Vững bước vượt sóng bằng nội lực

Thứ ba - 26/12/2023 04:22 162 0
Năm 2023 ghi nhận nhiều kết quả đáng khích lệ của Việt Nam, trong bối cảnh bấp bênh của thế giới do hàng loạt biến động phức tạp, bất ngờ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân chụp ảnh chung với các đại biểu Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân cùng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân chụp ảnh chung với các đại biểu Việt Nam - Trung Quốc. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Quan hệ đối ngoại rộng mở, đánh dấu bằng việc nâng cấp quan hệ với nhiều đối tác quan trọng trên thế giới, trong khi nền kinh tế vẫn duy trì được đà phục hồi tăng trưởng. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, tổ chức quốc tế, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh toàn cầu năm nay.

Nâng tầm vị thế

Sôi nổi, thực chất và hiệu quả  - có thể đánh giá khái quát như vậy về hoạt động ngoại giao của Việt Nam trong năm 2023. Các lãnh đạo Việt Nam thực hiện hàng chục chuyến công tác nước ngoài, tham dự nhiều sự kiện khu vực và quốc tế, gặp gỡ song phương với các đối tác quan trọng; Người đứng đầu nhiều nước và tổ chức quốc tế tới Việt Nam, trong đó có hai chuyến thăm những tháng cuối năm của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Hàng trăm hoạt động giao lưu, sự kiện kỷ niệm năm tròn, năm chẵn thiết lập quan hệ ngoại giao diễn ra sôi nổi, liên tục tại Việt Nam và tại các nước đối tác lớn, các bạn bè truyền thống, hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp xuất hiện nhiều hơn trên các phương tiện truyền thông quốc tế và đến gần hơn với người dân khắp nơi trên thế giới. Ông Grigory Trofimchuk, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ Nghiên cứu Khoa học Ý tưởng Á-Âu của Nga đánh giá, Việt Nam đang vươn tầm ảnh hưởng ra hầu hết các châu lục trên thế giới, đến tận Trung Đông, châu Phi với nhiều mức độ hợp tác khác nhau và đa dạng về lĩnh vực.  

Năm 2023 cũng là dấu mốc của bước chuyển về chất trong quan hệ giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới. Tháng 9, nhân chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden, quan hệ Việt-Mỹ được nâng lên thành Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Tháng 11, Việt Nam và Nhật Bản nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới, nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Nhật Bản. Theo Tiến sĩ Ruvislei González Saez thuộc Trung tâm Nghiên cứu chính sách quốc tế của Cuba (CIPI), việc nâng tầm quan hệ với các đối tác quan trọng trên trường quốc tế đánh dấu một năm đặc biệt thành công của ngoại giao Việt Nam. Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh thế giới phức tạp, việc duy trì sự độc lập trong chính sách đối ngoại một cách trung lập nhưng không từ bỏ các nguyên tắc bảo vệ một thế giới công bằng hơn, trong đó mọi người đều được tôn trọng, bất kể quy mô của đất nước, là đường lối đúng đắn của ngoại giao Việt Nam. 

Chiều 10/9/2023, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN
Chiều 10/9/2023, tại Văn phòng Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội đàm với Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joseph R. Biden, Jr. thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN

Tiến sĩ Beak Yong-hun, Phó Giáo sư Việt Nam học thuộc Khoa Nghiên cứu châu Á và Trung Đông thuộc Đại học Dankook (Hàn Quốc), nhận định cùng với các khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện đã được xác lập trước đó với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Hàn Quốc, những bước tiến mới trong năm 2023 cho thấy Việt Nam đang tiếp tục theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng, đậm bản sắc “ngoại giao cây tre”. Danh sách đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện ngày càng được mở rộng cho thấy niềm tin của các nước đối với Việt Nam, khẳng định và củng cố vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. 

Trong khi đó, Tiến sĩ Bharti Chhibber, chuyên gia Ấn Độ nghiên cứu về Việt Nam nhấn mạnh Việt Nam đang nổi lên với chính sách đối ngoại thành công, nổi lên là chủ thể quan trọng trong thế giới đa cực, trường phái "ngoại giao cây tre" cùng với chính sách đối ngoại linh hoạt đã mang lại nhiều thành tựu trong các mối quan hệ quốc tế trong năm nay.

Cùng với hoạt động tích cực, chủ động giúp khẳng định vai trò vị thế trong các khuôn khổ, diễn đàn đa phương, bước tiến trong các mối quan hệ song phương góp phần hoàn chỉnh bức tranh đối ngoại Việt Nam năm 2023 với gam màu tươi sáng.

Nội lực kiên cường

Trong bối cảnh tình hình thế giới năm 2023 biến động liên tục và phức tạp, có thể nói sự vững vàng trên mặt trận đối ngoại đã tạo thêm động lực, mở ra nhiều cơ hội phát triển mới cho kinh tế-xã hội Việt Nam. Trong các cuộc trao đổi với phóng viên TTXVN, các chuyên gia bình luận quốc tế đều cho rằng sự quan tâm, chú ý dành cho Việt Nam sau các hoạt động đối ngoại trong năm đã được cụ thể hóa thành những cơ hội hợp tác đầu tư kinh doanh, những nguồn lực từ bên ngoài giúp Việt Nam phát triển kinh tế-xã hội. Theo Giáo sư Tiến sĩ  Bharti Chhibber, số lượng lớn các chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo Việt Nam tới các đối tác chiến lược và láng giềng đã tạo dựng lòng tin và củng cố hợp tác trên các lĩnh vực rộng lớn hơn. Việt Nam tiếp tục nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Việc nâng cấp quan hệ với các nước, trong đó có Mỹ và Nhật Bản, được đánh giá là đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tiến sĩ Ruvislei González Saez phân tích Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với thặng dư thương mại lớn cũng như những cơ hội mới mở ra trong việc phát triển hợp tác trên nhiều lĩnh vực như giáo dục, y tế, biến đổi khí hậu, an ninh, quốc phòng. Trong khi đó, Nhật Bản đóng vai trò rất quan trọng về cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) và là một trong những nhà đầu tư quan trọng nhất kể từ khi Việt Nam bắt đầu công cuộc Đổi mới. Các mối quan hệ song phương đã được thúc đẩy đáng kể trong thời gian gần đây, bao gồm khoa học - công nghệ, giáo dục, văn hóa, quốc phòng...

Đón nhận nhiều cơ hội phát triển từ những bước tiến trong lĩnh vực đối ngoại, nhưng ở chiều ngược lại, sự ổn định và tăng trưởng của kinh tế Việt Nam cũng là nền tảng quan trọng để các nước đặt niềm tin, sẵn sàng mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác. Giữa lúc kinh tế toàn cầu đối mặt với nhiều thách thức, các chuyên gia và truyền thông quốc tế đánh giá Việt Nam đã cho thấy sự vững vàng, sẵn sàng vượt sóng để trở thành một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng tích cực của thế giới.         

Trong bức tranh suy giảm kinh tế toàn cầu năm nay, Đông Nam Á được xem là điểm sáng, trong đó Việt Nam cùng với Malaysia, Philippines và Singapore thuộc nhóm đạt tốc độ tăng trưởng cao. Ông Yasuhiro Nojima, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt –Nhật khẳng định sức mạnh kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn, và nếu xét về tiềm năng, theo ông, có thể nói Việt Nam là nước tỏa sáng nhất trong các nước ASEAN.

 

Xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại Cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 4,7% trong năm nay, trước khi phục hồi về mức 5,5% trong năm tới  và 6,0% năm 2025. Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Andrea Coppola đánh giá tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có thể xem là mức kỳ vọng đối với nhiều quốc gia khác. Trong khi đó, báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 5,2% trong năm 2023 và duy trì ở mức 6% trong năm tới – mức khá tốt so với nhiều nước trong khu vực. Lạm phát được đánh giá là được kiểm soát tương đối tốt ở mức 3,8%, thấp hơn mục tiêu 4%.

Đánh giá về kinh tế Việt Nam năm 2023, các chuyên gia WB, ADB đã mô tả  bằng những từ ngữ như “kiên cường”, “trụ vững” “sức chống chịu mạnh mẽ” trước những “cú sốc suy thoái” hay “cơn gió ngược”, với động lực cho sự phục hồi là xuất khẩu, giải ngân đầu tư công và tiêu dùng tư nhân. Theo số liệu của Liên minh châu Âu (EU), sau 3 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 50%, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu ASEAN đối với EU.  

Có thể nói, Việt Nam đang chủ động và vững bước trên hành trình khẳng định tiếng nói, vai trò, vị thế ngày càng gia tăng trên trường quốc tế; thu hút hiệu quả các nguồn lực bên ngoài cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội. Với những mối quan hệ ngày càng được mở rộng, thực chất và hiệu quả, với uy tín chính trị ngày càng được củng cố trong mắt bạn bè, đối tác quốc tế, Việt Nam đón chào năm mới 2024 với tâm thế tự tin, khí thế sẵn sàng vượt qua những khó khăn, tiếp tục khẳng định là thành viên chủ động, tích cực và trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Đây cũng sẽ là nền tảng vững chắc để Việt Nam gặt hái thêm những kết quả tích cực về kinh tế-xã hội trong những năm tiếp theo.

Theo TTXVN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây