Thủ tướng Phan Văn Khải: Nhà lãnh đạo tài năng, mẫu mực thời kỳ đổi mới

Thứ tư - 27/12/2023 19:47 193 0
Với hơn 70 năm hoạt động cách mạng, từ khi tham gia phong trào cách mạng đến khi đảm nhiệm cương vị đứng đầu Chính phủ, cuộc đời của đồng chí Phan Văn Khải gắn liền với sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm đền Sinh và gặp gỡ nhân dân xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh, ngày 9/4/2000. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm đền Sinh và gặp gỡ nhân dân xã An Sinh, huyện Đông Triều, Quảng Ninh, ngày 9/4/2000. Ảnh: TTXVN

TÌM TÒI, ĐỘT PHÁ ĐI ĐẾN ĐỔI MỚI TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Thủ tướng Phan Văn Khải là người được đào tạo bài bản tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Plekhanov của Liên bang Xô viết. Sau tốt nghiệp, đồng chí về làm tại Vụ Tổng hợp Kinh tế quốc dân (thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) giữ chức Trưởng phòng. Sau đó, đồng chí làm tại Ban Kinh tế của Trung ương Cục và vào Nam chiến đấu (đi B). Sau năm 1975, đồng chí trở lại Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm Thành phố gặp rất nhiều khó khăn, đỉnh điểm tập trung vào năm 1979-1980 kéo theo hệ lụy sự khủng hoảng lòng tin của quần chúng, phát sinh hiện tượng, công nhân viên chức bỏ cơ quan, làn sóng di tản ngày càng tăng. Những năm này, đảm đương các cương vị khác nhau[1], Phan Văn Khải cùng các đồng chí lãnh đạo của Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố, đứng mũi chịu sào trước việc phải đưa mọi công tác đi vào kỷ cương, tháo gỡ khó khăn, đẩy lùi khủng hoảng trong sản xuất kinh doanh và giải quyết bức xúc của cuộc sống nhân dân.

Từ cuối năm 1979, đặc biệt là sau năm 1981, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IV và các Quyết định số 25-CP, 26-CP[2] của Hội đồng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải trên cương vị Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cùng tập thể lãnh đạo Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp quốc doanh tinh thần tự chủ, tự lực, không trông chờ ỷ lại cấp trên về vật tư nguyên liệu; đồng thời, đỡ đầu về trách nhiệm cho một số đơn vị tìm kiếm nguồn vật tư nguyên liệu, tự sản xuất và tự tiêu thụ sản phẩm. Việc cởi trói về lương sản phẩm trong xí nghiệp, khoán sản phẩm trong nông nghiệp, cải tạo công - thương nghiệp, … được cơ sở và người lao động hưởng ứng, đồng tình.

Năm 1981 đến năm 1984, trên cương vị Phó Bí thư Thành uỷ, Phó Chủ tịch thường trực Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí cùng tập thể lãnh đạo thực hiện mô hình mới cải tạo xã hội chủ nghĩa gắn liền với tổ chức lại sản xuất, các đòn bẩy kinh tế được sử dụng về ba lợi ích, hàng hóa - tiền tệ, mua bán theo giá thị trường, mở ra một sức mạnh thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, nguồn hàng hóa của Thành phố ngày càng dồi dào hơn. Vận dụng sáng tạo Nghị quyết Đại hội V của Đảng (1982); thực hiện Nghị quyết 01-NQ/TW, ngày 14-9-1982 của Bộ Chính trị Về công tác của thành phố Hồ Chí Minh tại Đại hội lần thứ III (10-1983), Đảng bộ thành phố đánh giá hình thức tư bản nhà nước lần đầu tiên được vận dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, Thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận; tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 1981-1985 đạt mức 8,2%/năm (riêng năm 1984 đạt 12,4%), trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm ngành công nghiệp (12,5%/năm)[3].

Năm 1986, trước yêu cầu phát triển của đất nước, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện. Trên cương vị Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Khải đã nắm bắt xu thế khách quan và là một trong những người đi đầu hoạch định và thực hiện đường lối đổi mới tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Năm 1988, với vai trò Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, đồng chí Phan Văn Khải đã dẫn đoàn đi khảo sát một số nước học tập kinh nghiệm (Malaysia, Singapore, Thái Lan và Philippines) để tìm hiểu về kinh tế, vận động đầu tư, mở ra cơ hội hợp tác quốc tế. Vừa học hỏi kinh nghiệm phát triển của các nước này, đồng chí Phan Văn Khải tích cực giới thiệu về các chính sách mới ban hành trong việc kêu gọi đầu tư nước ngoài như Luật Ðầu tư năm 1987, Nghị định 139-HÐBT năm 1988. Qua đó, khẳng định một cách mạnh mẽ rằng, Việt Nam muốn hợp tác với các nước trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia Ðông Nam Á.

Có thể nói, thực tiễn rất sống động ở Thành phố Hồ Chí Minh đã đóng góp nhiều cách làm, gợi mở cho Trung ương có những quyết sách đúng đắn, phù hợp để đưa đất nước đổi mới, phát triển. Đồng thời, những năm tháng đầu tiên của "đổi mới" đầy khó khăn, thử thách đó cũng chính là môi trường để trui rèn bản lĩnh của nhà lãnh đạo tài năng Phan Văn Khải.

GÓP PHẦN THIẾT KẾ VÀ TRIỂN KHAI ĐƯỜNG LỐI ĐỔI MỚI

Khi được Bộ Chính trị điều động ra Trung ương đảm nhiệm cương vị Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và đến tháng 9/1997 là Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã tích cực tham gia quá trình thiết kế, hình thành đường lối đổi mới và cùng Chính phủ cụ thể hóa đường lối đó trong thực tiễn.

Đồng chí đảm nhận trọng trách Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh Chính phủ phải đương đầu với cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng ở châu Á. Trước tình hình này, đồng chí cùng tập thể Chính phủ kịp thời đưa ra các biện pháp kịp thời, có chiều sâu (chống chế lạm phát, chính sách tài khóa, tín dụng phù hợp…) nên đã xử lý được khủng hoảng, khiến nó không lan rộng như nhiều quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Hàn Quốc. Nhờ đó, nền kinh tế của Việt Nam giữ được ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bội chi ngân sách thấp và tỷ lệ nợ công luôn dưới ngưỡng 50% vào thời điểm đồng chí Phan Văn Khải kết thúc nhiệm kỳ Thủ tướng[4].

Sau 2 năm vượt qua khủng hoảng, trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đẩy mạnh đổi mới tư duy phát triển kinh tế, là một trong những người tiên phong “cởi trói” cho kinh tế tư nhân phát triển. Trong thời gian làm Thủ tướng (1997-2006), đồng chí đã tiếp nối và phát triển những tư tưởng lớn của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, lãnh đạo Chính phủ lần đầu tiên soạn thảo và đưa nhiều cơ chế, chính sách quan trọng vào cuộc sống, tiêu biểu như Luật Doanh nghiệp. Để xây dựng Luật Doanh nghiệp, ngoài việc trực tiếp nghiên cứu luật doanh nghiệp của 16 nước, Thủ tướng còn cho mời các chuyên gia nước ngoài đến góp ý kiến và đưa dự thảo ra hỏi ý kiến các doanh nghiệp và chuyên gia trong nước qua nhiều cuộc hội thảo ở cả ba miền Bắc-Trung-Nam. Đây cũng là lần đầu tiên các doanh nghiệp được tham gia ý kiến xây dựng một luật cho chính mình. Luật Doanh nghiệp năm 1999 ra đời, đánh dấu một bước cải cách thể chế mạnh mẽ theo kinh tế thị trường với hai nội dung cốt lõi: một là, mọi tổ chức và công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật; hai là, Nhà nước quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tổ chức sự quản lý, giám sát theo nguyên tắc công khai, minh bạch. Qua hai năm đầu thi hành Luật Doanh nghiệp, Chính phủ và Thủ tướng đã bãi bỏ 145 giấy phép, các bộ bãi bỏ thêm 15 loại giấy phép khác, ngoài ra một số giấy phép được chuyển thành điều kiện kinh doanh.

Trong những năm từ 2001 đến 2005, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi bổ sung nhiều luật quan trọng khác về kinh tế như Luật Đất đai, Luật về Ngân hàng và Các tổ chức tín dụng, Luật Thương mại, các luật thuế… Tất cả những văn bản này đều được xây dựng trên tinh thần đổi mới tương thích với Luật Doanh nghiệp 1999, đồng thời dựa trên những nguyên tắc cơ bản của WTO mà nước ta đang đàm phán để gia nhập.

 

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thủy điện Sơn La tại khu vực xây dựng Nhà máy Ảnh: Thế Thuần (TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải xem xét Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Thủy điện Sơn La tại khu vực xây dựng Nhà máy Ảnh: Thế Thuần (TTXVN)

Cùng với vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân trong nước, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng là người có những đóng góp quan trọng cho sự ra đời của Luật Đầu tư nước ngoài năm 2002, tạo thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Ban hành Luật là một bước đột phá, nhưng việc thực hiện Luật còn khó khăn vì đụng chạm tới lợi ích cục bộ của không ít cơ quan và cán bộ nhà nước cũng như cách làm lâu nay của doanh nghiệp. Do vậy, Thủ tướng đã quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật doanh nghiệp do Trần Xuân Giá làm Tổ trưởng với nòng cốt là những người đã tham gia xây dựng luật. Thủ tướng còn trực tiếp đối thoại, lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tìm hướng giải quyết, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Thủ tướng đặt ra nguyên tắc: quan hệ giữa Nhà nước và doanh nghiệp phải là quan hệ hợp tác, cộng đồng trách nhiệm trước yêu cầu chung của sự phát triển đất nước, không có hàng rào ngăn cách theo kiểu kẻ trên người dưới. Cả trong xây dựng lẫn thi hành thể chế phải đấu tranh khắc phục tình trạng các cơ quan Nhà nước luôn tìm cách giành thuận lợi cho mình, đẩy khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Phải hiểu chính doanh nghiệp và dân là người đóng thuế nuôi bộ máy nhà nước, và nhà nước phải phục vụ dân. Việc quyết định công nhận ngày 13/10 là ngày Doanh nhân Việt Nam đã thể hiện rõ quan điểm của Thủ tướng Phan Văn Khải luôn đồng hành và quyết tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp và khu vực kinh tế tư nhân.

Trong 9 năm trên cương vị Thủ tướng Chính phủ, đồng chí Phan Văn Khải đã góp phần đặt nền móng vững chắc cho quan điểm phát triển bền vững và chú trọng hiệu lực, hiệu quả của chỉ đạo điều hành, thực thi chính sách, trong đó minh chứng cụ thể là tăng trưởng GDP bình quân hàng năm đạt khoảng 7%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát. Các định hướng, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh… đã trở thành những kinh nghiệm tốt cho Chính phủ và các thế hệ lãnh đạo sau này.

KHỞI ĐẦU CHIẾN LƯỢC HỘI NHẬP VÀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ

Bên cạnh những đóng góp to lớn vào phát triển kinh tế, đồng chí Phan Văn Khải đã để lại nhiều dấu ấn sâu sắc, góp phần tạo nên những bước tiến quan trọng, thay đổi về chất trong công tác đối ngoại và hội nhập. Năm 1991-1992, đồng chí là Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị tài trợ quốc tế tại Paris; trực tiếp chỉ đạo các hoạt động liên quan đến việc đàm phán với Câu lạc bộ London, Câu lạc bộ Paris để giải quyết các vấn đề nợ của Việt Nam. Đây là bước đột phá mở đầu ra thế giới bên ngoài, mở ra một kênh rất quan trọng là thu hút vốn ODA quốc tế.

Trên cương vị Thủ tướng, đồng chí cùng tập thể các nhà lãnh đạo Việt Nam xây dựng một chiến lược hội nhập và phát triển kinh tế của Việt Nam sau giai đoạn Việt Nam bình thường hóa quan hệ với các nước lớn, thời kỳ giải quyết các vấn đề để Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, gia nhập Asean, WTO gia nhập ASEAN. Thủ tướng đã chỉ đạo sát sao việc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Hoa Kỳ (BTA) từ tháng 9/1996 qua 11 vòng đàm phán đầy cam go; đến ngày 13/7/2000, Hiệp định BTA được chính thức ký kết mở ra một giai đoạn mới, thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sáu năm sau quán triệt chủ trương Nghị quyết Đại hội X của Đảng về hội nhập, đồng chí đã chỉ đạo đẩy mạnh đàm phán để Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau hơn 11 năm đàm phán, ngày 07/11/2006, WTO chính thức kết nạp Việt Nam và kể từ ngày 11/1/2007, Việt Nam đã trở thành thành viên đầy đủ của WTO. Đây là dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã có nhiều chuyến công tác nước ngoài rất thành công, góp phần tăng cường quan hệ đối ngoại về chính trị, ngoại giao, kinh tế và mang lại những cơ hội về thương mại, đầu tư, thu hút các nguồn lực ODA, FDI cho phát triển đất nước. Năm 1998, Thủ tướng Phan Văn Khải là người lãnh đạo cao cấp đầu tiên của Việt Nam tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Qua diễn đàn và hoạt động của khối APEC, Việt Nam có cơ hội và điều kiện liên kết, thực hiện hợp tác, thương mại, đầu tư với các nước khác. Một sự kiện đặc biệt quan trọng nữa là sau 10 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Hoa Kỳ. Ngay sau đó, đồng chí Phan Văn Khải đã thăm chính thức Canada. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973.

Các chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời, tạo nền tảng cho những ký kết được tiến hành trong những năm tiếp theo giữa Việt Nam và các nước lớn, hiện thực hóa chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa về ngoại giao, đưa đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng.

 

Ngày 24-12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học

Ngày 24-12, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học "Đồng chí Phan Văn Khải – Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước, người con ưu tú của Thành phố Hồ Chí Minh".

NHÀ LÃNH ĐẠO GẮN BÓ MẬT THIẾT VỚI NHÂN DÂN

Cho dù ở bất cứ cương vị nào, đồng chí Phan Văn Khải luôn quan tâm đến vấn đề con người, đặc biệt là đào tạo thế hệ trẻ, chú trọng bồi dưỡng và phát huy nhân tố con người cả về thể chất, trí tuệ, tâm hồn, tạo điều kiện cho con người vươn lên phát huy tiềm lực to lớn, coi đó là nguồn lực vô tận to lớn của đất nước.

Ngay sau khi nhậm chức, ngày 30-9-1997, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trình bày trước Quốc hội khóa X về Định hướng chương trình hành động của Chính phủ trong nhiệm kỳ được xác định là “nhiệm kỳ mở đầu thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”, với những “nhiệm vụ trọng tâm” của Chính phủ là “hướng vào phát triển kinh tế-xã hội nhằm đáp ứng những mong muốn và đòi hỏi của các tầng lớp nhân dân trong cả nước”[5] gồm 5 vấn đề chủ yếu là:  “Một là, được nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần.

Hai là, được tạo mọi điều kiện thuận lợi để tìm việc làm, đầu tư sản xuất kinh doanh, làm giàu cho mình và cho đất  nước.

Ba là, được sống trong một môi trường xã hội lành mạnh, an toàn, có kỷ cương pháp luật và trong môi trường thiên nhiên được gìn giữ, không bị ô nhiễm, bị tàn phá; tệ quan liêu, tham nhũng và các tệ nạn xã hội được đẩy lùi

Bốn là, trẻ em, thanh niên được học hành, người đau yếu được chữa bệnh, người nghèo khổ được giúp đỡ.

Năm là, nền kinh tế tăng trưởng cao và bền vững, đất nước phát triển toàn diện, có đóng góp và có vị trí xứng đáng trong khu vực và trên thế giới”[6].

Năm nội dung đó thể hiện rõ mục tiêu, định hướng mọi hoạt động của Chính phủ phải đều nhằm đáp ứng các nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tất cả vì con người Việt Nam.

Với tấm lòng yêu thương nhân dân hết mực, Thủ tướng đã lãnh đạo Chính phủ có các quyết sách quan trọng về an sinh xã hội, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình “xóa đói giảm nghèo”, tăng đầu tư ngân sách và các nguồn lực của Nhà nước cũng như xây dựng các cơ chế chính sách để đẩy mạnh xã hội hóa công tác “xóa đói giảm nghèo” hỗ trợ, tạo điều kiện, khuyến khích vươn lên thoát nghèo, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Làm việc với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các đồng chí lãnh đạo ngành nông nghiệp và địa phương phải đi xuống với dân, tìm hiểu rõ những điều kiện cụ thể ở từng địa phương, tổ chức giúp đỡ, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân phát triển sản xuất ổn định, tăng thu nhập, sớm thoát đói, giảm nghèo bền vững.

Để ngăn chặn những hoạt động quấy phá của một số thế lực đội lốt tôn giáo, đồng chí yêu cầu chính quyền cần tích cực, chủ động chăm lo đời sống tinh thần, đảm bảo tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho bà con, chứ không để cho các thế lực xấu lợi dụng. Có thể nói, đó là cách xử lý hết sức nhân văn và đi vào giải quyết tận gốc vấn đề, củng cố niềm tin của đồng bào theo đạo vào Đảng và Chính phủ, góp phần giữ vững được ổn định chính trị.

Vốn tính khí khiêm nhường và chừng mực, đồng chí luôn chân tình, thường xuyên thăm hỏi, động viên, lắng nghe ý kiến của nhân dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Dù khi đương chức, giữ các trọng trách Đảng, Nhà nước giao phó hay thôi chức, nghỉ hưu theo chế độ, đồng chí luôn sống hòa đồng và được mọi người yêu quý, trân trọng. Đồng chí luôn luôn day dứt là nước ta còn nghèo, bà con nông dân, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người còn chịu quá nhiều cơ cực, nhọc nhằn. Những năm tháng trước khi mất, đồng chí vẫn tích cực kêu gọi xây dựng những công trình văn hóa, xã hội, nhà ở cho người nghèo, phục vụ thiết thực cho đời sống của bà con.

Nhìn lại suốt chặng đường cống hiến cho Đảng, cho cách mạng, cho đất nước của Thủ tướng Phan Văn Khải, chúng ta nhận thấy nổi bật ở đồng chí một tư tưởng đổi mới, một tư duy lãnh đạo kinh tế sâu sắc, lấy hiệu quả làm thước đo, một nhân cách lớn từ con người luôn vì dân, trọng dân và tin dân. Đồng chí đã thực hiện trọn vẹn lời hứa “nguyện trung thành với Tổ quốc, đem hết tinh thần, năng lực phục vụ nhân dân, phục vụ Đảng, cố gắng đến mức cao nhất hoàn thành tốt  nhiệm vụ trên cương vị mới, coi đó là  nghĩa vụ thêng liêng của mình”[7].

TS. Lê Thị Hằng
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
(Theo https://www.tuyengiao.vn/)

 

[1] Từ năm 1976 đến năm 1984, đồng chí Phan Văn Khải lần lượt giữ các chức vụ: Phó Chủ nhiệm, Chủ nhiệm Ủy ban kế hoạch thành phố, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; từ năm 1985 đến năm 1989, là Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

[2] Chỉ trong ngày 21-1-1981, Hội đồng Chính phủ ban hành hai quyết định quan trọng: Quyết định số 25-CP Về việc mở rộng hình thức trả lương khoán, lương sản phẩm và vận dụng các hình thức tiền thưởng trong các đơn vị sản xuất, kinh doanh của Nhà nước; Quyết định số 26-CP Về một số chủ trương và biện pháp nhằm phát huy quyền chủ động sản xuất kinh doanh và quyền tự chủ về tài chính của các xí nghiệp quốc doanh.

[3] Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh - Viện Kinh tế: Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh 25 năm xây dựng và phát triển (1975-2000), Tp. Hồ Chí Minh, 2000, tr. 69-70.

[4] UNDP - Economic Committee of the National Assembly: Public Bebt and Sustainability in Vietnam: The past, present and the future, Knowledge Publishing House, 2013, tr. 36

[5] Phan Văn Khải: Phát triển đất nước nhanh và bên vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nxb CTQG, H, 2002, tr. 19

[6] Phan Văn Khải: Phát triển đất nước nhanh và bên vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 19

[7] Phan Văn Khải: Phát triển đất nước nhanh và bên vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Sđd, tr. 13

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây