Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm (29/6/1902 - 29/6/2022)

Thứ hai - 20/06/2022 23:18 812 0
I- Tiểu sử tóm tắt và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Châu Văn Liêm

Đồng chí Châu Văn Liêm sinh ngày 29/6/1902 trong một gia đình Nho học tại làng Thới Thạnh, quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ (nay là xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ). Năm lên 10 tuổi, đồng chí Châu Văn Liêm bắt đầu học chữ quốc ngữ và được cha mẹ cho ra trường tỉnh học. Sau khi đậu bằng thành chung (Diplôme), ngày 03 tháng 7 năm 1922, đồng chí Châu Văn Liêm vào học Trường Sư phạm Đông Dương ở Sài Gòn.
Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm (29/6/1902 - 29/6/2022)

Năm 1924, tốt nghiệp Trường Sư phạm Đông Dương, đồng chí Châu Văn Liêm được phân bổ về dạy ở Trường Nữ tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Đến đầu năm 1926 - 1927, đồng chí Châu Văn Liêm bị điều động đến dạy ở một ngôi trường thuộc làng Long Điền, quận Chợ Thủ thuộc tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Tại nơi đây, đồng chí vừa dạy học, vừa tham gia hoạt động cách mạng. Đến năm 1927, tại Long Xuyên, đồng chí Châu Văn Liêm được kết nạp vào tổ chức “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”, một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tháng 02 năm 1928, đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư Tỉnh bộ “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” tỉnh Long Xuyên, trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phát triển hội viên và tổ chức cơ sở Hội.

Tháng 3 năm 1929, tại căn nhà số 14 đường La Caze (Chợ Lớn), một cuộc hội nghị được tiến hành bầu lại Kỳ ủy Nam kỳ gồm 5 đồng chí: Phạm Văn Đồng, Châu Văn Liêm, Nguyễn Kim Cương, Nguyễn Văn Côn và Trần Ngọc Quế. Đồng chí Phạm Văn Đồng được đề cử làm Bí thư kỳ bộ. Hai đồng chí Phạm Văn Đồng và Châu Văn Liêm được hội nghị chọn đi dự đại hội Tổng bộ “Việt Nam Cách mạng Thanh niên” với tư cách đại diện Kỳ bộ Nam kỳ.

Sau nhiều lần bàn bạc hợp nhất với Đông Dương Cộng sản Đảng không thành công, ngày 07 tháng 8 năm 1929, với vai trò là thành viên trong “Ban trù bị thành lập Đảng”, đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập phiên họp ở Sài Gòn, chuẩn bị cho việc ra đời của một tổ chức mới là “An Nam Cộng sản Đảng”. Đến tháng 11 năm 1929, đồng chí tiếp tục mở Hội nghị thành lập Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Đảng. Đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Đảng.

Tháng 01 năm 1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan sang Hồng Công chuẩn bị cho cuộc họp thống nhất ba tổ chức Đảng. Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Đảng cử hai đại biểu là đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Nguyễn Thiệu đi dự hội nghị. Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng diễn ra tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) từ ngày 06/01 đến ngày 07/02/1930 dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản trong nước thành một Đảng và thống nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sau hội nghị thành lập Đảng, đồng chí Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu được giao nhiệm vụ tiến hành hợp nhất các tổ chức Đảng ở phía Nam, từ Nha Trang trở vào đến Cà Mau.

Ngày 24 tháng 02 năm 1930, cùng với Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Châu Văn Liêm tổ chức hội nghị hợp nhất bộ phận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Ngày 04 tháng 6 năm 1930, gần 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Long An) kéo đến Dinh quận trưởng đưa yêu sách, đòi giảm sưu, giảm thuế, không được khủng bố nông dân, không được bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Đồng chí Châu Văn Liêm vừa đưa yêu sách vừa cổ vũ đoàn biểu tình đồng thanh hô vang các khẩu hiệu và buộc tên quận trưởng chấp nhận các yêu sách. Trong lúc đối mặt với quân thù, đồng chí Châu Văn Liêm đã hy sinh dưới họng súng bạo tàn của tên cảnh sát thực dân Đờ rơi (Dreuil) ở tuổi 28.

II- Đồng chí Châu Văn Liêm - Tấm gương sáng ngời về tinh thần hiếu học, người thầy giáo mẫu mực và người cộng sản kiên trung

1- Đồng chí Châu Văn Liêm - Người học trò hiếu học, sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản

Sinh ra trong một gia đình Nho học, tư chất lại thông minh nên từ thuở nhỏ, đồng chí Châu Văn Liêm rất hiếu học. Khi còn thơ ấu, đồng chí Châu Văn Liêm được ông nội và cha dạy chữ Nho. Sau được một thầy đồ ở Quảng Ngãi vào vừa dạy cho chữ Nho lẫn nghề thuốc Bắc. Năm lên 10 tuổi, đồng chí bắt đầu học chữ quốc ngữ, học xong lớp ba, đồng chí Châu Văn Liêm được cha mẹ cho ra trường tỉnh học.

Những năm tháng trọ học ở Cần Thơ, lúc rảnh rỗi, đồng chí Châu Văn Liêm thường cùng các bạn học đến Nam Nhã Đường - nay là Di tích lịch sử Nam Nhã Đường, thuộc quận Bình Thủy, để nghe vị chủ trì nói chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ yêu nước như Bùi Hữu Nghĩa, Phan Bội Châu; nghe kể về những mẩu chuyện và thơ ca truyền khẩu có nội dung chống Pháp. Từ những hiểu biết đầu tiên có nội dung yêu nước ấy, đồng chí Châu Văn Liêm ước mơ lớn lên được trở thành người có ích cho nhân dân, cho đất nước, nối tiếp truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc Việt Nam.

Sau khi đậu bằng thành chung (Diplôme), ngày 03 tháng 7 năm 1922, đồng chí Châu Văn Liêm vào học Trường Sư phạm Đông Dương ở Sài Gòn. Ở đây, đồng chí có cơ hội tiếp cận với sách báo tiến bộ và thơ văn yêu nước lưu hành bí mật hoặc công khai, như báo “Người cùng khổ” của Nguyễn Ái Quốc, tập thơ “Hải Ngoại Huyết Thư” của Phan Bội Châu... Đồng chí Châu Văn Liêm say mê đọc những bài viết cổ vũ tinh thần yêu nước, yêu dân tộc in trên sách báo tiến bộ lúc bấy giờ. Đồng chí Châu Văn Liêm thường hay bày tỏ quan điểm của mình với những thanh niên yêu nước như Nguyễn An Ninh, Phạm Quang Quới về một xã hội tốt đẹp, muốn được góp phần làm phong phú nền văn hóa dân tộc Việt Nam vốn có một truyền thống lâu đời, quý báu. Sau này, khi đã đi dạy học, hàng tuần đồng chí Châu Văn Liêm vẫn tranh thủ học thêm chữ Nho với ông thầy người miền Trung rất giỏi, vào ngày chủ nhật.

Bao giờ và ở đâu, đồng chí Châu Văn Liêm vẫn miệt mài chăm lo công việc, tự trau dồi hiểu biết, theo dõi tình hình trong và ngoài nước thông qua việc đọc sách báo tiến bộ lưu hành công khai hay bí mật. Đồng chí thích nhất là các bài viết của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trên các báo “Người cùng khổ”, “Thanh niên”, đặc biệt là quyển “Bản án chế độ thực dân Pháp”. Các bài viết này đã mở ra cho đồng chí tầm nhìn rộng lớn về con đường cách mạng cứu nước, cứu dân. Từ những bài báo và tài liệu đó, đồng chí Châu Văn Liêm đã xác định con đường đi theo chủ nghĩa Mác - Lênin, theo Cách mạng Tháng Mười Nga, theo con đường của đồng chí Nguyễn Ái Quốc và tin rằng Việt Nam sẽ thắng lợi.

2- Đồng chí Châu Văn Liêm - Người thầy giáo mẫu mực

Năm 1924, tốt nghiệp trường Sư phạm Đông Dương, đồng chí Châu Văn Liêm được phân bổ về dạy ở trường Nữ tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Do đấu tranh chống bọn đốc học Tây và những giáo viên vô trách nhiệm đối với học sinh, đầu năm 1926 - 1927, đồng chí Châu Văn Liêm bị điều động đến dạy ở một ngôi trường xa xôi thuộc làng Long Điền, quận Chợ Thủ, tỉnh Long Xuyên. Dù dạy học ở đâu, đồng chí Châu Văn Liêm luôn nghĩ rằng: ở đâu cũng là đồng bào mình, học sinh là con em nông dân của mình, cần được sự chăm lo của các thầy cô giáo nên hết lòng quan tâm, thăm hỏi, động viên. Bên cạnh việc trang bị những kiến thức theo nội dung chính khóa, đồng chí Châu Văn Liêm còn khơi gợi lòng yêu nước nơi học sinh. Ngoài việc dạy học ở trường, thầy giáo Liêm còn mở lớp học xóa mù chữ cho người nghèo vào ban đêm; vận động người khá giúp người nghèo tập, viết để học.

Ngoài ra, đồng chí Châu Văn Liêm còn vận động gia đình bán toàn bộ tài sản để góp vốn cùng với các đồng chí Hà Huy Giáp, Nguyễn Kim Cương lập ra một trường tư thục mang tên “Sa Đéc học đường” nhằm tập trung sức đào tạo các em học sinh trở thành người tốt giúp ích cho xã hội; đồng thời làm cơ sở để hoạt động cách mạng. Qua hai khóa học “Sa Đéc học đường” đã đào tạo, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi có lòng yêu nước, thương dân; có tinh thần thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, có ý thức vào thời cuộc. “Sa Đéc học đường” còn là điểm hẹn giữa các tổ chức Hội trong và ngoài tỉnh Sa Đéc, là nơi liên lạc của những nhà cách mạng lúc bấy giờ.

3- Đồng chí Châu Văn Liêm - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, Bí thư An Nam Cộng sản Đảng, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam

Bên cạnh hình ảnh là một thầy giáo có tinh thần yêu nước, đồng chí Châu Văn Liêm còn là một nhà cách mạng tích cực. Đồng chí đã đứng ra thành lập nhiều tổ chức yêu nước như “Việt Nam phục quốc Đảng” (tại Nam Nhã Đường Cần Thơ), “Hội giáo viên, học sinh yêu nước Long Xuyên” (1926), tiệm thuốc Bắc “Việt Hưng Đường” ở Thới Lai, Ô Môn (Cần Thơ). Bề ngoài, tiệm thuốc với danh nghĩa bán thuốc Đông y nhưng bên trong là nơi liên lạc, phổ biến sách báo tiến bộ.

Năm 1927 tại Long Xuyên, đồng chí Châu Văn Liêm được đồng chí Nguyễn Ngọc Ba - một cán bộ của Kỳ bộ “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” Nam kỳ từ Sài Gòn về gần gũi, giúp đỡ, bồi dưỡng những nhận thức mới cho đồng chí. Thay mặt tổ chức “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên”, đồng chí Ngọc Ba đứng ra kết nạp đồng chí Châu Văn Liêm vào Hội.

Được trở thành hội viên, đồng chí Châu Văn Liêm rất vinh dự, tự hào nhưng cũng nhận thấy trách nhiệm khá nặng nề. Đồng chí nghĩ rằng, chỉ có một tổ chức với đường lối đúng đắn dẫn dắt, có chương trình hành động cụ thể thì cách mạng Việt Nam mới thành công. Từ đó, đồng chí nguyện đem hết sức mình đấu tranh để góp phần xây dựng, phát triển Hội. Đồng chí Châu Văn Liêm hoạt động bí mật trên vị trí nhà giáo công khai ở Long Xuyên có rất nhiều thuận lợi. Đồng chí gần gũi và hiểu biết được cảnh nghèo khổ của nhân dân, luôn được nhân dân tin yêu, che chở.

Nhờ quá trình hoạt động tích cực của mình, tháng 3 năm 1929, đồng chí Châu Văn Liêm được đề cử làm Bí thư Kỳ ủy Nam kỳ. Đồng chí Châu Văn Liêm được chọn đi dự Đại hội Tổng bộ “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng tại Hương Cảng (Trung Quốc). Sau đại hội, đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm thành viên trong “Ban trù bị thành lập Đảng”. Từ năm 1929 trở đi, các cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân ngày càng có tổ chức và mang tính tự giác cao. Trước phong trào cách mạng ngày càng phát triển sâu rộng, cần có một tổ chức thích ứng hơn với tình hình mới, đòi hỏi có Đảng tiên phong đủ sức lãnh đạo công cuộc cách mạng trong nước - đó là Đảng Cộng sản Việt Nam.

Là thành viên trong “Ban trù bị thành lập Đảng”, sau khi về nước, đồng chí Châu Văn Liêm triệu tập một phiên họp vào ngày 07 tháng 8 năm 1929, tại “Phong cảnh khách lầu”, Sài Gòn. Hội nghị đề xuất việc ra đời của một tổ chức mới là “An Nam Cộng sản Đảng” và được tất cả đại biểu nhất trí. Sau khi bế mạc hội nghị, đồng chí trở về địa phương tuyển chọn những hội viên “Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên” xứng đáng và chọn những người yêu nước, trung thành, tiêu biểu kết nạp vào hàng ngũ của Đảng. Tại cơ sở thì thành lập Chi bộ Đảng. Đồng chí đã tổ chức kết nạp đảng viên và lập Chi bộ An Nam Cộng sản Đảng ở cơ sở. Tại ngã tư Long Hồ (Vĩnh Long), đồng chí Châu Văn Liêm đã giới thiệu kết nạp Nguyễn Văn Nhung và Nguyễn Văn Thiệt vào An Nam Cộng sản Đảng, thành lập Chi bộ Đảng ở Long Hồ. Ba tháng sau, đồng chí tiếp tục mở Hội nghị thành lập Ban lâm thời chỉ đạo An Nam Cộng sản Đảng - cơ quan Trung ương của An Nam Cộng sản Đảng, đồng chí Châu Văn Liêm được cử làm Bí thư tổ chức này.

Bấy giờ, ở nước ta có ba tổ chức Đảng cùng hoạt động, đó là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Từ nước ngoài, đồng chí Nguyễn Ái Quốc theo dõi phong trào cách mạng trong nước và thấy đã đến lúc phải hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thành một Đảng thống nhất để lãnh đạo phong trào cách mạng cả nước, phát huy sức mạnh vô địch của nhân dân, chống lại sự chia rẽ lực lượng cách mạng - đây cũng là điều đồng chí Châu Văn Liêm hằng mong ước. Ngày 3/2/1930, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thay mặt Quốc tế Cộng sản tổ chức hội nghị hợp nhất ba tổ chức Đảng Cộng sản ở trong nước tại Hương Cảng (Trung Quốc). Đồng chí Châu Văn Liêm và đồng chí Nguyễn Thiệu được An Nam Cộng sản Đảng cử đi dự hội nghị này. Thành công của hội nghị đem lại cho đồng chí Châu Văn Liêm một nghị lực mới. Đồng chí tâm đắc về những điều mà nhân dân Việt Nam từ lâu mong ước đã được Đảng thấu suốt, thể hiện ra đường lối, chủ trương để trở thành hiện thực.
 

Ngày 24/2/1930, cùng với Xứ ủy Nam kỳ, đồng chí Châu Văn Liêm tổ chức hội nghị hợp nhất bộ phận Đông Dương Cộng sản Liên đoàn vào Đảng Cộng sản Việt Nam (vì lúc hội nghị hợp nhất Đảng, đại biểu Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không đến kịp). Sau khi hoàn thành việc thống nhất Đảng ở Nam Kỳ, đồng chí Châu Văn Liêm nhận nhiệm vụ phụ trách liên tỉnh Gia Định - Chợ Lớn.
 
Bấy giờ, phong trào đấu tranh của quần chúng thuộc các tầng lớp nhân dân lao động nghèo, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Tại khu vực Gia Định - Chợ Lớn, các cuộc biểu tình của quần chúng diễn ra liên tục. Ngày 04 tháng 6 năm 1930, gần 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Long An) kéo đến dinh quận trưởng đưa yêu sách, đòi giảm thuế, không bắt bớ, đánh đập người vô cớ. Trong lúc đối mặt với quân thù, đồng chí Châu Văn Liêm đã hy sinh dưới họng súng của tên cảnh sát thực dân Đờ-rơi (Dreuil) ở tuổi 28 tràn đầy nhiệt huyết.
 
Hoài bão của đồng chí Châu Văn Liêm đã và đang được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện, tiếp tục xây dựng, đổi mới quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, ấm no, hạnh phúc.
***
Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Châu Văn Liêm trong bối cảnh cả nước và thành phố đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ các cấp, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 -2025 và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống vẻ vang của dân tộc, ôn lại cuộc đời cách mạng cao cả của người cộng sản kiên trung - Châu Văn Liêm, đó là hành động có ý nghĩa thiết thực nhằm tôn vinh và khẳng định những hy sinh cao cả của đồng chí đối với dân tộc ta; qua đó bồi dưỡng truyền thống cách mạng, giáo dục tư tưởng và đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ hôm nay.
 
Noi gương đồng chí, Đảng bộ, Chính quyền, quân và dân thành phố Cần Thơ tăng cường đoàn kết, nhất trí, tranh thủ mọi thời cơ, khắc phục khó khăn, thử thách, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết nhiệm vụ của Đảng bộ thành phố trong năm 2022 và những năm tiếp theo; phấn đấu xây dựng Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hóa, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng đồng bằng sông Cửu Long; đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt mức cao; tổ chức đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; quốc phòng - an ninh được bảo đảm vững chắc.
 
BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY CẦN THƠ
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây