Hiệu quả dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Chủ nhật - 05/06/2022 02:18 338 0
Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương, có vị trí chiến lược quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. Những năm qua tình hình kinh tế - xã hội của thành phố ngày càng phát triển, tăng trưởng kinh tế luôn đạt ở mức cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, theo hướng phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao; tốc độ đô thị hóa, phát triển và kết nối hạ tầng giao thông nhanh; văn hóa - xã hội có bước phát triển, đạt nhiều kết quả tích cực; chú trọng chính sách an sinh xã hội, đời sống Nhân dân được nâng lên; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, quan hệ quốc tế được mở rộng; công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị chuyển biến tích cực và đạt nhiều kết quả quan trọng; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của thành phố trong thời gian qua. Đặc biệt, cùng với việc triển khai, quán triệt thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, ngày 17/02/2005 của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; thành phố Cần Thơ quán triệt và thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư (khóa XI) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn” (Chỉ thị số 19-CT/TW), trong 10 năm qua các cấp ủy đảng và chính quyền đã có nhiều hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Nghề đan dây nhựa giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm, thêm thu nhập. Ảnh nguồn: Báo Cần Thơ.
Nghề đan dây nhựa giúp nhiều lao động nông thôn có việc làm, thêm thu nhập. Ảnh nguồn: Báo Cần Thơ.

Từ chủ trương, chính sách đúng…

Sau khi Chỉ thị số 19-CT/TW được ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt học tập, quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết; đồng thời chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, các cơ quan, đơn vị, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và quần chúng Nhân dân. Song song đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hội nghị quán triệt, trong sinh hoạt chi bộ,… Ủy ban nhân dân thành phố (UBND) chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường chuyên trang, chuyên mục, định kỳ thông tin về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác dạy nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn thành phố; đồng thời, hướng dẫn các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội về vị trí chiến lược của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và vai trò công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt chú ý đào tạo lao động có tay nghề cao phù hợp với thị trường lao động; nâng cao hiệu quả quản lý, huy động mọi nguồn lực trong việc xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, dự án trợ giúp, chăm lo và tạo điều kiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn đặc biệt là những vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố chủ động xây dựng kế hoạch, ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đơn vị, đảm bảo thực hiện đồng bộ và hiệu quả. Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố tổ chức xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án, Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, điển hình như: Quyết định số 3205/QĐ-UBND ngày 24/11/2010 về phê duyệt Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020; Quyết định số 388/QĐ-UBND ngày 22/2/2016 và Quyết định số 3461/QĐ-UBND ngày 10/11/2016 về việc thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT thành phố Cần Thơ đến năm 2020; Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ đã ban hành Nghị quyết số 12/2015/NQ-HĐND ngày 14/12/2015 về hỗ trợ đào tạo nghề cho LĐNT và các đối tượng chính sách xã hội khác đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Cần Thơ;... Ngoài ra, UBND thành phố đã ban hành các văn bản kịp thời bổ sung kiện toàn các thành viên Ban chỉ đạo và hướng dẫn UBND các quận, huyện về triển khai thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg. Theo lộ trình thực hiện Đề án, đầu năm 2010 tập trung vào xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn và thực hiện thí điểm các mô hình dạy nghề, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, chương trình, tài liệu dạy nghề, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề để tổ chức dạy nghề cho lao động nông thôn theo chính sách của Đề án; tổ chức các lớp dạy nghề chính thức được đào tạo từ năm 2011.

Hàng năm UBND thành phố Cần Thơ đều ban hành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ban chỉ đạo các cấp tổ chức Hội nghị quán triệt cho cán bộ chủ chốt về Quyết định số 1956/QĐ-TTg và triển khai Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn thành phố Cần Thơ đến năm 2020 cho các Sở, ngành, quận, huyện và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn thành phố. Qua hội nghị, nhằm đánh giá tình hình thực hiện Đề án để hướng dẫn, trao đổi và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và đề ra các phương hướng, giải pháp thực hiện trong thời gian tới; đồng thời, tổ chức sơ kết đánh giá 05 năm thực hiện Mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn gắn với giải quyết việc làm đạt hiệu quả giai đoạn 2010 - 2014, định hướng duy trì và nhân rộng các mô hình giai đoạn 2015 - 2020. Đồng thời, Ban chỉ đạo thành phố còn có nhiều văn bản chỉ đạo về việc thực hiện các chính sách, hoạt động của Đề án; hướng dẫn xây dựng kế hoạch, đề án của các quận, huyện, yêu cầu các quận huyện tập trung chỉ đạo các xã điểm, các lớp theo mô hình thí điểm gắn với tiêu chí giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, công tác kiểm tra, giám sát luôn được cấp ủy chính quyền thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, đánh giá và các chỉ tiêu giám sát Đề án theo Quyết định số 1582/QĐ-LĐTBXH công tác đi hướng dẫn, kiểm tra, giám sát về triển khai và thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Nội dung tập trung vào việc triển khai Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Chính phủ. Đơn cử, chỉ giai đoạn 2012 - 2017, thành phố có 32 đoàn kiểm tra, trong đó: 02 đoàn Ban chỉ đạo Trung ương; 02 đoàn Tổng cục Dạy nghề (gồm 01 đoàn của Thanh tra Tổng cục Dạy nghề và 01 đoàn của Vụ dạy nghề thường xuyên Tổng cục Dạy nghề); 01 đoàn Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; 08 đoàn Ban chỉ đạo thành phố; 02 đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân thành phố; 06 đoàn Thanh tra Sở LĐ-TBXH; 01 đoàn Thanh tra Nhà nước thành phố; 01 đoàn Kiểm toán khu vực V; 09 đoàn quận, huyện.

… Đến hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Trong giai đoạn 2012 - 2017, thành phố tổ chức đào tạo nghề cho 20.703 lao động nông thôn, đạt tỷ lệ 75,28% so với kế hoạch đề ra. Trong đó: trình độ Trung cấp nghề (vừa học nghề, vừa học bổ túc Trung học phổ thông): 456 học sinh; trình độ sơ cấp nghề và dưới 03 tháng: 20.247 học viên, được phân theo 2 nhóm: nhóm nghề nông nghiệp (nghề Trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) với 3.382  học viên và nhóm nghề phi nông nghiệp (nghề thuộc ngành Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ) với 16.865 học viên; công tác dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện được chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất canh tác (đối tượng 1) là 1.618 người chiếm 8%; hộ cận nghèo (đối tượng 2) là 433 người chiếm 2,1%; lao động nông thôn còn lại (đối tượng 3) là 18.196 người chiếm 89,9%. Theo đó, tổng số lao động nông thôn hoàn thành khóa học có 17.357/20.703 người đã hoàn thành các lớp học nghề (Trung cấp nghề: 155; sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng: 17.202 người), trong đó 20.477 người có việc làm sau đào tạo nghề (đạt 72%), các địa phương có tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề cao là: Thới Lai (77%), Thốt Nốt (79%), Phong Điền (80%), Vĩnh Thạnh (85%)…

Đến nay, bằng nhiều cách làm phù hợp, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của thành phố Cần Thơ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ: Thành phố Cần Thơ đã mở được gần 1.207 lớp đào tạo nghề cho hơn 41.145 lao động với tổng kinh phí 145 tỷ đồng. Trong đó, chia theo các nhóm nghề nông nghiệp đã có 262 lớp được mở, đào tạo cho 7.337 học viên; nhóm nghề phi nông nghiệp (gồm các nghề thuộc ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ) đã mở được 945 lớp với 33.808 học viên. Sau đào tạo, đã có 83,7% lao động có việc làm.

Mặt khác, qua học nghề đã giúp nông dân tiếp cận với các ngành nghề mới, đã tạo cơ hội cho nhiều lao động có việc làm ổn định, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên thoát nghèo bền vững, nhất là đối với các hộ gia đình người dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Cụ thể, lao động người dân tộc trên địa bàn thành phố Cần Thơ được đào tạo các ngành nghề gắn với điều kiện canh tác đặc thù của từng địa phương như chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất cá giống…, những năm qua đã có gần 1.000 lao động là đồng bào dân tộc Khmer được đào tạo nghề và giải quyết việc làm, tập trung chủ yếu ở địa bàn nông thôn thuộc các quận, huyện như: Ô Môn, Thới Lai, Cờ Đỏ, Vĩnh Thạnh...; một số nghề phi nông nghiệp như may dân dụng, đan lát, sửa xe máy cũng được đồng bào dân tộc quan tâm theo học. Nhiều địa phương còn gắn công tác dạy nghề phù hợp với thị trường lao động và tiêu thụ sản phẩm, góp phần tạo thu nhập ổn định và giải quyết việc làm trên địa bàn. Điển hình như bà Thạch Thị Đầm, người dân tộc Khmer, thành viên Tổ hợp tác đan lát lục bình ở ấp Thới Hòa, thị trấn Cờ Đỏ, huyện Cờ Đỏ, hiện đang có thêm thu nhập 2 - 3 triệu đồng/tháng từ nghề đan lục bình; chị Thạch Thị Xà Lan, người dân tộc Khmer ở ấp Thới Trường 1, xã Thới Xuân, huyện Cờ Đỏ nhờ được hướng dẫn kỹ thuật nuôi bò, đời sống cải thiện rõ rệt. Theo đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề trên địa bàn thành phố tăng khá nhanh qua các năm: năm 2013 là 48%, năm 2014 là 50,07%, năm 2015 là 74,83%, năm 2016 là 78,4%, năm 2017 là 78,5% và hiện nay là 87,4%.

Đạt được kết quả nói trên, là do thành phố có nền tảng cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, giáo viên đáp ứng việc đào tạo nghề cho lao động. Hiện thành phố có 75 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 13 trường cao đẳng (trong đó có 04 trường cao đẳng đặt cơ sở tại Cần Thơ), 10 trường trung cấp (trong đó có 01 phân hiệu), 22 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 32 cơ sở khác có dạy nghề; đội ngũ giáo viên, giảng viên có kinh nghiệm, có trình độ, với 292 người, trong đó giáo viên, giảng viên cơ hữu là 161 người, thỉnh giảng 131 người, giáo viên có trình độ sau đại học 15 người (chiếm 5,1%), giáo viên có trình độ đại học 143 người (chiếm 49%), còn lại 134 người có trình độ khác (chiếm 45,9%); hệ thống nghề đào tạo cho lao động phong phú, với 72 nghề có trong danh mục đào tạo, trong đó nhóm nghề nông nghiệp là 25 nghề, nhóm nghề phi nông nghiệp là 47 nghề. Đây chính là cơ sở quan trọng để công tác đào tạo nghề cho lao động ở nông thôn được tiến hành một cách thuận lợi và có chất lượng. Ngoài ra, thành phố còn chú trọng một số nội dung mang tính chiến lược lâu dài như:

Thành phố tiến hành xây dựng và vận hành các mô hình điểm (đã có 02 mô hình điểm được triển khai ở xã Trường Xuân huyện Thới Lai - nghề trồng lúa do Trường Đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức và nghề May công nghệp cũng được thực hiện trên địa bàn huyện Thới Lai, do Trường Trung cấp nghề Thới Lai thực hiện). Đến nay, thành phố đã nhân rộng được 62 mô hình, số mô hình duy trì là 45 (trong đó mô hình hiệu quả là 30, mô hình không hiệu quả là 17 - Nguyên nhân không hiệu quả là do thiếu nguyên vật liệu, giá cả thị trường không ổn định, giá gia công thấp).

- Thành phố chủ động trong việc nắm bắt thị trường của các doanh nghiệp, thành phố đã thực hiện các mô hình đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp như: Mô hình đào tạo nghề thợ hàn theo đơn đặt hàng của Công ty Lilama ở Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn; Mô hình đào tạo nghề May công nghiệp cho Nhà máy may Vinatex ở huyện Vĩnh Thạnh; Mô hình gia công cách làm thiết bị điện xe gắn máy theo đặt hàng của Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất dịch vụ Sài Gòn IDC; Mô hình May công nghiệp kết hợp với Công ty Bitis tại quận Bình Thủy; Mô hình đào tạo nghề may cung ứng lao động cho công ty Teakwang tại quận Cái Răng; Mô hình dạy nghề gia công Đan sọt trồng hoa kiểng tại huyện Phong Điền; Mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm tại khu dân cư vượt lũ cho đồng bào Khmer ở huyện Cờ Đỏ…

- Các ngành chức năng tổ chức khảo sát nhu cầu việc làm đối với lao động nông thôn (trong đó, giai đoạn 2011 - 2015 đã khảo sát 90.694 người; giai đoạn 2016 - 2019 khảo sát được 73.293 người), chính là cơ sở khoa học để thành phố có hướng đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố thường xuyên phối hợp với địa phương vừa hướng dẫn vừa kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức thực hiện các lớp dạy nghề cho người lao động trên địa bàn các quận, huyện, xã, phường qua đó phát hiện các hạn chế, thiếu sót kịp thời chấn chỉnh xử lý.

Tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tạo nghề cho lao động nông thôn Cần Thơ giai đoạn tiếp theo

Bên cạnh những kết quả đạt được nêu trên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói chung và đào tạo thuộc lĩnh vực nông nghiệp nói riêng còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc, cụ thể: (1) Việc quán triệt triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn chưa thường xuyên. (2) Hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; (3) Trong phân cấp thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề ở một số địa phương còn chưa có sự thống nhất, còn nhiều đầu mối nên trong chỉ đạo, hướng dẫn còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao (nhất là đối với cấp xã, có lớp giao cho Hội nông dân phụ trách, có lớp giao cho Hội liên hiệp phụ nữ, Trung tâm học tập cộng đồng v.v…); (4) Công tác tìm hiểu nhu cầu học nghề, định hướng tư vấn giới thiệu việc làm chưa thực sự chú trọng, thiếu sự tham gia chỉ đạo của các đơn vị chức năng quản lý chuyên ngành cấp huyện nên một số địa phương đăng ký nhu cầu học nghề hàng năm chưa chính xác, chưa xác định được những nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nên chưa định hướng được việc làm cho người lao động sau đào tạo, xãy ra hiện tượng một số lớp sau đào tạo có tỷ lệ giải quyết việc làm thấp… Do đó, để giải quyết các vấn đề này, trong thời gian tới, thành phố Cần Thơ cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, như sau:

- Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể tiếp tục tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị số 19-CT/TW và các Quyết định, Đề án về đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tăng cường công tác phối hợp với các ngành, các cấp trong thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn; triển khai, thực hiện có hiệu quả Chương trình số 25-CTr/TU, ngày 31/12/2021 của Thành ủy Cần Thơ về “Giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm giai đoạn 2021 - 2030”.

- Tăng cường công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động; để mọi người đều có ý thức, trách nhiệm tham gia thực hiện các Chương trình, Đề án… vì đào tạo nghề giải quyết việc làm nhằm xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và phát triển Kinh tế - Xã hội của địa phương là trách nhiệm không của riêng ai mà của toàn xã hội.

- Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền, phát huy vai trò trách nhiệm của ban chỉ đạo từ thành phố đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tập trung đầu tư, xây dựng hoàn thiện các điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề như: Xây dựng cơ sở vật chất; mua sắm trang thiết bị dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; xây dựng chương trình, giáo trình...

- Đào tạo nghề cho nông dân và tạo việc làm cho lao động nông thôn phải xuất phát từ nhu cầu sử dụng lao động thực sự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn; từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; đồng thời dựa trên nhu cầu thực tế  về nghề nghiệp của người dân, chứ không phải là các hoạt động có tính phong trào, nhất thời, chạy theo chỉ tiêu.

- Việc tổ chức các khóa đào tạo phải rất linh hoạt về chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức đào tạo, phương pháp truyền đạt; chương trình đào tạo phải gắn với học liệu sinh động, đa dạng và thiết thực, phù hợp với trình độ của người học. Đồng thời, đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn phải gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động; gắn với xóa đói, giảm nghèo và góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở nông thôn; gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới theo tiêu chí nâng cao và kiểu mẫu hiện nay.

Chỉ thị số 19-CT/TW là một chủ trương đúng đắn, trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, tổ chức thực hiện thành phố Cần Thơ đã xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tiếp tục thực hiện quan điểm của Chỉ thị số 19-CT/TW, thành phố Cần Thơ phấn đấu “trở thành trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ nông nghiệp, đặc biệt là trung tâm sản xuất cây giống, con chủ lực; phát triển ngành chế biến sâu nông sản để kết nối với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng phát triển Cần Thơ thành trung tâm logistics nông sản của Vùng cho thị trường trong nước và thế giới” theo Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ, lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong nhận thức và hành động thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho nông dân và lao động nông thôn, góp phần huy động mọi nguồn lực cùng chung tay góp sức xóa đói, giảm nghèo bền vững; phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý của Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp và toàn xã hội trong thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; tranh thủ sự liên kết, hỗ trợ, giúp đỡ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh - dịch vụ, doanh nghiệp, cá nhân trong thực hiện các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương… góp phần hoàn thành chỉ tiêu chung của thành phố “đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80 - 85%”.

Phòng Khoa giáo

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây