Đồng chí Hà Huy Giáp người chiến sĩ cộng sản tận trung với Đảng, chí hiếu với dân

Thứ ba - 04/04/2023 12:20 1.842 0
4 4 2023
Đồng chí Hà Huy Giáp. Ảnh chụp lại. Nguồn: https://sknc.qdnd.vn.
 
Đồng chí Hà Huy Giáp sinh ngày 04/4/1907 , tại xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có truyền thống yêu nước, hiếu học, xuất hiện nhiều nhân tài, hào kiệt nối tiếp từ thế hệ này đến thế hệ khác chống giặc ngoại xâm, góp phần giữ vững giang sơn gấm vóc. Cha đồng chí Hà Huy Giáp là ông Hà Huy Ái, thường gọi là cụ Tú Ái , thầy giáo dạy chữ nho và làm thầy thuốc. Ông có tư tưởng yêu nước và chịu ảnh hưởng của phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược. Mẹ là bà Lê Thị Nguyệt, chịu cực nhọc làm lụng đảm đang để lo cho con học thành tài, có danh vọng với xã hội. Được thân phụ thường xuyên kể chuyện về những tấm gương yêu nước của các bậc tiền bối như: Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Nguyễn Ái Quốc và lời dặn dò của thân mẫu trước lúc lâm chung “các con cố gắng mà học để làm người”... Đồng chí Hà Huy Giáp đã sớm hiểu thấu nỗi khổ cực của nhân dân sống dưới hai tầng áp bức của thực dân và phong kiến và nuôi chí tự lập, tự cường ngay khi còn thơ ấu.

Năm 1925, sau khi tốt nghiệp cao đẳng tiểu học ở Vinh, đồng chí Hà Huy Giáp được ra Hà Nội học trường Tú Tài bản xứ. Khi đó, phong trào yêu nước trong giới học sinh, trí thức lên cao. Họ chuyền tay cho nhau (trong đó có đồng chí Hà Huy Giáp) đọc báo Le Paria, Việt Nam hồn (từ Pháp gửi về đã rách, nên dùng giấy bóng dán lại).
 
Tháng 3/1926, do tích cực tham gia phong trào học sinh, sinh viên của nhà trường tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh, đồng chí Giáp bị thực dân Pháp đuổi học. Sau đó đồng chí Giáp tìm cách sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị của Nguyễn Ái Quốc, nhưng không thành. Đồng chí Hà Huy Giáp được tổ chức giới thiệu vào Sài Gòn gặp các đồng chí Nguyễn Văn Lợi và Phan Trọng Bình dự lớp huấn luyện chính trị Nguyễn Ái Quốc vừa về đến Sài Gòn. Các đồng chí truyền đạt lại những nhận thức mới về chủ nghĩa Mác - Lênin và con đường giải phóng dân tộc của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đồng chí Hà Huy Giáp đã giơ cao tay thề: “Suốt đời phấu đấu, hy sinh cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng đồng bào khỏi ách nô lệ”3. Từ đây, Hà Huy Giáp thật sự đi vào con đường hoạt động cách mạng và nguyện suốt đời phấn đấu để giữ trọn lời thề thiêng liêng ấy.
 
Khoảng cuối tháng 5/1927, đồng chí Hà Huy Giáp được tổ chức phân công thi vào làm thư ký văn thư xã Tây Sài Gòn để nắm tình hình địch. Sau khi xảy ra vụ án Barbier Sài Gòn, bị lộ, đồng chí Giáp được tổ chức điều về dạy học ở “Sa Đéc học đường” một trường tiểu học tư thục của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do đồng chí Châu Văn Liêm sáng lập. Đầu tháng 8/1929, đồng chí Châu Văn Liêm quyết định thành lập An Nam Cộng sản Đảng. Vào một đêm trung tuần tháng 9/1929, đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập hội nghị thành lập Đặc ủy An Nam Cộng sản Đảng Hậu Giang do đồng chí Ung Văn Khiêm làm Bí thư; đồng chí Hà Huy Giáp (bí danh Giáo) làm ủy viên và một số đồng chí khác. Thực hiện chủ trương của Đặc ủy, đồng chí Hà Huy Giáp được điều về Bù Hút4, làng Phong Hòa, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ hoạt động gây dựng cơ sở đảng. Dưới sự hướng dẫn của đồng chí Giáp, các phong trào của tổ chức Việt Nam Cách mạng Thanh niên ngày càng phát triển. Đồng chí Giáp chủ trương cho các hội viên bám sát quần chúng tuyên truyền giáo dục để phát triển các tổ chức Nông hội đỏ, Thanh niên, Phụ nữ phản đế và hướng dẫn đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh, dân chủ, thiết thực, từ đó chọn lọc những người có tích cực có tinh thần đấu tranh cách mạng kết nạp vào An Nam Cộng sản Đảng. Để thâm nhập, hòa mình trong quần chúng nông dân, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng mà tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn đấu tranh; đồng thời để cho giặc không theo dõi hoạt động nên đồng chí Giáp cùng tham gia lao động sản xuất với gia đình đồng chí Thân, từ đó đồng chí hiểu sâu hơn nỗi khổ cực, nhọc nhằn của người nông dân bị địa chủ bóc lột… Nhưng chỉ sau một thời gian, sợ địch phát hiện và lo lắng cho sức khỏe của đồng chí nên bà con và đồng chí Trần Nhật Tân khuyên đồng chí Giáp nên mở lớp dạy chữ Quốc ngữ cho các cháu trong xóm. Thấy đúng nên đồng chí Giáp mở trường dạy học, thời gian còn lại tranh thủ viết báo, dịch sách và in xu xoa như quyển Manifeste du Parti Communiste, quyển A B C du Communisme của Boukharine, dịch và in báo Lao Nông để làm tài liệu sinh hoạt cho cán bộ và tuyên truyền trong quần chúng.
 
Đến tháng 11/1929, đồng chí Hà Huy Giáp cùng đồng chí Nguyễn Văn Nhung và đồng chí Núi được đồng chí Ung Văn Khiêm, Bí thư Đặc ủy điều về đồn điền Cờ Đỏ, làng Thới Đông, tổng Thới Bảo, tỉnh Cần Thơ hoạt động. Được sự giúp đỡ của các tá điền và để nhập thân với họ, ba đồng chí cất một chòi nhỏ gần lẫm lúa, một trong dãy chòi của anh em tá điền hòa đồng vào số tá điền nghèo khổ, tìm hiểu tuyên truyền gieo tinh thần cách mạng vào họ. Để nâng cao hiệu quả hoạt động đưa hoạt động cách mạng đi vào tổ chức, ba đồng chí đã thành lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng Cờ Đỏ vào đêm 10/11/1929 tại chòi gần lẫm lúa, do đồng chí Hà Huy Giáp làm Bí thư. Được bà con tin yêu che chở, giúp đỡ các đồng chí càng mở rộng phạm vi hoạt động xâm nhập sâu vào bà con nông dân trong đồn điền để hướng dẫn làm cách làm ăn, giúp trị bệnh khi đau ốm, vạch đường, chỉ lối vì sau phải nghèo khổ, chỉ ra cho bà con đường giải thoát duy nhất là đoàn kết một lòng đấu tranh với bọn chủ đồn điền đòi quyền lợi thiết thân cho mình và chỉ đứng dưới ngọn cờ của Đảng tiền phong, đấu tranh đánh đuổi bọn xâm lược giành độc lập mới thoát đời nô lệ, đau khổ. Các đồng chí càng bám rễ sâu vào bà con nông dân, nắm chắc anh chị em có cảm tình đặc biệt với cách mạng bí mật tổ chức những buổi đọc sách, báo tiến bộ như: “Đường Kách Mệnh”, “ABC chủ nghĩa cộng sản sơ giải” và hướng dẫn họ con đường đấu tranh chống áp bức, bất công và tổ chức nhiều cuộc đấu tranh thắng lợi như: đòi trả công lao động đúng thời hạn, chống bọn cặp rằng đánh đập và đuổi công nhân lao động, chống chủ đồn điền Tây và cặp rằng mua bán lúa rẻ và vơ vét hết lúa gạo của tá điền…
 
Tháng 4/1930 đồng chí Hà Huy Giáp được cử làm Bí thư Đặc ủy Hậu Giang thay cho đồng chí Ung Văn Khiêm được bổ sung vào Xứ ủy. Đầu tháng 12/1930, đồng chí Hà Huy Giáp được bầu bổ sung vào Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ, Trưởng Ban Tuyên huấn. Ngày 01/4/1931, khi đồng chí Hà Huy Giáp vừa đến cơ quan Xứ ủy thì bị hai tên mật thám Tư Chí và tên Tây bắt giải về bót Poalô. Sau thời gian bị tra tấn dã man, đồng chí Hà Huy Giáp không khuất phục mà còn cảm hóa được Tư Chí để giúp đồng chí Giáp tìm cách trốn khỏi bót. Nhưng sau đó, đồng chí bị chỉ điểm và bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn vào ngày 23/9/1931, bị kết án và đày đi Côn Đảo. Mặc dù, chịu đựng đủ mọi cực hình tra tấn của kẻ thù nhưng đồng chí Hà Huy Giáp vẫn tích cực “biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng” không ngừng tuyên truyền vận động cách mạng. Tháng 11/1936, đồng chí Hà Huy Giáp được thả và đưa về quản thúc tại quê nhà. Tuy bị quản thúc nhưng với tinh thần cách mạng đồng chí đã lao vào hoạt động và vào sáng ngày 01/8/1937 lại bị địch bắt giam tại trại tập trung Trà Kê.
 
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, bọn thực dân Pháp hoang mang cực độ, đồng chí Hà Huy Giáp đã phát động tù nhân nổi dậy tự giải phóng. Thoát khỏi nhà tù, đến cuối tháng 3/1945, đồng chí Hà Huy Giáp nhận được thư của đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng triệu tập đồng chí Hà Huy Giáp và đồng chí Ung Văn Khiêm dự Hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang). Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Hà Huy Giáp về Sài Gòn hoạt động đến tháng 02/1949 và được đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy cử làm đại biểu ra Chiến khu Việt Bắc dự Đại hội Đảng lần II. Tháng 02/1951, Đại hội Đảng lần II họp ở Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, đồng chí Hà Huy Giáp được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được phân công về Nam Bộ phụ trách Tuyên huấn Trung ương Cục. Đồng chí Giáp làm chủ nhiệm Tạp chí “Học tập” cơ quan lý luận của Trung ương cục miền Nam Đảng Lao động Việt Nam, đồng thời chịu trách nhiệm lãnh đạo Đài phát thanh Nam Bộ và mở lớp chính trị Trường Chinh ở Nam Bộ.
 
Cuối năm 1955, đồng chí Hà Huy Giáp được Trung ương phân công làm Phó Ban Tuyên huấn Trung ương, kiêm Thứ trưởng Bộ Giáo dục. Đến tháng 9/1960, Đại hội lần thứ III của Đảng họp tại thủ đô Hà Nội, đồng chí Giáp được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tháng 6/1963, đồng chí được Đảng điều động sang làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa và phụ trách Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Đồng chí Hà Huy Giáp còn được Trung ương giao nhiều trọng trách khác như: Phó Ban Tuyên huấn Trung ương, Phó Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Trung ương, Trưởng Ban phụ trách xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh (11/1970), là Viện trưởng Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh (1977). Đồng chí còn là đại biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam đi dự Đại hội Đảng Cộng sản và Công nhân các nước.
 
Từ ngày hòa bình độc lập cho đến khi giã từ cuộc đời, đồng chí Hà Huy Giáp vẫn luôn là người chiến sĩ cộng sản tận trung với Đảng, chí hiếu với dân. Đồng chí Hà Huy Giáp là người học trò mẫu mực của Bác Hồ, sống trong sáng, chết thanh thản, cả cuộc đời tận tâm vì nước, vì dân. Với những công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, đồng chí Hà Huy Giáp được Đảng và Nhà Nước tặng thưởng: “Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng”5. Nhưng đối với đồng chí, một vinh dự cao quý nhất mà Đảng, đồng bào, đồng chí, bạn bè trao tặng là tình thương sự cảm mến vô hạn khó gì sánh nổi. Nhớ về đồng chí Hà Huy Giáp, đồng chí Trần Hoàn, nguyên Bộ Trưởng Bộ Văn hóa Thông tin viết: “Là chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng, đối với chúng ta, cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường, lâu dài và phong phú của đồng chí Hà Huy Giáp là những trang sử thi đẹp đẽ, xứng đáng với danh hiệu mà cán bộ, đảng viên lớp sau thường tôn vinh là người học trò chí cốt của Bác Hồ kính yêu...”6.
Phòng LLCT-LSĐ
 
--------------
1 Giấy khai sinh 1908.
2 Cụ Hà Huy Ái đỗ tú tài hai lần, một lần thời Đồng Khánh (1888), một lần thời Thành Thái (1891).
3 Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Những viên Ngọc Quý, tập II, tr. 46.
4 Nay thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp.
5 Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Những viên ngọc quý, tập II, trang 70.
6 Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Những viên ngọc quý, tập II, trang 71.
-------------
Tài liệu tham khảo
1. Thành ủy Cần Thơ, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học “Vai trò lịch sử và ảnh hưởng của chi bộ Đảng đầu tiên đối với phong trào cách mạng ở Cần Thơ và trong vùng”, xuất bản 2019.
2. Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Những viên Ngọc quý tập I, xuất bản 2021.
3. Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ, Những viên Ngọc quý tập II, xuất bản 2021.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây