Một góc đô thị Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: Lê Phú.
Theo đó, UBND thành phố đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục để tạo sự đồng thuận của cử tri trên địa bàn, tổ chức lấy ý kiến cử tri về sắp xếp ĐVHC cấp tỉnh. Việc thông tin, tuyên truyền và lấy ý kiến cử tri phải đảm bảo theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Nghị định số 54/2018/NĐ-CP ngày 16-4-2018 của Chính phủ. Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra UBND cấp huyện, cấp xã trong việc thực hiện lấy ý kiến cử tri và tổng hợp báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri, kết quả biểu quyết của HĐND cấp huyện và cấp xã theo quy định. Chủ động phối hợp với Thường trực HĐND tỉnh cùng cấp tổ chức kỳ họp để thông qua Đề án cấp tỉnh; hoàn thiện hồ sơ gửi về UBND TP Cần Thơ trước ngày 20-4-2025.
Trên cơ sở ý kiến góp ý, bổ sung của UBND các tỉnh Sóc Trăng và Hậu Giang, UBND TP Cần Thơ đã tổng hợp, hoàn thiện dự thảo Đề án sắp xếp, sáp nhập ĐVHC cấp tỉnh. Theo dự thảo Đề án, sẽ thành lập TP Cần Thơ trực thuộc Trung ương trên cơ sở sáp nhập ĐVHC tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ. Đề án nêu rõ lý do đặt trung tâm chính trị - hành chính của ĐVHC cấp tỉnh mới thành lập ở TP Cần Thơ (tại quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ):
- Đáp ứng tốt các điều kiện về cơ sở, vật chất và hạ tầng đô thị: TP Cần Thơ là thành phố trực thuộc Trung ương, giữ vai trò trung tâm hành chính và chính trị quan trọng của vùng, là nơi đặt trụ sở của nhiều cơ quan Trung ương. Thành phố có đầy đủ hạ tầng đáp ứng yêu cầu hành chính và nguồn nhân lực, bảo đảm bộ máy của thành phố mới vận hành thông suốt, hạn chế tối đa sự xáo trộn nhân sự và tiết kiệm chi phí xây dựng mới.
- Vị trí địa lý trung tâm, thuận lợi trong việc kết nối giao thông và liên kết vùng: TP Cần Thơ nằm ở trung tâm vùng ĐBSCL, giữ vai trò đầu mối kết nối liên tỉnh. Thành phố có hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng và hiện đại, kết nối chặt chẽ nội vùng và liên vùng (sân bay quốc tế Cần Thơ; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2026), quốc lộ 1A, quốc lộ 91, quốc lộ 80, quốc lộ 61, cầu Cần Thơ; cảng Cần Thơ, cảng Cái Cui và hệ thống cảng sông). Với hạ tầng giao thông đồng bộ và vị trí trung tâm, việc lựa chọn trung tâm chính trị - hành chính cho thành phố mới tại Cần Thơ bảo đảm kết nối nhanh chóng, thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp.
- Phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế lâu dài, bền vững: Theo chủ trương của Đảng về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ có tính thương hiệu cao: là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương; và được xác định là trung tâm kinh tế - tài chính - logistics của vùng ĐBSCL. Việc lựa chọn tên gọi Cần Thơ giúp tỉnh mới tận dụng lợi thế thương hiệu, tiếp tục thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị thế trung tâm kinh tế của vùng.
- Bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trụ sở đã có, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ nhớ, phù hợp với phương án tỉnh mới là Cần Thơ (một trong ba tên sẵn có trước hợp nhất) giúp giảm thiểu xáo trộn giấy tờ, tiết kiệm ngân sách, nhân lực, thời gian sau hợp nhất, qua đó bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý.
* Về lý do đặt tên của ĐVHC cấp tỉnh mới thành lập là TP Cần Thơ:
- Kế thừa lịch sử, truyền thống, văn hóa lâu đời: Cần Thơ là trung tâm lịch sử - văn hóa quan trọng của vùng ĐBSCL, có bề dày phát triển lâu đời.
- Có tính thương hiệu cao: là một trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương và được xác định là trung tâm kinh tế - tài chính - logistics của vùng ĐBSCL.
- Bảo đảm nguyên tắc sử dụng một trong các tên đã có, dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ nhớ; việc chọn tên thành phố mới là Cần Thơ (1 trong 3 tên có sẵn có trước hợp nhất), giúp giảm thiểu xáo trộn giấy tờ, tiết kiệm ngân sách, nhân lực, thời gian sau hợp nhất, qua đó bảo đảm nguyên tắc hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chi dẫn địa lý.
PV