Mối quan hệ hữu nghị, truyền thống qua những thăng trầm lịch sử
Mối quan hệ gắn bó giữa hai dân tộc không phải đến năm 1950 mới được thiết lập mà đã được hình thành từ trước đó gần ba thập niên, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi tìm kiếm con đường giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách thống trị của thực dân. Liên bang Xô-viết có vai trò to lớn trong việc hình thành tư tưởng cách mạng của người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc. Sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước, ngày 30-6-1923, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đặt chân tới thành phố Petrograd (nay là Saint Peterburg) - cái nôi của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại và Người đã tìm ra chân lý thời đại, Cách mạng Tháng Mười Nga mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người, trong đó có dân tộc Việt Nam. Dưới ánh sáng của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga, trực tiếp là Luận cương của V.I. Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã dẫn dắt cách mạng Việt Nam đi theo con đường cách mạng vô sản và đặt nền móng vững chắc cho mối quan hệ Việt Nam - Nga.
Cách mạng Tháng Tám thành công và sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc. Tuy nhiên, ngay sau đó, đất nước ta lại phải đối mặt với nhiều cam go, thử thách trong cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân để bảo vệ nền độc lập non trẻ. Trước tình hình đó, ngày 14-1-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời tuyên bố” gửi chính phủ các nước trên thế giới: “Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ hợp pháp duy nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam. Căn cứ trên quyền lợi chung, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ nước nào trọng quyền bình đẳng, chủ quyền lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của nước Việt Nam, để cùng nhau xây dựng hòa bình và xây đắp dân chủ thế giới”(1).
Đảng ta cũng sớm nhận định “mọi thắng lợi của Đảng ta và của nhân dân ta không thể tách rời sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô”. Ngày 23-1-1950, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoàng Minh Giám thay mặt Chính phủ Việt Nam gửi công hàm tới Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Liên Xô, đề nghị hai nước kiến lập quan hệ ngoại giao chính thức và trao đổi cấp đại sứ. Đáp lại, ngày 30-1-1950, Chính phủ Liên Xô đã chính thức tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và trở thành một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam, thể hiện sự đoàn kết và ủng hộ mạnh mẽ của Liên Xô đối với sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, cũng như mở đường cho sự công nhận của các nước xã hội chủ nghĩa khác.
Việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Liên Xô năm 1950 giữa muôn vàn khó khăn của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là khởi đầu cho sự hợp tác xuyên suốt, bền chặt đến ngày nay. Ngày 10-3-1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quốc thư cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Liên Xô và Việt Nam chính thức mở Đại sứ quán tại Thủ đô Moscow (Liên Xô trước đây, Nga ngày nay). Sau khi miền Bắc hoàn toàn giải phóng, tháng 7-1955, Chủ tịch nước Hồ Chí Minh đã thực hiện chuyến thăm chính thức đầu tiên đến Liên Xô. Chuyến thăm góp phần củng cố hơn nữa tình đoàn kết, gắn bó với giữa hai nước, hai dân tộc, mở đường cho sự hợp tác giữa hai nước trên tất cả lĩnh vực trong giai đoạn đấu tranh, thống nhất đất nước và xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, “tình hữu nghị Liên Xô và Việt Nam là một nhân tố quan trọng bảo đảm cho thắng lợi của nhân dân Việt Nam đang đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc”. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn nhận được sự giúp đỡ chí tình, sự ủng hộ quý báu, to lớn và hiệu quả từ Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô với khẩu hiệu: “Đối với những người cộng sản Liên Xô, đoàn kết với Việt Nam là mệnh lệnh của trái tim và trí tuệ”.
Sau chiến thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam giành thắng lợi trọn vẹn, bước vào thời kỳ mới xây dựng và phát triển xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước. Quan hệ Việt Nam - Liên Xô cũng bước vào giai đoạn phát triển mới. Nhân dân Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ chí tình của nhân dân Liên Xô. Nhiều công trình kinh tế - văn hóa do Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng, như Trường Đại học Bách Khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô đã gắn bó với nhiều thế hệ người dân Việt Nam và đến nay vẫn phát huy hiệu quả tích cực. Hàng chục nghìn cán bộ Việt Nam được đào tạo tại Liên Xô đã trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, là những chuyên gia giỏi trên nhiều lĩnh vực. Với sự tương đồng về mục tiêu, lý tưởng, quan hệ hợp tác tin cậy, chặt chẽ về mọi mặt giữa Việt Nam và Liên Xô trong giai đoạn này là nền móng vững chắc cho quan hệ Việt Nam - Nga kế thừa và tiếp tục phát triển.
Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên tất cả lĩnh vực
Những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ XX, sau khi Liên Xô giải thể (năm 1991) và đối mặt với nhiều thách thức cả ở trong nước và ngoài nước, quan hệ giữa Việt Nam với Nga - quốc gia kế thừa Liên Xô - rơi vào giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, bằng nỗ lực, quyết tâm của hai phía, quan hệ Việt Nam - Nga đã dần khôi phục, lấy lại đà phát triển và có những bước tiến mạnh mẽ từ giữa thập niên 90 của thế kỷ XX. Sự tin cậy chính trị, tôn trọng lẫn nhau, quan điểm gần gũi trên nhiều vấn đề quốc tế và khu vực, sự tương đồng về lợi ích chính là những yếu tố quan trọng để hai nước tiếp tục xây dựng, vun đắp tình hữu nghị, truyền thống và hợp tác nhiều mặt, quyết tâm đưa quan hệ lên tầm cao mới.
Để phù hợp với bối cảnh mới, Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga đã được hai nước ký kết ngày 16-6-1994 để thay thế Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Liên Xô (ngày 3-11-1978). Hiệp ước này xác định các nguyên tắc mới cho quan hệ Việt Nam - Nga, đó là: Tôn trọng chủ quyền quốc gia, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ; không can thiệp công việc nội bộ của nhau; bình đẳng và cùng có lợi. Kể từ thời điểm lịch sử này, quan hệ Việt Nam - Nga bắt đầu sang trang mới, có những tiến triển tích cực, ngày càng được nâng lên tầm cao mới về chất.
Sự kiện được coi là dấu mốc đầu tiên trong sự phát triển quan hệ hợp tác Việt Nam - Nga là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin (tháng 3-2001). Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên đã ký kết Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nga (Nga là nước đầu tiên mà Việt Nam ký tuyên bố xác lập quan hệ đối tác chiến lược). Tuyên bố chung xác định khuôn khổ pháp lý mới cho hợp tác Việt Nam - Nga trong thế kỷ XXI. Hai nước cũng ký kết thỏa thuận mở rộng hợp tác trên những lĩnh vực mà hai bên có lợi thế và tiềm năng, như dầu khí, năng lượng điện, công nghiệp, kinh tế - thương mại, lao động, du lịch, nghề cá và các ngành, nghề khác; nhất trí tăng cường phối hợp hành động trong các lĩnh vực tiêu chuẩn hóa, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai…
Trên cơ sở những kết quả đạt được trong giai đoạn 2004 - 2011, hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Nga của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 7-2012). Việc hai nước nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện không chỉ phản ánh một mối quan hệ chặt chẽ được xây dựng và thúc đẩy trong nhiều thập niên, mà còn thể hiện mong muốn và quyết tâm của hai bên đưa quan hệ song phương phát triển vượt bậc hơn, sâu rộng hơn với một tầm nhìn lâu dài, vững chắc. Thực tiễn đã chứng minh quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga tạo nền tảng quan trọng để hai nước triển khai những bước đi cụ thể, đa dạng về hợp tác trên nhiều lĩnh vực.
Về chính trị - ngoại giao, sự tin cậy chính trị và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được củng cố thông qua các chuyến thăm các cấp, nhất là cấp cao trên tất cả các kênh và các lĩnh vực, từ kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội đến hợp tác giữa các địa phương và đối ngoại nhân dân, cũng như thông qua các cơ chế tham vấn, đối thoại chiến lược thường niên. Các chuyến thăm cấp cao được hai nước thực hiện tạo ra những chuyển biến quan trọng trên các lĩnh vực từ ngoại giao, quốc phòng - an ninh, đến kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, giáo dục, giao lưu nhân dân.
Cùng với trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, hai bên duy trì nhiều cơ chế phối hợp và đối thoại, như Đối thoại chiến lược ngoại giao - quốc phòng - an ninh cấp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng... Lãnh đạo hai nước thảo luận, phối hợp tham vấn lẫn nhau đối với nhiều vấn đề chính trị - an ninh quốc tế mà hai bên cùng quan tâm thông qua các cuộc gặp chính thức tại mỗi nước và bên lề các hội nghị, diễn đàn, các tổ chức quốc tế. Hai nước phối hợp chặt chẽ và luôn ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế, trong đó có Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU). Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung và Đông Nam Á nói riêng, Việt Nam ủng hộ Nga tham gia các thể chế kinh tế và an ninh đa phương lớn của khu vực, bao gồm cả các khuôn khổ, như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) và các cơ chế do Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dẫn dắt, như Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+),…
Trên lĩnh vực kinh tế - thương mại - đầu tư, mặc dù chịu tác động từ những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới và khu vực, nhưng hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được hai bên tích cực thúc đẩy. Cơ chế Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong điều phối hợp tác song phương với 25 khóa họp đã được tiến hành. Về thương mại, Nga hiện là thị trường lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU), chiếm 81% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam với EAEU. Năm 2024, trao đổi thương mại giữa hai nước đạt 4,58 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 2,34 tỷ USD, tăng 34%; nhập khẩu từ Nga về Việt Nam đạt 2,25 tỷ USD, tăng 18,9%(2). Về đầu tư, hai bên tiếp tục triển khai nhiều dự án đầu tư ở cả hai nước. Nga hiện có 194 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 989 triệu USD, tập trung vào các ngành, lĩnh vực, như khai khoáng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; công nghiệp chế biến, chế tạo… Việt Nam có 16 dự án FDI sang Nga với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 1,6 tỷ USD, xếp thứ 4/81 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam có đầu tư, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực khai khoáng, công nghiệp, kinh doanh bất động sản…(3).
Hợp tác năng lượng - dầu khí là điểm nhấn quan trọng trong hợp tác kinh tế - đầu tư giữa hai nước, không chỉ diễn ra trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực triển vọng khác, như xây dựng nhà máy điện khí, cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng, xây dựng hạ tầng và phát triển năng lượng tái tạo, sản xuất nhiên liệu động cơ. Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ Liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, các tập đoàn dầu khí lớn của Nga, như Gazprom và Zarubezneft đang triển khai nhiều dự án tại thềm lục địa Việt Nam. Tại Nga, Liên doanh Rusvietpetro đang triển khai dự án khai thác dầu khí tại Khu tự trị Nenetski.
Quốc phòng - an ninh là lĩnh vực hợp tác có bề dày truyền thống và trở thành một trong những trụ cột trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga. Hợp tác quốc phòng - an ninh, quân sự và kỹ thuật quân sự giữa hai nước được thực hiện trên cơ sở tin cậy lẫn nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế, vì hòa bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới. Một trong những kết quả mới về chất trong hợp tác kỹ thuật quân sự là việc Việt Nam đang triển khai sản xuất các trang thiết bị kỹ thuật quân sự tiên tiến với sự hỗ trợ của Nga. Quan hệ thương mại quân sự giữa hai nước được xúc tiến mạnh mẽ, góp phần nâng cao sức mạnh quốc phòng của Việt Nam. Nga cũng cam kết tiếp tục mở rộng việc đào tạo quân nhân và các cán bộ quân sự cấp cao cho Việt Nam tại các trường quân sự Nga. Hợp tác an ninh góp phần thúc đẩy chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cùng với việc hợp tác ứng phó với những thách thức an ninh đa dạng.
Hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ tiếp tục được đẩy mạnh, mang lại nhiều kết quả tích cực. Về giáo dục - đào tạo, trong những năm qua, Nga cấp cho Việt Nam nhiều học bổng với khoảng 1.000 suất/năm cho các cấp đào tạo cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở các chuyên ngành khác nhau. Hợp tác song phương trong lĩnh vực khoa học - công nghệ phát triển khá năng động, trở thành một trong những trụ cột của quan hệ Việt Nam - Nga. Điểm sáng nổi bật của sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực này là Trung tâm Nhiệt đới Việt Nam - Nga - cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ hỗn hợp đa ngành về nhiệt đới - được triển khai theo hướng kết hợp nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, đáp ứng lợi ích của cả hai nước và phục vụ các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Đây là cơ sở đóng góp không nhỏ vào việc củng cố, phát triển mối quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga. Hai nước cũng xúc tiến việc thành lập Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam với số vốn đầu tư 350 triệu USD. Đây là một dự án lớn, một biểu tượng mới của sự hợp tác đi vào chiều sâu trong quan hệ Việt Nam - Nga.
Hoạt động giao lưu nhân dân là một nét nổi bật trong mối quan hệ gắn bó, gần gũi giữa hai dân tộc. Nhiều hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật giữa hai nước diễn ra thường niên và luân phiên, để lại những ấn tượng và dư âm tốt đẹp trong lòng nhân dân hai nước. Hội Hữu nghị Việt Nam - Nga và Hội Hữu nghị Nga - Việt Nam có nhiều hoạt động năng động, hiệu quả, qua đó góp phần bồi đắp tình cảm, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, giới thiệu thông tin, quảng bá về sự phát triển của hai đất nước và mối quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp Việt Nam - Nga, tiếp tục đóng vai trò cầu nối thúc đẩy giao lưu nhân dân cũng như hợp tác trên các lĩnh vực. Hằng năm, nhiều sự kiện có ý nghĩa quan trọng được hai bên phối hợp tổ chức càng làm tăng thêm mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa hai nước.
Với khoảng gần 80.000 người, cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại Nga ngày càng phát huy vai trò kết nối hai nền văn hóa Việt Nam - Nga. Trải qua hơn 20 năm hoạt động kể từ khi được thành lập vào năm 2004, Hội người Việt Nam tại Nga đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, thúc đẩy giao lưu văn hóa Việt Nam - Nga, đồng thời tham gia các hoạt động xã hội, ngoại giao nhân dân và hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam tại Nga trong nhiều lĩnh vực,… góp phần nâng cao vị thế của cộng đồng người Việt Nam tại Nga, cũng như quảng bá văn hóa, du lịch Việt Nam.
Cùng đồng hành hướng tới tương lai
Trải qua chặng đường hơn 75 năm hình thành và phát triển, quan hệ Việt Nam - Nga được vun đắp bởi các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, trên cơ sở tin cậy chính trị cao và sự hiểu biết lẫn nhau, tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chính sách đối ngoại của mỗi quốc gia, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi nước. Cùng với Nga, Việt Nam sẽ kế thừa những thành tựu trong quá khứ, hướng tới tương lai tốt đẹp của tình hữu nghị, truyền thống, gắn bó giữa hai dân tộc và củng cố quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trong thời kỳ mới, đáp ứng những yêu cầu của thời đại.
Năm 2025, hai dân tộc có nhiều sự kiện lịch sử: kỷ niệm 75 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nga (30-1-1950 - 30-1-2025), 80 năm Ngày chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của Nga (9-5-1945- 9-5-2025), 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2-9-1945 - 2-9-2025)... Sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo cấp cao hai nước cùng ý chí và quyết tâm của cả hai bên đã tạo những xung lực mới thúc đẩy hợp tác song phương ngày càng phát triển. Mới đây, tại cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 8-8-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc lại truyền thống quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga, nhấn mạnh Việt Nam luôn ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ quý báu, chí tình mà nhân dân Liên Xô trước đây và nhân dân Nga ngày nay đã dành cho nhân dân Việt Nam trong những năm tháng kháng chiến cam go nhất của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; khẳng định Việt Nam đặc biệt coi trọng mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện với Nga, luôn coi Nga là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam(4). Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, Việt Nam “là một người bạn và đối tác tin cậy” của Nga(5). Tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga trên cơ sở thành tựu của 30 năm triển khai Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nga được hai bên thông qua nhân chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Nga V. Putin (tháng 6-2024) một lần nữa khẳng định sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị, truyền thống, phát huy những thành quả mà thế hệ cha ông đã dày công xây dựng, vun đắp. Đây là lần thứ 5 Tổng thống Nga V. Putin sang thăm Việt Nam và là lãnh đạo Nga trực tiếp cùng lãnh đạo Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và sau đó là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện lần lượt vào các năm 2001 và năm 2012.
Nhìn lại mối quan hệ mật thiết giữa Việt Nam - Nga trong 75 hơn năm qua, nhận thấy, trải qua nhiều biến động của lịch sử thế giới và lịch sử mỗi nước, quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa hai nước luôn được duy trì, mang tính ổn định và kế thừa. Mối quan hệ đó đã được nâng tầm lên đối tác chiến lược toàn diện, ngày càng phát triển sâu rộng và thực chất, đáp ứng nhu cầu của hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của thời đại. Với những thành quả to lớn đã đạt được, cũng như với quyết tâm và nỗ lực của hai nước, chúng ta có đủ cơ sở để tin tưởng những giá trị tốt đẹp trong quan hệ hai nước sẽ còn mãi với thời gian và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nga sẽ tiếp tục viết nên những trang sử vẻ vang và tự hào trên nền tảng truyền thống, hữu nghị, gắn bó lâu đời giữa hai đất nước, hai dân tộc, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phồn vinh, thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới./.
Bùi Thanh Sơn
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
(Theo https://www.tapchicongsan.org.vn/)
-----------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 6, tr. 311
(2) Xem: “Thương mại song phương Việt Nam - Liên bang Nga tăng trưởng mạnh mẽ”, Thông tấn xã Việt Nam, ngày 14-1-2025, https://www.vietnamplus.vn/thuong-mai-song-phuong-viet-nam-lien-bang- nga-tang-truong-manh-me-post1007409.vnp
(3) Xem: “Nga đứng thứ 4/81 quốc gia mà Việt Nam đầu tư ra nước ngoài”, Báo điện tử Chính phủ, ngày 22-10-2024, https://baochinhphu.vn/nga-dung-thu-4-81-quoc-gia-ma-viet-nam-dau-tu-ra-nuoc-ngoai-102241022154912175.htm
(4) Xem: “Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm điện đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 8-8-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/en_US/web/guest/quoc-phong2/-/2018/954002/view_content
(5) “Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga”, Truyền hình Công an nhân dân, ngày 21-6-2024, https://antv.gov.vn/chinh-tri-2/lam-sau-sac-hon-quan-he-doi-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-lien-bang-nga-CCFC780C1.html