Truyện ngắn: Bài vọng cổ ấy buồn quá

Thứ hai - 19/09/2022 10:58 311 0
Hai đứa không có tài sản để chia. Thực sự là chẳng có gì đáng giá để chia hết. Thụy cũng chẳng đành nuôi bé My năm nay chuẩn bị đi mẫu giáo. Con bé ngây thơ ôm mẹ, hỏi: “Mình đi đâu vậy mẹ, ba có đi với mình không?”. Tôi chỉ biết ôm con mà lòng như có muối đang xát.

Nhà mẹ tôi ở xa hút miền Trung, xa lắm. Mẹ đã già và nhà lại đông anh chị em. Thường thì những người phụ nữ sau khi chia tay chồng chọn con đường về nhà. Dù sao thì gia đình ruột thịt vẫn là chỗ bấu víu cuối cùng. Nhưng tôi không thể bấu víu vào mẹ lúc này được. Bởi tôi biết sự trở về của mẹ con tôi sẽ trở thành gánh nặng cho mẹ, và sự lìa xa trong gia đình nhỏ của tôi cũng sẽ làm mẹ đau lòng.

Tôi có một thời yêu Thụy nồng nhiệt. Tình yêu ấy luôn làm cho tôi ngập tràn hạnh phúc và tôi không nghĩ rằng mối tình đẹp như mơ ấy có thể tan vỡ một cách nhanh chóng. Tôi và Thụy gặp nhau trên chuyến xe đò đầy bất trắc khi tôi vừa về thăm mẹ, trở lại thành phố đi làm sau những ngày nghỉ. Tôi làm việc ở một xí nghiệp may công nghiệp. Lương đủ sống và để có thể gói ghém mỗi tháng gửi chút tiền đỡ đần cho mẹ, tôi chọn sống trong khu nhà trọ với con hẻm đi vào mù mù ánh đèn đêm. Thú vui vào ngày không tăng ca là ra ngồi ở mấy quang gánh hàng rong, xe đẩy đồ ăn vặt đầu hẻm. Đôi khi là một nhóm bạn sống xa quê xúm xít quanh xe nước mía, uống ly nước mía nghe tiếng loa rè rè phát ra những bản nhạc tình bolero. Sống như thế cũng quen, sống như thế cũng trôi qua những vui buồn, chỉ mong là đừng bệnh hoạn, chỉ mong là xí nghiệp ký được nhiều đơn hàng, có nhiều việc để còn được tăng ca, kiếm thêm chút tiền.

Thụy ngồi bên cạnh tôi trên chuyến xe đò trở về. Anh bắt chuyện rất có duyên và khéo léo chăm sóc tôi khi xe bị ùn tắc ở một đoạn đường do phía trước có tai nạn. Anh đi mua nước, anh mua đồ ăn, lo cho tôi như thể tôi và anh đã quen rất lâu. Để rồi sau chuyến xe bất trắc đó là những cuộc hẹn hò.

Những cuộc đi chơi quanh những con đường rợp lá me bay trong thành phố, trên chiếc xe máy cũ kỹ của anh, với tôi là đủ. Khi chưa có anh, cái gì cũng chỉ có một mình tôi. Khi có anh, chỉ cần ôm vòng eo anh rắn chắc, chỉ cần ngồi ở vỉa hè ăn đĩa cơm bụi, với tôi đã là tất cả. Tôi tin vào tình yêu dẫu rằng những người xung quanh tôi kể biết bao câu chuyện hoài nghi, tan vỡ tình yêu và hết niềm tin vào hôn nhân. Anh nói gia đình anh nghèo. Tôi đến thăm gia đình anh và nhận ra cái nghèo ấy khi đi vào con hẻm hun hút sâu, những căn nhà nhỏ và con hẻm buồn tênh. Cả nhà anh sống nhờ sạp hàng ngoài chợ. Sạp hàng có đủ loại mắm muối, cá khô, mực khô cùng với nhiều thứ linh tinh khác do mẹ anh làm chủ gần 30 năm nay. Mẹ anh nói với tôi: “Nếu con và Thụy thành vợ chồng, mẹ sẽ sang thêm một sạp hàng để con buôn bán nhé”. Tôi nói với mẹ anh: “Không cần đâu mẹ ơi. Mẹ cứ buôn bán như bao năm qua. Con làm việc ở xí nghiệp may cũng ổn định rồi”.

Đám cưới nhỏ diễn ra ở một nhà hàng nhỏ. Vài chục bạn bè tới dự, ai cũng chúc mừng tôi tìm được người yêu thương. Rồi tôi và Thụy thuê căn nhà cũng nhỏ, chăm lo cho hạnh phúc mà mình tìm thấy. Tôi đã nhận được từ Thụy những rung động đầu đời của người con gái. Lúc đó tôi không nghĩ rằng tình yêu trong nghèo khó sẽ dễ dàng làm cho hai người dẫu yêu nhau tha thiết vẫn không thể cùng đi hết đoạn đường đời.

Hằng ngày Thụy chạy xe ôm. Anh lanh lợi in danh thiếp, đưa đến từng nhà, từng người và cả những người khách tình cờ vẫy xe anh. Tôi nói đùa anh là “bác tài a lô”. Nhờ biết đưa cách thức liên lạc với người đi xe, lại cẩn thận lại vui vẻ, mà anh kiếm được chút tiền. Rồi tôi mang thai, tôi rời xí nghiệp may về mở quán cà phê cóc nhỏ. Cuộc mưu sinh của hai vợ chồng dẫu có bấp bênh, nhưng được cái tự do và cũng thong thả, để anh và tôi mơ về một tương lai rạng rỡ hơn. Cho đến ngày tôi gặp anh cùng cô gái ấy vào một buổi tối.

Đó là buổi tối rất nóng. Thành phố vào mùa hè, những cơn gió ướp trong đó ánh nắng mặt trời làm cho con người trở nên khó chịu. Anh và cô gái đó ngồi tình tứ trong một quán ăn. Sau đó tôi hỏi, anh nói: “Khách hàng thường xuyên thôi mà”. Lúc đầu tôi không chú ý, vì cô gái ấy ăn mặc đúng mốt và sang trọng so với Thụy của tôi. Tôi cũng không có thì giờ để ghen tuông, vì tôi phải lo bao nhiêu việc cho quán cà phê nhỏ và con gái nhỏ. Cho đến khi vào một đêm anh trở về nhà rất khuya. Anh vào giường lay tôi dậy, nói: “Mỹ Ngọc đã có con với anh”. Trong đêm, tôi chỉ biết nhìn vào mặt anh trân trân và nghe trái tim mình vỡ lần từng mảnh.

* * *

Bạn bè hay nói: “Sao mày không đánh ghen một trận cho xấu mặt cái con cướp chồng người khác”. Tôi chỉ im lặng. Thụy chở Mỹ Ngọc hằng ngày với lý do Mỹ Ngọc là khách hàng thường xuyên. Rồi từ chiếc xe máy Trung Quốc, Thụy đem về chiếc xe tay ga mới. Tôi hỏi, Thụy trả lời: “Mỹ Ngọc cho mượn tiền mua, chở cô ấy trừ lần. Vì cô ấy không thích đi chiếc xe máy cà tàng nữa”. Tôi dẫu có tin vào tình yêu tới mức khờ khạo, cũng nhận ra rằng Thụy đã bị một người đàn bà khác đem tiền ra quyến rũ và Thụy đã thần phục trước đồng tiền.

Nghĩ đi nghĩ lại nát nhàu bao đêm trắng. Đọc những bài báo dạy cách giữ chồng, nào là phải lo bữa ăn ngon, phải đi làm tóc, phải son phấn đẹp đẽ, phải váy áo, phải sexy... để rồi tôi bỗng buồn cười vì vật giá leo thang, cầm mấy giờ giấy bạc nhẹ tênh. Lúc lựa con cá rẻ mà mua, tôi chợt nghĩ vậy thì lấy gì để lo bữa ăn ngon giữ chồng? Muốn làm lại mái tóc, tốn vài trăm ngàn là xót xa. Tôi có bao giờ mặc áo ngủ, mà nhà làm gì có phòng ngủ với tấm rèm hồng, với drap trắng, với nước hoa thơm. Đề rồi qua từng ngày từng đêm, tôi dần nhận ra không còn nghe mùi mồ hôi của Thụy vì phải chở khách vất vả ướt đầm lưng áo, mà nghe mùi son phấn của một người đàn bà khác. Những đêm thức trắng, đồng hành cùng tôi là những bài vọng cổ buồn vẳng qua từ căn trọ hàng xóm.

Ly dị anh nhé. Tôi để tờ đơn đã ký sẵn tên mình trên bàn. Tối nay Thụy sẽ ký. Tôi biết tôi có thể dùng dằng níu giữ. Tôi có thể kiện Mỹ Ngọc vì vi phạm luật hôn nhân. Nhưng trái tim tôi đã cạn những nhịp đập yêu thương, tôi trả tự do cho anh. Buổi sáng khi tôi thức dậy thì anh cũng đã rời nhà sớm. Tờ đơn ly dị đã có chữ ký của anh. Nhìn tờ giấy mà lòng như có cơn bão đang về. Chắc anh đã thỏa thuê lòng vì anh có thể về ở chung nhà với Mỹ Ngọc.

Hai mẹ con rời khỏi nhà trên chiếc xe ôm, đồ đạc gói gọn trong hai túi xách. Chìa khóa phòng để lại cho bà chủ nhà. “Thằng Thụy qua nhà con Mỹ Ngọc rồi, em ở lại nơi này đi. Thương hai mẹ con, chị giảm giá nhà cho...” - bà chủ nhà nói vậy. Thế nhưng tôi phải đi. Khi bắt đầu lại sẽ khó khăn hơn, chắc chắn là vậy rồi, nhưng không thể bắt đầu từ một nơi mà kỷ niệm loang đầy. Từ căn trọ nhà bên, vẳng lên bài vọng cổ như tiễn mẹ con tôi. Bài vọng cổ ấy buồn quá.

Chiếc xe chạy thong dong trên con phố đông người. Về một nơi chốn lạ, bắt đầu cuộc sống mà không có Thụy. Dẫu vậy sự bắt đầu này không quá chông chênh với tôi, vì tôi biết phía trước còn đoạn đường dài tôi phải một mình lo cho con gái của mình khôn lớn.

Khuê Việt Trường

(Theo Báo Cần Thơ)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây