Tăng nguồn lực cho Cần Thơ bằng cơ chế, chính sách đặc thù

Thứ sáu - 10/12/2021 23:01 212 0
Ngày 17/11/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP về đề nghị xây dựng nghị quyết và dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Dự thảo nhằm cụ thể quan điểm, chủ trương và chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, ngày 5-8-2020, về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây sẽ là động lực phát triển mới cho thành phố.
Tăng nguồn lực cho Cần Thơ bằng cơ chế, chính sách đặc thù
Tăng tính chủ động
Nghị quyết số 59-NQ/TW tiếp tục xác định Cần Thơ là trung tâm động lực vùng ĐBSCL, nhưng kinh tế của thành phố hiện phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực. Trong điều kiện hiện tại, việc huy động nguồn lực từ xã hội cho đầu tư, phát triển thành phố gặp rất nhiều khó khăn; nguồn lực phân bổ từ ngân sách Trung ương chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Mục tiêu thành phố trong giai đoạn 2021-2030, tăng trưởng GRDP đạt mức trên 7%/năm; vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%/năm. Năm 2020, tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn thực hiện 26.480 tỉ đồng; ước năm 2021 thực hiện khoảng 29.500 tỉ đồng. Có thể thấy, nguồn lực này khó đáp ứng cho quá trình tăng tốc phát triển của thành phố.
Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, năm 2021, quy mô nền kinh tế thành phố thực hiện đạt 90.194 tỉ đồng, giảm 0,62% so với năm 2020, do tác động của dịch COVID-19 ảnh hưởng đến huy động các nguồn lực đầu tư từ xã hội và sự phát triển của doanh nghiệp. Điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến cả giai đoạn tăng trưởng 2021-2025 của thành phố, nên thành phố cần thêm nguồn lực mới để đạt mục tiêu trở thành đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL.
Thực tế, thời gian qua, việc thực hiện Nghị định 103/2018/NĐ-CP ngày 7-8-2018 của Chính phủ quy định một số cơ chế, đặc thù về đầu tư tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Cần Thơ cũng gặp một số khó khăn. Theo báo của UBND thành phố, cơ chế đặc thù chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho sự phát triển của thành phố, nhất là thu hút đầu tư do chịu ảnh hưởng bởi Luật Ngân sách và những biến động phức tạp khác. Vì vậy, xây dựng Cần Thơ thành trung tâm động lực vùng cần cơ chế, chính sách mạnh hơn nhằm tăng tình tự chủ cho thành phố, nhằm hoàn thành những mục tiêu mà Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra.
Theo đó, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ được xây dựng dựa trên 5 quan điểm. Thứ nhất là yêu cầu phù hợp với Nghị quyết 59-NQ/TW của Bộ Chính trị, với các cam kết, điều ước quốc tế Việt Nam đã ký kết. Hai là chỉ quy định một số cơ chế, chính sách phù hợp, thực sự cần thiết đối với yêu cầu phát triển của TP Cần Thơ thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành. Ba là đẩy mạnh phân cấp, tăng tính tự chủ, trách nhiệm của chính quyền thành phố; đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, HĐND các cấp của thành phố; việc thí điểm ban hành các chính sách mới phải được đồng thuận của người dân và doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, không ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư, kinh doanh… Thứ tư, cơ chế, chính sách đặc thù phải phù hợp với bối cảnh thực tiễn phát triển tại địa phương, khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước, từng bước giải quyết các thách thức, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn phát triển mới. Thứ năm, cơ chế, chính sách đặc thù phải bảo đảm tính tương đồng với các chính sách của một số thành phố lớn khác trong cả nước. Dự thảo dự kiến sẽ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường tới đây. Đây thực sự là cơ hội, nếu Cần Thơ tận dụng tốt cơ chế này.
1 2
 
1 3


Mở ra nhiều cơ hội
Theo dự thảo nghị quyết của Quốc hội, cơ chế đặc thụ về tài chính - ngân sách, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách mới, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất cấp thẩm quyền xem xét, quyết định tỷ lệ điều tiết cho ngân sách thành phố để đảm bảo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và các dự án liên vùng ĐBSCL. Thành phố được hưởng 70% nguồn thu đối với thuế bảo vệ môi trường một số sản phẩm…; Ngân sách thành phố được bổ sung có mục tiêu tương ứng 70% số tăng thu ngân sách Trung ương từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách thành phố so với dự toán Thủ tướng giao…; HDND thành phố được quyết định áp dụng một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm địa phương…
Về cơ chế huy động các nguồn vốn, sử dụng Quỹ dự trữ tài chính theo dự thảo cũng mở hơn. Đồng thời, quản lý quy hoạch, xây dựng; quản lý đất đai; quản lý hệ thống tổ chức, bộ máy; đầu tư thành phố được Trung ương phân quyền, cho phép UBND thành phố quyết định một số vấn đề về điều chỉnh dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị tại các đô thị từ loại 3 trở lên, rút ngắn quy trình bồi thường, hỗ trợ tái định cư,… nhằm tăng tính chủ động cho thành phố. Đồng thời có thể khai thác thêm nguồn thu từ đất đai thông qua đó để tăng nguồn lực phát triển.
TS Huỳnh Văn Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, nhận định: “Để đạt được mục tiêu và tầm nhìn phát triển Cần Thơ là thành phố trung tâm vùng ĐBSCL, Nghị quyết 59-NQ/TW cũng nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp của TP Cần Thơ là xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp với năng lực của thành phố và “có tính tương đồng với các thành phố trực thuộc Trung ương khác trong cả nước”. Điều này cũng cho thấy Trung ương đặc biệt quan tâm và tạo cơ chế thuận lợi cho Cần Thơ khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực để trở thành trung tâm vùng. Cơ chế này cho phép chúng ta kỳ vọng Cần Thơ sẽ phát triển mạnh mẽ, đóng góp cho sự phát triển chung của vùng ĐBSCL và cả nước”.
Theo TS Huỳnh Văn Tùng, để tận dụng hiệu quả cơ chế chính sách này khi được Quốc hội thông qua, thành phố cần xác định các trọng tâm trong chiến lược phát triển, ưu tiên các nguồn vốn và thu hút đầu tư. Thứ nhất là đầu tư hạ tầng cơ sở, chú trọng các công trình giao thông kết nối, hạ tầng đô thị hiện đại và gắn với phát triển trung tâm du lịch. Thứ hai là đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà thành phố đang có lợi thế theo hướng chuyên sâu như: thương mại, dịch vụ (y tế, giáo dục, logistics, du lịch, khoa học và công nghệ…), công nghiệp chế biến nông thủy sản, nông nghiệp chất lượng cao… Thứ ba, tận dụng cơ chế, chính sách đặc thù để nhanh chóng phát triển các tiềm lực khoa học và công nghệ. Thứ tư, tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính và cải thiện chất lượng môi trường đầu tư kinh doanh. Cuối cùng là tăng cường quảng bá, tạo điều kiện thuận lợi và nâng cao vai trò của các trung tâm, hiệp hội doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại.
1 1
TP Cần Thơ cần thêm nguồn lực đầu tư để phát triển thành trung tâm ĐBSCL.
TP Cần Thơ đã khởi động Dự án “Quy hoạch thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, quy hoạch tích hợp này sẽ giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa 3 trụ cột phát triển gồm: kinh tế - xã hội - môi trường. Song, phát triển hài hòa 3 trụ cột cần nguồn lực đầu tư rất lớn. Giải trình tại kỳ họp HĐND TP Cần Thơ lần thứ 4, ngày 7-12-2021, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Dương Tấn Hiển, thông tin Quy hoạch đã thực hiện xong kỳ đầu, đang thực hiện gần xong kỳ giữa và sẽ báo cáo UBND thành phố tháng 1-2022. Công tác quy hoạch tiến hành chậm so kế hoạch, do quy hoạch quá mới, cần có thời gian tiếp cận, lựa chọn thầu, một phần cũng ảnh hưởng của dịch COVID-19. Dự kiến quy hoạch hoàn thành trình Chính phủ trong tháng 6-2022. “Quy hoạch hoàn thành sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển. Tới đây, nếu Quốc hội thông qua nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ sẽ tăng nguồn lực đầu tư cho thành phố; đồng thời các dự án giao thông lớn được Trung ương đầu tư tại Cần Thơ và các tuyến giao thông kết nối sẽ tạo lực đẩy thu hút đầu tư vào thành phố thành phố” - ông Hiển cho biết.

Nguồn tin: Bài, ảnh: Gia Bảo/Báo Cần Thơ

Liên kết
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập103
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm97
  • Hôm nay19,861
  • Tháng hiện tại617,842
  • Tổng lượt truy cập5,646,986
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây