Chỉ huy quyết đoán, tác chiến linh hoạt trong Chiến dịch Đà Nẵng xuân 1975

Chủ nhật - 19/03/2023 12:54 201 0
Chiến dịch Đà Nẵng xuân 1975 là một chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn được tiến hành trong điều kiện chuẩn bị gấp rút và diễn ra rất khẩn trương, để lại nhiều bài học về nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật tổ chức chỉ huy chủ động, quyết đoán, táo bạo, sâu sát chiến trường và tác chiến linh hoạt khi thời cơ chiến lược đến.

Trước những diễn biến hết sức mau lẹ trên chiến trường, đặc biệt là thắng lợi của ta ở Trị-Thiên và Nam-Ngãi, ngày 25-3-1975, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch Đà Nẵng nhằm tiêu diệt quân địch co cụm ở Quảng Đà, giải phóng TP Đà Nẵng và các vùng phụ cận. Cùng ngày, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch, do Trung tướng Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam làm Tư lệnh và Thượng tướng Chu Huy Mân, Tư lệnh Quân khu 5 (lúc này trực tiếp chỉ huy lực lượng Khu 5 ở Nam-Ngãi) làm Chính ủy kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch.

Mặc dù ta nắm giữ thế chủ động, nhưng Đảng ủy và Bộ tư lệnh chiến dịch mới thành lập trước khi chiến dịch nổ súng chỉ một ngày (ngày 26-3, ta tiến công các vị trí địch ở vòng ngoài, mở màn chiến dịch); tình hình trên chiến trường phát triển nhanh chóng; đồng chí Tư lệnh đang từ Hà Nội vào, đồng chí Chính ủy từ phía Nam (Nam-Ngãi) ra, chưa gặp nhau bàn bạc trực tiếp để chỉ huy các lực lượng tham gia chiến dịch, chỉ trao đổi ý kiến, thống nhất cách đánh vào Đà Nẵng thông qua thông tin hữu tuyến và vô tuyến. Để kịp thời nắm chắc tình hình chiến trường và tận dụng thời cơ tiêu diệt địch, Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy chiến dịch này. Ngày 25-3, Bộ Tổng Tư lệnh truyền đạt chỉ thị cho lực lượng chủ lực Quân khu 5 tiến về phía Đà Nẵng, phối hợp với Quân đoàn 2 hình thành thế bao vây từ nhiều hướng, tiến công Đà Nẵng theo tình huống địch rút chạy, với phương châm “nhanh nhất, kịp thời nhất, táo bạo nhất, bất ngờ nhất nhưng chắc thắng”.

Chỉ huy quyết đoán, tác chiến linh hoạt trong Chiến dịch Đà Nẵng xuân 1975
Quân Giải phóng tiến vào Đà Nẵng, tháng 3-1975. Ảnh tư liệu 

Trong điều kiện ta không có thời gian tập trung Đảng ủy, Bộ tư lệnh và một số cơ quan chiến dịch vẫn chưa được tổ chức hoàn chỉnh, song việc chuẩn bị và thực hành chiến dịch không hề bị chậm hay gián đoạn. Lúc đầu, Bộ Tổng Tư lệnh trực tiếp điều hành, chỉ huy các lực lượng của Quân đoàn 2 và Quân khu 5 tham gia chiến dịch thực hiện theo ý đồ tác chiến của Bộ. Trong hai ngày đầu diễn ra chiến dịch (26 và 27-3), Bộ Tổng Tư lệnh vẫn giữ mối liên hệ chỉ huy tới các đơn vị tham gia chiến dịch và với Bộ tư lệnh chiến dịch. Các đơn vị cũng luôn báo cáo trực tiếp về Bộ Tổng Tư lệnh và từ Bộ đến các cơ quan chiến dịch. Để tạo thế thuận lợi tiến công vào TP Đà Nẵng, Bộ Tổng Tư lệnh thường xuyên chỉ đạo Quân đoàn 2 và Quân khu 5 tận dụng thời cơ, đến ngày 28-3, bộ đội ta cơ bản đánh chiếm các vị trí phòng thủ của địch ở vòng ngoài, rồi triển khai lực lượng áp sát thành phố, tạo thế đánh vào Đà Nẵng, trận then chốt quyết định của chiến dịch.

Điểm nổi bật, đặc sắc nữa của chiến dịch là ta vận dụng tác chiến linh hoạt, hiệu quả. Thực hiện trận then chốt quyết định giải phóng TP Đà Nẵng và giữ cho thành phố này được gần như nguyên vẹn do ta có phương pháp tác chiến linh hoạt, sáng tạo. Theo kế hoạch, rạng sáng 29-3, Bộ tư lệnh chiến dịch lệnh cho các đơn vị tiến công quân địch. Sau khi dùng pháo binh tầm xa bắn chế áp vào các mục tiêu chủ yếu, khống chế đường biển và đường không, không cho địch rút chạy, ta tổ chức tiến công thẳng vào trung tâm thành phố từ 4 hướng (Bắc, Tây Bắc, Nam, Tây Nam). Mỗi hướng do một sư đoàn bộ binh được tăng cường binh khí kỹ thuật hoặc lực lượng tương đương đảm nhiệm, vận dụng chiến thuật tiến công địch trong hành tiến. Trên từng hướng, mỗi sư đoàn bộ binh của ta tổ chức lực lượng thọc sâu gồm một trung đoàn bộ binh được tăng cường một tiểu đoàn xe tăng, thiết giáp, một tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn cao xạ và một tiểu đoàn công binh. Các mũi thọc sâu của ta thực hiện đánh lướt hoặc bỏ qua các mục tiêu dọc đường, đánh thẳng vào mục tiêu chủ yếu được phân công. Nhờ vậy, ta đã thực hiện được nguyên tắc của chiến dịch tiến công là chia cắt quân địch, không cho chúng có điều kiện hỗ trợ cho nhau. Đến 15 giờ ngày 29-3, các đơn vị ta nhanh chóng đánh chiếm các mục tiêu quan trọng, làm chủ hoàn toàn TP Đà Nẵng, kết thúc chiến dịch.

Chiến thắng Đà Nẵng đánh dấu bước phát triển mới của nghệ thuật chiến dịch, đặc biệt là nghệ thuật về tổ chức chỉ huy phù hợp với thực tế phát triển của chiến trường: Tổ chức chỉ huy chủ động, táo bạo, đúng đắn; không chỉ cấp chiến lược và cấp chiến dịch mà ngay cấp chiến thuật cũng kiên quyết chỉ huy bộ đội chiến đấu. Nhờ vậy, các chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên và Bộ tư lệnh chiến dịch đến các đơn vị tham gia chiến dịch được thực hiện triệt để; đồng thời chủ động giải quyết nhanh chóng, kịp thời và chính xác những tình huống phức tạp xuất hiện, bảo đảm phát triển thế tiến công trong suốt chiến dịch. Trong tác chiến, ta đã vận dụng linh hoạt cách đánh bao vây chặt quân địch cả đường bộ, đường không và đường biển bằng cả xung lực và hỏa lực, kết hợp đột phá từ bên ngoài với thọc sâu, vu hồi và lực lượng vũ trang trong nội đô đánh địch. Bước phát triển cao là ta tổ chức lực lượng thọc sâu trên 4 hướng đánh thẳng vào trung tâm Đà Nẵng, chiếm các mục tiêu quan trọng, giành toàn thắng.

DƯƠNG ĐÌNH LẬP

Theo https://www.qdnd.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây