Dấu ấn không gian sông nước được thể hiện trong cách nói, phương ngữ của người Nam Bộ. Trong ảnh: Bến chợ Lái Niên, Gò Quao - Kiên Giang. Ảnh: DUY KHÔI.
Đầu tiên là nói trại. Do kính sợ các thế lực siêu nhiên nên khi buột miệng kêu than, người ta kêu trại "Trèn Ðét ơi!" (thay vì "Trời Ðất ơi") hay "Thánh Thiền ơi" (không kêu Thánh Thần). Một cách nói phổ biến khác là nói tránh. Thay vì gọi đúng tên một nhân vật lịch sử có công to với dân với nước, như Chưởng cơ Nguyễn Hữu Kính người ta gọi trại đi là Nguyễn Hữu Cảnh hoặc ông Nguyễn Văn Thoại hay được gọi tôn kính là Thoại Ngọc Hầu.
Nói ngược cũng khá phổ biến, thường để cưng nựng người khác hoặc tự an ủi mình. Thí dụ như leo núi mệt quá thì nói khỏe quá, hoặc nhìn đứa bé kháu khỉnh thấy thương thì nói thấy ghét. Bên cạnh đó còn có nói lề - là cách nói để tổng kết, giải thích những hiện tượng được đúc kết bằng kinh nghiệm trong giao tiếp xã hội hoặc có cơ sở từ đời sống lao động sản xuất. Thí dụ câu "Ðàn ông miệng rộng thì sang/ Ðàn bà miệng rộng tan hoang cửa nhà". Hoặc đang cất hay lợp nhà mà trời đổ mưa, hoặc nhằm lúc nước lớn đầy; thì người Nam Bộ thường nói rằng đó là điều tốt, chủ nhà sẽ làm ăn phát đạt. Trên thực tế, những cách nói này có cơ sở vì đang lợp nhà, nhờ có mưa nên phát hiện những nơi trống, bị dột hoặc bị tạt thì thuận tay sửa lại liền, tránh được rắc rối về sau. Còn nước lớn đầy là điều kiện thuận lợi cho giao thông, tiện vận chuyển vật liệu, nhờ đó công việc làm nhà tiến hành trôi chảy, hoàn thành đúng ý muốn.
Nói đánh đầu là một cách nói khá lạ nhưng phổ biến ở Nam Bộ, kiểu như "Nói vậy chớ hổng phải vậy". Thí dụ, nhà có con đi chơi, trông đợi mãi đến khuya mới về kêu cửa, người mẹ vừa mở cửa vừa nói đánh đầu: "Ði luôn đi!" (dù trong bụng mừng quá mừng vì con đã về nhà an toàn). Hoặc thấy con cưng đang bị cha đánh đòn quá nặng tay, bà mẹ đau xót muốn xin can, nhưng lại nói "Sao không lấy củi bửa mà đánh, đánh chi cây roi nhỏ vậy!".
Người Nam Bộ có cách nói, giao tiếp đặc trưng, hình thành dấu ấn phương ngữ dễ nhận biết. Ảnh: DUY KHÔI.
Người Nam Bộ cũng hay nói nhẹ hóa ý nghĩa. Ví dụ thay vì nói cho vay, nghe "ác đức" (vì thường theo sau nó luôn có hai tiếng "cắt cổ" đi kèm với ý kêu rêu), thì dùng từ "giùm", mà điển hình là câu ca dao: "Ði buôn không vốn anh giùm/ Ở nhà chi đó chú trùm chú ve". Hoặc thay vì nói chết, họ dùng tiếng mất, hoặc qua đời; để giảm được phần nào xót xa
đau buồn.
Nói rút là cách nói cho mau hết câu, vì đặc điểm của người Nam bộ là phát âm tiếng nói rõ, chậm nên họ nghĩ ra cách nói rút cho nhanh hơn, nhất là khi đề cập đến một người thứ ba hoặc một nơi chốn, vị trí khác với nơi người ta đang ở tại đó. Thí dụ như để chỉ một khoảng thời gian mới xảy ra, người ta nói "hồi nảy", đối với việc xảy ra hơi lâu thì "bữa hổm"; còn nếu chuyện rất lâu, xưa lắm thì nói "hồi nẳm". Ðể chỉ vị trí hoặc nơi chốn, người ta nói: trỏng (trong ấy), ngoải (ngoài ấy), bển (bên ấy), trển (trên ấy)… Nét thú vị của người Nam Bộ là bên cạnh nói rút thì cũng có cách nối thêm vài tiếng để gợi tả hoặc làm cho tăng sắc thái, cường độ tình cảm như: sáng trưng, nhọn hoắc nhọn liễu, hết trơn hết trọi, buồn xo, lạnh thấu xương, giận hết can, hay hết cỡ…
Sắc thái tình cảm trong cách nói của người Nam Bộ cũng rất phong phú. Ðể bày tỏ sự ngạc nhiên, người ta thường dùng thêm những tiếng "ủa?", "vậy sao!", "hèn chi!", "hèn gì!", "hèn nào!", "mèn đét ơi"... Hoặc ngạc nhiên nhưng không đồng tình thì nói "ậy!". Khi nhắc đến người khác, việc khác mà có ý khinh chê, lúc nói người ta lập lại tiếng đó và cộng thêm vần "iếc", như "kỹ sư kỹ siếc gì!". Trong câu nói người ta cũng thường nói thêm những tiếng "luôn", "rồi" để biểu thị sự đồng tình hoặc tỏ ý đã nghe, đã hiểu, vừa khẳng định thái độ, vừa thúc đẩy công việc tiến nhanh hơn, hoặc cắt lời nhưng không làm người đối thoại phật lòng. Ðể bày tỏ sự lịch sự, lễ phép, đồng ý… thì người Nam Bộ nói "dạ". Tiếng "dạ" đặc trưng của người Nam Bộ ngoài nghĩa đáp tiếng gọi của người đáng kính, còn có nghĩa là nghe và đồng ý, ngụ ý rằng "dạ! con làm liền!". Còn khi dặn dò, nhắn nhủ, thì ngay cả người lớn khi nói với trẻ nhỏ, cũng kèm theo tiếng "nghen", "ngheo", "nha"... như vỗ về, tăng sự thân tình, động viên.
Một đặc trưng khác là trong cách đếm, kể của người Nam Bộ. Khi gọi các thứ trong gia đình từ lớn đến nhỏ thì bắt đầu từ thứ hai (không có thứ cả như miền Bắc), tiếp theo là ba, tư (không nói bốn), năm, sáu, bảy, tám, chín… rồi đến út. Nếu đến út rồi mà lỡ "bể kế hoạch", thì người Nam Bộ có cách gọi dễ thương như út thêm, út ráng, út nữa... Còn trong cách đếm, khi đến hàng chục, người Nam Bộ thường nói hai chục, ba chục... mà hiếm khi nói hai mươi, ba mươi... Sau đó thì là hăm mốt (không nói hai mươi một), hăm hai, hăm ba, hăm bốn (hiếm khi nói hai mươi tư), hăm lăm (không nói hai mươi năm)…
Cách nói những ngày sắp tới của người Nam Bộ cũng thú vị. Họ dùng từ "mơi", "mốt" để nói về ngày cách hôm nay một ngày, hai ngày. Khi nói về những ngày đã qua, thì người Nam Bộ dùng từ "hôm qua" (cách hôm nay một ngày), "hôm kia" (cách thêm ngày nữa)… Nếu không xác định rõ ngày nào thì nói "bữa hổm". Một từ mà giới trẻ Nam Bộ ngày nay vẫn hay dùng là "hôm bữa", nghe hơi lạ tai nhưng cũng khá
dễ thương.
Trên đây chỉ là vài cách nói được khái quát, vẫn còn nhiều cách nói đặc trưng, thể hiện bản sắc, tính cách người Nam Bộ hình thành từ thuở khai hoang mở đất đến nay vẫn còn trong sinh hoạt dân gian. Những câu chuyện thú vị đó vẫn đang được sưu tầm, khái quát, góp phần làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Nam Bộ.
Nguyễn Hữu Hiệp
Theo BCT