Công tác tôn giáo trong tình hình mới

Thứ tư - 14/02/2024 21:44 437 0
Chiến tranh, khủng bố, thiên tai, dịch bệnh đã và đang là những nhân tố dẫn đến sự thay đổi trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu. Tôn giáo và công tác tôn giáo luôn gắn với thực tiễn, vì thế, trước những biến đổi của tình hình thế giới và trong nước, tôn giáo cũng có những thay đổi. Do vậy, công tác tôn giáo cần nhận định đúng những thay đổi cả về bối cảnh cũng như đời sống tôn giáo, để từ đó đề ra các nhiệm vụ phù hợp với thực tiễn.
Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đến thăm, chúc mừng Giáng sinh năm 2022 tại Tòa Giám mục Giáo phận Phan Thiết.

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đến thăm, chúc mừng Giáng sinh năm 2022 tại Tòa Giám mục Giáo phận Phan Thiết.

1Mặc dù cơn “địa chấn” COVID-19 đã đi qua giai đoạn cam go nhất, nhưng hậu quả của nó cùng với những hệ lụy từ xung đột quân sự kéo dài tại một số nơi trên thế giới đã và đang làm cho nhịp sống kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu luôn ở trong tình trạng bất ổn. Cùng với đó, thực trạng biến đổi khí hậu tác động ngày càng tồi tệ, khiến nhiều quốc gia đối mặt với suy giảm tăng trưởng, ô nhiễm môi trường và chất lượng cuộc sống bị suy giảm.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), “nền kinh tế toàn cầu một lần nữa lại ở thời điểm vô cùng bất định, do tác động cộng dồn của những cú sốc bất lợi như đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraina... Nhu cầu bị dồn nén, gián đoạn nguồn cung kéo dài và giá cả hàng hóa tăng đột biến, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, khiến các ngân hàng trên thế giới phải thắt chặt chính sách tiền tệ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu và giữ cho kỳ vọng lạm phát ở mức cố định”.

Hiện nay, nhiều nước đang phát triển lâm vào “đa khủng hoảng” - nhiều cuộc khủng hoảng cùng đến một lúc khiến khó khăn chồng thêm khó khăn. Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) dự báo, cùng với tình trạng nợ nần ngày càng tăng, các quốc gia có thu nhập thấp khó có thể khắc phục được tình hình thất nghiệp do đại dịch COVID-19 gây ra.

Cùng với các nguyên nhân dẫn đến “khủng hoàng niềm tin” nêu trên, mặt trái của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang làm gia tăng bất ổn về niềm tin giữa con người với con người. Chat GPT, Công nghệ AI... đã và đang đặt con người trong mối tương quan so sánh với “trí tuệ nhân tạo”, tạo nên các biến đổi, xung đột trong nhận thức và giá trị truyền thống.

Các biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội như bất công, phân hóa giàu nghèo, tham nhũng, tiêu cực... ở nội bộ nhiều quốc gia trên thế giới cũng là các yếu tố dẫn đến sự “đổ vỡ” niềm tin của con người trong thế giới hiện đại, nhất là người dân ở các “tầng lớp dưới”.

Những biến động nêu trên đã và đang dẫn đến không ít biến đổi cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực trong đời sống tôn giáo của nhân loại, trong đó có Việt Nam. Có thể nói, những khó khăn, bất ổn về kinh tế, chính trị, xã hội đã tác động rất lớn đến nhận thức và hoạt động động tôn giáo - một lát cắt quan trọng trong tổng thể bức tranh văn hóa. Điều này cũng đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác tôn giáo hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước tấm bia tôn vinh Phật hoàng Trần Nhân Tông
 
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước tấm bia tôn vinh Phật hoàng Trần Nhân Tông

2Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân. Điều này đã được khẳng định trong các văn kiện, nghị quyết của Đảng cũng như chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cùng với Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, đặc biệt là những điểm mới được khẳng định tại Đại hội XIII của Đảng, cho thấy, công tác tôn giáo ngày càng được Đảng và Nhà nước ta nhận thức đúng đắn và có những điều chỉnh tích cực, gắn với thực tiễn và nhu cầu chính đáng của nhân dân.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng khẳng định “tôn giáo là một nguồn lực” để phát triển đất nước; đồng thời xác định: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(1).

Thực tế những năm qua cho thấy, về cơ bản, các tổ chức tôn giáo ở nước ta cũng như đa số các tín đồ, chức sắc đã thực hiện đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về hoạt động tôn giáo; công tác tôn giáo, tín ngưỡng đã đáp ứng được nhu cầu, yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Nhiều tôn giáo và đồng bào theo tôn giáo luôn tin tưởng và có những đóng góp tích cực trên các lĩnh vực đời sống xã hội...

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: “Tình hình tôn giáo ổn định; đa số chức sắc, chức việc và đồng bào có đạo yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, góp phần đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc, vu cáo chính quyền vi phạm nhân quyền, tự do tôn giáo”(2). Tính đến năm 2021, Nhà nước ta đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước; trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự(3). Mặc dù chưa thể “đáp ứng” hết các nhu cầu về tôn giáo, nhất là trong bối cảnh mới, song, những con số nêu trên là minh chứng rất rõ cho chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện tinh thần cởi mở, tôn trọng dân chủ; thừa nhận tôn giáo, tín ngưỡng là nhu cầu chính đáng của một bộ phận quần chúng nhân dân; luôn quan tâm, sẵn sàng tạo điều kiện đối với các hoạt động của những tôn giáo đã được công nhận.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với những thuận lợi, tích cực là không ít vấn đề khó khăn, phức tạp liên quan đến công tác tôn giáo ở nước ta. Một số tôn giáo, hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện hoặc “du nhập” trái phép từ nước ngoài vào kéo theo sự trỗi dậy, trở lại của các tổ chức mê tín, phản động, lợi dụng tôn giáo để chống phá sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Điều này đã và đang đem đến những vấn đề phức tạp, đòi hỏi sự kiên quyết trong xử lý của Nhà nước cũng như nhận thức đúng của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, đòi hỏi công tác tôn giáo phải chủ động và không ngừng tăng cường các giải pháp đúng đắn, phù hợp tình hình mới, qua đó, góp phần phát huy, lan tỏa những giá trị tốt đẹp, nhân bản, nhân văn; giảm thiểu, triệt tiêu những vấn đề tiêu cực, mê tín dị đoan, gây rối loạn nhân tâm và đời sống xã hội.

 

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân.

Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân.

3. Trước những hiện tượng thu hút sự chú ý của dư luận xã hội thời gian gần đây, liên quan đến các hoạt động mang tính chất “thị trường”, “cung - cầu” của một số cơ sở thờ tự Phật giáo ở nước ta, không ít các nhà nghiên cứu văn hóa, học giả đặt câu hỏi: trong tình hình mới,  hay khôngnên hay không nên công nhận “thị trường tôn giáo”? Nói đến “thị trường tôn giáo” là nói đến yếu tố “cung” và “cầu” với các dịch vụ tôn giáo, dịch vụ tâm linh, nghĩa là có nhu cầu, có tiền thì được đáp ứng đầy đủ các “mặt hàng tinh thần” cần thiết. Điều này liệu có mâu thuẫn, phản cảm, trái với tính chất “nguyên bản” của tôn giáo chính thống? Đây là một trong những vấn đề mới và khó có câu trả lời hài lòng tất cả mọi người.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, các tôn giáo cũng cần có sự tuyên truyền, quảng bá để mở rộng tầm ảnh hưởng và thu hút sự quan tâm của mọi người. Đồng thời, cũng cần có kinh tế - tài chính để duy tu, nâng cấp cơ sở thờ tự và tăng cường hoạt động. Không chỉ Phật giáo, nhiều tôn giáo ở Việt Nam hiện nay đều tăng cường hướng đến phục vụ các dịch vụ tâm linh, nhằm thỏa mãn nhu cầu của tín đồ.

Như vậy, trong tình hình mới, cùng với những thay đổi khác, hoạt động kinh tế là hình thức khá mới trong hoạt động tôn giáo - từ trực tiếp đến gián tiếp phục vụ mọi nhu cầu tâm linh: du lịch tâm linh, hàng hóa hóa các sản phẩm tôn giáo... Đây là một trong những vấn đề cần được cơ quan quản lý các cấp về tôn giáo và công tác tôn giáo nghiên cứu thấu đáo để đưa ra những quy định mới “hợp lý hợp tình”; nhất là luận giải và đưa ra quan điểm thuyết phục để “hóa giải” những mâu thuẫn, như: sự tham gia vào các hoạt động kinh tế có làm mất đi “tính thiêng”, mất đi bản chất đích thực của các tôn giáo không?

4. Trước không ít thay đổi cả về nhận thức và hoạt động tôn giáo trong tình hình mới, công tác tôn giáo ở nước ta cần quan tâm hơn nữa đến một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, chú trọng việc tổng kết thực tiễn và tổng kết công tác lý luận về công tác tôn giáo.

Với sự hỗ trợ của công nghệ số, nhiều tôn giáo, tín ngưỡng hiện nay đang sử dụng những hình thức mới để truyền bá giáo lý và mở rộng sức ảnh hưởng. Các hoạt động truyền đạo, giảng đạo không chỉ còn bó hẹp trong không gian công cộng gắn với các cơ sở thờ tự mà diễn ra rộng rãi trên các nền tảng online. Điều này dẫn đến những khó khăn, bất cập cho cơ quan chức năng làm công tác tôn giáo khi muốn nắm bắt, tìm hiểu các hoạt động tôn giáo, nhất là trước những vấn đề, hiện tượng lợi dụng hoạt động tôn giáo để tuyên truyền mê tín dị đoan, chống đối chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước hoặc công kích, miệt thị tôn giáo khác.

Thực tế gần đây cho thấy, không ít cá nhân đã lợi dụng danh nghĩa tôn giáo, sử dụng Internet và các nền tảng mạng xã hội để kích động, xuyên tạc chính quyền và các cơ quan, lực lượng chức năng; gieo rắc sự hoài nghi, bất mãn của không ít “cư dân mạng” đối với các chủ trương, chính sách tốt đẹp của Đảng và Nhà nước; lợi dụng những khó khăn, mất mát do thiên tai, dịch bệnh để kêu gọi hảo tâm và tinh thần “tương thân, tương ái” của tín đồ và người dân nhằm trục lợi bất chính...

Thực trạng trên đòi hỏi chúng ta cần tăng cường tính thường xuyên trong tổng kết hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo, từ đó, đưa ra những nhận định đúng và các giải pháp phù hợp, khả thi trong trong tình hình mới. Tăng cường phối hợp, kết hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng có liên quan đến công tác quản lý tôn giáo, tín ngưỡng.

Thứ hai, phát huy tính chủ động trong công tác tín ngưỡng, tôn giáo gắn với phòng ngừa, đấu tranh với những hình thức, biểu hiện phản động, chống phá có liên quan đến tôn giáo.

Các thế lực thù địch vẫn không ngừng thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, trong đó tôn giáo được xem như một “mặt trận” để chúng khai thác, xuyên tạc và kích động; đặc biệt là lợi dụng để rêu rao, bóp méo, cho rằng Việt Nam không có tự do tôn giáo và vi phạm nhân quyền. Có những sự việc không bắt nguồn trực tiếp từ tôn giáo, nhưng các thế lực phản động vẫn “quy” về nguyên nhân tín ngưỡng, tôn giáo để kích động hòng phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc...

Trong tình hình mới, việc đấu tranh, xử lý với các hoạt động lợi dụng tôn giáo, nhất là những sự việc có nhiều người dân vì nhẹ dạ cả tin mà tham gia, cần thận trọng, tránh nóng vội, đảm bảo sự nghiêm minh “đúng người đúng tội” nhưng không đẩy nhân dân về phía những kẻ thù địch; không để bị động hoặc thụ động trong giải quyết vấn đề.

Thứ ba, không ngừng củng cố, phát huy vai trò của hệ thống chính trị các cấp, nhất là những cơ sở, địa bàn có đông đồng bào theo tôn giáo.

Hệ thống chính trị cơ sở phải thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo Hiến pháp; thực hiện đúng điều lệ của các tổ chức tôn giáo; đảm bảo cho các chức sắc và tín đồ tôn giáo sinh hoạt theo đúng tinh thần của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016; quản lý, nâng cao chất lượng công tác tôn giáo...

Thứ tư, đẩy mạnh công tác dân vận và tuyên truyền nêu gương.

Chú trọng vận động chức sắc tôn giáo thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, phát huy tinh thần yêu nước và những điều tốt đẹp, thiện lành của tôn giáo, góp phần xây dựng các phong trào thi đua, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.

Tăng cường vận động quần chúng, trong đó có đồng bào theo tôn giáo luôn phát huy ý thức giữ gìn trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng; kiên quyết “không nghe, không tin, không theo” những luận điệu xuyên tạc, lôi kéo của kẻ xấu - nhất là âm mưu lợi dụng “những vấn đề mới” trong đời sống tôn giáo để tuyên truyền tà đạo, chia rẽ khối đại đoàn kết, chống phá chính quyền.

Quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền nêu gương, trong đó chú trọng đến phản ánh, thông tin và biểu dương những tổ chức, chức sắc, tín đồ tôn giáo luôn thực hiện tốt nghĩa vụ công dân, sống - làm việc - thực hành theo đúng các phương châm: “Đạo pháp dân tộc và Chủ nghĩa xã hội”, “Tốt đời, đẹp đạo”; đồng hành, đoàn kết, không phân biệt tôn giáo, giai cấp để giúp cộng đồng vượt qua khó khăn, chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu...

Thứ năm, quan tâm thiết thực hơn nữa đến các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thực hiện an sinh xã hội đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào theo tôn giáo.

Nhà nước và các địa phương chung tay thực hiện tích cực hơn nữa vấn đề phát triển kinh tế bền vững, giữ vững ổn định an ninh - chính trị, tăng cường các giải pháp an sinh xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng, thúc đẩy giáo dục - nâng cao dân trí... Các chương trình, chính sách phải vừa mang tính chiến lược, dài hơi, vừa mang tính cụ thể, phù hợp với mỗi giai đoạn nhất định; hướng tới kéo giảm sự chênh lệch và khoảng cách về mức sống giữa miền ngược với miền xuôi, giữa miền núi với đồng bằng, giữa đồng bào có đạo và đồng bào không có đạo...

Thứ sáu, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cơ quan chức năng cần thường xuyên nghiên cứu, bám sát tình hình thực tiễn cơ sở để xây dựng, đề xuất những chính sách, giải pháp phù hợp; khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tôn giáo.

Việc ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động và công tác tôn giáo ở địa phương cơ sở phải đảm bảo đúng chủ trương, đường lối của Đàng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời gắn với những đặc điểm thực tiễn ở mỗi nơi; lập luận, diễn giải cần rõ ràng, dễ hiểu, tránh đa nghĩa khiến cho kẻ xấu lợi dụng xuyên tạc... Đồng thời, tổ chức đảng, chính quyền và cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường chỉ đạo, phối hợp xử lý có hiệu quả những hiện tượng “đem” tôn giáo, tín ngưỡng, đặc biệt là các sự kiện và nhân vật tôn giáo “lồng ghép” vào những sự kiện, vấn đề chính trị của đất nước và địa phương.../.

TS. BÙI THỊ THỦY
Học viện Ngoại giao
(Theo https://www.tuyengiao.vn/)

____________________

(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.171.

(2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t.II, tr.45.

(3) Ban Tôn giáo Chính phủ: Công tác tôn giáo 2021, Nxb. Tôn giáo, H, 2021, tr.44-66.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây