Vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong xây dựng Hiến pháp năm 1946

Thứ năm - 16/02/2023 02:16 1.085 0
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Nhà nước mới là xây dựng Hiến pháp. Bài viết tập trung phân tích vai trò của Hồ Chí Minh trong xây dựng Hiến pháp năm 1946 và ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946.
16 2 banhienphap
Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Hiến pháp năm 1946. Ảnh: TL.
Đặt vấn đề

Trên hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã nghiên cứu nhiều mô hình tổ chức bộ máy Nhà nước trên cả phương diện lý luận và thực tiễn. Cách mạng tháng Tám thành công, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta ra đời đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử nền pháp lý của Việt Nam. Thắng lợi này gắn liền với vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người lãnh đạo Nhân dân Việt Nam đấu tranh giành chính quyền, lập nên Nhà nước Cộng hòa dân chủ đầu tiên, là người giữ cương vị Trưởng ban soạn thảo Hiến pháp năm 1946.

Nội dung

Vai trò của Hồ Chí Minh trong xây dựng Hiến pháp năm 1946

Trong thực tiễn đấu tranh cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm nghiên cứu các hình thức tổ chức quyền lực nhà nước trên thế giới để có sự lựa chọn, kế thừa nhằm xây dựng mô hình nhà nước đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân ta. Người đã nghiên cứu mô hình bộ máy nhà nước tư sản ở Mỹ, Pháp và đặc biệt là mô hình nhà nước Xôviết - nhà nước kiểu mới. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người xuất hiện một nhà nước mang bản chất giai cấp công nhân, đại biểu cho lợi ích của nhân dân lao động, do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Đây là thắng lợi có ý nghĩa quyết định hàng đầu của cách mạng, đem lại công cụ chính trị có hiệu lực trong xây dựng xã hội mới, xóa bỏ áp bức, bóc lột, vì cuộc sống hạnh phúc của con người. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Hồ Chí Minh khẳng định: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật,… Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền…” [3, tr.304]. Vì vậy, Người đã lựa chọn con đường cách mạng vô sản, thiết lập Nhà nước kiểu mới đại biểu cho lợi ích của Nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn kiểu nhà nước Xôviết, nhưng Người không lấy nguyên bản kiểu nhà nước ấy để xây dựng ở Việt Nam mà Người đã sáng tạo, cải biến cho phù hợp với đặc điểm của Việt Nam. Tư tưởng này đã thể hiện nhận thức mới về xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân của Người. Khi về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, rút kinh nghiệm mô hình chính quyền Xôviết Nghệ - Tĩnh (1930-1931); tiếp nối quan điểm của Đảng tại Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương (tháng 11/1939); tại Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5/1941), Hồ Chí Minh và Đảng ta đã có sự điều chỉnh chủ trương về xây dựng, tổ chức bộ máy nhà nước ở Việt Nam trong tương lai. Hội nghị nhận định: “Không nên nói công nông liên hiệp và chính quyền Xôviết mà phải nói toàn thể nhân dân liên hiệp và lập chính phủ dân chủ cộng hòa” [1, tr.127]. Chương trình Việt Minh được Hội nghị thông qua ghi rõ: “Sau khi đánh đuổi được đế quốc Pháp, Nhật, sẽ lập một chính phủ nhân dân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… Chính phủ ấy do quốc dân đại hội cử ra” [1, tr.150]. Từ mô hình Nhà nước Xôviết công - nông - binh chuyển sang mô hình nhà nước dân chủ cộng hòa - nhà nước đại biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là một bước chuyển hết sức tiến bộ, là sự lựa chọn đúng đắn của Hồ Chí Minh.

Giữa tháng 8/1945, được tin Nhật đầu hàng đồng minh, Hồ Chí Minh quyết định họp đồng thời Hội nghị của Đảng và Đại hội đại biểu quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào). Quốc dân Đại hội Tân Trào mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội nước Việt Nam mới, một cơ quan quyền lực lâm thời tối cao của dân tộc. Cơ quan này chẳng những góp phần nên thắng lợi vẻ vang của Cách mạng Tháng Tám mà Nghị quyết của nó còn tạo ra những cơ sở cho sự hình thành và ra đời của một cơ cấu, thể chế nhà nước mới, đặt nền móng cho việc xây dựng Hiến pháp mới.

Ngày 02/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ ngày 03/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách cần phải làm của Chính phủ mới. Một trong những nhiệm vụ cấp bách đó là xây dựng Hiến pháp. Ngày 20/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 34-SL thành lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp gồm 07 thành viên. Tháng 11/1945, Ủy ban dự thảo đã hoàn thành công việc và bản dự thảo Hiến pháp được công bố cho toàn dân thảo luận. Hàng triệu người Việt Nam hăng hái tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo Hiến pháp chứa đựng nguyện vọng của Nhân dân ta về độc lập và tự do. Ngày 09/11/1946, Quốc hội đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Hiến pháp năm 1946 gồm Lời nói đầu, 07 chương và 70 điều đã phản ánh đầy đủ những nội dung cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là quyền dân tộc độc lập, thống nhất lãnh thổ, xây dựng thể chế dân chủ cộng hòa, một chế độ bảo đảm quyền dân chủ tự do cho mọi người dân, thể hiện một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc và một tinh thần liêm khiết, công bằng của giai cấp.

Lời nói đầu của Hiến pháp ghi nhận thành quả của Cách mạng Tháng Tám trong việc chống thực dân Pháp xâm lược giành độc lập cho Tổ quốc; nêu lên những kinh nghiệm của dân tộc ta trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước; xác định những nhiệm vụ cơ bản của dân tộc là bảo toàn lãnh thổ, giành độc lập hoàn toàn và kiến thiết quốc gia trên nền tảng dân chủ. Lời nói đầu khẳng định ba nguyên tắc cơ bản của bản Hiến pháp này: “Đoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo. Đảm bảo các quyền tự do dân chủ. Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của Nhân dân” [5].

Chương I quy định chính thể của Việt Nam là Dân chủ cộng hòa. Xây dựng khối đoàn kết toàn dân, Điều 1 của Hiến pháp xác định: “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể Nhân dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo. Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia” [5]. Đây là một bước tiến lớn trong lịch sử phát triển của Nhà nước Việt Nam, thể hiện quyền lực nhà nước thống nhất ở Nhân dân.

Chương II, Hiến pháp năm 1946 nói về chế định quyền công dân. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nhân dân Việt Nam được đảm bảo các quyền tự do, dân chủ. Điều 1, Hiến pháp quy định: “Công dân Việt Nam có quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài” [5]. Hiến pháp năm 1946 là Hiến pháp dân chủ rộng rãi, lần đầu tiên trong lịch sử, quyền bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân được pháp luật ghi nhận (Điều 6,7) và đây cũng là lần đầu tiên phụ nữ được ngang quyền với nam giới trên mọi phương diện. Hiến pháp 1946 khẳng định những quyền hợp pháp của công dân sau một thời gian dài dưới sự thống trị của các triều đại phong kiến và nhiều năm bị sự đô hộ của thực dân Pháp. Người dân trong các chế độ đó không được coi là một công dân theo đúng nghĩa của nó mà bị coi là những “thần dân” với những quyền dân chủ rất hạn chế. Với Hiến pháp 1946, quyền của người dân Việt Nam có một bước tiến nhảy vọt khi người dân từ địa vị bóc lột, nay đã thực sự làm chủ cuộc đời mình với tư cách công dân của một nước độc lập, tự do và dân chủ.

Chương III của Hiến pháp quy định về Nghị viện nhân dân. Chương IV quy định về Chính phủ - cơ quan hành chính cao nhất của toàn quốc. Chương V quy định phương diện hành chính, bộ, tỉnh, huyện, xã; quy định về cơ quan hành chính (Ủy ban hành chính và Hội đồng nhân dân) các cấp. Chương VI quy định về cơ quan tư pháp bao gồm tòa án tối cao, các tòa án phúc thẩm, các tòa án đệ nhị cấp và sơ cấp. Chương VII quy định về việc sửa đổi Hiến pháp.
 
Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội. (Ảnh tư liệu).

Ý nghĩa của Hiến pháp năm 1946


Từ bản Yêu sách tám điểm của nhân dân An Nam cho đến Chánh cương vắn tắt của Đảng và chủ trương phải có Hiến pháp dân chủ trong chương trình hành động của Hội đồng Chính phủ lâm thời tại phiên họp đầu tiên đã thể hiện quá trình nhận thức của Hồ Chí Minh về một Hiến pháp của nước Nhà nước dân chủ ở Việt Nam. Hiến pháp năm 1946 ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, phức tạp, quan hệ đến sự mất còn của chính quyền cách mạng non trẻ Việt Nam. Với những chế định cụ thể, Hiến pháp năm 1946 đã tạo cơ sở pháp lý để Nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Tinh thần dân chủ của Hiến pháp góp phần tập hợp mọi lực lượng yêu nước, dân chủ trong cả nước, tạo chỗ dựa về chính trị và pháp lý cho Nhà nước dân chủ nhân dân trong công cuộc vừa kháng chiến, vừa kiến quốc. Hiến pháp năm 1946 đánh dấu thắng lợi lịch sử đã giành được trong Cách mạng Tháng Tám, xác lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phát triển cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Mục tiêu chiến lược của Hiến pháp là hoàn thành độc lập dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ nhân dân, chuẩn bị tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đánh giá về ý nghĩa của việc ban hành bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “... bản Hiến pháp đầu tiên trong lịch sử nước nhà... là một vết tích lịch sử, Hiến pháp đầu tiên trong cõi á Đông... Bản Hiến pháp đó chưa hoàn toàn nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới nước Việt Nam đã độc lập. Hiến pháp đó tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do… phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân. Hiến pháp đó đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các giai cấp” [4, tr.491].

Kết luận

Hiến pháp năm 1946 - đạo luật cơ bản đầu tiên của Nhà nước Việt Nam mới với chính thể Dân chủ cộng hòa được soạn thảo và thông qua gắn liền với vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nội dung cơ bản của Hiến pháp năm 1946 đã và đang được kế thừa, bổ sung, phát triển góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Nhà nước. Xác định rõ hơn vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trên cơ sở các nguyên tắc pháp quyền, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ và tăng cường kiểm soát quyền lực nhà nước” [2, tr.174].
 
ThS. Triệu Thanh Sơn
Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở, Trường Chính trị TP

--------------------------
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb.CTQG, Hà Nội, 2000. 
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, 2021.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, 2011.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb. CTQG Sự thật, Hà Nội, 2011.
5. Hiến pháp năm 1946.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây