Giá trị lịch sử cách mạng của “Đội quân tóc dài” và phong trào “Ba đảm đang” trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và việc vận dụng sáng tạo vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Thứ sáu - 28/03/2025 02:58 32 0
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng ta, trong suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, sự đóng góp to lớn của phụ nữ thể hiện cụ thể qua nhiều hoạt động của phong trào cách mạng. Việc nghiên cứu, vận dụng những kinh nghiệm, bài học từ các phong trào “Đội quân tóc dài”, “Ba đảm đang”,… có vai trò quan trọng nhằm phát huy tiềm năng, sức mạnh của phụ nữ trong kỷ nguyên mới của dân tộc.

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm hỏi các cô, các dì thuộc lực lượng "Đội quân tóc dài"_Ảnh: phunuvietnam.vn

Về “Đội quân tóc dài huyền thoại” và phong trào “Ba đảm đang”

Hình tượng về người phụ nữ, người mẹ hay yếu tố “mẫu hệ”,… luôn tồn tại bền vững trong tâm thức người Việt Nam, được xem là nhân sinh quan, thế giới quan trong đời sống hằng ngày và trong hoạt động lao động, sản xuất. Trải qua hằng trăm năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, từ thời kỳ các vua Hùng, các thế hệ phụ nữ nước ta đã có những cống hiến to lớn đáng ghi nhận; luôn là lực lượng quan trọng trong công cuộc chống quân xâm lược, bảo vệ Tổ quốc. Mở đầu cho truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là hình ảnh hai vị nữ tướng anh hùng Trưng Trắc và Trưng Nhị trong cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đã truyền cảm hứng bất diệt trong đấu tranh chống ngoại xâm cho các thế hệ mai sau. Tiếp đó là hình ảnh bà Triệu Thị Trinh với tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường khiến giặc Ngô khiếp sợ, để các thế hệ người Việt đời đời còn nhớ, thể hiện ngay trong lời ru bình dị, thường nhật của biết bao người mẹ rằng “muốn coi lên núi mà coi, coi bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng”,... Cùng với đó, người phụ nữ luôn là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. 

Sau Cách mạng Tháng Tám thành công (năm 1945), nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập đã đánh dấu bước chuyển biến cơ bản trong đời sống của người phụ nữ. Kể từ đây, người phụ nữ Việt Nam cùng nam giới chung lo bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Ngày 8-3-1952, trong Thư gửi phụ nữ Việt Nam nhân dịp kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng và Ngày quốc tế Phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”(1); Người khẳng định thêm: “Dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng… Phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng”(2). Người khẳng định : “Mỗi một người và tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội”(3).

Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết (năm 1954), đất nước ta bị chia cắt thành hai miền với hai nhiệm vụ chính trị khác nhau. Trong đó, miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đồng thời, chúng ta phải tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình, thống nhất Tổ quốc. Giai đoạn này, phụ nữ đã thể hiện vai trò quan trọng ở cả hai mặt trận, tiêu biểu là phong trào “Ba đảm đang” ở miền Bắc và “Đội quân tóc dài” ở miền Nam. Về mặt địa lý, điều kiện lịch sử, nhiệm vụ chính trị của hai phong trào tuy khác nhau, nhưng đều cùng chung mục đích vì độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc, ấm no của nhân dân, bởi cách mạng hai miền có quan hệ gắn bó chặt chẽ, phối hợp với nhau, là quan hệ giữa hậu phương với tuyền tuyến. Hai phong trào cùng thể hiện bản lĩnh chính trị, trí tuệ, tinh thần dũng cảm, bất khuất cùng các phẩm chất cần cù, chịu thương chịu khó, trung hậu, đảm đảng của người phụ nữ Việt Nam, để lại nhiều giá trị bền vững cho các thế hệ mai sau. Dù ở hoàn cảnh, nhiệm vụ nào, chị em phụ nữ cũng luôn hoàn thành xuất sắc vai trò của mình, góp phần quan trọng trong phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Về “Đội quân tóc dài” - huyền thoại của những thế hệ phụ nữ kiên cường, bất khuất, yêu nước của dân tộc Việt Nam

Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân dân ta, tại miền Nam ruột thịt, nơi đế quốc Mỹ và chế độ Ngụy quyền chiếm giữ, nhân dân miền Nam luôn quyết tâm, anh dũng nổi dậy đánh đuổi kẻ thù và từ tinh thần yêu nước đó, nhiều đội quân cách mạng ra đời. Tại tỉnh Bến Tre, “Đội quân tóc dài”, tập hợp những người phụ nữ giản dị, chân chất trong đời thường nhưng bất khuất, can trường trong chiến đấu. “Đội quân tóc dài” ra đời từ chiếc nôi của phong trào Đồng Khởi (tỉnh Bến Tre) vào ngày 17-1-1960, là tên gọi của lực lượng đấu tranh chính trị trực diện của phụ nữ tham gia trong thời kỳ Đồng Khởi. Cống hiến của họ đã góp phần làm nên lịch sử, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

Giai đoạn này, Đảng ta xác định phong trào cách mạng miền Nam phải được kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, dùng lực lượng vũ trang để đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng, khôi phục tổ chức quần chúng, bảo vệ cơ sở Đảng để yểm trợ cho công tác đấu tranh chính trị của nhân dân. Theo đó, để đối phó chống lại âm mưu của kẻ thù, Tỉnh ủy Bến Tre đã đi đến thống nhất xây dựng kế hoạch phát động nhân dân đấu tranh chính trị trực diện trên toàn tỉnh. Đến ngày 15-3-1960, khoảng hơn 5.000 phụ nữ bao gồm nhiều thành phần, lứa tuổi được tổ chức thành một “đoàn quân tóc dài” với hơn 200 ghe xuồng tiến vào huyện Mỏ Cày, thực hiện các công việc như giúp chạy chữa những người bị thương, cung cấp thuốc men, thực phẩm, gạo thóc cho đồng bào khi địch đã rút quân để bà con trở về yên ổn làm ăn… “Đội quân tóc dài” do đồng chí Nguyễn Thị Định (cô Ba Định) tập hợp, chỉ huy và vận dụng 3 mũi giáp công: Chính trị, binh vận và vũ trang để tấn công quân Mỹ - Ngụy. Mặc cho quân địch nhiều lần dùng thủ đoạn thâm độc như lấy kéo cắt tóc, bắt bớ, giam cầm, tra tấn ngâm nước, phơi nắng, hãm hiếp, truy bức..., nhưng các cô, các chị vẫn nhất quyết không khai ra các cơ sở cách mạng, không khai đồng đội của mình(4)

Hình ảnh người phụ nữ mặc áo bà ba đen, quấn khăn rằn, mạnh mẽ “đi như nước lũ tràn về” xuất phát từ phong trào Đồng Khởi xứng đáng với 8 chữ vàng: “Anh dũng Đồng khởi, thắng Mỹ, diệt ngụy”. Có thể khẳng định, sự phát triển của “Đội quân tóc dài” là một trong những hiện tượng độc đáo của phong trào chống đế quốc Mỹ xâm lược ở miền Nam; đã vang danh và nhân rộng khắp miền, làm rạng rỡ thêm truyền thống yêu nước, bất khuất, trung hậu, đảm đang của người phụ nữ Việt Nam, xứng danh là con cháu của Bà Trưng, Bà Triệu năm xưa.

Về Phong trào “Ba đảm đang” - tiềm năng, trí tuệ vô tận của phụ nữ Việt Nam anh hùng

Trong không khí sục sôi thi đua chống đế quốc Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 18-3-1965, trên cơ sở phong trào khởi phát ở huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội), Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã đề xuất với Trung ương Đảng tổ chức Cuộc vận động phụ nữ “Ba đảm nhiệm” với 3 nội dung: 1- Phụ nữ đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho chồng con đi chiến đấu; 2- Phụ nữ đảm nhiệm việc gia đình cho chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội; 3- Phụ nữ đảm nhiệm phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu, phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu. Đề xuất của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam được Trung ương Đảng đồng ý. Đến ngày 22-3-1965, Ban thường trực Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ban hành Chỉ thị số 03 phát động phong trào phụ nữ “Ba đảm nhiệm”. Để phát huy cao hiệu quả của phong trào, Bác Hồ đã gợi ý sửa phong trào “Ba đảm nhiệm” thành phong trào “Ba đảm đang”. 

Có thể nói, phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” là một mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam cũng như hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thời điểm bấy giờ. Với việc tham gia tích cực trong phong trào “Ba đảm đang”, phụ nữ đã thể hiện rõ vai trò, khả năng cách mạng to lớn, tinh thần yêu nước, lao động sáng tạo, ý chí tự cường vươn lên, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân của hàng chục triệu phụ nữ thời đại Hồ Chí Minh. Phong trào “Ba đảm đang” cũng phản ánh ý chí, nguyện vọng độc lập, tự do của giới nữ, khẳng định năng lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng như sức mạnh to lớn, năng lực sáng tạo của nữ giới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Từ trung tâm là phong trào “Ba đảm đang”, các tầng lớp phụ nữ miền Bắc tỏa ra trong các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực sản xuất và chiến đấu, có thể kể đến các phong trào khác, như “Ba sẵn sàng”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Hai tốt”, “Tiếng hát át tiếng bom”,... giúp phụ nữ cống hiến và trưởng thành. 

Thực tế, phong trào “Ba đảm đang” đã trả lời nhiều câu hỏi: Có đánh Mỹ hay không? Dựa vào đâu và lấy sức đâu để thắng giặc? Trí tuệ và sức mạnh của phụ nữ Việt Nam trước những thách đố của lịch sử như thế nào? Những thành công của phong trào “Ba đảm đang” không chỉ có giá trị trong việc giáo dục và phát huy truyền thống của phụ nữ Việt Nam, mà còn gợi mở cho việc xác định phương thức phát huy vai trò phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc ngày nay(5)

Vận dụng giá trị lịch sử của “Đội quân tóc dài” và phong trào “Ba đảm đang” trong tình hình hiện nay

Trong bối cảnh thế giới biển đổi nhanh chóng, khó lường, các quan hệ chính trị, kinh tế trở nên phức tạp, bất ổn, yêu cầu đặt ra cần có cách thức phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh. Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, với thế và lực đã tích lũy được cũng như thời cơ, vận hội mới, đất nước ta hội tụ đủ điều kiện để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, hoàn thành mục tiêu “đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ  nghĩa,  thực  hiện  thành  công  mong  ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu”(6). Theo đó, để “khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước”(7), cần tiếp tục đề cao, phát huy tối đa vai trò của người phụ nữ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ đất nước, đồng thời bảo đảm việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ các thệ hệ tương lai của Tổ quốc. 

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chịu tác động, ảnh hưởng từ quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhất là khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển và đạt được những thành tựu kỳ diệu, tạo ra những thời cơ mới, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức đối với mỗi quốc gia, dân tộc, đối với phụ nữ nói riêng. Vai trò của phụ nữ không chỉ giới hạn trong gia đình, mà còn trực tiếp tham gia kiến tạo, xây dựng đất nước, là lực lượng thúc đẩy sự phát triển của toàn xã hội. Theo đó, chị em phụ nữ cần tiếp tục phấn đấu, rèn luyện các phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, đóng góp tích cực, trách nhiệm, nhiệt huyết vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời đại mới. Nhiệm vụ trước mắt là cần tổ chức tổng kết kinh nghiệm trong thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2017, của Bộ Chính trị, “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, lấy đó là cơ sở kiến nghị Trung ương ban hành các chủ trương mới về công tác phụ nữ phù hợp với yêu cầu thực tiễn đất nước, nhất là khi bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng những dấu ấn, bài học, giá trị lịch sử của “Đội quân tóc dài” và phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” vẫn mãi vẹn nguyên giá trị; là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam, là minh chứng sinh động cho tinh thần yêu nước nồng nàn và nhiệt tình cách mạng, sức mạnh to lớn của chị em phụ nữ trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đặc biệt, từ thành công của các phong trào cần tiếp tục nghiên cứu, rút ra kinh nghiệm về phương thức phát động và duy trì các phong trào, kiến tạo môi trường đóng góp thiết thực, hiệu quả cho phụ nữ cống hiến; đồng thời phát huy tinh thần tích cực, chủ động, hướng tới việc bảo đảm “xóa bỏ cái tâm lý tự ti và ỷ lại; phải có ý chí tự cường, tự lập; phải nâng cao lên mãi trình độ chính trị, văn hóa, kỹ thuật”(8) của phụ nữ. 

Trong thực tế, phải biết phát động các phong trào phù hợp để phụ nữ Việt Nam vừa cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng thời vươn lên tự khẳng định mình trong cuộc đấu tranh cho quyền bình đẳng thật sự. Các phong trào của phụ nữ phải bảo đảm tính nhân văn sâu sắc, thu hút, phát huy trí tuệ, giúp khai phóng các tiềm năng, phẩm chất tốt đẹp, cao quý của nữ giới, góp phần xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh. Tiếp tục phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo đảm an ninh quốc gia, duy trì và đẩy mạnh các phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, “Tổ phụ nữ giữ gìn đường biên giới”,... để vừa xây dựng được hậu phương vững chắc, vừa là điểm tựa để cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang yên tâm công tác. Cùng với đó, phải có cách thức, phương thức phát huy, thu hút sự đóng góp của phụ nữ ở mọi lĩnh vực dựa trên những phẩm chất, năng lực của từng cá nhân và những phẩm chất truyền thống của phụ nữ Việt Nam.

Cần xác định việc vận động các tầng lớp phụ nữ tham gia xây dựng, phát triển đất nước chỉ thành công, hiệu quả khi đáp ứng đúng ý chí, nguyện vọng của nữ giới. Cần chú trọng đến điểm xuất phát của từng phong trào, phù hợp với tâm lý, tình cảm và năng lực của giới. Khát vọng lao động và cống hiến xây dựng đất nước tươi đẹp, vì thế hệ sau và một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình và xã hội luôn là những động lực để các phong trào phụ nữ tồn tại và phát triển. Chỉ khi nắm bắt đúng khát vọng, mong muốn thực sự thiết thực của phụ nữ trong điều kiện lịch sử cụ thể, mạnh dạn phát động phong trào, mới có thể sáng tạo ra những hình thức và cách thức hành động hiệu quả nhất. Cần đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” nhằm tập hợp, nhân lên khát vọng phát triển, cống hiến của phụ nữ Việt Nam.

 
Các nữ sĩ quan Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 lên đường làm nhiệm vụ_Ảnh: TTXVN

Từ thực tiễn các phong trào của phụ nữ cho thấy, để phát động, duy trì và phát triển phong trào phụ nữ, cần phải có một tổ chức với đội ngũ cán bộ tận tụy, tiêu biểu đại diện cho quyền lợi và nguyện vọng của chị em, làm trung tâm tập hợp và hướng dẫn phụ nữ đấu tranh và chăm sóc, bảo vệ quyền lợi thiết thân. Lịch sử đã chứng minh, những nỗ lực không mệt mỏi của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với một đội ngũ cán bộ tận tụy từ Trung ương đến cơ sở đã giúp phong trào “Ba đảm đang” được nuôi dưỡng, phát triển với khí thế sục sôi trong suốt một thập niên, góp phần đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến ngày toàn thắng. Vì vậy, phải thường xuyên phát triển và củng cố tổ chức hội liên hiệp phụ nữ các cấp, xây dựng đội ngũ cán bộ hội có tâm và có tầm. Đặc biệt, phát huy hơn nữa vai trò của hội phụ nữ trong việc chuẩn bị, trang bị hệ thống kiến thức, kỹ năng, trí tuệ, sức khỏe, khát vọng, tinh thần cống hiến cho phụ nữ vững bước tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Những ý nghĩa của các hoạt động, phong trào của phụ nữ trong lịch sử vẫn còn nguyên giá trị thời đại, là tấm gương để phụ nữ hôm nay phát huy truyền thống, thắp sáng những phong trào và hành động của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong bối cảnh mới, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối phát huy sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các đoàn thể dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là phát huy toàn diện vai trò, tiềm năng của phụ nữ Việt Nam, đưa đất nước ngày càng vững mạnh trong kỷ nguyên mới./.

Trường Hà
(Theo https://www.tapchicongsan.org.vn/)

-----------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 7, tr. 340
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 14, tr. 752
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 59
(4) Xem: Hoàng Tuyết - Mạnh Linh: “Đội quân tóc dài” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước - Bài 1: Những cô gái xứ dừa ra trận”, Báo Tin tức online, ngày 20-4-2020, https://baotintuc.vn/phong-su-dieu-tra/doi-quan-toc-dai-trong-khang-chien-chong-my-cuu-nuoc-bai-1-nhung-co-gai-xu-dua-ra-tran-20200417220629819.htm
(5) Xem: Vũ Quang Hiển: “Phong trào “Ba đảm đang” trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước”, Tạp chí Nhịp cầu tri thức, ngày 28-4-2020, https://www.nxbctqg.org.vn/phong-trao-%E2%80%9Cba-dam-dang%E2%80%9D-trong-su-nghiep-chong-my-cuu-nuoc.html
(6) GS, TS Tô Lâm: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục đổi mới, chủ động, sáng tạo, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước, bản lĩnh, sức mạnh con người Việt Nam, tự chủ, tự hào, vững tin bước vào kỷ nguyên mới”, Tạp chí Cộng sản, số tháng 1.048 (tháng 10-2024), tr. 5
(7) GS, TS Tô Lâm: “Một số nội dung cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc; những định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 1-11-2024, https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/ky-nguyen-moi-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-ky-nguyen-phat-trien-giau-manh-duoi-su-lanh-dao-cam-quyen-cua-dang-cong-san-xay-dung-thanh-cong-nuoc-vie
(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 13, tr. 59

Liên kết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập92
  • Hôm nay17,882
  • Tháng hiện tại65,632
  • Tổng lượt truy cập9,340,733
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây