Lễ hội Kỳ yên Đình Bình Thủy - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong ảnh: Lễ Xây Chầu Đại Bội. Ảnh: DUY KHÔI
Xưa nay, người ta cứ nghĩ rằng các loại hình tín ngưỡng dân gian chỉ là sản phẩm của con người thời chưa có tri thức khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế cuộc sống hiện nay, khi mà khoa học phát triển như vũ bão thì các lễ hội dân gian hằng năm vẫn tồn tại và thu hút đông đảo người tham dự. Đó là vì lễ hội dân gian nói chung còn mang giá trị xã hội - tạo sự cân bằng tâm lý cho con người. Đây là: “Một nhu cầu không hề giảm của con người trong xã hội hiện đại. Đối diện với quá nhiều gánh nặng và sự may rủi, con người hiện đại tìm thấy ở tôn giáo, tín ngưỡng một điểm tựa an toàn. Ở đó, con người cảm thấy yên tâm vì được che chở. Cũng không thể phủ nhận rằng, chính niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng sẽ góp phần điều tiết những bất ổn trong xã hội, bởi khi có đức tin, loại trừ sự cực đoan, hành vi của con người sẽ trở nên có mức độ hơn. Họ sợ một sự trừng phạt sẽ đến”(1).
Đa số các lễ hội dân gian của nước ta đều có giá trị xã hội ở khía cạnh lan truyền niềm tin rằng khi sống có đạo đức, đúng theo chuẩn mực của xã hội, điều chỉnh các hành vi của mình cho đúng lễ nghi, nghĩ điều phải, làm điều hay thì sẽ được phước về sau. Cũng bởi niềm tin này mà con người dần dần lánh xa điều ác. Song song với việc tránh làm điều ác, người ta năng làm điều thiện vì cho rằng hễ làm điều thiện thì về sau sẽ được gặp điều thiện. Những người có lòng thương người, hay giúp đỡ người khác thì sẽ có được cuộc sống an lành, hạnh phúc. Việc này làm cho công tác từ thiện xã hội thêm phát triển.
Lễ hội Tống phong ở Cần Thơ mang đậm dấu ấn văn hóa sông nước. Ảnh: DUY KHÔI
Một giá trị xã hội nổi bật khác thể hiện qua việc đến mùa lễ hội, cư dân trong vùng cùng chung sức để tổ chức. Mỗi người một việc, người góp công, người góp của… tất cả nhằm tôn vinh vị thần mà mình tôn kính để mong các vị thần này giúp đỡ mình và làng xóm. Vì vậy, mỗi khi cúng tế, lễ hội, người ta đều chung tay góp sức để làm tròn chức phận của mình. Có khi trong cuộc sống, người ta bất hòa với nhau nhưng khi vào lễ hội, sẵn sàng gạt sang bên mọi hiềm khích để toàn tâm toàn ý lo việc chung. Vì vậy, ở phương diện nào đó, lễ hội dân gian cũng là một trung gian hòa giải của xã hội và thắt chặt tính cộng đồng. “Trong lễ hội cổ truyền, tính cộng đồng thể hiện qua sự cộng mệnh và cộng cảm. Cộng mệnh là sự gắn bó giữa những con người trong cộng đồng thông qua vận mệnh của cộng đồng. Đó là việc cùng suy tôn, tôn thờ một biểu tượng có sức mạnh siêu nhiên bảo vệ cho sự tồn vong của cộng đồng. […] Đó có thể là một vị thiên thần hay nhân thần nào đó là thành hoàng các làng, là tổ sư các nghề thủ công, đánh cá. [...] Thậm chí trong xã hội cổ truyền của làng xã, chỉ việc đặt hướng đình không thôi cũng ảnh hưởng tới hết thảy mọi thành viên của cộng đồng”(2).
Trong lễ hội, từ sự cộng mệnh tới cộng cảm thông qua các hoạt động của lễ và hội. Ngay trong cộng mệnh đã có cộng cảm, đó là sự đồng cảm về các hoạt động tâm linh và các sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Hội gần như là dịp duy nhất phô diễn những sinh hoạt văn hóa cộng đồng, từ múa, hát giao duyên, hát thờ, các diễn xướng sân khấu cổ truyền, các cuộc thi tài mang tính thượng võ, các trò diễn phong tục, vui chơi giải trí, thưởng thức các món ăn có tính phong tục… Trong sinh hoạt hội, mọi người đều tham gia trình diễn, sáng tạo, thưởng thức và hưởng thụ, tạo nên niềm cộng cảm giữa các thành viên, sự nhất quán trong việc trao truyền các giá trị văn hóa giữa các thế hệ. Những hoạt động văn hóa trong lễ hội, đặc biệt là những trò diễn hay các món ăn mang tính phong tục đặc thù liên quan đến các nghi lễ tôn thờ thần linh, do vậy được coi là những vui chơi, ăn uống mang tính thiêng, tạo nên sự đồng cảm không chỉ giữa con người với con người trong cộng đồng mà còn giữa con người với thần linh, vươn tới trạng thái hòa đồng mà con người luôn có ước vọng(3).
Như vậy, lễ hội dân gian ngoài việc thể hiện các giá trị lịch sử, văn hóa còn thể hiện sự cộng mệnh và cộng cảm của một cộng đồng. Bên cạnh đó, lễ hội dân gian cũng góp phần vào việc khuyến thiện trừ ác và lan tỏa công tác từ thiện xã hội.
Trần Phỏng Diều
Theo https://baocantho.com.vn
---------------
(1) Nguyễn Thị Việt Hương (2015), “Tục thờ nước của người Việt qua lễ hội ở Hà Nội và phụ cận”, NXB Lao Động, Hà Nội, tr.251-252.
(2) Ngô Đức Thịnh (1993), “Những giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền và nhu cầu của xã hội hiện đại”, trong cuốn “Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại”, NXB KHXH, Hà Nội, tr.284
(3) Ngô Đức Thịnh (1993), sđd, tr.285.