏe định kỳ cho trẻ (02 lần/năm); tại huyện Cờ Đỏ, hưởng ứng Chương trình “Sóng và máy tính cho em” của Thủ tướng Chính Phủ và chương trình “Học trực tuyến - Em sẵn sàng!” do Thành đoàn Cần Thơ phát động, theo đó đã huy động và tặng 35 thiết bị học tập trực tuyến các loại, 800 sim 3G - 4G để hỗ trợ cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn học tập trực tuyến trong thời gian tạm dừng đến trường do dịch bệnh COVID-19 với tổng giá trị 105.000.000 đồng, đơn vị đã triển khai mô hình Đoàn Thanh niên cấp xã nhận đỡ đầu học sinh nghèo với số lượng 52 em học sinh, thực hiện Quỹ học bổng Hà Huy Giáp; tại quận Ninh Kiều, nhiều năm qua, địa phương đã vận động trên 40 tỷ đồng, hỗ trợ 59.728 phần quà và 4.196 phần thưởng cho học sinh nghèo hiếu học, các lớp học phổ cập, lớp học tình thương...

Căn cứ các văn bản chỉ đạo của Trung ương và thành phố, cấp ủy ở các địa phương chỉ đạo đơn vị chức năng cụ thể hóa bằng kế hoạch, chương trình hành động phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Từ đó, 100% các địa phương thành lập Ban điều hành bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hầu khắp các ấp, khu vực đều có cộng tác viên làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đồng thời, phát huy tốt vai trò phối hợp giữa các ngành, đoàn thể có liên quan, đặc biệt là Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh từ quận, huyện đến cơ sở đã góp phần tích cực và đạt hiệu quả trong vận hành hệ thống cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, tạo môi trường cho trẻ em nghiên cứu, thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em ở các trường học được các địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố thường xuyên thực hiện. Như huyện Cờ Đỏ, có 99,3% cán bộ, đảng viên dự học, 100% xã, thị trấn có văn bản triển khai thực hiện, thực hiện 600 tin, bài, 2.280 lượt phát trên đài truyền thanh, cấp phát 12.000 tài liệu tuyên truyền, tổ chức tuyên truyền được 225 cuộc, với hơn 12.000 lượt trẻ và phụ huynh dự; huyện Thới lai, tổ chức 2.478 cuộc, với hơn 67.455 lượt cán bộ, đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân dự; quận Cái Răng, công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm bảo vệ trẻ em thường xuyên được thực hiện với 90% cán bộ, công chức, trên 20.000 lượt học sinh và 70% phụ huynh học sinh được phổ biến; huyện Phong Điền, trong 10 năm đã tuyên truyền lồng ghép được 135 cuộc, đưa nhiều tin, bài, ảnh, cũng như cấp phát tờ rơi, tạp chí tuyên tuyền về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; quận Ô Môn, triển khai 10.049 cuộc tuyên truyền với trên 300.000 lượt người dự, phát 4.800 tờ bướm; quận Thốt Nốt, đã triển khai 16.200 cuộc tuyên truyền với gần 6,5 triệu lượt người tham dự…

Bên cạnh đó, các quận, huyện trên địa bàn thành phố còn thành lập câu lạc bộ “Quyền trẻ em” cho học sinh ở các trường học tham gia, tuyên truyền phổ biến Luật Trẻ em, tạo cơ hội để các em được nói lên ước mơ, mong muốn của mình; thực hiện “công tác Trần Quốc Toản”, thông qua đó tổ chức cho thiếu nhi tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; tổ chức các câu lạc bộ như “Sáng tạo vì xã hội”, “Siêu thị Măng non 0 đồng”, “Đổi rác lấy quà”; chăm lo cho gia đình có công với cách mạng, giúp đỡ, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, dịch bệnh, giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tuyên truyền về đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ qua số 18008065 và Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký khám chữa bệnh tại cơ sở y tế. Cụ thể, huyện Vĩnh Thạnh, có 30 câu lạc bộ “Quyền trẻ em” với 1.014 lượt trẻ em tham gia; quận Thốt Nốt, phát hành trên 4.800 sổ tay Luật Trẻ em, treo 145 băng rol, tổ chức 06 buổi truyền thông về phòng chống tai nạn thương tích cho hơn 1.100 gia đình trong vòng 10 năm qua…

Một số khó khăn, hạn chế

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như:

- Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được tổ chức thường xuyên nhưng từng lúc, từng nơi còn chưa sâu rộng đến từng hộ gia đình và nhất là đến đối tượng thụ hưởng là trẻ em.

- Nhận thức của các gia đình, cộng đồng và của bản thân trẻ em về quyền trẻ em và các kỹ năng bảo vệ trẻ em còn những hạn chế; cũng như công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em chưa đầy đủ, phần nào còn chủ quan.

- Phần lớn các thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động vui chơi, giải trí cho trẻ em ở các địa phương còn rất hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội và hoạt động của trẻ em; việc hướng dẫn, duy trì hoạt động vui chơi, hoạt động văn hóa, thể thao cho trẻ em chưa được tổ chức thường xuyên. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em ở các địa phương đều kiêm nhiệm. Do đó, hiệu quả trong công tác quản lý trẻ em, việc thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em chưa được cao.

- Ở hầu hết các địa phương, việc phân bổ ngân sách Nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thấp so với nhu cầu thực tế và so với đầu tư cho các lĩnh vực khác (hiện các địa phương chỉ phân bổ từ 20 triệu đến gần 50 triệu đồng cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em mỗi năm); nhiều cơ sở hạ tầng phục vụ vui chơi, giải trí, hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn quận dành cho trẻ em xuống cấp.

Một số đề xuất cần tiếp tục thực hiện

Một là, các cơ quan chức năng sớm ban hành một số chủ trương, chính sách cần thiết liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em như: (1) Nâng mức phụ cấp cho đội ngũ cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Cụ thể, các địa phương như: Thới Lai, Ninh Kiều đề nghị nâng mức phụ cấp cho các cộng tác viên ở các xã, phường, thị trấn làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em từ 0,1% lên 0,3% của mức lương cơ bản. (2) Nâng mức phân bổ ngân sách cho công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em ở các địa phương. (3) Đầu tư, xây dựng các điểm vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể thao cho trẻ em (hiện nhiều địa phương chưa có nhà văn hóa thiếu nhi, các khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, thể thao dành cho thiếu nhi).

Hai là, cơ quan chuyên môn cần tiến đánh giá chất lượng hoạt động của đội ngũ cộng tác viên thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em của TP Cần Thơ. Nhằm góp phần hoàn thiện cơ cấu tổ chức, bộ máy và hiệu quả hoạt động của đội ngũ này trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trên địa bàn thành phố.

Ba là, tăng cường hơn nữa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, tạo môi trường cho trẻ em nghiên cứu, thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em, với nòng cốt là “Gia đình và trường học”. Từ đó, nâng cao nhận thức của các gia đình, cộng đồng dân cư, trường học và chính bản thân trẻ em về quyền trẻ em, các kỹ năng bảo vệ trẻ em.

Phòng Khoa giáo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây