Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm: Tấm gương sáng ngời về tinh thần hiếu học, người thầy mẫu mực và người cộng sản kiên trung

Chủ nhật - 26/06/2022 12:49 1.855 0
TP Cần Thơ đang chuẩn bị tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm (29/6/1902-29/6/2022), như: họp mặt kỷ niệm, chương trình nghệ thuật, triển lãm sách, tổ chức cho tuổi trẻ về nguồn... Các hoạt động nhằm tôn vinh và tưởng nhớ công lao của đồng chí Châu Văn Liêm với quê hương, đất nước; thể hiện niềm tự hào của thế hệ hôm nay với người con ưu tú của mảnh đất Cần Thơ.

 

Tượng đồng chí Châu Văn Liêm trong khuôn viên Trường THPT Châu Văn Liêm. Ảnh: DUY KHÔI

Tượng đồng chí Châu Văn Liêm trong khuôn viên Trường THPT Châu Văn Liêm. 

Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29-6-1902 tại làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ). Lớn lên trong gia đình Nho học, đồng chí Châu Văn Liêm được học hành đến nơi đến chốn. Năm 22 tuổi, đồng chí tốt nghiệp Trường Sư phạm Đông Dương và được phân bổ về dạy ở Trường Nữ tỉnh Long Xuyên, sau đó bị điều về dạy ở một ngôi trường thuộc làng Long Điền, quận Chợ Thủ, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Tại đây, đồng chí vừa dạy học, vừa tham gia hoạt động cách mạng. Đến năm 1927, tại Long Xuyên, đồng chí Châu Văn Liêm được kết nạp vào tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 2-1928, đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư Tỉnh bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tỉnh Long Xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát triển hội viên và tổ chức cơ sở Hội. Tháng 3-1929, tại Chợ Lớn diễn ra hội nghị bầu lại Kỳ ủy Nam Kỳ, gồm 5 đồng chí: Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Văn Côn và Trần Ngọc Quế. Đồng chí Phạm Văn Đồng được đề cử làm Bí thư Kỳ bộ. Đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Châu Văn Liêm được hội nghị chọn đi dự Đại hội Tổng bộ Việt Nam Cách mạng Thanh niên với tư cách đại diện Kỳ bộ Nam Kỳ.

Ngày 7-8-1929, với vai trò là thành viên trong Ban trù bị thành lập Đảng, đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập phiên họp ở Sài Gòn, chuẩn bị cho việc ra đời của một tổ chức mới là An Nam Cộng sản Đảng. Đến tháng 11-1929, đồng chí tiếp tục mở Hội nghị thành lập Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Đảng.

Tháng 1-1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan sang Hồng Công chuẩn bị cho cuộc họp thống nhất 3 tổ chức Đảng. Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Đảng cử hai đại biểu là đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Nguyễn Thiệu đi dự hội nghị. Hội nghị diễn ra tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) từ ngày 6-1 đến ngày 7-2-1930, dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành một Đảng và thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu được giao nhiệm vụ tiến hành hợp nhất các tổ chức Đảng ở phía Nam, từ Nha Trang trở vào đến Cà Mau. Ngày 24-2-1930, cùng với Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Châu Văn Liêm tổ chức hội nghị hợp nhất bộ phận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 4-6-1930, gần 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Long An) kéo đến Dinh quận trưởng đòi giảm sưu, giảm thuế, không được khủng bố nông dân, không được bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Đồng chí Châu Văn Liêm vừa đưa yêu sách vừa cổ vũ đoàn biểu tình đồng thanh hô vang các khẩu hiệu và buộc tên quận trưởng chấp nhận các yêu sách. Trong lúc đối mặt với quân thù, đồng chí Châu Văn Liêm đã hy sinh dưới họng súng của tên cảnh sát Đờ-rơi (Dreuil) ở tuổi 28.

* * *

Dù hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ, nhưng những đóng góp của đồng chí Châu Văn Liêm với cách mạng Việt Nam là rất lớn lao. Có thể khái quát cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí ở 3 phương diện lớn: tinh thần hiếu học, người thầy giáo mẫu mực và người cộng sản kiên trung.

Sinh ra trong một gia đình Nho học, đồng chí Châu Văn Liêm vốn có trí thông minh lại hiếu học. Những năm tháng trọ học ở Cần Thơ, lúc rảnh rỗi, đồng chí Châu Văn Liêm thường cùng các bạn học đến Nam Nhã Đường (Bình Thủy) để nghe kể về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ yêu nước như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Bội Châu; nghe kể về những mẩu chuyện và thơ ca truyền khẩu có nội dung chống Pháp. Khi học ở Sài Gòn, đồng chí có cơ hội tiếp cận với sách báo tiến bộ và thơ văn yêu nước lưu hành bí mật hoặc công khai, như báo “Người cùng khổ” của Nguyễn Ái Quốc, tập thơ “Hải ngoại huyết thư” của Phan Bội Châu... Đồng chí Châu Văn Liêm say mê đọc những bài viết cổ vũ tinh thần yêu nước, yêu dân tộc in trên sách báo tiến bộ lúc bấy giờ.

Nhắc đến đồng chí Châu Văn Liêm, dấu ấn đồng chí để lại còn là hình ảnh người thầy giáo mẫu mực. Dạy học ở trung tâm tỉnh Long Xuyên rồi bị điều về ngôi trường làng hẻo lánh, dù dạy học ở đâu, đồng chí luôn tâm niệm bà con là đồng bào mình, học sinh là con em nông dân của mình, cần được sự chăm lo của các thầy cô giáo. Bên cạnh việc trang bị những kiến thức theo nội dung chính khóa, đồng chí Châu Văn Liêm còn khơi gợi lòng yêu nước nơi học sinh. Ngoài việc dạy học ở trường, thầy giáo Liêm còn mở lớp học xóa mù chữ cho người nghèo vào ban đêm; vận động người khá giúp người nghèo tập, viết để học.

Đồng chí Châu Văn Liêm còn vận động gia đình bán toàn bộ tài sản để góp vốn cùng các đồng chí Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương lập ra một trường tư thục mang tên “Sa Đéc học đường” nhằm tập trung sức đào tạo học sinh trở thành người tốt giúp ích cho xã hội; đồng thời làm cơ sở để hoạt động cách mạng.

* * *

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm là dịp để thế hệ hôm nay ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, ôn lại cuộc đời cách mạng cao cả của người cộng sản kiên trung, người con ưu tú của quê hương Cần Thơ. Qua đó, tôn vinh và khẳng định những hy sinh cao cả của đồng chí đối với dân tộc ta; góp phần bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng và đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Bài, ảnh: Huỳnh Mai

-----------------

(Bài viết sử dụng tư liệu “Đề cương tuyên truyền Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm” của Ban Tuyên giáo Thành ủy Cần Thơ)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây